‘Gay cấn’ vận động cụ già 95 tuổi đi trú bão Noru
Nhà ngay cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi nhưng cụ Nguyễn Bá Loan (95 tuổi, thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) vẫn kiên quyết không chịu di dời đến nơi trú bão. Vận động căng thẳng cụ mới đồng ý.
Lãnh đạo xã Bình Đông cố gắng vận động cụ Nguyễn Bá Loan rời khỏi nhà để đến nơi tránh trú bão, tuy nhiên phải mất nhiều giờ thuyết phục, cụ Loan mới đồng ý – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chiều 27-9, bão Noru chỉ còn cách Quảng Ngãi khoảng 180km, công tác di dời dân vùng ven biển nguy hiểm đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên vẫn còn một cụ già ngoài 90 tuổi, không chịu đi đến nơi trú bão, dù nhà cụ nằm ngay cửa biển Sa Cần, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Chính quyền xã Bình Đông cử lực lượng xuống nhà vận động lần 1 vào khoảng 15h nhưng cụ Nguyễn Bá Loan (thôn Tân Hy, xã Bình Đông) không đi vì cho rằng “tôi tuổi già, chết thì thôi”. Cụ Loan không muốn rời khỏi ngôi nhà của mình.
Sau khi bàn phương án, khoảng 17h chính quyền tiếp tục xuống nhà vận động. Ông Đoàn Thế Oanh, phó chủ tịch UBND xã Bình Đông, dẫn đầu đến thuyết phục cụ Loan, nhưng ông cụ tiếp tục từ chối di dời vì sức khỏe yếu, chân tay đi lại khó khăn và việc vệ sinh cá nhân phải nhờ người khác.
Cụ Loan cho rằng “tôi già rồi, đi lại khó khăn, giờ mọi việc phải nhờ đến con cháu nên cho phép tôi ở lại nhà” – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
“Bác thương bọn cháu, bác đi đến nơi trú ẩn an toàn, chẳng lẽ bọn cháu đội mưa gió vầy mà bác không thương”, ông Oanh nói. Đáp lại, cụ Loan nói: “Biết thương rồi, nhưng tôi không đi đâu, già rồi chết thì thôi chứ sợ gì”.
Sau hơn 30 phút vận động gay cấn và căng thẳng, có lúc tưởng như phải dùng biện pháp cưỡng chế. Cuối cùng, cụ Loan đồng ý di dời – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông Oanh và mọi người tiếp tục động viên: “Bác không đi thì con với cháu cố cũng phải ở nhà, lỡ bão vào, các con có vấn đề gì bác đau lòng không. Phải nghĩ cho con cháu nữa bác ạ. Chứ tình hình này, bác không đi bọn cháu buộc lòng phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn cho gia đình”. Sau khi suy nghĩ hồi lâu, cụ Loan đồng ý di dời.
Lực lượng chức năng phải mặc áo mưa, dìu cụ ra khỏi nhà rồi chở bằng xe máy ra khỏi làng chài chật chội. Khi đến đường chính chuyển lên xe ô tô chở cụ đến ký túc xá Nhà máy thép Hòa Phát trú bão – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (con cụ Loan) cho biết: “Tôi cảm thấy rất mừng khi ba chịu đi trú bão. Nếu ba cương quyết không đi thì vợ chồng tôi cũng phải ở nhà chăm sóc, làm sao mà bỏ ba ở nhà còn phần mình đi chạy bão được. Thật sự rất là mừng, cảm ơn các chú ở xã Bình Đông nhiều”.
Sau khi đưa cụ đến nơi, xác định cụ sức khỏe yếu, chính quyền và Công ty thép Hòa Phát Dung Quất đã bố trí một phòng riêng, có nhà vệ sinh bên trong để thuận tiện trong sinh hoạt của cụ – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông Đoàn Thế Oanh nói: “Cụ Loan chịu đi đến nơi trú bão, anh em cũng thở phào và nở một nụ cười. May vận động cụ chịu đi, nếu cụ không chịu buộc lòng chúng tôi phải cưỡng chế đưa đi để đảm bảo an toàn tính mạng cho gia đình trước cơn bão dữ”.
Bà Trần Thị Hoanh thuộc diện gia đình neo đơn được chính quyền địa phương đưa đến nơi trú bão an toàn – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tại ký túc xá của Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), có một số căn phòng riêng được bố trí cho những cụ già và gia đình chính sách. Còn phần lớn ký túc xá được bố trí cho người dân – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bé Nguyễn Thị Lảnh (2 tuổi) xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi cùng với gia đình tại nơi tránh bão – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chị Phạm Thị Tình cùng chồng chăm sóc cho bé Trần Phạm Ánh Phượng 3 tháng tuổi tại nơi tránh trú bão. Cùng với nhiều người dân khác, gia đình chị Tình rời nhà vào sáng 27-9 – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tại khu trú bão ký túc xá Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất hiện có khoảng 3.000 người dân ở hai xã Bình Đông và Bình Thuận (huyện Bình Sơn) trú bão – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Niềm vui của gia đình bà Nguyễn Thị Hiếu (82 tuổi, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) khi ăn bữa tối tại nơi trú bão ở ký túc xá của Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), toàn bộ chi phí ăn uống và lưu trú đều được công ty miễn phí cho người dân – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Noru dự báo là cơn bão lịch sử, tàu trọng tải lớn cũng có thể bị đánh đắm
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16h ngày 27-9, bão số 4 (bão Noru) mạnh cấp 14, giật cấp 16 đang cách Đà Nẵng khoảng 252km, cách Quảng Nam khoảng 234km, cách Quảng Ngãi khoảng 205km về phía đông.
Vị trí và hướng di chuyển bão số 4 - Ảnh: NCHMF
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, đảo Phú Quý gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20 - 25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ (từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi).
Đến 4h ngày 28-9, tâm bão ở trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (118 - 149km/giờ), giật cấp 15.
Trong sáng mai, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, sau đó tiếp tục di chuyển sang Lào và suy yếu dần.
Theo bản tin lúc 17h của Cơ quan khí tượng Nhật Bản, cường độ bão Noru ở cấp 14 (45m/s). Trong tối và đêm nay bão di chuyển theo hướng tây tây bắc. Đến 5h sáng 28-9, tâm bão ở ngay trên vùng biển các tỉnh Trung Trung Bộ, cường độ duy trì ở cấp 14 (45m/s). Sau đó, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định và suy yếu dần.
Chuyên gia Trần Quang Năng (Tổng cục Khí tượng thủy văn) cho biết khi đổ bộ vào đất liền nước ta dự báo bão vẫn còn rất mạnh, cấp 12 - 14, giật đến cấp 15. Đây đều là những con số lịch sử mà từ trước đến nay bản tin dự báo của trung tâm chưa đề cập đến.
Cũng theo ông Năng, với những cấp gió rất lớn thì trên các vùng biển ở Trung Bộ, tàu trọng tải lớn nằm trong vùng nguy hiểm đều có thể bị đánh đắm. Khi bão vào vùng biển ven bờ, các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt các khu vực nuôi trồng thủy sản, neo đậu tàu thuyền.
"Với cấp gió như trên, sức tàn phá là rất lớn, kèm theo đó là các cột sóng cao từ 4 - 6m, vùng tâm bão xác định từ 6 - 8m có thể gây chìm, đắm nhiều tàu thậm chí là khi neo đậu ở khu vực tàu cảng kín.
Trên đất liền, nếu sức gió mạnh cấp 14 - 15 thì sức tàn phá cực kỳ lớn, nhiều công trình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những nhà, công trình thiếu kiên cố sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thậm chí có thể ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động như giao thông, xây dựng, kinh tế" - ông Năng cảnh báo.
Ông Năng cho biết thời điểm sức gió mạnh nhất dự báo sẽ diễn ra vào khoảng 21h - 22h hôm nay kéo dài tới sáng sớm mai. Đây là thời gian cực kỳ nguy hiểm nên người dân không ra ngoài vào thời điểm này để tránh thiệt hại.
Cụ thể, dự báo từ tối và đêm 27-9, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 12 - 13.
Khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10.
Từ sáng sớm ngày 28-9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.
Từ đêm 27-9 đến ngày 28-9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250 - 350mm, có nơi trên 450mm.
Khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 300mm.
Từ ngày 28-9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ.
Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 đối với các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Đêm nay, phòng họp trực tuyến các địa phương phải mở Chỉ đạo công tác chống bão số 4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đêm nay, phòng họp trực tuyến của các địa phương phải mở. Chiều 27/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương cùng đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão số 4 tại tỉnh Quảng Trị. Sau...