Gas lậu không sợ bị phạt!
Tình trạng sang chiết gas lậu, gas lừa vẫn tiếp tục lộng hành, nở rộ. Thậm chí có nơi vừa bị xử phạt vì sang chiết gas lậu nhưng chỉ khoảng một tuần sau lại ngang nhiên tái phạm.
PC46 Công an tỉnh Long An kiểm tra cơ sở sang chiết gas trái phép Hoàng Linh đêm 24-2 – Ảnh: Lê Sơn
Cơ quan quản lý giám sát lỏng lẻo, điều luật còn kẽ hở, doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, hám lợi là những nguyên nhân khiến thị trường gas bát nháo, mất kiểm soát.
Phạt thì cứ phạt…
“Bản thân các doanh nghiệp kinh doanh gas cũng chưa có trách nhiệm kiểm soát đầu vào và đầu ra lượng gas cung cấp cho đơn vị mình thuê chiết nạp. Đáng lý khi phát hiện những trạm chiết này có hành vi sang chiết trái phép bình gas đơn vị khác thì doanh nghiệp phải ngưng cung cấp gas bồn cũng như cắt hợp đồng thuê đơn vị này chiết nạp” Bà Lê Thị Anh Mẫn (phó chủ tịch Hiệp hội Gas VN)
Đêm 24-2, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Long An kiểm tra cơ sở sang chiết gas Hoàng Linh (ấp Mỹ Yên, huyện Bến Lức, Long An), phát hiện cơ sở này đang sang chiết gas trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, nhân viên của cơ sở đang thực hiện việc sang chiết gas, chụp niêm màng co giả (chủ yếu các loại bình 12kg, 45kg) và vận chuyển hàng lên xe. Hàng trăm vỏ bình gas các thương hiệu Saigon Petro, H.Gas, Saigon gas, gas Thành Tài… bị chiếm dụng được tập kết tại đây để sang chiết lậu. Trong đó có khoảng 170 bình gas đã sang chiết xong được bốc xếp lên xe chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ tại TP.HCM và các tỉnh ngay trong đêm. Một cán bộ đoàn kiểm tra cho biết mặc dù cơ sở này có trang bị dụng cụ để niêm màng co nhưng chỉ dùng khi đăng ký cấp phép kinh doanh. Việc chụp niêm màng co giả khi sang chiết xong được thực hiện bằng cách đổ nước sôi!
Điều đáng nói là cũng tại cơ sở sang chiết gas này, ngày 16-2, UBND tỉnh Long An đã có quyết định xử phạt hành chính 105 triệu đồng với hàng loạt vi phạm trong việc sang chiết, kinh doanh gas trái phép!
Ông Nguyễn Văn Châu, phó trưởng phòng PC46 Công an tỉnh Long An, cho biết cơ sở trên chỉ có chức năng sang chiết gas cho hai thương hiệu MT gas và Vinashin gas nhưng ngang nhiên sang chiết trái phép vào hàng loạt bình gas của các hãng gas khác không có trong hợp đồng. Do bị chiếm dụng trái phép, lưu thông trôi nổi, những bình gas này không hề được kiểm tra chất lượng nên sẽ rất nguy hiểm khi đến tay người sử dụng.
Cũng tại Long An, Công an huyện Cần Đước vừa kiểm tra xe tải của doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Rạch Kiến và tạm giữ hơn 100 bình gas có dấu hiệu vi phạm. Ngày 20-2, đại diện các hãng gas: Saigon Petro, Elf gas, Petrolimex gas đã xác nhận những bình gas bị tạm giữ đều bị chiếm dụng và sang chiết trái phép. Toàn bộ niêm màng co, tem chống hàng giả dán trên sản phẩm đều là giả.
Ngày càng tinh vi
Video đang HOT
Các chuyên gia trong ngành gas khẳng định việc các trạm (cơ sở) sang chiết lậu, không phép chính là nguyên nhân gây ra sự bát nháo trên thị trường gas cũng như hàng loạt vụ tai nạn xảy ra trong thời gian gần đây. Trong đó, tình trạng gas lừa trở nên đáng báo động.
Những chiêu lừa ngày càng tinh vi hơn, thậm chí “tàn nhẫn” để móc túi người tiêu dùng. Mới đây, khi hết gas bà M.T. (Thủ Đức) đã gọi điện kêu gas từ một tờ rơi. Khi nhân viên mang gas đến, ngay sau khi tìm hiểu sơ anh này đã phán: gas của chủ nhà “có vấn đề” và yêu cầu chủ nhà lấy dụng cụ để sửa giúp. Lợi dụng lúc chủ nhà sơ ý, anh ta nhanh chóng dùng đinh nhọn chọc thủng dây gas. “Cậu nhân viên này bật hộp quẹt để cho tôi thấy dây gas bị rò rỉ và yêu cầu thay dây gas với giá gần 400.000 đồng. Thấy tôi không đồng ý, anh ta hậm hực bỏ đi và bảo tôi nếu không thay thì cứ xài bình thường không sao cả! Hôm sau tôi đem cân lại bình gas thấy thiếu gần 7kg” – bà M.T. bức xúc.
Không chỉ xảy ra ở Thủ Đức, tại các khu vực vùng ven khác như Q.12, H.Bình Chánh… thủ đoạn gas lừa cũng diễn ra tương tự. Đặc biệt trong tình hình giá gas tăng cao, các đối tượng gas lừa bung ra làm ăn kiếm lời bất chính 200.000-300.000 đồng/bình bất chấp hậu quả.
Quản lý lỏng lẻo
Theo nghị định 107 về kinh doanh khí dầu hóa lỏng, các đơn vị muốn chiết nạp gas chỉ cần đáp ứng các yêu cầu về giấy phép kinh doanh cũng như các tiêu chuẩn về kho bãi, kỹ thuật… mà không hề có những ràng buộc về các hợp đồng chiết nạp gas. Giấy chứng nhận đủ điều kiện chiết nạp có hiệu lực trong 5 năm nhưng không yêu cầu đơn vị chiết nạp phải có lượng vỏ bình của mình hoặc hợp đồng chiết nạp thuê với thời gian tương ứng. Theo các chuyên gia trong ngành gas, với số vốn đầu tư khoảng 3-4 tỉ đồng/ trạm chiết, nếu không có đủ lượng hàng để họ sang chiết thì việc họ tổ chức sang chiết lậu gas của các thương hiệu khác là điều khó tránh khỏi. Việc một số trạm chiết ký hợp đồng kinh doanh gas (sang chiết) với các hãng gas chỉ để hợp thức hóa, nguồn thu chính vẫn từ việc sang chiết lậu đã và đang xảy ra.
Tại thời điểm kiểm tra trạm chiết Hoàng Linh, chúng tôi thấy có hai xe bồn của Petrolimex gas và Đông Dương Petroleum chở gas bồn cung cấp cho trạm chiết. Tuy nhiên, ông Hoàng Anh – tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Petrolimex Sài Gòn – khẳng định đơn vị không hề có bất cứ hợp đồng cung cấp nào với trạm chiết này cũng như không có xe bồn biển số như trên.
Bà Lê Thị Anh Mẫn, phó chủ tịch Hiệp hội Gas VN, cho biết tình trạng trạm chiết nạp thuê có hợp đồng với một doanh nghiệp nhưng tổ chức chiết nạp lậu cho hàng loạt thương hiệu gas khác còn khá phổ biến và rất khó kiểm soát. Khi sang chiết lậu, chất lượng, trọng lượng gas hoàn toàn không thể nào kiểm tra được. Tuy nhiên, hiện nay một số tỉnh vẫn còn thờ ơ trong việc kiểm tra trạm chiết.
Sang chiết ở tỉnh, đưa vào thành phố
Một đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết mặc dù thành phố là thị trường tiêu thụ gas chủ yếu nhưng hiện nay việc sang chiết gas lậu tập trung ở nhiều tỉnh giáp ranh TP.HCM. Những vi phạm về kinh doanh gas lậu trên địa bàn thành phố chủ yếu tập trung ở các đại lý kinh doanh gas, xe vận tải gas. Kiểm tra, bắt giữ những đối tượng này chỉ giải quyết phần ngọn trong khi đó cốt lõi vấn đề là phát hiện, xử lý trạm chiết. Do đó, để giải quyết triệt để vấn đề cần có sự phối hợp giữa các tỉnh, đặc biệt là tỉnh có các trạm chiết gas.
Theo Tuổi Trẻ
Trộm cát vùng giáp ranh lộng hành
Trên khúc sông Yên chảy qua đoạn tiếp giáp hai tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, đội ghe trộm cát lộng hành khiến lòng sâu tại đây bị khoét sâu, tạo hàm ếch gây sạt lở ruộng vườn, hoa màu của nông dân.
Sạt lở nghiêm trọng
Từ cuối năm 2011 đến nay, người dân làng Diệm Sơn, xã Điện Tiến, H.Điện Bàn, Quảng Nam cùng với người dân thôn An Trạch, xã Hòa Tiến liên tục ca thán về tình trạng ruộng vườn ven sông Yên bị sạt lở.
Hàng chục ha hoa màu như đậu, sắn đang canh tác cũng bị cuốn trôi xuống sông, ngay cả những bờ tre dài cũng không giữ được đất.
Theo người dân các xóm Bắc, xóm Tây thôn Diệm Sơn, xã Điện Tiến, H.Điện Bàn nếu không kể mưa lũ, trước đây lòng sông Yên rất nông tạo nên những bãi bồi, người nông dân có thể lội bộ qua sông để trồng hoa màu.
Nhưng nay lòng sông sâu đến nỗi cắm cây sào tre xuống cũng mất hút.
Bà Mười Lâm, thôn 2 Diệm Sơn, phản ánh, đội ghe hút cát gồm 9 chiếc nổ máy ì ầm giữa sông từ 3 giờ sáng hằng ngày đánh thức cả vùng thôn quê.
Vườn nhà bà Mười Lâm, thôn 2 Diệm Sơn ngày càng bị sạt lở sâu do nạn khai thác cát trái phép - Ảnh: Nguyễn Tú
Khúc sông chỉ rộng khoảng 50m từ cuối năm 2011 đến nay đã ăn sâu vào hai bên bờ. Vườn sắn, đậu nhà bà Mười Lâm cũng như ông Trần Đãi gần bên đã bị sạt lở, ăn sâu vào hơn 30m.
Gần đó, đất vườn của bà Hoàng Thị Nhượng (77 tuổi) cũng bị sạt lở nặng nề, chỉ còn cách ngôi nhà mà chính quyền địa phương xây tặng chừng 20m.
Ông Nguyễn Văn Rân, Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường H.Điện Bàn, Quảng Nam khẳng định, H.Điện Bàn không hề cấp phép cho bất kỳ ghe thuyền nào khai thác cát trên sông Yên đoạn qua xã Điện Tiến.
Từ cuối năm 2011, lực lượng liên ngành do Phòng Tài nguyên Môi trường chủ trì đã bắt quả tang, xử phạt hàng chục phương tiện trộm cát ở khu vực này. Tuy nhiên theo ông Rân, do lực lượng liên ngành không thể túc trực thường xuyên nên ra tết Nguyên đán, tình trạng trộm cát lại tái diễn.
Luồn lách
Gần đây, khi Công an xã Điện Tiến truy đuổi quyết liệt và đóng tất cả các bến bãi tập kết cát trên địa bàn xã, thì đoàn quân ghe trộm cát lén lút hoạt động vào ban đêm, sau đó chở cát vượt qua ranh giới Quảng Nam về TP.Đà Nẵng để bán.
Ngày 25.2 tại các thôn Phú Sơn 1, Phú Sơn 3, xã Hòa Khương và thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, từng đoàn ghe cát tấp nập vào bờ. Tại đập nước An Trạch, bến cát của ông Đặng Bảy hoạt động trái phép lâu nay nhưng có hẳn một đội xe múc, băng chuyền, xe tải chuyên nghiệp chờ sẵn.
Chỉ cách đây vài ngày, Phòng Tài nguyên Môi trường H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra các bến cát của các ông Đặng Bảy (xã Hòa Tiến), Trần Thạnh, Trần Văn Thứ, Trần Bán (xã Hòa Khương) và Lê Văn Dũng (Hòa Phong, H.Hòa Vang) nhưng chỉ xử phạt tổng cộng 8,5 triệu đồng về hành vi vận chuyển cát không rõ nguồn gốc và tập kết cát trái phép.
Đội ghe trộm cát tập kết về thôn An Trạch cùng đội xe múc, xe tải vận chuyển cát - Ảnh: Nguyễn Tú
Theo Phòng Tài nguyên Môi trường H.Hòa Vang, 3 trong số 5 cá nhân nêu trên có giấy phép vận chuyển, mua bán cát, đồng thời việc trộm cát xảy ra trên địa phận Quảng Nam nên lực lượng Phòng không đủ cơ sở để xử phạt về hành vi khai thác trái phép khoáng sản.
Công an xã Hòa Tiến khẳng định đội ghe hút cát vẫn lén lút hút trộm tại địa phận TP.Đà Nẵng và đã gây nên tình trạng sạt lở đầu làng An Trạch.
Không chỉ sạt lở, đường giao thông nông thôn DH 409 hiện cũng đang xuống cấp bởi đội xe tải trọng nặng hoành hành mỗi ngày, khiến người dân hai xã Hòa Khương, Hòa Tiến phải chịu cảnh nắng bụi, mưa bùn.
Ông Lê Đức Trí - Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường H.Hòa Vang cho biết, trước thực trạng trên, H.Hòa Vang đang xin ý kiến UBND TP.Đà Nẵng về việc dẹp bỏ tất cả bến bãi tập kết cát trên địa bàn.
Theo Thanh Niên
Sang chiết gas gây cháy nổ kinh hoàng, lửa thiêu 3 người Sau 1 tiếng nổ lớn rồi lửa bùng cháy dữ dội, nhiều người chạy đến chứng kiến cảnh tượng hãi hùng: Một nạn nhân bị hất tung từ trong nhà ra ngoài đường toàn thân bỏng nặng. Vụ cháy nổ kinh hoàng xảy ra lúc 20h ngày 10/1 tại quán cơm gần cầu vượt Linh Xuân nằm trên QL1A, P.Linh Xuân, quận Thủ...