Ghế Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bị đổ như thế nào
Sự chậm trễ trong việc thực thi các quyết định chính trị, chiến lược đối phó với phiến quân Nhà nước Hồi giáo không rõ ràng, được cho là nguyên nhân khiến Nhà Trắng và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel khó chịu với nhau, dẫn tới việc ông từ chức.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Ảnh: Reuters.
“Việc này giống như ông chủ một đội bóng không thể tạo ra những thay đổi lớn trên sân. Do đó, lựa chọn duy nhất còn lại là thay huấn luyện viên và hy vọng người hâm mộ trên khán đài sẽ có cái nhìn tốt hơn”, Politico Magazine dẫn lời P.J. Crowley, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Barack Obama, nói. “Hagel không phải là người trong giới của ông Obama và đã bị loại bỏ”.
Ông Hagel giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 2/2013. Ông là quan chức thuộc đảng Cộng hòa cuối cùng trong nội các của Obama.
Trong Phòng Đại tiệc ở Nhà Trắng còn trống một nửa, chỉ có sự hiện diện của đám đông nhà báo và quay phim, Tổng thống Obama và ông Hagel phát biểu một cách cứng nhắc, trong khi Phó tổng thống Joe Biden đứng cạnh, vẻ mặt cau có. Biden khó chịu bởi cách Nhà Trắng đối xử với người từng là đồng sự tại Thượng viện và cũng là bạn thân của ông, một quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết.
Video đang HOT
Các trợ lý giấu tên ở West Wing (Cánh Tây), khu vực văn phòng làm việc chính của Nhà Trắng, không chút nghi hoặc về việc Hagel bị sa thải và tổng thống Obama cùng Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough đã quyết định số phận vị bộ trưởng từ trước đó nhiều tuần. Trong khi đó, các trợ lý của Hagel lại cho rằng ông là người đưa ra quyết định sau khi tham vấn “lẫn nhau”.
Những lý do cốt lõi để thay thế ông Hagel cũng vẫn đang còn là vấn đề tranh cãi. Sau lời ca ngợi ban đầu về cách xử lý cuộc khủng hoảng Nhà nước Hồi giáo (IS), thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest lại ngụ ý rằng ông Hagel không phù hợp một cách lý tưởng với vị trí lãnh đạo Lầu Năm Góc trong cuộc chiến với nhóm phiến quân.
“Tôi nghĩ vấn đề mà tôi đang cố làm rõ chỉ là những ưu tiên của bộ, hoặc ít nhất là một bộ trưởng mới, đã thay đổi, do những thay đổi trong cộng đồng quốc tế”, Earnest phát biểu trước báo giới trong cuộc họp báo hôm 24/11. “Điều đó không có nghĩa là Bộ trưởng Hagel đã không làm tốt việc xử lý những cuộc khủng hoảng khi chúng phát sinh. Tuy nhiên, nó có nghĩa rằng chúng tôi cân nhắc trong hai năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống, một bộ trưởng khác có thể sẽ phù hợp hơn để đối phó với những thách thức đó”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama lắng nghe ông Chuck Hagel phát biểu tại Nhà Trắng sau khi ông công bố quyết định từ chức của bộ trưởng quốc phòng. Ảnh: Reuters.
Ông Crowley cho biết bỏ qua vấn đề ai sẽ là người kế nhiệm ông Hagel, câu hỏi cốt lõi về việc đối phó như thế nào với tình hình Syria, Iraq và IS vẫn còn chưa được trả lời và có thể là không thể trả lời được. Hagel, theo Earnest và các trợ lý của Obama, không phải chiến binh lý tưởng cho cuộc chiến mới và khó dự đoán. Vậy thì người đó là ai?
Các quan chức đương nhiệm và đã về hưu nói sự thất vọng của Nhà Trắng về ông Hagel không chỉ giới hạn trong cuộc chiến chống IS. Trong con mắt các trợ lý của ông Obama, Hagel còn bị xem là phản ứng chậm với những chính sách trực tiếp từ Nhà Trắng.
Năm 2013, khi Tổng thống Obama thúc đẩy quá trình đóng cửa trại giam Guantanamo, các trợ lý Nhà Trắng liên tục kêu gọi ông Hagel ký thông qua việc chuyển những tù nhân đã được phép trả tự do. Tuy nhiên, trong nhiều tháng liền, ông Hagel từ chối ký xác nhận rằng mối nguy do họ tạo ra đã giảm.
Bất đồng giữa Nhà Trắng với Bộ trưởng Hagel tăng cao vào tháng 5/2013, khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice gửi ông một bản ghi nhớ đặc biệt, hướng dẫn ông làm báo cáo hai tuần một lần về quá trình tiến tới chuyển hoặc thả các tù nhân ở Guantanamo, nguồn tin cho hay khi bàn về một bài viết đăng trên tờ New York Times hồi đầu năm.
Có rất ít động thái từ phía ông Hagel cho đến khi cuộc gặp các cố vấn an ninh quốc gia diễn ra tháng trước, thúc Bộ trưởng Quốc phòng phải miễn cưỡng thông qua một số đợt chuyển tù nhân, quan chức này nói. Chỉ có số ít nhà phân tích cho rằng trò chơi kéo co trong vụ Guantanamo là yếu tố chính khiến ông Hagel từ chức. Tuy nhiên, chính vụ việc này lại mở rộng rắc rối giữa ông Hagel với Nhà Trắng. “Có nhiều vấn đề nhưng chắc chắn điều này là giọt nước tràn ly”, quan chức này nói.
Về phần mình, Hagel nghi ngờ cam kết của chính phủ về việc cấp bù các khoản ngân sách bị cắt – những khoản cắt giảm mà ông tin chắc sẽ làm giảm năng lực của Lầu Năm Góc trong việc đối với các khủng hoảng bất ngờ như dịch Ebola hay IS.
Kể từ khi đảm nhận chức Bộ trưởng Quốc phòng, Hagel đã dành hầu hết các lời chỉ trích của mình cho những nghị sĩ Cộng hòa đòi cắt giảm chi tiêu, nhưng ông cũng tỏ rõ bất bình đối với một số quan chức chính phủ, đặc biệt là người phụ trách cơ quan quản lý ngân sách, người mà Hagel mô tả là “không hiểu được tính cấp thiết” của các mối đe dọa.
Nhưng điều khó chịu đựng nhất đối với Hagel, theo những nhân viên thân thiết của ông, là sự lộn xộn ở Hội đồng An ninh Quốc gia.
Tình thế này của Hagel cũng giống như từng xảy ra với những người tiền nhiệm của ông. Các cựu bộ trưởng quốc phòng Bob Gates và Leon Panetta đều đã công khai chỉ trích đội ngũ an ninh trong chính phủ của Tổng thống Obama lạm quyền và lấn quyền quyết định của Lầu Năm Góc.
“Cả hệ thống không hoạt động. Các mối liên lạc truyền thông giữa Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Quốc phòng hoàn toàn đổ vỡ”, một nhân viên của Bộ kể. “Tôi hy vọng rằng dù ai chịu trách nhiệm, cũng cần phải khắc phục tình trạng này, nhanh chóng”.
Thượng nghị sĩ John McCain, từng là đồng sự với ông Hagel ở Thượng viện và là lãnh đạo của Ủy ban quân vụ, cho rằng vấn đề không nằm ở một cá nhân nào, mà là ở cách của chính quyền Obama tập trung quá trình ra quyết định vào tay Nhà Trắng mà ít đếm xỉa đến Bộ Quốc phòng và Ngoại giao.
“Tôi biết Chuck rất bực với các khía cạnh trong chính sách an ninh và việc ra quyết định của chính quyền. Những người tiền nhiệm của ông đã công khai nói về việc Nhà Trắng kiểm soát quá tỉ mỉ và điều đó khiến cho Bộ khó mà hoàn thành nhiệm vụ. Tình thế với Chuck cũng chẳng khác gì”, ông McCain bình luận hôm qua, khi thông tin về việc ông Hagel rời Lầu Năm Góc được công khai.
“Tổng thống cần nhận ra rằng những thất bại gần đây trong lĩnh vực an ninh chủ yếu là do những chính sách của chính quyền, cũng như do vai trò mà Nhà Trắng thực hiện trong việc thực hiện. Đó là điều cần thực sự thay đổi hiện nay”.
Như Tâm
Theo Politico Magazine