Gây lãng phí: Phải bị xử lý hình sự
“Khi để xảy ra lãng phí, thất thoát… người đứng đầu phải bị truy cứu trách nhiệm, thậm chí cả trách nhiệm hình sự”.
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) phát biểu như vậy trong phiên thảo luận ngày 18/6 của Quốc hội thảo về Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
“Lãng phí không kém gì tham nhũng“
Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) cho rằng, lãng phí ở nước ta hiện nay không kém gì tham nhũng.
“Lãng phí ghê gớm lắm!. Tham nhũng có con người cụ thể, bỏ tù được. Rồi quy ra bao nhiêu điều, từ thanh tra, điều tra, truy tố đến xét xử, thu hồi được… còn lãng phí thì vô cùng không định lượng được”, đại biểu Kỳ nói.
Ông Kỳ dẫn chứng, ngày lễ kỷ niệm, ngày truyền thống làm linh đình… gần đây lại thêm hội chứng Festival rất tốn kém.
Nhưng đại biểu Kỳ cho rằng, lãng phí cuối cùng cần phải tính là lãng phí về thời gian làm việc không quy ra tiền được.
“Bây giờ nhiều bộ, nhiều ban, ngành, nhiều hội làm không hết việc nhưng ngược lại cũng có những ban, những hội không thể viết được báo cáo công tác ngày vì có làm gì đâu”.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) cho rằng, lãng phí thời gian cũng nghiêm trọng không kém lãng phí tiền bạc, tài nguyên. Trong nhiều trường hợp, yếu tố thời gian quan trọng hơn tiền bạc.
Ví dụ trong xây dựng, nhiều công trình có thể thi công 3 ca để rút ngắn thời gian mang lại hiệu quả. Nhưng quy chế đấu thầu không xem thời gian là yếu tố quan trọng, do quá chú trọng đến yếu tố giá cả, nên xảy ra tình trạng bỏ thầu thấp để được dự án, sau đó kéo dài thi công, xin điều chỉnh mức kinh phí.
Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cũng cho rằng, tình trạng lãng phí hiện nay diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là sử dụng lao động và thời gian lao động. Trong ma chay; cưới hỏi; sinh nhật; mừng thọ… mọi người đua nhau khuếch trương, quảng bá thương hiệu, thể hiện phong cách ga lăng, sành điệu.
Video đang HOT
“Mặc dù dư luận xã hội luôn lên án, nhân dân bất bình, phẫn nộ nhưng trong thực tế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà còn diễn ra rộng hơn, trầm trọng hơn”, đại biểu Hiền nói.
Nhiều đại biểu cho rằng, khi để xảy ra lãng phí, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Trách nhiệm người đứng đầu?
Theo đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ), dự thảo luật cần quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có quyết định gây lãng phí. Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh, phù hợp, vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục, thuyết phục trong trường hợp vi phạm do chủ quan.
Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) cho rằng cần xác định trách nhiệm người đứng đầu. Ông Kỳ nói: “Xăng, xe, kinh phí… sử dụng như thế nào? Người đứng đầu phải làm gương để cấp dưới noi theo”.
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) nhấn mạnh trách nhiệm của cá nhân. Bà Xuân cho rằng, bức tranh ảm đạm của các khu đô thị bỏ hoang, đô thị ma… là thực trạng lãng phí nghiêm trọng nhất hiện nay.
Sự lãng phí này đều bắt nguồn từ người quyết định quy hoạch, quyết định đầu tư sai trái và không ít trường hợp đằng sau đó là những động cơ vụ lợi. Nhưng luật pháp hiện hành chưa bóc tách được và chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của cá nhân gây ra sự lãng phí.
Theo bà Xuân, thực chất người quyết định chính là cá nhân, nhưng khi hậu quả xảy ra được núp bóng an toàn trong các chủ trương của tập thể, hoặc vô can vì pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang còn quy định rất chung chung.
Cần phải quy định cho được người đứng đầu quyết định gây ra lãng phí do các quyết định đầu tư, sử dụng tài sản quốc gia. “Cá nhân khi để xảy ra lãng phí, thất thoát phải bị truy cứu trách nhiệm hành chính, dân sự và thậm chí trách nhiệm hình sự”, bà Xuân nói.
Theo 24h
Sẽ khoán xăng và số km cho xe công?
Sáng 5/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình về nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Bên hành lang Quốc hội, Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
- Thưa ông, Dự thảo Luật sửa đổi lần này sẽ tập trung vào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên lĩnh vực nào?
Luật quy định 2 nhóm, trong đó nhóm 1 là những lĩnh vực nào sử dụng tài sản công, tài nguyên thì phải có cơ chế hết sức chặt chẽ để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhưng có những cái thuộc người dân như ma chay, cưới xin, lễ hội... thì chỉ động viên, khuyến khích tiết kiệm, chứ không áp đặt theo kiểu đám cưới tối đa là bao nhiêu mâm, đám ma tối đa là bao nhiều vòng hoa... Ông làm quá thì xã hội lên án, ví dụ như trong cả khu vực đều người nghèo, đều là nông dân mà anh làm đám cưới hoành tráng với hàng ngàn mâm, hàng trăm xe ô tô thì không được rồi!
Do đó Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) lần này tập trung vào sử dụng tài sản công, sở hữu toàn dân, tiền của nhà nước, đất đai, tài nguyên, đối với các lĩnh vực còn lại thì sử dụng đạo đức, khuyến cáo.
7 năm thực hiện Luật, chúng ta đã phát hiện ra nhiều trường hợp lãng phí và yêu cầu đền bù, thu hồi. Tuy nhiên phải quyết liệt hơn, phải mang tính chất răn đe rất cao mới thực hiện được. Càng công khai, càng tốt, đó chính là điều kiện chúng ta thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí tốt nhất.
- Ông đánh giá như thế nào về tình trạng lãng phí trong sử dụng xe công?
Muốn đánh giá được lãng phí bao nhiêu thì phải xây dựng được hệ thống, tiêu chuẩn, định mức chuẩn thì mới đánh giá được. Cái tiêu chuẩn của mình thì vừa ban hành ra đã lạc hậu, không đi vào cuộc sống. Ví dụ, cấp Bộ trưởng được đi xe trị giá 850 triệu, vừa ban hành thì lại tăng thuế nhập khẩu xe, linh kiện, thiết bị, ban hành Thuế tiêu thụ đặc biệt... thì mức giá này rõ ràng là không mua nổi cái xe ô tô.
Tiêu chuẩn có khả thi không, có hiện thực không.... nhiều khi đưa ra đã lạc hậu ngay như tiêu chuẩn định mức tổ chức hội nghị, vừa ban hành thì giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ tăng nên không đủ tiền để tổ chức, hoặc phải tìm mọi cách để co kéo.
Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Trước đây đều có tiêu chuẩn định mức đối với cả sản xuất của doanh nghiệp nhà nước như tiêu chuẩn định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu. Vậy để hay không để tiêu chuẩn định mức trong Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi lần này, hay để doanh nghiệp tự quyết định. Trước đây, anh chế biến 1 tấn chè thì hết bao nhiêu than, bao nhiêu điện, tất cả chi phí bao nhiêu... được thống nhất toàn quốc. Nhưng cơ chế thị trường thì không hợp.
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành thì vẫn yêu cầu doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn, định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu và thông báo với cơ quan thuế, nhưng giờ thì bỏ đi. Chúng ta phải thấy rằng, đối với doanh nghiệp, sự sống còn là lợi nhuận nên họ phải tiết kiệm chi phí. Vậy mà mình ban hành tiêu chuẩn định mức chung để áp dụng cho tất cả doanh nghiệp thì khó. Luật quy định như vậy không khả thi.
- Vậy, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực sử dụng xe công, theo ông có nên áp dụng hình thức khoán?
Gọi là khoán chi thì phải có tiêu chuẩn, định mức, định lượng để so sánh, tùy theo chức danh hoặc yêu cầu công việc. Vì tiêu chuẩn định mức cũng khó nên mới đưa ra phương án là có thể khoán. Những đơn vị sử dụng kinh phí, tiết kiệm được chi phí thì có thể sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm để nâng cao đời sống, thu nhập cho cán bộ, công chức.
Cơ chế khoán phương tiện cũng nhiều lần được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến, thậm chí còn được xây dựng thành cả đề án, nhưng có lẽ quá trình triển khai không được như mong muốn nền đề xuất đặt ra như thế nhưng chưa thấy ai đưa ra cách khoán thế nào.
- Vậy theo ông, nếu thực hiện khoán xe công thì nên khoán như thế nào?
Thực hiện được việc khoán xe công thì rất hiệu quả nhưng phải có cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch. Đã triển khai thì phải đồng bộ chứ không phải bộ, ngành này thực hiện nhưng bộ, ngành khác lại không; địa phương này thực hiện còn địa phương khác lại không.
Thí dụ bây giờ thực hiện thí điểm, sau đó thì rút kinh nghiệm và nhân rộng cơ chế khoán để giảm số lượng xe công. Tính cái xe thế này, khấu hao bao nhiêu năm, cộng với phải nuôi lái xe, xăng dầu... để thực hiện theo hình thức khoán. Về cơ bản, tôi đồng tình với việc khoán tiêu chuẩn xe công.
- Trong Đề án cũng có tính tới việc có dịch vụ xe đưa đón công. Nhưng đề án này dường như chưa nhận được sự đồng thuận của các bộ ngành, địa phương?
Phải khẳng định cơ chế khoán có lợi cho nhà nước và thuận tiện cho cả người nhận khoán, góp phần tăng dịch vụ đưa đón. Vấn đề là mua sắm theo tiêu chuẩn thế nào, tính phí trả tiền lái xe, xăng dầu ra sao... Nếu đưa ra đề án mà chưa tính toán tất cả mọi vấn đề thì cũng khó.
Ở Lào họ cũng thực hiện được theo mô hình khoán. Ví dụ như hàm Bộ trưởng thì tiêu chuẩn có 2 xe được mua, mỗi một tháng được sử dụng 180 lít xăng. Ông sử dụng xe đi đâu, làm gì mặc kệ, kể cả đi đền chùa hay sử dụng vào việc riêng. Khi hết thời gian khấu hao thì ông có thể được thanh lý luôn cái xe đó để tránh trường hợp chung riêng. Nếu thực hiện được cơ chế khoán như thế thì rất tốt, nên khuyến khích.
Hiện chúng ta chỉ thực hiện cơ chế khoán đối với cơ quan hành chính nhà nước, sử dụng ngân sách như khoán phương tiện, khoán trang thiết bị, văn phòng phẩm, điện nước, điện thoại... Ngày xưa thời Trần, Lê người ta cũng đã khoán, khoán rất chặt chẽ như ông ở cấp quan hàm phẩm này thì được sử dụng nhà ra sao...
- Xin cảm ơn ông!
Theo vietbao
Tân Bộ trưởng Tài chính nói về nhiệm vụ mới trên "ghế nóng" Ngày đầu tiên sau khi được Quốc hội phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội. Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Xin ông cho biết, tiếp quản "ghế nóng" Bộ Tài chính trong giai đoạn hết sức khó khăn này, định...