Gãy chân vẫn bơi qua sông như thường và câu chuyện nghị lực
“Sau nhà mình là dòng Kiến Giang, lúc nhỏ, mặc dù bệnh tật, một năm gãy chân hai lần nhưng mình vẫn theo các bạn đi học bơi. Thế rồi, bơi lội đã bén duyên với mình lúc nào không hay”, anh Vũ chia sẻ.
Một năm gãy chân 2 lần vẫn thích bơi lội
Men theo con đường chạy dọc bờ sông Kiến Giang thơ mộng, chúng tôi đến thăm anh Lê Văn Vũ (SN 1985), thôn Mỹ Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Anh chọn một chiếc bàn đẹp nhất trong quán cafe của mình để tiếp những vị khách “không hẹn mà đến”.
Nhớ về quá khứ đau buồn, hai bàn tay anh Vũ bỗng đan chặt vào nhau: “Mình sinh ra vốn lành lặn và phát triển bình thường. Nhưng đến năm một tuổi, bỗng nhiên đôi chân bị sưng, tấy đỏ. Thấy con như vậy, ba mẹ đưa tôi đi khám, các bác sỹ kết luận, tôi bị bệnh xương thủy tinh”.
Từ ngày đó, căn bệnh của anh bắt đầu chuyển biến rất nhanh, những lần bị gãy xương chân cứ thế dày lên theo thời gian: “Trung bình mỗi năm tôi bị gãy xương ít nhất hai lần. Mỗi lần gãy xương, tôi phải nằm yên một chỗ, khoảng nửa tháng hoặc hai mươi ngày thì chỗ xương bị gãy đó lành lại đồng nghĩa với việc chân tôi bị ngắn hơn một chút”, anh Vũ tâm sự.
Mặc dù mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh nhưng anh Vũ vẫn luôn lạc quan và nỗ lực phấn đấu trong cuộc sống
Anh Vũ là con út trong gia đình có 7 anh em. Các anh chị em của anh, người thì lập gia đình, người thì vào nam làm ăn sinh sống, còn mình anh với thân hình quặt quẹo sống cùng ba mẹ.
Năm 14 tuổi, anh thấy ba mẹ quá khổ cực vì mình nên đánh liều bắt xe vào Nam tìm việc làm. Bán vé số dạo là việc đầu tiên anh làm nơi đất khách quê người. Với đôi nạng, anh dậy từ 5h sáng, đi bán dạo khắp các con đường ở Đồng Nai, cũng may, nhiều người thấy anh tật nguyền nên thương tình mua cho anh.
Anh Vũ bùi ngùi khi nói về khoảng thời gian tự thân vận động của mình: “Hành trình lập nghiệp của mình khá gian nan, đầu tiên, mình đi bán vé số dạo sau đó học nghề đóng giày dép da, rồi sửa chữa điện thoai thậm chí có khi làm môi giới bất động sản nữa”.
Video đang HOT
Sau này, được bạn bè giới thiệu, anh Vũ chuyển về Vũng Tàu làm việc, hoạt động tích cực trong Câu lạc bộ Người khuyết tật thành phố Vũng Tàu.
Thời gian này, cả nước diễn ra cuộc thể thao toàn quốc giành cho người khuyết tật. Chợt nhớ đến khả năng bơi lội của mình khi còn nhỏ, anh liền mạnh dạn đăng ký.
“Sau nhà mình là dòng Kiến Giang, lúc nhỏ, mặc dù bệnh tật, một năm gãy chân hai lần nhưng mình vẫn theo các bạn đi học bơi. Thế rồi, bơi lội đã bén duyên với mình lúc nào không hay”, anh Vũ chia sẻ về khả năng bơi lội của mình.
Từ đó, anh dần nhận ra giá trị trên cơ thể tật nguyền của mình, khi cùng đoàn thể thao khuyết tật Quảng Bình (có năm thi đấu cho Vũng Tàu) tham gia thi đấu các giải thể thao toàn quốc dành cho người khuyết tật và giành về nhiều huy chương vàng ở tất cả các cự ly.
Anh Võ Văn Thịnh (xã Mỹ Thủy) là bạn cùng trang lứa của anh Vũ cho biết: “Mặc dù khuyết tật nhưng Vũ bơi rất giỏi. Thấy Vũ ngụp lặn dưới sông Kiến Giang, nhiều người chúng tôi thường nói đùa, mình lành lặn thế này nhưng chưa chắc đã bơi được như Vũ”.
Hành trình gian nan đi tìm hạnh phúc
Nói đến gia đình hạnh phúc của mình, anh Vũ chỉ mỉm cười nhẹ nhàng: “Mình nghĩ đơn giản, nồi nào úp vung nấy, mình khuyết tật thì nên tìm đến người khuyết tật làm bạn, bởi họ đồng cảnh ngộ với mình, thấu hiểu hoàn cảnh của mình nhiều nhất”.
Tình duyên đưa đẩy anh đến với cô gái Sầm Thị Hà (1983) quê Nghệ An, người cùng hoàn cảnh với anh. Kể đến đây, anh bỗng nhìn vợ âu yếm: “Mình và cô ấy quen nhau trong thời gian sinh hoạt tại Câu lạc bộ người khuyết tật Vũng Tàu. Sự gặp gỡ, đồng cảm giữa hai cơ thể tật nguyền đã đưa chúng mình lại gần nhau”.
Chị Sầm Thị Hà vốn là sinh viên ngữ văn trường Đại học Đà Lạt. Ngày tốt nghiệp, chị đến gõ cửa rất nhiều cơ quan để xin việc nhưng nhìn thấy đôi chân tật nguyền của chị, họ đều lắc đầu từ chối. Chị đành xin làm văn phòng cho một công ty sản xuất nhôm kính có trụ sở đóng tại Vũng Tàu.
“Ngày đó, mình tham gia thi môn cờ vua, còn anh Vũ thi môn bơi lội. Từ những cuộc chuyện trò hỏi han ban đầu, chúng mình yêu nhau lúc nào không biết”, chị Hà tâm sự.
Đều là những người khuyết tật, nên khi biết con mình có người yêu, cả hai gia đình vừa mừng vừa lo. Mừng vì con mình đã tìm được người đầu gối tay ấp, nhưng lo vì cả hai đều bị tật, không biết cuộc sống gia đình về sau sẽ như thế nào.
Giây phút hạnh phúc của vợ chồng anh Lê Văn Vũ
Thế nhưng vượt qua tất cả sự nghi kị, lo ngại ấy, hai anh chị vẫn quyết định tiến tới hôn nhân khi tình yêu đã chín muồi. Chẳng lâu sau đám cưới, vợ chồng anh Vũ nhận được tin vui khi biết chị Hà mang thai.
Nhưng khi mang bầu được 5 tháng, anh chị bỗng ngã khụy khi nghe bác sỹ nói đứa con trong bụng có khả năng mang tật ở chân giống ba nó. “Nghe bác sỹ nói, trời đất như sụp đổ dưới chân 2 vợ chồng. Bởi cuộc sống của ba mẹ đã quá thiệt thòi, khổ cực, bây giờ lại đến lượt con hứng chịu di chứng ấy nữa thì tội cho con quá”, chị Hà tâm sự.
Còn nước còn tát, để đứa trẻ giảm được di chứng của ba, cứ 5 ngày hoặc một tuần, anh chị phải đến bệnh viện tiêm đủ loại thuốc, mỗi lần chi phí khoảng 5 triệu đồng. Với những người lành lặn, chừng ấy tiền cũng là cả một vấn đề, chứ đừng nói đến người tàn tật như vợ chồng anh.
Thế rồi, ngày chị sinh, anh như ngồi trên đống lửa, đứng ngồi thấp thỏm không yên. Cho tới khi bác sỹ bế đứa trẻ trên tay và vui mừng báo cho anh biết, cháu bé sinh ra lành lặn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác.
“Hạnh phúc là vậy nhưng 2 hàng nước mắt mình tuôn trào lúc nào không biết, mình bế con trên tay mà ngỡ như là mơ. Vì vậy, mình đặt tên con là Lê Bình An với 2 ý nghĩa. Một là mong muốn con mình lớn lên được bình an, hai là lấy tên quê hương của ba (Quảng Bình) và mẹ (Nghệ An) ghép lại với nhau”, anh Vũ nhớ lại khoảnh khắc hạnh phúc của mình.
Sinh con được 6 tháng, vợ chồng anh lại dắt díu nhau về Quảng Bình sinh sống. Từ số vốn 8 triệu đồng, đến nay vợ chồng anh chắt chiu, giành dụm mở được một quán cafe và bán đồ nhậu khá lớn. Đến nhà anh hôm nay, người ta thấy một cơ ngơi khá khang trang cùng tiếng cười nói ríu rít của trẻ thơ: “Con là Lê Bình An, con của ba Vũ, mẹ Hà….”, đó có lẽ là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời của cặp vợ chồng tàn nhưng không phế.
Ông Nguyễn Công Viên, chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy cho biết: “Anh Lê Văn Vũ là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực của người khuyết tật biết vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống. Không chỉ vậy, anh còn là người khuyết tật mang về cho tỉnh nhà nhiều huy chương vàng về bộ môn bơi lội. Với sự nỗ lực của anh, vừa rồi, Hội thi đua các ngành tổng hợp đã hỗ trợ 48 triệu đồng, UBND xã hỗ trợ 1 triệu đồng, thôn Mỹ Trạch hỗ trợ 1 triệu đồng để giúp anh xây dựng nhà mới.
Ngô Huyền
Theo_Người Đưa Tin
Chị ngư dân khuyết tật
Không có đôi chân đôi tay lành lặn nhưng chị Phan Thị Thuận (51 tuổi, thôn Thủy Diện, xã Phú An, H. Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) vẫn vượt lên tật nguyền nuôi mẹ già với nghề làm cá trên phá Tam Giang.
Chị Phan Thị Thuận dùng xe dùng để chợ dụng cụ ra phá đi làm nghề cá - Ảnh: Tuyết Khoa
Tàn mà không phế
Trong căn nhà đơn sơ bên đầm Chuồn (một phần của hệ đầm phá Tam Giang- cầu Hai), chị Thuận khiến nhiều người khâm phục khi có thể làm tất cả công việc nhà rất thuần thục dù đôi chân và đôi tay đều khuyết tật. Đặc biệt, chị còn là một ngư dân thực thụ với nghề làm tôm làm cá trên đầm phá.
Bà Nguyễn Thị Chót (71 tuổi), mẹ của chị Thuận cho biết: "Tôi mang thai nó như những người phụ nữ khác. Nhưng khi sinh ra thì thật chua xót cho con tôi. Đôi chân mất đi đôi bàn chân. Đôi tay cũng co quắp tàn tật, chỉ có một ngón tay lành lặn. Tuy rứa nhưng mấy chục năm nay nó lại là chị đầu của đàn em, là trụ cột gia đình, là chỗ dựa cuối đời của tôi".
Trong nhà, chị Thuận lết đi khá nhanh trên đôi chân nhiều dị tật. Những khi đi chợ hay đi đâu xa, chị dùng xe lăn di chuyển, vừa nhanh vừa có thể chở đồ đạc. Đối với người dân vùng này, hình ảnh chị Thuận một thân một mình lênh đênh trên phá bắt tôm bắt cá bao nhiêu năm qua đã quá quen thuộc. Với chiếc thuyền nhỏ cùng nhiều dụng cụ, một mình chị Thuận vừa bơi vừa thả lưới, đơm cá từ đầu đêm đến sáng để kiếm mớ tôm mớ cá bán chợ sớm. "Làm rồi quen hết. Mình không đủ tay chân như người ta thì mình bơi chậm, thả lưới ít hơn. Cũng có lúc mưa gió đêm hôm bị lật ghe lật thuyền. Nhưng may được mọi người vớt. Chỉ sợ hư đồ nghề không có tiền mua lại, chứ dân vùng sông nước, ai chẳng biết bơi. Nhìn tui thế thôi, chứ tui bơi cũng được lắm", chị Thuận chia sẻ.
Mong có sức khỏe nuôi mẹ
Chị Thuận kể, sau cơn bão lịch sử năm 1985, cư dân sống trên phá dần dần định cư trên bờ. Gia đình chị Thuận cũng lên bờ. Nhưng ít lâu sau, bố chị Thuận mất sớm vì bệnh tật. Khi ấy, chị mới ngoài 20 tuổi. Sáu người em của chị còn nhỏ dại, người em út mới lên 6 tuổi. Chị là chị cả nên phải cùng mẹ tảo tần nuôi đàn em. Không chỉ may vá lưới thuê, chị Thuận còn một mình lênh đênh trên đầm phá bắt tôm cá về bán mua gạo. Dần dần các em lớn và có gia đình riêng. Còn lại chị Thuận và mẹ nương vào nhau sống. Năm 2007, ngôi nhà lụp xụp đã được thay thế bằng ngôi nhà bê tông kiên cố nhờ sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm. Khi nhắc đến chuyện chồng con, chị Thuận chia sẻ: "Mình không lành lặn như người ta nên cũng chẳng nghĩ đến chuyện đó. Với lại hồi còn con gái, cả đàn em không có cái ăn, mẹ thì ngày càng già yếu nên chỉ biết làm lụng kiếm ít đồng nuôi em thôi".
Hiện nay, dù đã ngoài 50 tuổi, nhưng chị Thuận vẫn rất nhanh nhẹn. Hàng đêm, chị Thuận vẫn bươn chải đi làm cá trên phá trừ nhưng khi mưa gió. "Người ta khỏe thì làm mỗi đêm có khi vài trăm ngàn. Còn mình chỉ mong mỗi đêm được vài chục ngàn là được. Chỉ mong cho sức khỏe đi làm để còn nuôi mẹ tuổi già. Còn em út cũng chẳng dư giả. Chúng nó cũng làm nghề tôm cá trên phá, lo con cái của nó cũng chật vật lắm rồi", chị Thuận nói.
Tuyết Khoa
Theo Thanhnien
10 ngư dân lại gặp nạn tại vùng biển Quảng Trị Sau khi nhận được tín hiệu cứu hộ tàu gặp nạn trên vùng biển Quảng Trị, đồn biên phòng Cửa Việt đã vượt sóng to gió lớn ra biển cứu 10 ngư dân đánh cá. Tin tức từ VTV, chiều tối 14/10, sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu hai tàu của ngư dân đánh cá gặp nạn cách bờ 2 hải...