Gặp Susan Boyle 3 năm sau cú sốc nổi tiếng toàn cầu
Hiện tượng âm nhạc của năm 2009 đã mơ một giấc mơ, và nó trở thành sự thật. Nhưng sau cơn mơ là gì đối với cô?
Ca sĩ tuổi trung niên của một nhà thờ ở thị trấn nhỏ Scotland bỗng trở thành ngôi sao nổi tiếng toàn cầu năm 2009 sau ca khúc I dreamed a dream trong cuộc thi Britain’s got talent. Một tuần tỏa sáng trong showbiz đã là dài, và ở kỷ nguyên online tốc độ cao, ba năm rưỡi dường như là vĩnh cửu, nhưng Boyle vẫn đang duy trì vị thế rất tốt. Cô đã bán được hàng triệu bản ghi âm, nhận bằng tiến sĩ danh dự, hát cho Giáo hoàng Benedict XVI và biểu diễn ở Las Vegas. Một vở nhạc kịch về cuộc đời cô có một chuyến lưu diễn thành công khắp nước Anh và chuẩn bị tiến sang Australia. Tháng tới cô sẽ phát hành album thứ 4 Standing ovation.
Nhưng ca sĩ 51 tuổi, người đã đi thi trên truyền hình chỉ để người mẹ quá cố tự hào chẳng hề thay đổi. Cô vẫn giữ nguyên phong cách hơi luộm thuộm, dù đã thuê một thợ làm tóc mới, diện quần áo đắt tiền hơn và có trang điểm. Cô tiếp tục sống ở thị trấn nhỏ bình dị, thường xuyên cáu giận và vật lộn để vượt qua nỗi sợ hãi trước khi bước lên sân khấu.
Chú vịt xấu xí nay đã hóa thiên nga trên sân khấu và tạp chí.
Cuộc đời Susan Boyle đúng là một câu chuyện cổ tích, nhưng đâu đó vẫn phảng phất những bóng tối mờ.
Video đang HOT
Elaine C. Smith, diễn viên người Scotland đóng vai của Boyle trong vở kịch I dreamed a dream bày tỏ: “Mọi người không thể chấp nhận rằng bạn có thể mơ một giấc mơ nhưng một phần của giấc mơ cũng là cơn ác mộng… Những hạt bụi của bà tiên rơi xuống, và còn có thêm những mảnh đạn đi kèm”.
Giờ Boyle có một chiếc ô tô và tài xế riêng đưa đón, nhưng cô vẫn gắn bó với những nơi chốn và sinh hoạt quen thuộc, chẳng hạn như thỉnh thoảng đi hát karaoke ở quán rượu The Crown. Cô mua một căn nhà mới 2 tầng, 4 phòng ngủ ở Blackburn trị giá 480.000 USD, nhưng người dân địa phương cho biết Boyle vẫn thường ở trong ngôi nhà chia lô đơn giản nơi cô đã lớn lên.
Không chỉ được cộng đồng ủng hộ, Boyle còn được bảo vệ bởi người quản lý Andy Stephens và bạn bè, gia đình thân thiết. Theo chuyên gia về tâm lý, đây là một nhân tố giúp con người chống lại áp lực khi đột ngột trở nên nổi tiếng. Hầu hết những ngôi sao trên thế giới khi nổi danh không cư xử như Boyle. Họ không còn gắn kết chặt chẽ với nơi chốn và người quen cũ như vậy.
Susan Boyle bên ngoài ngôi nhà ở Blackburn.
Cuộc đời của Susan Boyle thay đổi chỉ sau vài phút khi cô lần đầu xuất hiện trên Britain’s got talent 2009. Giọng hát truyền cảm cất lên từ một người trông hoàn toàn quê mùa và già cỗi, kết hợp với gương mặt choáng váng của giám khảo khó tính Simon Cowell đã tạo nên hiệu ứng truyền hình mạnh mẽ. Diễn viên Smith nhận xét: “Chúng ta đã đánh giá vẻ ngoài của cô ấy. Những ai nói họ không là nói dối. Cho đến khi cô ấy cất tiếng hát, và chỉ trong vài phút, tất cả khán giả truyền hình phải rưng rưng nước mắt”.
Clip màn biểu diễn xúc động đó nhanh chóng lan đi khắp thế giới. Album đầu tay I dreamed a dream và album thứ hai The gift đều giành vị trí quán quân ở Mỹ và Anh. Mặc dù những bài cover lại ca khúc pop kinh điển và nhạc kịch của Susan không làm các nhà bình luận quá kinh ngạc, nhưng ba album của cô bán được hơn 14 triệu bản. Trong tháng 10/2012, Susan được chương trình Dancing with the stars của Mỹ mời hát trên sân khấu.
Những thành công đó là cả một quãng đường dài đối với một “cô gái già” bước ra từ thị trấn Blackburn, nơi chỉ có khoảng 5.000 dân cư sinh sống.
Boyle là con út trong một gia đình có 9 người con. Ngay từ thời đi học, cô đã gặp nhiều khó khăn và thường xuyên bị bạn bè bắt nạt. Sau khi rời ghế nhà trường, cô ở vậy chăm sóc người mẹ góa của mình nhiều năm trước khi bà mất năm 2007. Mặc dù Susan từng thú nhận rằng cô đã nói quá lên chuyện “chưa từng được hôn”, nhưng đúng là cô chưa bao giờ lấy chồng. Thú vui lớn nhất của Susan là ca hát, hát ở nhà thờ hay hát karaoke ở quán rượu cũng vậy.
Khán giả yêu mến và kỳ vọng “vịt con xấu xí” Susan Boyle có thể chiến thắng, nhưng cuối cùng Susan chỉ về nhì. Sau khi chương trình kết thúc, cô đã ghi tên vào Priory, một trung tâm chữa trị dành cho các ngôi sao vì cô bị kiệt sức do quá căng thẳng.
Bìa album đầu tay của cô.
Cho tới bây giờ, khi đã giàu có và là nghệ sĩ, Susan vẫn chưa bao giờ thôi lo lắng trước khi hát trên sân khấu. Trong một bài phỏng vấn năm ngoái, Susan từng đề cập đến nó: “Khi tôi bước lên sân khấu Britain’s got talent lần đầu tiên, tôi đã sợ mình sẽ thất bại. Tới nay nỗi sợ ấy vẫn còn trong tôi”.
Smith cho rằng những nỗi chật vật mà Boyle đang phải đương đầu trong cuộc sống đã làm một số fan của cô thất vọng: “Họ muốn một giấc mơ trở thành hiện thực, và cuộc đời của cô ấy phải hoàn hảo”. Nhưng chính nhược điểm của Boyle là một phần biến cô ấy thành ngôi sao như bây giờ. Sau cùng thì, Susan Boyle là “một người phụ nữ đang chinh phục nỗi sợ hãi của chính mình”.
XUÂN YẾN
Theo Infonet
V-Pop: Vô vọng "càn quét" tài năng?
Rất nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát, nhưng Vpop không nhờ thế mà được cải thiện, chưa thể thuyết phục đông đảo khán giả để họ thừa nhận là một tài năng ca hát thật sự.
Đã nhiều năm nay những cuộc thi ca hát "truyền thống" có phạm vi tuyển sinh trên toàn quốc có thể kể như: Sao Mai, Sao Mai Điểm hẹn (SM-ĐH), Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Tiếng ca học đường. Từ 2007 có thêm Vietnam Idol và năm nay thêm 2 chương trình Ngôi nhà âm nhạc và Giọng hát Việt nhập cuộc. Đó là chưa kể Vietnam's Got Talent vừa kết thúc - một cuộc thi tìm kiếm tài năng nói chung mà trong đó tỷ lệ ca hát chiếm phần lớn.
Tuy nhiên, những tài năng được tìm kiếm qua các cuộc thi thì vẫn "làng nhàng", có người mất bóng trong đời sống âm nhạc. Không chinh phục được khán giả Việt Nam chứ đừng nói là tỏa sáng trên trường quốc tế.
Ngậm ngùi tài năng từ các cuộc thi
Có lẽ sẽ quá khập khiễng khi so sánh người đoạt giải Vietnam Idol và American Idol. Thế nhưng cũng có một chút ngậm ngùi khi quán quân của họ thì "nổ tung" trên thế giới, còn quán quân của Việt Nam thì như... bom xịt. Ở American Idol 2002 , sau khi Kelly Clarkson đăng quang ngôi vị quán quân, liên tiếp các album của ca sĩ này làm mưa làm gió trên US Billboard (album Thankful chiếm vị trí quán quân, album Breakaway ngay tuần đầu tiên đã nằm ở vị trí thứ 3) và 4 năm sau Kelly Clarkson giành được giải Album nhạc pop của năm và Nữ nghệ sĩ trình diễn xuất sắc nhất của Grammy 2006.
Nữ quán quân American Idol 2005 Carrie Underwood thì chỉ 2 năm sau đoạt giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất của Grammy (2007). Những "idol" thường thường bậc trung của American Idol như quán quân Davik Cook, á quân David Archuleta cũng tạo được ảnh hưởng tới nhiều nước trên thế giới và đã đến Việt Nam biểu diễn trong sự trọng vọng của showbiz Việt.
Uyên Linh và Văn Mai Hương là hai điểm sáng hiếm hoi mà khán giả tìm thấy ở các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình.
Hiện tượng Susan Boyle, dù cô không đoạt giải gì trong Britain's Got Talent 2009 (chương trình có phiên bản như Vietnam's Got Talent), nhưng bài hát I Dreamed A Dream mà cô trình diễn trong cuộc thi sau khi tung lên mạng YouTube nó đã trở thành cơn sốt thực sự, khi chưa đầy 1 tuần đã có gần 50 triệu lượt nghe.
Nói lên điều đó để thấy rằng cái "nền tảng cơ bản" về ca hát của các nước là khá cao, rất khác với ở Việt Nam. Vì vậy, có lẽ điều cần làm nhất là làm cách nào để nâng cao "nền tảng cơ bản đó", khi trình độ của phong trào ca hát đạt đến ngưỡng cao thì mới mong có những tài năng đích thực.
Tuy nhiên, nhiều năm qua và hiện nay, việc nâng cao trình độ thẩm mỹ âm nhạc đại trà của công chúng, cũng như việc mở ra những khoa, trường dạy nhạc nhẹ một cách bài bản và đúng nghĩa, không được chú trọng. Chẳng ai quan tâm đầu tư đến việc đào tạo mà chỉ chăm chăm đi tìm kiếm nhân tài với những cuộc thi, đó là một nghịch lý, nhưng nó đã và đang diễn ra.
"Càn quét" tài năng trong vô vọng?
Có thể ví như một hồ cá, không có thời gian nuôi dưỡng, đầu tư cho cá mà những người chài lưới cứ thay nhau liên tục thả lưới càn quét. Ban đầu được cá lớn sau đó cá bắt được càng lúc càng bé dần và có khi không có con cá nào đáng để bắt.
Những cuộc thi cũng tương tự như thế, ví dụ ca sĩ SM-ĐH lứa đầu tiên (2004) có Tùng Dương, Ngọc Khuê đầy cá tính và nhiều gương mặt khá chất lượng khác như Kasim Hoàng Vũ, Nguyễn Ngọc Anh, Lưu Hương Giang, Thái Thùy Linh... Đến mùa SM-ĐH 2006, chất lượng giảm đi một chút với những gương mặt như Phạm Anh Khoa, Hà Anh Tuấn, Nguyễn Hoàng Hải... Đến SM-ĐH 2008 thì không thể tìm được gương mặt nào để trao giải của Hội đồng nghệ thuật. SM-ĐH 2010, hai gương mặt nổi bật nhất: Minh Chuyên (giải thưởng của Hội đồng nghệ thuật) và Lương Viết Quang (giải thưởng do khán giả bình chọn) trong gần 2 năm qua họ không có một tác động nào đáng kể trên thị trường âm nhạc.
Nguyễn Trần Trung Quân - Một thí sinh của Sao Mai điểm hẹn 2012
Nhiều cuộc thi ca hát khác đa số cũng lâm vào tình trạng tương tự. Có lẽ nhiều người biết điều này nhưng lực bất tòng tâm?
Tuy nhiên, các nhà sản xuất chương trình thì vẫn "say máu" với chuyện bắt cá, nhiều chương trình được xem là "khủng", mua format từ nước ngoài với giá hàng triệu USD, tổ chức cuộc thi rình rang hàng tháng trời. Hầu như việc tìm kiếm được tài năng ca hát hay không, không còn là mối bận tâm đối với các nhà sản xuất. Tất cả đang bị cuốn vào trào lưu truyền hình thực tế của ngành truyền hình Việt Nam trong thời gian gần đây. Miễn là chương trình hấp dẫn (kể cả tạo nên những scandal để chương trình được chú ý), thu hút được đông đảo khán giả xem đài, kéo theo việc thu hút lượng quảng cáo lớn với giá cao ngất trời và đó cũng là mục đích cuối cùng của những cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát?
Với thực tiễn như hiện nay, các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát thực chất chỉ là những gameshow kiếm tiền trên truyền hình, chứ tài năng ca hát đâu ra mà tìm kiếm?
Theo TTVH
Tây cũng phải "bái phục" VN's Got Talent Người ta tự hỏi: Nếu Susan Boyle ở Việt Nam, liệu cô có thành hiện tượng không? Không cần suy nghĩ mà trả lời được: Có lẽ không! Bởi tài năng và sự "lố bịch" của cô chưa đủ độ... ép phê. Simon Cowell cũng phải lắc đầu Got Talent là show truyền hình thực tế xuất hiện tại Anh lần đầu tiên...