Gen Z hướng nội và bữa cơm nấu cho người lạ: “Sao nghĩ ra cách kết bạn dễ thương thế này”
Những bữa cơm cùng người lạ là cách mà bạn trẻ “một công ba việc” làm quen bạn mới, mang vị cơm nhà đến cho người cần, thỏa niềm ham thích nấu nướng.
Mỗi ngày mở Threads lại bắt gặp một bất ngờ mới. Nhưng vẫn khó nghĩ là sẽ có một bạn trẻ dùng nền tảng này để… mời người lạ đến nhà dùng cơm.
“Mời mọi người vài bữa cơm mình đã nấu” – lời mời đính kèm cùng những hình ảnh bữa ăn đầy đủ rau, cá, cả trái cây tráng miệng nhận được hơn 8k lượt xem và gần 100 bình luận từ nhiều Gen Z đồng lòng: “Cho mình ăn với”, “Muốn tham gia thì phải làm sao ạ?”, “Nấu cho tui nha, nấu gì ăn đó!”
Thật sự tò mò và ấn tượng về ý tưởng độc đáo này!
Theo chia sẻ từ chủ bài đăng, đây là một dự án với tên gọi “ Cùng nhau ăn cơm”. Bạn sẽ cùng san sẻ bữa ăn với người quen qua mạng, và thậm chí là những người lạ vừa quen. Bất ngờ hơn nữa khi biết chủ nhân của ý tưởng và lời mời này là Minh Anh, một bạn trẻ sinh năm 2001 hướng nội vô cùng.
Phương trình ý tưởng độc lạ: Thích nấu nướng nhưng… lười ăn
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Đại học, Minh Anh quyết định “khăn gói” đến nhiều tỉnh thành khác để vừa làm việc, vừa trải nghiệm. Điểm đến đầu tiên là TP.HCM.
Được tiếp xúc với căn bếp từ tấm bé và đã là “bếp chính” trong nhà từ những năm cấp 3, bạn yêu nấu nướng và tiếp tục thói quen trân trọng những bữa cơm tự nấu khi ở riêng. Căn bếp là nơi mà cô bạn được sáng tạo, thử nghiệm. Nhiều đêm xuống bếp nấu nướng, dọn rửa lúc 1-2 giờ sáng là cách riêng của Minh Anh để khuây khỏa đầu óc, hít thở đều trước mọi áp lực.
Minh Anh
Bất cập duy nhất là bạn trẻ 2k1 không có bạn trọ, và nấu thì khỏe nhưng sức ăn lại yếu. Ý tưởng độc lạ cho dự án “Cùng nhau ăn cơm” từ đó ra đời: Cứ 1-2 bữa một tuần, Minh Anh sẽ chế biến thỏa thuê theo ý thích, sau đó “rủ rê” người lạ lẫn người quen cùng sang nhà ăn cơm, vừa không lãng phí, vừa có thể phần nào san sẻ bữa ăn của mình đến mọi người.
Cùng lúc đó, bạn còn làm cơm trưa mang đi, bán với mức giá nguyên liệu, không lấy công nấu nướng và được hội nhân viên văn phòng hưởng ứng kịch liệt.
- “Tớ rất yên tâm khi mua hàng từ những bạn có đam mê như thế này, vì tớ biết rằng họ sẽ làm ra kết quả trên cả mong đợi.”
- “Mình xin book cho nguyên cả team mình ạ, rất cần luôn.”
- “Một người thích ăn cơm nhưng lại quá mệt mỏi để nấu ăn như mình thì gặp cậu là đúng bài quá rồi!”
Cơm nhà dùng cùng người lạ và cơm nhà bỏ hộp từ dự án của Minh Anh
Minh Anh lý giải về mô hình độc đáo của mình: “Việc lên kế hoạch bữa cơm ăn chung khá đơn giản, sau khi chốt thời gian với bạn cùng ăn cơm; mình chỉ hỏi bạn ấy có không ăn được món gì để tránh ra, còn lại sẽ hoàn toàn là bất ngờ dựa theo cảm hứng của mình, thời tiết, mùa vụ, và hôm đó đi chợ có gì.”
Tưởng chừng vận hành dự án phần nào khiến Minh Anh có thêm gánh nặng chi tiêu khi lo thêm những bữa ăn chung, nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại: “Mình thích nấu nướng nên dù ăn một mình cũng đã chi khoảng 30% thu nhập tháng vào việc mua nguyên vật liệu rồi. Nhưng mình nấu nhiều mà lại ít ăn nên có những món cứ thế mà “hóa thạch” trong tủ lạnh thôi, rất lãng phí. Lúc có dự án, mình cũng không cần phải nấu nhiều hơn là mấy, ngược lại còn thấy những khoản chi tiêu cho ăn uống có mục đích và được tận dụng tốt hơn nữa!”
Minh Anh
Thắc mắc lớn nhất là làm thế nào để bạn trẻ có thể tin tưởng mời người lạ đến phòng riêng để dùng bữa. Không chỉ Minh Anh, mà chính những người tham gia vào dự án cũng có nỗi sợ, e ngại khi đến nhà người lạ dùng cơm.
Video đang HOT
“Ngay từ buổi “cùng nhau ăn cơm” đầu tiên cũng đã có người hỏi mình điều này. Tiêu chí đánh giá thì không có đâu, mình chỉ dạo một vòng Instagram của người ngỏ lời, trò chuyện với họ một chút và dùng…niềm tin vào loài người để quyết định thôi! Mình nghĩ các bạn khi tham gia vào dự án cũng phải có màn “đánh giá” mình trước luôn ấy chứ. Quan trọng vẫn là niềm tin này!” – Minh Anh đúc kết.
“Mong khi ra về, mọi người cảm thấy ấm áp như vừa được ăn cơm nhà”
Khi thực hiện dự án, Minh Anh không chỉ được thỏa niềm yêu thích nấu nướng. Bắt tay vào làm rồi, bạn lại càng cảm nhận những “món hời” khi cùng người lạ dùng cơm, hay chăm chút bữa cơm mang đi cho người lạ kể ra thì như vô vàn: “Cái mình có được đầu tiên là trải nghiệm cùng ăn cơm, đi chợ, nấu cơm với người lạ mà không phải ai cũng được thử trong đời. Tiếp nữa là những câu chuyện mình gom nhặt được từ mỗi bữa ăn, như thể mình đang được sống nhiều cuộc đời vậy”.
Phần nào đó, Minh Anh cũng cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc bữa ăn cho người khác. Những người đến cùng ăn cơm với cô bạn có nhiều mục đích khác nhau: Người cũng như Minh Anh, tò mò muốn biết thế nào là cảm giác dùng bữa với người lạ; Người rất mong mỏi được “vỗ về” những bữa cơm nóng hổi chuẩn vị cơm nhà nhưng không có thời gian, không muốn nấu nướng; Người muốn cùng có người dùng bữa để trò chuyện, được thả lỏng và kết thân, thử tay nghề nấu nướng.
“Có người qua ăn cơm cùng trò chuyện với mình, có người chỉ ngồi ăn thỉnh thoảng nói một câu, có người vừa ăn vừa cùng nghe nhạc.” – Cô bạn 2k1 nói về những người lạ thú vị mà mình gặp gỡ.
Những bữa cơm trong dự án “Cùng nhau ăn cơm”
Minh Anh đã “cùng nhau ăn cơm” được 12 buổi với mọi người, lạ có, quen có. Đáng nhớ nhất với bạn là khi một bạn nhỏ đem dự án cá nhân của Minh Anh kể cho mẹ nghe, sau đó hai mẹ con ngỏ lời sang nhà Minh Anh dùng bữa. Cũng có một người lạ 2 ngày nữa đi du học, chỉ đến ăn một bữa duy nhất, tạo kỷ niệm đặc biệt cuối cùng trước khi đi tạm chia tay Việt Nam.
Bên cạnh đó, không ít người trẻ bị thu hút bởi dự án với mong muốn tiết kiệm chi phí, khi có thể “tùy tâm” trả cho bữa ăn chung cùng Minh Anh. Khi mua cơm hộp, họ vừa có thể cắt bớt chút thời gian nấu nướng, chút khoản tiền công so với ăn cơm hàng.
Minh Anh vẫn có cái nhìn khá khiêm tốn về dự án, nhưng vui nếu biết mình phần nào hỗ trợ được mọi người: “Mình không ngại nếu một người tham gia “cùng ăn cơm” với mình nhiều lần nếu họ muốn tiết kiệm chi phí. Nhưng mình vốn cũng chỉ tổ chức 1-2 bữa cơm một tuần thôi, và dự định chỉ dùng bữa nhiều nếu quen thân với người đó. Trên hết, mục tiêu lớn nhất của mình là mời mọi người đến “ăn-chơi” đúng nghĩa, và khi ra về, những người bạn ấy có thể cảm thấy ấm áp sau một bữa cơm nhà. May mắn hơn thì tụi mình đã “hợp rơ” khi trò chuyện và kết bạn về sau.”
Một lần đi chợ nấu ăn của Minh Anh
“Cùng nhau ăn cơm” không chỉ là cách để cô bạn mê mẩn nấu nướng “cứu cánh” cho các bạn trẻ “lười” nấu nướng. Bản thân Minh Anh khi đã mời mọi người đến dùng bữa cũng có động lực để nấu được nhiều bữa cơm điều độ, tử tế hơn thay vì những bữa cơm bất chợt.
Sau khi bài đăng viral, rất nhiều Gen Z cũng mong muốn mở ra một dự án “cùng nhau ăn cơm” của riêng mình tại các tỉnh thành khác.
Chia sẻ thêm, Minh Anh không ngại khi thấy dự án của mình được lan tỏa, song, bạn cũng lo lắng và gợi nhắc những ai khác muốn thực hiện: “Mình không dám chắc dự án vô tư này sẽ không biến chất nếu chẳng may vào tay người không có ý định tốt, dù gì vẫn là gặp mặt những người lạ mà không thể nắm rõ được ý định của mỗi người. Mọi người nên lan tỏa dự án “Cùng nhau ăn cơm” ở một mức độ, chừng mực mà bạn thấy thoải mái, có giới hạn cá nhân để đảm bảo sự an toàn của mình và hãy lên kế hoạch thật tốt để buổi cùng nhau ăn cơm diễn ra suôn sẻ”.
Trước mắt, Minh Anh dự kiến duy trì project đến hết những ngày còn ở TP.HCM, tức là khoảng 2 năm nữa. Sau đó, cùng với chuyến hành trình đi khám phá nhiều tỉnh thành của mình, bạn cũng sẽ mang theo những bữa “cùng nhau ăn cơm” đặc biệt, gặp gỡ những người lạ mới.
“Không dám nói trước về dự định tương lai, mình thấy bản thân vẫn còn trẻ quá. Nhưng dù hiện tại hay về sau, làm gì đi chăng nữa, mình mong bản thân vẫn kiên định với lựa chọn dịu dàng lan tỏa, lưu trữ ký ức cộng đồng; làm cho tổng lượng hạnh phúc và niềm tin của nhân loại tăng lên được chút nào hay chút ấy.” - Minh Anh đúc kết.
Trong tương lai, Minh Anh dự định sẽ mang “Cùng nhau ăn cơm” đến tỉnh thành khác
Nỗi khổ không ngờ của Gen Z sau đại dịch: Phải chi hàng chục triệu đồng để 'mua vui'
Những người trong độ tuổi từ 18 đến 25 cho biết họ cô đơn nhiều hơn bất kỳ nhóm nhân khẩu học nào khác.
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cô nàng Lynette Ban chuyển từ thành phố New York đến thành phố Austin, bang Texas (Mỹ) để tiết kiệm tiền. Nhưng giờ đây, sau 3 năm làm việc từ xa, cô lại phải gánh một khoản chi phí mới mang tên: tình bạn.
Lynette ước tính cô chi ít nhất 500 USD mỗi tháng (tương đương hơn 12 triệu VNĐ) cho các hoạt động của hội nhóm và các sự kiện khác nhau nhằm kết bạn và duy trì kết nối. Khoản tiền đó bao gồm phí thành viên hàng năm trị giá 2.500 USD (tương đương 61 triệu VNĐ) cho câu lạc bộ xã hội Soho House và phí hàng năm 500 USD cho hoạt động tập thể dục ClassPass. Đó là số tiền nhiều hơn hàng trăm lần mỗi tháng cho những bữa trưa và bữa tối ăn ở ngoài.
Margaux Duvall, Lillian Lema và Lynette Ban (trái sang phải) đều đã chi tiền để tìm kiếm các mối quan hệ mới.
Cô gái trẻ nói: "Sau đại dịch, tôi bắt đầu ưu tiên tham gia nhiều câu lạc bộ này hơn và tham gia các tổ chức để tôi có thể gặp gỡ những người bạn mới".
Lynette (năm nay 26 tuổi) giống như nhiều thanh niên Mỹ đã và đang trải qua phần lớn quãng thời gian thanh xuân của mình bên ngoài lớp học, văn phòng và những không gian chung khác, nơi thường hình thành các mối quan hệ "offline".
Bác sĩ phẫu thuật người Mỹ Vivek Murthy gọi hiện tượng đó là "đại dịch cô đơn".
Đại dịch cô đơn
Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở giới trẻ. Cuộc khảo sát vào tháng 12 năm 2022 do Trường Giáo dục Sau đại học Harvard thực hiện cho thấy có tới hơn 1/3 người Mỹ, trong độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi, cho biết họ thường xuyên cảm thấy cô đơn, gần như mọi lúc.
Richard Weissbourd, nhà tâm lý học trẻ em và gia đình, người tham gia nghiên cứu, nói với tờ tin tức The Insider rằng những người trong độ tuổi từ 18 đến 25 cho biết họ cô đơn nhiều hơn bất kỳ nhóm nhân khẩu học nào khác.
Weissbourd nói: "Đây là thời điểm mà những người trẻ tuổi phải đưa ra một vài quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời mình và họ thực sự cần được hỗ trợ".
Lynette Ban (phải) và bạn của cô ấy là Rachael đã tham gia lớp học làm mì ống trong chuyến đi đến Ý.
Cô đơn không chỉ là vấn đề sức khỏe tâm thần. Bác sĩ Vivek Murthy viết trong một báo cáo gần đây rằng sự cô lập với xã hội có thể nguy hiểm như hút tới 15 điếu thuốc mỗi ngày và góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe bao gồm bệnh tim mạch, đột quỵ và mất trí nhớ.
Tờ The Insider đã phỏng vấn 23 thanh niên trong độ tuổi từ 21 đến 27 về trải nghiệm của họ với sự cô đơn.
Tất cả, trừ 3 người, cho biết họ hiện đang chi nhiều tiền hơn trước đại dịch Covid-19 cho các hoạt động xã hội như lớp học nghệ thuật và thẻ phòng tập thể dục để kết bạn. Nhiều người nói rằng họ đang chi tiêu ít hơn cho các chi phí cá nhân như đi du lịch một mình hoặc đăng ký xem TV.
Hy vọng tiền có thể mua được bạn bè
Nhiều thanh niên, đặc biệt là những người làm việc ở xa, đang cố gắng chống lại sự cô đơn bằng cách tìm kiếm những sở thích và hoạt động mới để gặp gỡ những người bạn mới.
Matt Schulz, nhà phân tích tín dụng của công ty LendingTree, nói với The Insider: "Việc không có trải nghiệm xã hội tại văn phòng sẽ thu hẹp vòng tròn xã hội của bạn và đặc biệt là khi bạn còn trẻ".
Những người trẻ tuổi đã tham gia các lớp học nghệ thuật, giống như lớp học tại The Art Studio NY, để "đáp ứng nhu cầu hòa nhập cộng đồng".
William Cabell, 24 tuổi, chi 70 USD/tháng (1,7 triệu VNĐ) để mua thẻ thành viên tại phòng tập leo núi và 161 USD (gần 4 triệu VNĐ) tại phòng tập võ thuật jujitsu ở Richmond, bang Virginia (Mỹ). Mục tiêu chính của Cabell với cả 2 nơi này là gặp gỡ những người mới chứ không hẳn là chỉ rèn luyện thể thao.
Cabell nói với Insider: "Để kết bạn, bạn cần có sự đều đặn và tôi nhận thấy rằng đặt cược đầu tư là một cách tốt để thu hút điều đó từ cả tôi và những người khác". "Nếu bạn trả tiền cho một cái gì đó, bạn sẽ có được nó."
Kỹ sư phần mềm cho biết anh đã tăng cường đầu tư vào các hoạt động xã hội sau khi gặp khó khăn trong việc kết bạn ở nơi làm việc.
Cabell nói: "Những loại hoạt động này giúp quá trình kết bạn dễ dàng hơn so với các hoạt động tự do vì chúng có xu hướng gắn kết chặt chẽ hơn. Về cơ bản, bạn cần phải tương tác với những người khác ở đó và buộc phải tham gia vào những tình huống xã hội mới".
Cabell không đơn độc khi tìm đến phòng gym để kết bạn. Ameen Kazerouni, giám đốc công nghệ của thương hiệu thể hình Orangetheory Fitness, nói với The Insider rằng, số lượng thành viên thuộc thế hệ Z ở Orangetheory Fitness đã tăng 200% từ đầu năm 2019 đến ngày 1 tháng 8 năm 2023, nhanh hơn số lượng thành viên của bất kỳ thế hệ nào khác.
Kelly Lohr, giám đốc tiếp thị của Orangetheory Fitness, cho biết: "Việc tăng cường tập trung vào sức khỏe và thể chất cũng như mong muốn kết nối mạnh mẽ là 2 yếu tố lớn đang thúc đẩy nhu cầu và sự tăng trưởng thành viên thuộc Gen Z của chúng tôi".
Soho House - một câu lạc bộ có mục đích rõ ràng là để "những người có cùng tư duy sáng tạo gặp gỡ, thư giãn, vui vẻ và phát triển" - cho biết trong báo cáo thu nhập hàng năm rằng Gen Z và Gen Y tạo thành "nhóm phát triển nhanh nhất" của câu lạc bộ.
Phí thành viên của Soho House tại New York có giá khoảng 1.300 USD một năm (hơn 30 triệu VNĐ) đối với những người dưới 27 tuổi.
Các studio nghệ thuật cũng đã chứng kiến sự gia tăng số lượng người tham dự Gen Z. Barley Vogel, chủ sở hữu và giám đốc của Studio Arts Dallas, cho biết số lượng người trẻ tuổi tham gia các lớp học của studio này ngày càng tăng.
Rebecca Schweiger, người sáng lập The Art Studio NY, nói với The Insider rằng Gen Z đang "tham gia các lớp học thường xuyên để đáp ứng nhu cầu về cộng đồng và kết nối".
Cô nói: "Thông thường, những người trẻ tuổi đến một mình để tìm kiếm tình bạn bên cạnh sự thỏa mãn cá nhân".
Rebecca nói: "Việc kết bạn, giao lưu với nhau, đầu tiên là làm quen trong môi trường lớp học và sau đó gặp nhau bên ngoài lớp học, là điều khá điển hình.
Noureen Shallwani, 27 tuổi, làm việc cho một công ty khởi nghiệp về công nghệ làm đẹp, cho biết cô cảm thấy mình phải khởi động lại xã hội sau khi chuyển từ Austin đến Philadelphia để làm việc trực tiếp vào năm ngoái.
Shallwani tham gia các nhóm Facebook để tìm những người sẵn sàng đi xem phim hoặc đi ăn tối với cô. Cô thường xuyên tham gia các lớp học Pilates để gặp gỡ mọi người và tiết kiệm tiền nhằm chi trả cho các kỳ nghỉ trong nước và quốc tế cùng bạn bè, khoảng 4 lần một năm.
Shallwani nói: "Cuộc sống trở nên dễ dàng hơn một chút khi ở trong một môi trường mà mọi người đều cảm thấy như thể bạn đã cùng nhau tập luyện, mọi người đã cùng nhau trải qua một trải nghiệm". "Sau đó bạn nói chuyện và mọi người đều nói, 'Lần này chúng ta có nên đi uống nước không?' hoặc 'Có một sự kiện đang diễn ra trong thành phố, tất cả chúng ta có muốn tham dự không?'"
Shallwani cho biết cô lo lắng về sự ổn định tài chính, mặc dù cô cho rằng việc chi tiêu cho các trải nghiệm xã hội là rất xứng đáng.
Tìm cách "rẻ hơn" để giải quyết nỗi cô đơn
Một số Gen Z không có đủ vốn - hoặc không đủ động lực - để chi hàng nghìn USD mỗi năm cho các hoạt động nhằm kết bạn. Thì may mắn thay, vẫn có những lựa chọn khác.
Lillian Lema, 27 tuổi, cho biết cô đã dành một ngày Chủ nhật của tháng 8 để ăn uống và thưởng thức âm nhạc cùng bạn bè trên đảo Peaks, bang Maine (Mỹ). Cuộc tụ họp xã hội, bao gồm 3 người bạn mà cô đã gặp hồi năm ngoái, thông qua Bumble BFF - ứng dụng nhằm khuyến khích các mối quan hệ tình bạn trong sáng, lành mạnh.
Lillian Lema (ở giữa) đã đi du lịch cùng những người bạn mà cô gặp trên Bumble BFF.
Lema, hiện là sinh viên tốt nghiệp, sống tại thành phố Portland, bang Maine (Mỹ), đã dùng thử phiên bản miễn phí của ứng dụng kết nối bạn bè Bumble BFF vào mùa hè năm 2022. Cô cảm thấy cô đơn vì chia tay bạn trai, làm việc cho một công ty bán lẻ và sống ở nhà.
"Nhìn lại vị trí của tôi một năm trước và vị trí hiện tại, thực tế là tôi vẫn giữ liên lạc với người mà tôi đã gặp qua một ứng dụng cách đây 1 năm, sau đó tôi giới thiệu cô ấy với những bạn mới và cô ấy giới thiệu tôi với những người bạn mới - tôi cảm thấy nó giống như một khung cảnh tuyệt đẹp", Lema nói, lướt qua những bức ảnh về ngày vui vẻ trên Đảo Peaks.
Cô cũng tham gia City Girls Who Walk, một câu lạc bộ đi bộ miễn phí quy tụ phụ nữ để tập thể dục và gắn kết.
Những Gen Z khác nói với The Insider rằng họ đã tạo dựng mối quan hệ thông qua các sự kiện trưng bày miễn phí, hoạt động tình nguyện và tham gia câu lạc bộ sách.
Nguồn: Insider
Minh Nhật
Xôn xao vụ Lộc và nàng Mơ bất ngờ bị tố cắt xén tiền lương, đuổi việc nhân viên với lý do gây sốc Hiện tại bài đăng này đang viral và nhận được nhiều sự chú ý từ cộng đồng mạng. Mới đây, mạng xã hội Threads bất ngờ xôn xao với bài đăng tố thái độ làm chủ của cặp anh em TikToker nổi tiếng Lộc và Mơ. Theo đó, chủ nhân bài đăng - tạm gọi tắt là L. tự nhận mình có khoảng...