Gạt bất đồng, Mỹ và Nga “bắt tay” ủng hộ Trung Quốc trong đề xuất về Afghanistan-Taliban
Đại diện của bốn nước trong đó có Mỹ đã tỏ ý hoan nghênh một đề xuất của Trung Quốc về tiến trình hòa bình Afghanistan.
Phái đoàn Taliban tại một cuộc họp tổ chức ở Moscow (ảnh: AFP)
Hãng tin AFP đăng tải, Mỹ hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc về việc đăng cai tổ chức một cuộc họp giữa giới chức Afghanistan và các lãnh đạo Taliban sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ chấm dứt quá trình đàm phán với nhóm nổi dậy.
Tuần trước, Taliban cho hay, Trung Quốc đã mời một phái đoàn tới tham dự đàm phán tại Bắc Kinh. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp thứ hai sau đối thoại hồi tháng 7 tại Qatar.
Đại phái viên đặc biệt của Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad đã gặp gỡ các đồng cấp từ Trung Quốc, Nga và Pakistan tại Moscow cũng trong tuần vừa rồi. Đại diện bốn nước đã tái cam kết ủng hộ cho “một hiệp định hòa bình toàn diện và bền vững”.
Bốn nước cũng “hoan nghênh đề nghị của Trung Quốc trở thành nước chủ nhà của hội nghị nội bộ Afghanistan tiếp theo tại Bắc Kinh”, một thông cáo chung được Mỹ đưa ra hôm thứ hai (28/10) khẳng định.
Các cuộc đàm phán sẽ bao gồm “nhiều chính trị gia” như “đại diện của chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan, các nhà lãnh đạo Afghan khác và Taliban”.
Video đang HOT
Đại phái viên đặc biệt của Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad (trái) và Tổng thống Donald Trump (ảnh: Getty)
Mặc dù vậy, hiện vẫn còn một số bất đồng liên quan tới thời điểm tổ chức hội nghị.
Theo Taliban, hội nghị sẽ diễn ra vào hai ngày 29-30/10, tuy nhiên, hôm thứ Hai, một phát ngôn viên của nhóm nổi dậy đã phủ nhận thông tin hiện một phái đoàn Taliban đang có mặt tại Bắc Kinh.
Lực lượng Taliban vẫn từ chối thương lượng chính thức với chính phủ Kabul, nhưng sự tham gia của Bắc Kinh và Doha được coi là sẽ thúc đẩy đối thoại, đồng thời khơi mào cho một giải pháp trung gian thực sự.
Ông Khalilzad đã đàm phán trong khoảng một năm với Taliban. Hai bên thậm chí đã tiến gần sát tới một thỏa thuận, trong đó, Mỹ cam kết rút quân và kết thúc cuộc chiến dài nhất trong lịch sử của mình. Tuy nhiên, vào tháng trước, Tổng thống Trump gây bất ngờ khi tuyên bố chấm dứt thương lượng, rút lại lời mời gửi tới giới lãnh đạo Taliban về một cuộc gặp mặt gần Washington – sau một cuộc đánh bom tự sát khiến lính Mỹ thiệt mạng.
Mặc dù Washington thường cố gắng làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga trong vấn đề Afghanistan nhưng ông Khalilzad được cho là vẫn thường xuyên tham vấn cả Bắc Kinh và Moscow trong những nỗ lực tìm kiếm hòa bình tại quốc gia Nam Á.
Trung Quốc và Afghanistan chia sẻ đường biên giới dài 76km. Bắc Kinh thường bày tỏ lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan. Còn Liên Xô trong những năm 1980 từng tiến hành can thiệp quân sự vào Afghanistan nhằm chống lại các tay súng Hồi giáo – vào thời điểm đó còn đang nhận được sự hỗ trợ từ Washington.
Đây cũng là lần thứ hai ba cường quốc quyết định đưa cả Pakistan vào quá trình đàm phán hòa bình. Islamabad từng ủng hộ cho chính quyền Taliban 1996-2001 và hiện vẫn duy trì liên lạc với lực lượng này.
Minh Đức
Theo toquoc
Thủ tướng Pakistan kêu gọi giảm tình trạng bạo lực ở Afghanistan
Thủ tướng Pakistan Imran Khan nhấn mạnh sự cần thiết phải vượt qua những khó khăn để tìm kiếm giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột Afghanistan một cách sớm nhất.
Chuyển nạn nhân bị thương trong vụ nổ bom tại một đền thờ Hồi giáo ở Jalalabad, Afghanistan, ngày 18/10. (Ảnh:THX/TTXVN)
Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã kêu gọi "những bước đi thiết thực cho việc giảm bạo lực ở Afghanistan" trong cuộc gặp của ông với Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad tại Islamabad vào chiều 28/10.
Văn phòng Thủ tướng Pakistan thông báo ông Khan đảm bảo với Phái viên Mỹ về sự ủng hộ của Pakistan đối với tiến trình hòa giải và hòa bình tại Afghanistan, quốc gia vốn bị chiến tranh tàn phá.
Thủ tướng Khan cũng "nhấn mạnh sự cần thiết phải vượt qua những khó khăn để tìm kiếm giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột Afghanistan một cách sớm nhất."
Đây là chuyến thăm thứ 2 của ông Khalilzad tới Pakistan trong tháng này vốn chủ yếu tập trung vào những nỗ lực mới của ông nhằm nối lại tiến trình hòa bình bị đình trệ với phiến quân Taliban.
Ông đã gặp nhà đàm phán hàng đầu của Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar tại Islamabad vào đầu tháng này.
Trong năm qua, đại diện Mỹ và Taliban nỗ lực thúc đẩy các cuộc hòa đàm về Afghanistan, nhằm tìm kiếm thỏa thuận để Washington rút quân khỏi Afghanistan, đổi lại Taliban cam kết không để các nhóm khủng bố biến quốc gia này thành địa bàn hoạt động.
Tháng trước, hai bên gần như tiến tới ký kết một thỏa thuận để thúc đẩy tiến trình hòa bình tại quốc gia Nam Á.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các cuộc đàm phán đã đổ vỡ sau khi phiến quân thực hiện một loạt cuộc tấn công, khiến 1 binh sỹ Mỹ thiệt mạng.
Trong một diễn biến liên quan, ông Hamdullah Mohib, Cố vấn an ninh quốc gia Afghanistan ngày 28/10 tuyên bố Taliban nên kêu gọi một lệnh ngừng bắn kéo dài 1 tháng để chứng tỏ họ vẫn kiểm soát được các lực lượng của mình.
Ông này cho rằng Taliban không còn hoạt động như một tổ chức gắn kết và một số chỉ huy có thể đã tham gia tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng./.
Theo Thúc Anh (TTXVN/Vietnam )
Chiến tranh ở Afghanistan: Số người thiệt mạng lên tới đỉnh điểm Số người thương vong trong cuộc chiến ở Afghanistan đã lên tới con số đáng báo động. Liên Hợp Quốc gần đây lại một lần nữa kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, số dân thường thiệt mạng và bị thương tăng 42% trong quý ba năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể,...