Ghé thăm Sủng Là
Đến với Hà Giang, du khách hẳn sẽ có cảm giác choáng ngợp với với vẻ đẹp của núi non hùng vĩ, trùng điệp; những con đường, con đèo quanh co…
Nhưng Hà Giang cũng có một thung lũng đẹp, là điểm dừng chân của nhiều du khách – thung lũng Sủng Là mang vẻ đẹp đầy mê hoặc của một kiệt tác thiên nhiên.
Cổng nhà Pao trong bộ phim “Chuyện nhà Pao” là địa điểm check-in không thể bỏ qua của du khách khi du xuân Hà Giang.
Từ huyện Yên Minh lên thị trấn Đồng Văn, đi qua con đường đèo cua gấp khúc, đến ngã ba Phố Bảng, đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống, du khách sẽ thấy thung lũng Sủng Là nằm trọn trong tầm mắt. Sủng Là nằm trên quốc lộ 4C cách huyện Đồng Văn 20km và cách TP Hà Giang 127km.
Video đang HOT
Sủng Là – theo tiếng của người dân tộc có ý nghĩa là “ốc đảo” và được coi là xã vùng cao đẹp nhất Cao nguyên đá Đồng Văn. Nhìn từ trên cao, Sủng Là nằm yên bình giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô sẫm màu, đan xen là những ngôi nhà trình tường độc đáo với phần mái đã ngả màu theo thời gian.
Trên mạng xã hội, mỗi khi ai đó nhắc đến Sủng Là thường đăng kèm những bức ảnh về các cô bé gùi hoa rất đẹp. Thêm vào đó là cuộc sống yên bình của những người dân tộc nơi đây… Vào những tháng cuối năm, những vạt hoa tam giác mạch bung sắc lại càng khiến người ta ngẩn ngơ nhớ về Sủng Là…
2 mùa đẹp nhất ở Sủng Là mà dân du lịch rỉ tai nhau đó là mùa xuân và cuối thu, đầu đông. Đến đây vào mùa xuân, du khách sẽ thấy Sủng Là tràn đầy sức sống với những vạt hoa nở khắp thung lũng, xua tan không khí lạnh lẽo và khô cằn của cao nguyên đá. Khi ấy, khắp thung lũng Sủng Là rực rỡ với sắc trắng của hoa mận, hoa lê hay sắc hồng phớt kiêu kỳ của đào rừng… Còn đến đây vào đầu đông, sắc tím phớt hồng của những ruộng hoa tam giác lại mang tới cho du khách một vẻ đẹp nguyên sơ, bình dị và rất đỗi thơ mộng.
Điểm đến được nhiều du khách dừng chân khi đến với Sủng Là đó là làng Lũng Cẩm – nơi sinh sống của khoảng 60 hộ dân thuộc các dân tộc khác nhau như Mông, Lô Lô, Hán. Ở đây có những ngôi nhà trình tường nổi tiếng, được làm cách đây gần 100 năm. Bên cạnh những nếp nhà trình tường, còn được điểm tô bởi cây đào, cây sa mu, màu ngói xám hòa lẫn trong màu xám của núi đá, sắc màu thổ cẩm, những bộ váy áo sặc sỡ sắc màu của các cô gái dân tộc Mông, Lô Lô và Hán như những bông hoa của núi rừng. Tất cả tạo nên bức tranh đẹp trên Cao nguyên đá Đồng Văn làm mê đắm lòng người.
Đến Lũng Cẩm, du khách thích thú với những sinh hoạt bình dị của người dân tộc, tìm hiểu được nhiều điều thú vị. Ở đây, người Mông chiếm 85% dân số. Bà con còn lưu giữ rất nhiều bài hát của dân tộc mình với những bài dân ca, dân vũ, nhạc cụ đặc trưng của dân tộc. Lũng Cẩm được bao bọc bởi nhiều dãy núi đá trùng điệp, như bức “tường thành” che chở cho làng. Đan xen với rừng đá là những nương ngô. Bà con vẫn chăm chỉ cày cuốc trên những hốc đá để trồng cấy giúp ổn định nguồn lương thực cho cuộc sống hàng ngày.
Một điểm đến mà du khách không thể không dừng chân, đó là “nhà của Pao”. Đây là ngôi nhà nằm trong làng văn hóa Lũng Cẩm, đã từng được đoàn làm phim “Chuyện của Pao” chọn làm địa điểm ghi hình. Sau khi phim công chiếu, địa điểm này càng được nhiều bạn trẻ và du khách nước ngoài tìm đến nhiều hơn. Ngôi nhà với 3 dãy hình chữ U tạo cảm giác ấm cúng và sống lại những khuôn hình trong bộ phim nổi tiếng. Bước chân vào gian chính của ngôi nhà có tuổi đời trên 100 năm này, du khách sẽ thấy ngôi nhà có nhiều phòng khác nhau: phòng khách, phòng ở, nhà kho, bếp và một khu để nuôi gia súc, gia cầm. Hiện vẫn có một gia đình đa thế hệ sinh sống nơi đây…
Cách đó khoảng 6km, du khách có thể đến thăm thôn Lao Xa với nghề chạm bạc có tiếng của vùng. Ở đây có những nghệ nhân chạm bạc với gương mặt đã hằn lên dấu vết của thời gian, nhưng đôi tay lại ngày càng khéo léo, ánh mắt càng tinh anh, ngày ngày cần mẫn làm ra những sản phẩm thủ công tinh xảo. Mùa xuân đến, Lao Xa bừng sáng cả một góc cao nguyên đá bởi sắc đỏ hồng của hoa đào…
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhờ du lịch phát triển, Sủng Là đã dần “thay da đổi thịt”, đời sống người dân có sự chuyển biến tích cực về mọi mặt. Một thống kê cho thấy, hàng năm thung lũng nhỏ bé này thu hút trên 15.000 lượt khách tới tham quan, trải nghiệm.
Kỳ thú Hang Luồn - Ao Dong (Hà Nam)
Từ thị xã Phủ Lý qua cầu Hồng Phú, theo quốc lộ 21, đến cây số 11, rẽ trái 500m là tới hang.
Trước cửa hang, có hai quả núi thấp đứng đối nhau tạo nên một cửa đá đồ sộ chắn ngang trước cửa hang. Mặt bằng trước hai quả núi này rất rộng, đây là một điểm dừng chân lý tưởng để ngắm toàn cảnh khu vực núi non và hang Luồn.
Đây là khu vực được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi cao, ở giữa thung lũng này nổi lên một dãy núi thấp, dãy núi này có hang Luồn. Miệng hang Luồn chính là mặt trước của dãy núi nhìn ra cửa đá. Trước mặt hang là một bãi đất rộng có một con kênh lớn chứa nhiều nước. Về mùa mưa, đây là một bến thuyền. Mùa cạn có thể vừa đi thuyền, vừa đi bộ xuống cửa hang. Nguồn nước ở đây từ các khe núi cao đổ xuống, tỏa vào các kênh, các mạch ngầm rồi dẫn ra sông Đáy. Chính vì vậy, nước rất trong và sạch, có thể nhìn thấu đáy. Về mùa mưa, nước dâng lên sát trần hang nhưng cũng chỉ chốc lát là rút hết, chỉ giữ lại một lượng nước vừa đủ để vào hang.
Miệng hang Luồn có hình vòm vách núi, chỗ nhô ra, chỗ lõm vào, chỗ thì chạy thẳng xuống lòng hang, vách thì uốn cong. Đặc biệt có vô số các nhũ đá hình thù muôn vẻ, cái từ trần hang rủ xuống, cái từ vách đá chồi ra kéo dài suốt chiều dài cửa hang. Chiều dài hang Luồn khoảng 400m, chiều rộng của hang vừa đủ cho một đoàn khách đi thuyền ngắm các vách núi với các nhũ đá kỳ lạ và nghe tiếng nước rỏ tí tách. Trong ánh sáng mờ ảo du khách sẽ cảm thấy bập bềnh, rồi du thuyền sẽ đưa du khách tới một không gian mở ra choáng ngợp khi gặp ao Dong.
Ao Dong rộng khoảng 300 mẫu, nước trong vắt có thể nhìn thấy từng con cá bơi, thấy cả thảm thực vật, đặc biệt là các loài rong núi, ngay cả ở mực nước sâu tới 3m. Ao Dong được tạo nên bởi các dãy núi cao, với rừng cây bên sườn núi. Động vật ở đây khá đa dạng, cỏ trắng, sơn dương rất nhiều tạo thêm sự sinh động hấp dẫn cho cảnh quan. Các ngọn núi in bóng xuống làn nước trong vắt của ao Dong tạo nên một bức tranh sơn thuỷ hữu tình.
Hang Luồn, ao Dong với sự kết hợp hài hòa của núi non cây cỏ, trời xanh, nước biếc, quần thể động thực vật hoang dã phong phú là điểm du lịch sinh thái có giá trị của tỉnh Hà Nam.
Hà Giang: Lũng Cẩm Trên từng bước cho du lịch bền vững Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lũng Cẩm Trên thuộc xã Sủng Là - một thung lũng nằm trọn trong cao nguyên đá Đồng Văn, nằm trên quốc lộ 4C. Làng Lũng Cẩm được nhiều người gọi với cái tên như 'thung lũng nơi đá nở hoa' hay còn được nhiều người ví nơi đây như đóa hồng của vùng cao...