GDP tăng gấp 30 lần sau Đổi mới
Từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu tiến hành công cuộc “Đổi mới”: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với sự đổi mới trên, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nếu như trước đổi mới GDP tăng chưa đầy 4% thì sau đổi mới, có những năm GDP tăng đến 8-9%. Trung bình từ 1986 đến nay, GDP tăng trưởng liên tục, bình quân ở mức 6,6% năm…
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gấp 30 lần từ 1995 – 2014. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nếu tính riêng 25 năm, từ 1989 đến 2014, quy mô GDP của Việt Nam tăng gấp 30 lần so với trước, từ chỗ chỉ đạt 6,3 tỷ USD một năm lên 186 tỷ USD năm 2014. Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người tăng gấp 21 lần; chênh lệch GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước cũng dần được rút ngắn.
Cơ cấu kinh tế ngày càng được chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt con số 2.000 USD, thuộc nhóm trung bình của thế giới.
Riêng về lĩnh vực xuất khẩu, từ 1995 đến 2014 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gấp 30 lần, trong đó sản phẩm tiêu, cà phê, hạt điều, gạo, thủy sản, dệt may, giày, chè… luôn đứng ở tốp đầu thế giới. Sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng mạnh, trong đó từ 1996 đến 2014, tăng trưởng bình quân 9,4% năm.
Nhiều thiết bị khó, đòi hỏi công nghệ cao thì giờ đây trong nước đã sản xuất được. Đối với các nhà máy thủy điện, trước đây chúng ta vẫn phải nhập khẩu các thiết bị cơ khí thủy công thì đến nay toàn bộ phần này có thể do các doanh nghiệp cơ khí trong nước đảm nhận, kể cả đối với các nhà máy thủy điện lớn như Thủy điện Sơn La có công suất đến 2.400MW….
Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp đã chế tạo các trạm trộn bê tông xi măng công xuất từ 120 đến 250 m3/giờ. Tổng công ty CP xây dựng Công nghiệp Việt Nam đã chế tạo thiết bị Nhà máy xi măng Thái Nguyên với tỷ lệ nội địa hóa đạt 74% về khối lượng…
Video đang HOT
Với những kết quả đã đạt được, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có rất nhiều triển vọng để phát triển kinh tế, xã hội. Trên lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có thể nằm trong tốp 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tiêu, cà phê, dừa, gạo, thủy sản, cao su, trái cây… Thu nhập của người làm nông nghiệp tiếp cận thu nhập của người làm công nghiệp.
Việt Nam cũng có triển vọng trở thành một trung tâm chế tạo mới của thế giới. Trong đó các thế mạnh tương lai của Việt Nam là sản xuất thép, thủy điện, năng lượng, phát triển hạ tầng giao thông… Tuy nhiên, để đạt được kết quả trên chúng ta phải đổi mới cơ chế quản lý giáo dục đào tạo, khoa học – công nghệ, tăng nhân lực nghiên cứu khoa học (từ 700 người/1 triệu dân lên 2.000 người/1 triệu dân); tăng chi cho khoa học – công nghệ (từ 0,87% GDP lên 2% GDP).
Doanh nghiệp cần liên kết với nhà trường để phát triển nhân lực theo nhu cầu. Ngoài ra Việt Nam cũng có triển vọng lớn về phát triển du lịch, với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, trong đó: Vịnh Hạ Long được bình chọn là 1 trong 25 địa danh có vẻ đẹp khó tin nhất thế giới (trang web BuzzFeed của Mỹ);
Hang Sơn Đoòng được bình chọn là 1 trong 12 hang động ấn tượng nhất thế giới (Tạp chí Business Insider) và là tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp nhất thế giới năm 2014 (Tạp chí National Geographic). Do đó, nếu có cách quản lý và khai thác tốt thì du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển rất mạnh.
Ngoài ra chúng ta cần có các giải pháp để bảo đảm nợ công được kiểm soát và có thể nâng trần nợ công; Tham nhũng được đẩy lùi dần và không gia tăng trở lại; Nợ xấu của hệ thống ngân hàng được kiểm soát chính xác và trong giới hạn an toàn;
Thực thi chính sách dân số bền vững về kinh tế và xã hội; Văn hóa Việt Nam là sức mạnh dân tộc để tăng tốc phát triển và hội nhập hiệu quả. Thực hiện được các mục tiêu này, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn cất cánh mới 2016 – 2030 với mức tăng trưởng bình quân 7-8%/năm.
Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam
Tiền Phong
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định về thành tựu kinh tế bằng tiếng Anh
Trong chương trình Tạp chí kinh tế Bizline trên kênh đối ngoại của Đài Truyền hình Việt Nam được thực hiện bằng tiếng Anh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có trao đổi về những thành tựu của kinh tế Việt Nam trong 70 năm kể từ ngày Độc lập.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định về thành tựu kinh tế bằng tiếng Anh
Trao đổi lưu loát bằng tiếng Anh về những thành tựu của nền kinh tế sau 7 thập kỷ, đặc biệt là sau Đổi mới năm 1986, ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay, sau chiến tranh, Việt Nam bắt đầu xây dựng lại đất nước với mong muốn phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, chỉ sau 10 năm đầu tiên, nền kinh tế Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng.
Nhận thấy nền kinh tế tập trung là không phù hợp, năm 1986 Việt Nam đã quyết định chuyển đổi sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tại thời điểm đó, GDP chỉ đạt khoảng 6,3 tỷ USD. Đến năm 2014, GDP đã lên tới 186 tỷ USD.
"Như vậy, sau 25 năm, quy mô nền kinh tế việt Nam đã tăng gấp 30 lần. Đây là một thành tựu rất lớn của đất nước", ông Nhân nói.
Ông cũng chia sẻ: "Tôi nhớ rằng, năm 1983, khi tôi đi bộ đội về và bắt đầu dạy tại một trường đại học, nhà ai có xe đạp để đi đã cảm thấy vui rồi, nay hầu hết mọi người đều có xe máy, thậm chí còn có ô tô. Sở hữu một chiếc tivi cũng là mơ ước của nhiều người thời đó nhưng hiện tại nhà nào cũng có 1-2 chiếc. Có điện thoại thời đó cũng là cả một sự sa hoa, nhưng nay trên tổng số 91 triệu dân thì có đến 150 triệu điện thoại".
Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 62% năm 1990 xuống còn 8% vào 2014. Với thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.000 USD, Việt Nam hiện là nước có thu nhập trung bình.
Riêng về nông nghiệp, ông nhận định, nếu như trước những năm 1980, Việt Nam phải nhập khẩu nông sản thì hiện đã trở thành 1 trong số nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Đây là ngành Việt Nam luôn xuất siêu, giúp tạo việc làm cho hơn 10 triệu hộ dân, sản lượng lớn, năng suất của ngành cũng rất cao.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ông Nhân cho rằng, hội nhập kinh tế là quá trình quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận được nguồn nguyên liệu thô, nhân lực, tri thức và vốn đầu tư từ bên ngoài. Đồng thời, giúp Việt Nam tiếp cận được với các tiêu chuẩn quốc tế trong kinh doanh. Đầu ra của nền kinh tế do đó cũng được cải thiện, tiếp cận được với nhu cầu lớn từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, sau khi Hiệp định thương mại tự do với EU hay kết thúc đàm phán TPP, xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tăng mạnh trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam nhập khẩu máy móc để thực hiện công nghiệp hoá nhanh hơn.
"Tuy nhiên, chúng ta chưa hiểu hết được điều kiện và cơ hội từ các thị trường mới này. Vậy nên, chúng ta cần phải học hỏi thêm, cố gắng cải thiện để cạnh tranh và tận dụng được những cơ hội từ hội nhập", ông nhấn mạnh.
Phương Dung
Theo Dantri
Môi trường ô nhiễm, bệnh viêm mũi dị ứng "leo thang" Vấn nạn ô nhiễm môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người từ căn bệnh viêm mũi dị ứng. Khoảng 20% dân số Việt Nam đang phải chung sống với căn bệnh trên. Trong nội dung hội thảo khoa học chuyên đề cập nhật, điều trị bệnh...