Ghê người ‘công nghệ’ chế biến nhân bánh mì
Cận cảnh công đoạn chế biến bánh mì Doner Kebap tại các cửa hàng bánh mì được bán ở trước các cổng trường đại học, khu chợ, bến xe: “Bánh mì rau củ dầm dấm lên men thịt ướp trước…2 ngày”!
Rau lên men, thịt ướp trước… 2 ngày!
Tại những cửa hàng đã có “thương hiệu” như bánh mì viện Goethe, Hàng Bạc… thì công thức chế biến bánh và nguyên liệu khá đảm bảo chất lượng. Giá một chiếc bánh ở đây là 15.000- 20.000 đồng /chiếc. Có 2 loại bánh ăn kèm, bánh dài và bánh tam giác. Bánh dài có vẻ được ưa chuộng nhiều hơn, bên ngoài phủ một lớp vừng thơm phức. Salad cũng được chế biến khá cầu kì: dưa chuột, cà chua, hành tây, bắp cải tím và hành tây trộn chua ngọt…
Nước sốt được chế biến theo công thức “độc quyền”. Công đoạn ướp thịt cũng cầu kì, mất công và có kỹ thuật bảo quản. Những người chế biến món thịt nướng thường rang thảo quả và các nguyên liệu, gia vị khác, sau đó xay nhỏ ra và trộn theo một tỷ lệ hợp lý. Nguyên liệu khá quan trọng trong việc tạo nên hương vị đặc trưng của thịt nướng đó là rau mùi tây khô. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, rất nhiều cửa hàng bánh mì Doner Kebap, “công đoạn” chế biến… siêu bẩn.
Thịt và rau nếu không đảm bảo chất lượng rất dễ gây đau, chướng bụng (Ảnh minh họa)
Trinh “xoăn”, một đại lý bánh mì Doner Kebap gần khu vực bến xe cho biết: Mỗi ngày cửa hàng bán được 150 – 200 chiếc bánh mì. Sở dĩ, cửa hàng đông khách là do địa điểm giáp khu vực bến xe, đông người qua lại. Hàng được bán đến tận 3 giờ sáng hôm sau. Cũng bởi là chỗ quen biết nên Trinh “xoăn” không ngần ngại bật mí cho tôi về công đoạn chế biến bánh. Anh bảo, lượng khách đông, chủ yếu là khách vãng lai ghé vào quán ăn qua quýt cho xong bữa nên không quá kỹ tính về chất lượng.
Vì thế, bánh mì Doner Kebap được bán theo hình thức “cải tiến”, thịt chỉ vài lát mỏng, rau sống, tương ớt, nhiều khi chủ hàng bỏ một gia vị thơm ngon là… nước sốt. Thậm chí, chủ hàng còn dùng pa-tê kèm thêm vào bánh.
Mặc dù bánh “dán mác” Doner Kebap nhưng thực tế từ khâu chế biến thịt, dầm dấm rau củ cũng không tuân thủ theo đúng kỹ thuật. Rau, cà chua được rửa qua quýt. Thịt thì được tẩm ướp bằng những gia vị “hàng chợ”, không tạo mùi thơm, không đảm bảo vệ sinh. Trinh hồn nhiên bảo: “Chỉ riêng mua những gia vị tại các siêu thị để chế biến bánh cũng đã cụt hết…vốn. Thế cô tưởng toàn là thịt tươi rói à? Thịt gom chợ chiều cả thôi! “. Nghe Trinh nói mà tôi thấy ngao ngán cho cái sự “sạch” của thực phẩm đường phố.
Theo tìm hiểu của PV, thịt dùng ăn kèm bánh mì phải là thịt nạc vai dẻo và chắc, có lẫn chút mỡ để khi nướng miếng thịt không bị khô, xác và giữ được vị thơm ngon của gia vị. Nhưng để có giá cạnh tranh nhiều cửa hàng mua thịt loại 2, loại 3, thậm chí là thịt ôi ngoài chợ. Thịt được ướp trước 1-2 ngày, còn những thứ rau quả dầm dấm thì được làm sẵn từ tối hôm trước. Vì thế, khi bán những loại rau dầm dấm đã bị lên men, cà chua đã bị nẫu.
Video đang HOT
Còn nước sốt, tại các cửa hàng có uy tín, các loại nước sốt, tương ướt… được mua hàng công ty, có tem kiểm định, nhưng ở nhiều hàng bánh mì Doner Kebap dạo vỉa hè, họ mua các loại nước sốt, tương ớt rẻ tiền, không rõ nguồn gốc tại các chợ. Thậm chí là hàng bán theo… cân về pha chế.
Không những thế, một số cửa hàng pha chế nước sốt có trộn với sữa chua, bán cả ngày không đảm bảo vệ sinh… Điều rất nguy hiểm, nước sốt pha chế được nhiều cửa hàng “gia cố” với các thể loại biến tấu phong phú của những chất liệu khác được dùng ngày này qua ngày khác rất dễ đau, chướng bụng…
Thông thường, những người lấy hàng từ các đại lý lớn, một cây thịt nặng đến 12kg. Nếu bán chạy thì sẽ hết hàng. Tuy nhiên, những ngày nắng nóng, ế hàng, người bán lại tiếp tục bán vào ngày hôm sau. Những chai đựng tương ớt, nước sốt cáu bẩn, không được rửa sạch thường xuyên. Thế mới có chuyện, nhiều người bị ngộ độc khi mua phải bánh dùng lại nguyên liệu cũ… Mới đây, anh Nguyễn Hoàng Văn (Định Công, Hà Nội), trên đường đi làm, ghé vào một hàng bánh mì Doner Kebap trên đường Lê Duẩn mua bữa điểm tâm sáng. Không ngờ, món bánh khoái khẩu ấy đã khiến anh bị đau bụng, tiêu chảy 2 ngày.
Vẫn chỉ là khuyến cáo
TS. Nguyễn Thị Lâm – Viện Dinh dưỡng – tỏ ý lo ngại việc các cửa hàng bánh mì Doner Kebap sử dụng các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, nguyên liệu ôi, thiu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… Theo bà Lâm, nếu thường xuyên ăn phải những thức ăn đã được dùng lại nhiều ngày, đặc biệt là đồ nướng (thịt nướng) sẽ bị ngộ độc mãn tính, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ ung thư…
Các bác sĩ khuyến cáo, bánh mì Doner Kebap bán dạo xếp vào nhóm thức ăn đường phố. Việc rau củ, thịt bảo quản không không tốt dẫn đến bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh. TS. Phạm Duệ – Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết tiếp nhận khá nhiều ca bị ngộ độc thực phẩm như ăn phải thức ăn bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh hoặc bị nhiễm độc tố trong quá trình chế biến, bảo quản.
Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nhập viện trong tình trạng mất nước nặng, đi ngoài nhiều lần không cầm, nhiều bệnh nhân bị trụỵ mạch, tụt huyết áp, suy thận. Vì vậy, cần cảnh giác với “mầm” ngộ độc từ thức ăn tiện, rẻ và mất vệ sinh.
Theo Đời sống & Pháp luật
Độc chiêu quay vòng gà chết, trứng ung
Không lâu sau vụ rộ lên tin đồn vịt chết biến thành vịt lộn ở Trung Quốc, không ít người dân Việt Nam đặt câu hỏi rằng trứng ung, vịt chết ở các lò ấp dùng để làm gì?
Bảo quản trứng bằng nước sôi và hoá chất
Trước đây, nhiều lò ấp trứng ở Đại Xuyên (Hà Tây cũ) hay Đông Phan (Hải Dương) và một số nơi khác, chủ yếu dùng công nghệ thủ công với các lò ấp được xây bằng gạch ở trong nhà. Dùng trấu, thóc rang để giữ nhiệt hun cho trứng vịt chuyển thành bào thai (vịt lộn) hoặc ấp nở thành vịt giống. Ngày nay, với công nghệ hiện đại, các lò ấp đã sử dụng máy ấp công nghệ rơ-le điện tử. Số lượng trứng ấp trong lò này nhiều hơn, độ chính xác cao hơn, lãi lớn hơn.
Trứng tại các lò ấp đang được kiểm tra
Đại Xuyên (Phú Xuyên - Hà Nội) được coi là "đại bản doanh" của vịt, ngan giống. Nơi đây có hàng trăm lò ấp, vịt giống, vịt lộn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. ông Nguyễn Văn Hùng, một chủ lò ấp trứng cho biết: Nghề ấp trứng cho thu nhập cao nhưng cũng lắm rủi ro, bấp bênh. Quả trứng lộn thương phẩm có tuổi thọ không dài, chỉ ngon từ độ 17-22 ngày trong quy trình ấp nở. Bởi vậy, giá trứng luôn luôn trồi sụt không ngừng theo thời tiết.
Ngày nắng ráo, lượng tiêu thụ lớn, giá trứng lộn có thể nhảy vọt đến 2.500 đồng/trứng và các lò ấp không đủ hàng để cung cấp cho các thương lái. Tuy nhiên, mỗi khi trời sụt sùi mưa bão thì nhà lò chỉ còn nước bán đổ bán tháo trứng với giá rất thấp.
Chính vì lẽ đó, các chủ lò ấp đã nghĩ ra nhiều cách để bảo quản trứng. Vào hè, nắng nóng, nhiệt độ cao, trứng non rất nhanh hỏng và trứng già sẽ nở thành con. Khi chúng tôi nói cũng muốn mua nhiều trứng lộn cung cấp cho một số quán ở Hà Nội, mỗi ngày khoảng 800-1.000 quả thì ông Hùng mừng lắm. Tuy nhiên, với thời tiết như hiện nay, nếu giao trứng không hết, để lại dễ hỏng lắm.
Thấy chúng tôi còn băn khoăn, chị Nguyễn Thị Là, một công nhân làm thuê khoe luôn: "Lo gì, thời tiết nào chẳng có cách bảo quản. Cứ luộc lên, cho vào hộp lạnh, người bán đem ra luộc lại, khách đố mà biết được. Giữ như vậy được cả tháng...".
Lò ấp đang kiểm tra trứng
Qua tìm hiểu ở nhiều chủ lò, chúng tôi được biết cách phổ biến là các chủ lò trứng luộc lên rồi để lạnh, sau đó giao trứng giá hạ hơn cho người mua về luộc bán lẻ. Ham lời nên không ít hàng trứng lẻ vẫn lấy trứng luộc trước về luộc lại để bán. Số lượng trứng vịt lộn luộc này khá nhiều, bởi hiện nay không trúng vào vụ nuôi vịt. Thậm chí, với những lò ấp vịt nở, số trứng loại ra do bị hỏng ở từng giai đoạn vẫn có người mua với giá bằng 80% trứng nhập vào lò. Chuyện bảo quản trứng vịt lộn vẫn còn là những bí mật của các chủ lò và thương lái. Tình cờ tôi biết cô Nguyễn Thị Hồng, người bỏ nghề ấp trứng đi làm giúp việc kể lại: Ngày ấy, cô còn làm trong lò ấp trứng ở Nguyên Khê (Đông Anh). Mỗi một mẻ trứng vịt lộn ra lò, nếu được thương lái lấy luôn chỉ xếp hàng vào thúng là xong. Nhưng những ngày ế ẩm, trứng đã ra lò, thường được chủ lò ngâm vào một thùng nước pha hoá chất gì đó.
Thứ nước đó sờ tay vào thấy nhớt như xà phòng, mùi hơi hắc. Khi lấy trứng ra, người làm phải đeo găng tay nếu không tay sẽ bị khô nứt. Cô Hồng bảo, ngâm như vậy có thể để trứng thêm được 4-5 ngày, đảm bảo nếu lô trứng chưa bán kịp sẽ không bị nở con hoặc ung hỏng. Không biết việc ngâm hoá chất có độc hại gì không, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, sau khi không còn làm ở lò ấp, cô Hồng cũng không dám ăn trứng vịt lộn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lâm (Viện Dinh dưỡng Trung ương) cho biết: Người ăn trứng vịt lộn luộc lại sẽ dễ bị chướng bụng, đầy hơi, có thể gây đau bụng. Khi trứng đã luộc mà công tác bảo quản không được tốt rất có thể khiến các vi khuẩn xâm nhập vào, người sử dụng sẽ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Trứng hỏng, vịt chết vẫn chạy hàng
Trước thông tin Trung Quốc có công nghệ sản xuất trứng vịt lộn bằng gà vịt chết, trứng ung, thối thì người tiêu dùng Việt Nam cũng thấy hoang mang, mặc dù đã có thông tin khẳng định loại trứng vịt lộn rởm này chưa vào Việt Nam. Theo các chuyên gia thị trường, việc mang loại "hàng" này từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng không khả thi vì chi phí bảo quản và vận chuyển không rẻ, lợi nhuận không đủ hấp dẫn thương lái vào cuộc. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại "công nghệ" của Tàu lây sang mình nhanh lắm...
Theo cô Hồng thì các lò ấp không bao giờ phải bỏ thứ gì. Trứng ung cũng có người mua, vịt chết cũng bán, số lượng bao nhiêu thương lái cũng mua. Cô kể lại, ngày còn làm ở lò ấp, món ăn thường ngày của công nhân là trứng vịt lộn luộc, rán giòn và vịt bao tử tẩm ướp rán. Nói là vịt bao tử cho sang thôi, thực chất nó là những con vịt con bị loại vì những khuyết tật, không đủ sức khoẻ để xuất cho người nuôi.
Những con vịt này bị cho vào chậu nước nóng già, một lát sau cho đũa vào quấy lên, lông tơ rơi ra hết. Lấy tay bóp nhẹ ruột, cho húng lìu, gia vị, lá chanh... vào ướp một lát cho lên bếp rán giòn là thành món thơm ngon, hấp dẫn!
Số vịt con chết chủ lò cũng không phải bỏ đi một con nào. Cứ 200-300 đồng một con nhặt thành từng hộp, ghi số lượng có người mua hết. Ban đầu thương lái cứ đến mua cả lông đóng hộp xốp mang đi, sau này, cánh cô Hồng lại phải cho vào nước sôi, giũa lông đóng hộp giữ lạnh. Khi được số lượng kha khá thì thương lái đến mua. Mãi về sau, cô Hồng mới biết, số vịt chết ấy người ta mang đi chặt đầu, chặt mỏ tẩm ướp để bán ra ngoài cho người tiêu dùng với cái tên mới: chim sẻ đồng.
Hiện nay, với sự cảnh báo của báo chí, món "chim sẻ đồng" rán vàng rộm giá 2.000 đồng/con không còn dễ dàng đánh lừa được người tiêu dùng. Vậy nhưng, các lò ấp vẫn tiêu thụ hết các loại phế phẩm, điều này khiến không ít người thắc mắc, lo lắng về khả năng xuất hiện thêm một công nghệ quay vòng phế phẩm để tiếp tục đánh lừa người tiêu dùng.
Nhiều món khoái khẩu được làm từ trứng vịt lộn như trứng vịt lộn rang me, trứng vịt lộn chiên giòn...,người ăn chỉ biết đĩa thực phẩm mang ra thơm phức, ai biết được nó được làm bằng trứng tươi hay trứng rởm?
Theo Đời sống & Pháp luật
Nhà vệ sinh 'siêu bẩn', con nghiện 'trưng dụng' làm bãi đáp Nhà vệ sinh công cộng (VSCC) bị chiếm dụng làm chỗ bán hàng, để xe. Bồn rửa mặt trở thành bể chứa rác, kim tiêm cho con nghiện. Mở cửa 24/24 giờ hằng ngày nhưng do mất vệ sinh, ít người lui tới, các khu nhà vệ sinh công cộng ở một số bến xe trở thành nơi phát sinh tệ nạn xã...