Ghế nóng: Bản lĩnh người lính
Những ngày qua, trung vệ Nguyễn Thanh Bình (thuộc biên chế Viettel FC) là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Với bàn thắng ghi được trong trận đội tuyển Việt Nam hòa đội tuyển Nhật Bản 1-1 tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, Thanh Bình đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc. Bởi trước đó, chính cầu thủ này đã bị chỉ trích vì mắc sai lầm trong trận đội tuyển Việt Nam thua Trung Quốc 2-3, diễn ra vào tháng 10-2021.
Trước Thanh Bình, một cầu thủ khác của Viettel FC là Nguyễn Hoàng Đức cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hoàng Đức gây thất vọng lớn khi bỏ lỡ cơ hội ghi bàn “không thể tin được” trong trận U.20 Việt Nam hòa U.20 New Zealand 0-0 tại vòng chung kết U.20 World Cup 2017. Sau cú vấp ngã để đời đó, Hoàng Đức đã kiên trì rèn luyện bản lĩnh và trình độ để vươn tầm trở thành tiền vệ trung tâm hàng đầu, xuất sắc giành danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam năm 2021.
Nguyễn Thanh Bình (ngoài cùng bên trái) bất ngờ được giữ lại đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Bóng đá.
Điểm chung giữa Thanh Bình và Hoàng Đức là cả hai đều phải hứng chịu “gạch đá” từ dư luận, nhưng đã biết vượt qua chính mình để chứng tỏ được năng lực. Tuy nhiên, không phải cầu thủ nào cũng bản lĩnh và may mắn như Thanh Bình và Hoàng Đức. Trong lịch sử bóng đá Việt Nam và thế giới, có rất nhiều cầu thủ đã đánh mất cả sự nghiệp vì mắc lỗi trong trận đấu quan trọng. Và cũng có nhiều cầu thủ trẻ trở thành nạn nhân của truyền thông khi bị chỉ trích hoặc tung hô quá mức. Việc Hoàng Đức và Thanh Bình vượt qua khó khăn trên đều có nguyên do.
Từng chứng kiến quá trình tuyển chọn và đào tạo cầu thủ năng khiếu của Viettel FC, chúng tôi thấy rằng, chính phương pháp rèn luyện trong môi trường quân đội đã giúp những cầu thủ như Hoàng Đức tôi luyện ý chí, sự dẻo dai và bền bỉ để vượt qua khó khăn. Theo đó, những cầu thủ năng khiếu được tuyển chọn vào Trung tâm Thể thao Viettel (đơn vị chủ quản của Viettel FC) sẽ phải trải qua một quy trình sàng lọc khắt khe, phải đáp ứng đủ 4 tiêu chí: Văn hóa, thể lực, kỷ luật và chuyên môn. Viettel FC đề cao việc giáo dục văn hóa, lối sống và cách cư xử cho cầu thủ năng khiếu, trong đó chú trọng vấn đề thể lực với các giáo án huấn luyện và bài tập giống như trong môi trường quân đội, gồm: 11 chế độ ngày và 3 chế độ tuần.
Cũng bởi rèn luyện trong môi trường quân đội, thực hiện các chế độ, nhiệm vụ như những người lính nên các cầu thủ Viettel FC luôn “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”. Sau nhiều năm kiên trì rèn quân theo phương pháp này, kể từ mùa bóng 2022, Viettel FC tự tin sử dụng nhiều cầu thủ trẻ do họ tự đào tạo ra thay vì dốc tiền mua sắm “bom tấn” như trước đây. Sau thế hệ của những Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Đức Chiến, Viettel FC hiện có những tài năng đầy triển vọng đã sớm khẳng định được giá trị, như: Trần Danh Trung, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Hữu Thắng, Nhâm Mạnh Dũng.
Trong thể thao, đặc biệt là bóng đá, bản lĩnh thi đấu của mỗi vận động viên có yếu tố quyết định đến sự thành bại của một trận đấu và giải đấu. Câu chuyện trên của Hoàng Đức và Thanh Bình là một bài học cho nhiều cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam trong quá trình rèn luyện và trưởng thành. Trong đời cầu thủ, vấp ngã là chuyện thường, nhưng biết đối mặt với khó khăn để vượt lên chính mình mới là người có bản lĩnh.
Nguyễn Thanh Bình đứng dậy từ sai lầm
Nguyễn Thanh Bình không phải là cái tên nổi bật nhất ở giải trẻ, nhưng luôn được các huấn luyện viên đánh giá cao.
Phút 19 trong trận đấu cuối của tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, trên đất Nhật Bản, trung vệ Nguyễn Thanh Bình chọn vị trí chính xác và cú bật cao đánh đầu của anh đem về bàn thắng dẫn trước cho đội nhà.
Đây không phải lần đầu tiên cầu thủ quê Thái Bình gây ấn tượng trong màu áo tuyển Việt Nam. Anh là cầu thủ trẻ nhất trong các học trò của huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo tại vòng loại lần này và ở lần thứ 3 được triệu tập, cầu thủ này có màn ra mắt đội tuyển Việt Nam không đến nỗi tệ, với 14 phút trước Australia trên sân Mỹ Đình hôm 7/9. Đến trận đấu thứ 3 của mình, Thanh Bình tiếp tục để lại ấn tượng mạnh mẽ hơn bằng bàn thắng vào lưới đội chủ nhà Nhật Bản.
Thanh Bình sở hữu thể hình lý tưởng (cao 1,83 m, nặng 73 kg), được đào tạo trong môi trường hàng đầu Việt Nam. Từng giành ngôi á quân U19 Quốc gia, vô địch U21 Quốc gia và được triệu tập lên U19 Việt Nam, cầu thủ của CLB Viettel được đánh giá cao bởi lối chơi hiện đại, khả năng phán đoán tốt và nền tảng kỹ thuật cơ bản.
Nguyễn Thanh Bình đánh đầu mở tỷ số trận đấu.
HLV Thạch Bảo Khanh, người dẫn dắt Thanh Bình và đồng đội vô địch giải U21 Quốc gia 2021, từng dành những lời đánh giá cao cho cậu học trò: "Thanh Bình là trung vệ tiềm năng nhờ khả năng phán đoán tốt. Sau một mùa đá ở hạng Nhất cho CLB Bình Định theo dạng cho mượn, Bình đã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt".
Không chỉ ông thầy ở cấp CLB dành sự ưu ái, Thanh Bình còn được "Phù thủy trắng" Philippe Troussier chấm cho kế hoạch góp mặt tại World Cup khi còn làm việc tại Việt Nam. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, HLV Park cũng dành sự ưu ái cho trung vệ này. Ông loại cầu thủ trẻ hay nhất V.League 2020 Bùi Hoàng Việt Anh, nhưng giữ lại Thanh Bình.
Cầu thủ trẻ nhất tuyển Việt Nam ra mắt ấn tượng trước Australia, nhưng lại có màn thể hiện tệ hại trước tuyển Trung Quốc. Anh vào sân ở phút 72, thay thế đàn anh Bùi Tiến Dũng gặp chấn thương, và mắc lỗi trực tiếp dẫn tới 2 bàn thua của đội nhà. Sau trận đấu, anh bị điều chuyển xuống U22 Việt Nam chuẩn bị dự vòng loại châu Á.
Việc HLV Park đưa học trò xuống đội U22 chưa hẳn là án phạt cho Thanh Bình. Song, cầu thủ này phải chịu không ít áp lực sau những gì đã diễn ra. Thế rồi, ở giải đấu đúng với lứa tuổi của mình, Thanh Bình thể hiện khả năng, giúp hàng thủ U22 Việt Nam chắc chắn và đem đến sự yên tâm lớn cho đồng đội ở phía trên.
Thanh Bình ăn mừng bàn thắng cùng đồng đội.
Màn thể hiện trên đất Kyrgyzstan phần nào giúp Thanh Bình ghi lại điểm với ông thầy người Hàn Quốc. Dù vậy, anh vẫn phải chờ tới trận đấu cuối của vòng loại lần này, mới được ra sân.
Thanh Bình sinh năm 2000. So với những đồng nghiệp lứa như Nguyễn Hai Long, Nguyễn Hữu Thắng và Trần Danh Trung, Thanh Bình phát triển chậm hơn. Ở các giải đấu cấp độ trẻ, cầu thủ này cũng ít gây chú ý hơn. Dù vậy, anh lại đang có những bước nhảy vọt khi đã có 3 lần khoác áo đội tuyển Việt Nam.
Việc được vào sân ngày từ đầu, ở trận gặp Nhật Bản, với Thanh Bình có thể coi là cơ hội chuộc lỗi. Những gì anh chứng minh sau sai lầm trên đất Oman là một phần. Phần khác, hàng thủ tuyển Việt Nam đang khủng hoảng nhân sự. Đó là may mắn với trung vệ quê Thái Bình. Tất nhiên, may mắn chỉ đến với người xứng đáng và cầu thủ này vẫn đang nắm bắt tốt cơ hội, bằng bàn thắng cho đội nhà.
Thanh Bình đánh đầu tung lưới tuyển Nhật Bản Từ quả phạt góc, trung vệ sinh năm 2000 mở tỷ số cho tuyển Việt Nam trong trận gặp Nhật Bản ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á tối 29/3.
Nhà vô địch Thai League chưa có kế hoạch chiêu mộ Quang Hải Lãnh đạo của BG Pathum United được một số bên giới thiệu về Nguyễn Quang Hải, thế nhưng đội bóng Thái Lan đã từ chối. "Chúng tôi biết Quang Hải sẽ hết hợp đồng với đội chủ quản trong tháng tới. Vài người đã liên hệ với chúng tôi. Thế nhưng, mức lương và tiền lót tay của Quang Hải quá cao. Chúng...