GĐ Hàn Quốc mất tích: Raon thu tiền người sau trả cho người trước?
Giám đốc người Hàn Quốc để lại thư tuyệt mệnh rồi mất tích với khoản nợ các nhà đầu tư lên tới hơn 133 tỷ đồng, âm quỹ hàng trăm tỷ đồng… Khách hàng càng sốc hơn khi biết hình thức hoạt động của công ty Raon Việt Nam.
Một khách hàng – nạn nhân của công ty Raon Việt Nam cho hay: Khi được mời tham gia đầu tư tại công ty Raon, nhân viên của công ty này cho biết hoạt động của công ty trong lĩnh vực ngoại hối. Khách hàng chỉ việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, nộp tiền, ủy thác mọi việc quản lý, sử dụng nguồn tiền mình đã nộp và hàng tháng nhận tiền lợi nhuận công ty chi trả mà không phải làm gì.
Khách hàng này cho biết thêm, mới đây khi sự việc vỡ lở mới biết công ty Raon Việt Nam tham gia thêm trong lĩnh vực Poker ( game đánh bài). Đồng thời trước tết cũng nghe việc công ty kinh doanh du thuyền du lịch trên sông.
Một nhân viên khác tên M.K đã từng làm việc tại Công ty Raon Việt Nam gây sốc với nhiều khách hàng khi tiết lộ, Công ty Raon Việt Nam và một số công ty cũng thuộc quyền sở hữu của ông Kim Bum Jae (tập đoàn Khanh Group) hoạt động theo hình thức thu tiền của khách hàng sau trả lãi và các khoản đến kỳ hạn cho khách hàng trước, chứ thực chất không đầu tư hoạt động gì cả!
Công ty Raon Việt Nam trên danh nghĩa hợp tác đầu tư nhưng thực chất là lấy tiền của người nộp sau trả cho người nộp trước.
Theo hồ sơ của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp ngày 13.9.2017, Công ty Raon Việt Nam có tới 10 ngành nghề kinh doanh, gồm: Bán buôn thiết bị linh kiện điện tử viễn thông; Bán buôn đồ dùng gia đình; Bán buôn vải, hàng may sẵn, giầy dép; Bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; Nhà hàng, dịch vụ ăn uống; Hoạt động tư vấn quản lý; Kinh doanh bất động sản; Tư vấn môi giới đầu tư bất động sản và giáo dục nghề nghiệp.
Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 28.2.2019, ông Nguyễn Hoàng D (Phó giám đốc Kinh doanh công ty Raon Việt Nam), bà Nguyễn Thị Thu T (Trưởng phòng hành chính nhân sự công ty Khanh Holdings) và toàn thể nhân viên công ty TNHH Khanh Holdings tố cáo ông Kim Bum Jae (sau đây gọi là ông Kim), Giám đốc công ty có dấu hiệu lừa đảo hàng trăm khách hàng số tiền 133.227.582.000 đồng, để lại thư tuyệt mệnh và đã bỏ trốn (Hai công ty trên đều do ông Kim đứng tên pháp lý).
Ngày 4.3, vợ ông Kim đã có mặt tại công ty nhưng không tiếp xúc với khách hàng với lý do: cần thời gian nghiên cứu, nắm bắt tình hình tài chính của công ty để về lại Hàn Quốc bàn với những người Hàn Quốc biện pháp giải quyết, khắc phục hậu quả. Bản thân bà sang Việt Nam nhưng cũng không liên lạc được với chồng và không biết ông Kim hiện đang ở đâu.
Trước tình hình đó, một số người trong công ty như bà Nguyễn Thị Hương (người quản lý, điều hành hoạt động của công ty) đứng ra kêu gọi và tổ chức kiểm đếm tài sản, đề nghị một số đơn vị mà Raon Việt Nam đã thuê trước đó trả lại tiền cọc với mục đích có thể giải quyết được công nợ cho khách hàng.
Video đang HOT
Ông Kim Bum Jae đã mất tích sau khi để lại lá thư tuyệt mệnh và số nợ khách hàng lên tới hơn 133 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo quy định thì chỉ chủ sở hữu, ông Kim là người đứng tên về mặt pháp lý trong công ty mới có quyền định đoạt tài sản của công ty Raon Việt Nam. Hơn nữa, hiện vụ việc ông Kim mất tích có dấu hiệu hình sự. Ông Kim đang bị khách hàng tố cáo thì tất cả tài liệu, tài sản trong công ty phải được bảo vệ, tránh việc xóa dấu vết, tẩu tán tang vật, chiếm hữu tài sản bất hợp pháp của doanh nghiệp… gây khó khăn cho cơ quan điều tra sau này?!
Thông tin gây sốc được nhân viên K.T – kế toán công ty Raon cho biết, Công ty Raon Việt Nam đã bị âm quỹ hơn 100 tỷ đồng từ đầu năm 2018, chi phí “lót tay” chạy dự án Poker lên tới 15 tỷ đồng…
Hiện đã có nhiều khách hàng đứng đơn cá nhân, tập thể tố cáo ông Kim Bum Jae, công ty Raon Việt Nam và những cá nhân có liên quan ra cơ quan Công an TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM, Cơ quan thường trực phía Nam Bộ Công an…
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin diễn biến sự việc.
Theo Danviet
Giám đốc Hàn Quốc bị tố lừa đảo: Nhiều khách dốc hết tài sản đầu tư
Trong hàng trăm khách hàng của Công ty Raon Việt Nam (số 22, Đặng Hữu Phổ, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM), có rất đông khách hàng đã rút toàn bộ tiền gửi ở các ngân hàng, thậm chí nhiều người còn dốc toàn bộ vốn liếng, giấu vợ/chồng để hợp tác với công ty này mong kiếm lời.
Rút hết tiền gửi ngân hàng để đầu tư
Ông Huỳnh Kim A (ngụ quận 3, TP.HCM), nguyên là cán bộ nghỉ hưu, mỗi tháng có hơn 6 triệu đồng tiền lương. Cả cuộc đời tích góp, hai vợ chồng ông trước giờ đều gửi tiền ngân hàng lấy lãi.
Sau khi được anh T, nhân viên Công ty Raon Việt Nam tư vấn, thấy tiền lãi hàng tháng cao hơn gửi ngân hàng nên ông A bàn với vợ rút tiền gửi trong ngân hàng để đầu tư vào công ty thông qua Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
"Tôi đã ký 5 hợp đồng với công ty này, mỗi hợp đồng trị giá 200 triệu đồng. Hợp đồng tôi ký gần đây nhất là ngày 29.1. Việc trả lợi nhuận của công ty cao hơn, cụ thể là 1,7%/tháng, thời gian trả rất đều đặn, cứ trước mỗi kỳ hạn là 1 ngày.
Hơn nữa tôi thấy đầu tư vào công ty ít rủi ro, lợi nhuận cao hơn gửi ngân hàng, có thể yên tâm được, nên tôi rất tin tưởng ở công ty. Trước Tết, tôi rút nốt một sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng để chuyển sang công ty này. Nào ngờ...", ông nói với phóng viên Dân Việt.
Ông Kim Bum Jae (quốc tịch Hàn Quốc), người bị tố cáo có dấu hiệu lừa đảo số tiền hơn 133 tỷ đồng.
Nói chưa hết câu chuyện, người đàn ông 71 tuổi với mái tóc bạc trắng rơm rớm nước mắt kể tiếp: "Ngày 29 hàng tháng là tới kỳ hạn của hợp đồng. Nhưng theo lệ, trước một ngày, công ty tự động chuyển tiền vào tài khoản. Tuy nhiên, tôi chờ hết ngày 28 không thấy tiền về. Tôi nghĩ tháng 2 chỉ có 28 ngày nên có lẽ công ty sẽ gửi vào đầu tháng 3. Ngày 1.3 tôi vẫn không thấy tiền về tài khoản nên gọi điện cho anh T thì mới được anh ấy thông báo sự việc ông Kim biến mất. Tôi chết điếng người.
Cả mấy ngày nay chầu chực tại công ty nhưng không thấy ông Kim xuất hiện. Mãi chiều nay mới có anh D, chị H và một số người là cán bộ công ty tiếp xúc, trả lời khách hàng những thắc mắc về việc ông Kim biến mất, tiền của chúng tôi đã đầu tư sẽ giải quyết như thế nào? Tuy nhiên, những người này đều nói tìm hướng khắc phục bằng cách phối hợp với khách hàng, chứ họ cũng không trả lại được tiền cho chúng tôi.
Tôi cho rằng họ chưa làm hết trách nhiệm. Nhẽ ra ngay khi phát hiện ông Kim mất tích, có dấu hiện lừa đảo, hợp đồng lưu tại công ty có đủ số điện thoại, địa chỉ của khách hàng, họ phải thông tin đến toàn bộ khách hàng biết, nhanh chóng phối hợp với khách hàng, tố cáo ngay với công an, chứ để khách hàng điện thoại hỏi, tìm đến mới biết sự việc...".
Nhân viên công ty cũng trở thành khách hàng
Tương tự, ông A, bà B (ngụ quận Tân Bình) cũng cho biết, trước đây, các khoản tiền tích cóp bà B đều gửi vào ngân hàng lấy lãi. Sau khi nghe một nhân viên công ty (trước làm ở ngân hàng nơi bà B gửi tiền) tư vấn hợp tác bên Công ty Raon Việt Nam, không phải làm gì mà lợi nhuận được chia (nói nôm na là tiền lãi) cao hơn nên bà B đã rút toàn bộ tiền từ ngân hàng để đầu tư vào công ty.
Tổng cộng bà và con gái đã đầu tư vào công ty này 1 tỷ 750 triệu đồng. Trong đó, vốn của bà B là 1 tỷ 550 triệu đồng, con gái bà có 200 triệu đồng. Vừa khóc, bà B vừa nói: "Đó là tất cả tài sản mà bà tích cóp trong 17 năm trời".
Bà D (quận Tân Bình) cũng tin tưởng và đã đầu tư nhiều lần với số tiền tổng cộng hơn 36.000USD và hiện cũng trong tình trạng đứng ngồi không yên vì không biết khoản tiền lớn đó có được trả về hay không.
Khách hàng tập trung tại văn phòng Công ty TNHH Raon Việt Nam để nghe đại diện công ty trao đổi sự việc và bàn hướng giải quyết.
Không chỉ có khách hàng là người dân, nhiều nhân viên công ty cũng đã hợp tác đầu tư vào công ty này. Như cô Th đã bỏ vào công ty hơn 1 tỷ 300 triệu đồng, còn cô D bỏ hơn 400 triệu đồng...
Một nhân viên công ty cho biết, theo hợp đồng hợp tác kinh doanh lưu tại công ty, người đầu tư ít thì vài trăm triệu, người nhiều lên đến hơn 10 tỷ đồng nộp vào công ty.
Cô Th cho biết, trong buổi gặp gỡ chiều 4.3, cô mới "té ngửa" khi biết khách hàng của công ty đa phần đều lớn tuổi, đã nghỉ hưu. Người này nói: "Các cụ thì biết gì về tiền điện tử, mà chính các cô chú lại là người mua nhiều nhất, quá bất ngờ,...".
Được biết, căn cứ vào các điều khoản ký kết giữa khách hàng với công ty mà đại diện là Giám đốc Kim Bum Jae, khách hàng sẽ đầu tư cho công ty một khoản tiền và giao toàn bộ việc điều hành, quản lý, sử dụng số tiền đó cho công ty. Hàng tháng, công ty sẽ chia lợi nhuận cho khách hàng. Toàn bộ số vốn góp của khách hàng được công ty bảo toàn.
Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 28.2, ông N.H.D (Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Raon Việt Nam), bà N.T.T.T (Trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty Khanh Holdings) và toàn thể nhân viên Công ty TNHH Khanh Holdings tố cáo ông Kim Bum Jae (sau đây gọi là ông Kim), Giám đốc công ty có dấu hiệu lừa đảo hàng trăm khách hàng và đã bỏ trốn (2 công ty trên đều do ông Kim đứng tên pháp lý).
Tình hình tài chính của công ty tại thời điểm ông Kim mất tích là nợ khách hàng số tiền 133.227.582.000 đồng. Trong khi đó, nguồn ngân sách của công ty không có khả năng chi trả. Trước khi "mất tích", ông Kim có dấu hiệu thanh lý tài sản và để lại thư trong đó có nội dung: "Không muốn tiếp tục cuộc sống".
Ngay sau đó, không ai liên lạc được với ông Kim, gọi vào số máy của bà Hương, bà Hương không nhấc máy (theo đơn tố giác, bà Hương là người cùng ông Kim quản lý, vận hành tất cả các hoạt động của công ty)...
Chiều 4.3, bà Hương đã có mặt tại trụ sở công ty để trao đổi các vấn đề có liên quan tới vụ việc với khách hàng.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin diễn biến sự việc.
Ở một diễn biễn khác, sau khi Dân Việt có bài: "Giám đốc người Hàn Quốc bị tố lừa đảo hơn 133 tỷ đồng rồi bỏ trốn", một người tự xưng là bà Nguyễn Thị Hương (nhân vật được nhắc đến trong bài) đã nhắn tin qua điện thoại di động vào đường dân nóng của Dân Việt,cho rằng tác giả và cơ quan báo vu khống việc bà "mất tích". Tuy nhiên, toàn bộ bài báo không có từ ngữ nào nói đến việc bà Hương mất tích. Bài báo viết: Theo đơn phản ánh thì cả ông Kim và bà Hương đều không liên lạc được...
Theo Danviet