Gấp rút triển khai dự án cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2
Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương triển khai 3 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam là đoạn Cao Bồ – Mai Sơn, Cam Lộ – La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2.
Ngày 16/9 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công dự án Cam Lộ – La Sơn, một trong 3 dự án sử dụng vốn ngân sách thuộc cao tốc Bắc – Nam. Ảnh minh họa/TTXVN
Bộ Giao thông Vận tải vừa quyết định hủy kết quả sơ tuyển chọn nhà đầu tư cho 8 đoạn thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam theo hình thức công tư (PPP) do không đạt được mục tiêu chọn nhà đầu tư. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ chung dự án cao tốc Bắc – Nam không bị chậm so với kế hoạch, bên cạnh việc chuẩn bị ngay việc đấu thầu trong nước cho các dự án này theo hình thức PPP thì Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương triển khai 3 dự án khác đã được bố trí nguồn vốn ngân sách cho dự án cao tốc Bắc – Nam là đoạn Cao Bồ – Mai Sơn, Cam Lộ – La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2.
Để đẩy nhanh việc thực hiện cao tốc Bắc – Nam, ngày 16/9 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công dự án thành phần đầu tiên của cao tốc Bắc – Nam là đoạn Cam Lộ – La Sơn. Đoạn tuyến có chiều dài xây dựng 98,35 km đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2021, khi hoàn thành cùng với đoạn La Sơn – Túy Loan tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn – Túy Loan sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa lưu lượng giao thông của Quốc lộ 1A khi tuyến đường đèo và tuyến hầm Hải Vân có sự cố, đồng thời góp phần tạo động lực phát triển cho các tỉnh miền Trung.
Đối với dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Cao Bồ (Nam Định) – Mai Sơn (Ninh Bình) do Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình làm chủ đầu tư có chiều dài hơn 15 km với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đầu tháng 10/2019 phải khởi công.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Bùi Quang Xoa, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình thông tin, hiện nay vẫn chưa có kết quả chấm thầu chọn nhà thầu xây dựng cho dự án. Cụ thể, Tổ chuyên gia của dự án chưa có văn bản báo cáo cho Ban Quản lý nên chưa thể có đánh giá chung về hồ sơ dự thầu của dự án.
Như vậy, dự án Cao Bồ – Mai Sơn đã mở hồ sơ dự thầu từ ngày 27/8/2019, đến nay hơn 1 tháng chưa có kết quả chấm thầu. Về việc này, ông Bùi Quang Xoa lý giải, theo quy định của pháp luật là không quá 45 ngày sẽ phải công bố kết quả chấm thầu. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thêm thời hạn công bố kết quả chấm thầu thì có thể xin thêm hạn 20 ngày. Đây là dự án lớn nên Ban chỉ đạo các đơn vị làm rất cẩn trọng, đảm bảo đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Trong khi đó, tháng 12/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu (Tiền Giang và Vĩnh Long) do Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư. Tổng chiều dài dự án là 6,61 km với tổng vốn 5.003 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Sau khi hoàn thành vào năm 2023, dự án sẽ kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ để hoàn thiện toàn tuyến cao tốc từ Tp. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ theo quy hoạch.
Video đang HOT
Về tiến độ triển khai dự án, ông Đinh Công Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho biết, dự án cầu Mỹ Thuận 2 thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam dự kiến sẽ được khởi công cuối tháng 11 đầu hoặc đầu tháng 12 tới. Trong trong tuần này, Ban sẽ phê duyệt và bán hồ sơ mời thầu. Đơn vị phấn đấu trong tháng 10 hoặc sang tháng 11 sẽ công bố nhà thầu xây lắp cho dự án để triển khai dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.
Gấp rút triển khai các dự án sử dụng vốn ngân sách thuộc cao tốc Bắc – Nam . Ảnh minh hoạ/TTXVN
TS. Nguyễn Hữu Đức, Chuyên gia giao thông cho rằng, trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam chỉ có 3 dự án được nhà nước dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Qua đó thấy được tầm quan trọng và tính chất cấp thiết phải triển khai ngay; trong đó, dự án Cao Bồ – Mai Sơn được kỳ vọng triển khai sớm để giải tỏa nút thắt cổ chai giao thông cửa ngõ từ Nam miền Trung ra cửa ngõ Thủ đô.
“Trong giai đoạn ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc sử dụng hiệu quả đồng vốn cần được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, việc đấu thầu chọn nhà thầu cần có tính cạnh tranh minh bạch để vừa tiết kiệm được tiền cho ngân sách nhưng vẫn đảm bảo tìm được nhà thầu có đủ năng lực, qua đó đảm bảo chất lượng và tiến độ của từng dự án”, TS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.
Phát biểu tại Lễ khởi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lộ – La Sơn ngày 16/9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến ý nghĩa chiến lược của tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam được Đảng, Nhà nước ưu tiên dành nguồn lực đầu tư.
Thủ tướng nêu rõ, đường bộ cao tốc ở Việt Nam sẽ trải dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau nhằm mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ việc kết nối giữa các tỉnh, thành phố, các vùng kinh tế trọng điểm, qua đó đóng góp tích cực vào việc phát triển đất nước, nâng cao đời sống người dân. Bởi, có cao tốc, sẽ giảm chi phí lao động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ những hiện tượng, hành vi tiêu cực trong lĩnh vực này làm giảm chất lượng công trình. Thủ tướng yêu cầu dự án cao tốc đoạn Cam Lộ – La Sơn cũng như các dự án thành phần khác trên toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, đúng quy định của Nhà nước để không xảy ra mất mát, hư hỏng.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài khoảng 2.109 km.
Hiện tuyến đường đã khai thác và đang xây dựng một số đoạn dài 601 km. Thực hiện Nghị Quyết số 52/2017/QH14 của Quốc Hội khóa XIV, dự án cao tốc Bắc – Nam tiếp tục đầu tư một số đoạn với chiều dài khoảng 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, gồm các đoạn: từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long). Trong đó chỉ có 3 dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách là Cao Bồ – Mai Sơn, Cam Lộ – La Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2, còn lại được đầu tư theo hình thức PPP./.
Theo Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
'Nghiêm cấm nhà thầu Trung Quốc đội lốt tại dự án cao tốc Bắc - Nam'
Chuyên gia kinh tế đang đặt ra những cảnh báo về tình trạng nhà thầu nước ngoài, nhà thầu Trung Quốc đội lốt nhà thầu Việt Nam tại dự án cao tốc Bắc - Nam.
Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) vừa có quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Liên quan đến việc lựa chọn doanh nghiệp nội làm nhà thầu trong các dự án công trong đó có cao tốc Bắc - Nam, nhiều vấn đề về đấu thầu, giám sát, quản lý đã được các chuyên gia đặt ra. Có hay không và cần đưa ra những cảnh báo nào để ngăn chặn tình trạng nhà thầu nước ngoài, nhà thầu Trung Quốc đội lốt nhà thầu Việt Nam?
Dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ chỉ đấu thấu trong nước.
VTC News tiếp tục đăng tải loạt bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
- Thưa tiến sĩ Phạm Chi Lan, trước đây, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khó có cửa tham gia vào các dự án công có vốn đầu tư lớn của Nhà nước. Nhìn lại 'quá khứ' này, có thể thấy doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi?
Đúng vậy, thực tế này đã gạt mất bao nhiêu cơ hội của DN Việt Nam, đặc biệt DN tư nhân tham gia vào các dự án công, để từ đó đóng góp cho đất nước và cũng là cơ hội để trưởng thành lên.
Người ta không hiểu một đạo lý rằng, DN nước ngoài làm thì bao nhiêu lời lãi họ mang về nước hết, Còn DN VN làm thì nếu có lời lãi họ cũng sẽ mang tái đầu tư vào các dự án khác trong nước. Cơ quan quản lý nhà nước cũng dễ dàng quản lý thuế má, các vấn đề khác một cách dễ dàng đối với họ. Còn các nhà thầu quốc tế, xong dự án là họ về nước trong khi dự án đang bung bét ra đó nhưng Nhà nước không làm thế nào xử lý được, như 12 dự án nhà máy của Bộ Công Thương hay dự án đường sắt Cát Linh, Hà Đông. Đó đều là những điển hình tồi tệ dành cho nhà thầu nước ngoài.
- Việc bỏ đấu thầu quốc tế đối với dự án cao tốc Bắc - Nam còn cần tiếp tục đặt ra những yêu cầu nào để tránh rào cản đối với doanh nghiệp nội?
Bộ GTVT cần có quy định rõ ràng, có thời gian đảm bảo cho các doanh nghiệp để họ chuẩn bị kỹ càng công tác đấu thầu, trong đó có mô hình liên doanh, liên kết ít nhất 6 tháng.
Nhà nước cũng nên quan tâm tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn. Vốn vay ngân hàng hiện nay rất khó, lãi suất cao, nên DN cần đến sự bảo lãnh nhất định từ Nhà nước. Nhà thầu trước đây trong hình thức BOT còn được hỗ trợ vay vốn ngân hàng. Còn hiện nay, trong dự luật về PPP còn chấp nhận bảo lãnh tỉ giá cho DN nước ngoài thì đối với DN trong nước làm dự án cao tốc Bắc - Nam sao lại khắt khe với họ được?
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: Sơn Tùng
- Nhiều lo ngại về việc sẽ có doanh nghiệp nội địa 'câu kết' với doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc, tham gia đấu thầu, làm thế nào để ngăn chặn điều này?
Vấn đề giám sát tại dự án cao tốc Bắc - Nam nên tách ra thành nhiều khâu. Thứ nhất, giám sát nhà thầu khi nộp đơn thầu. Lúc này làm cần thận trọng bởi ở VN đã từng có hiện tượng cho DN nước ngoài đội danh để làm rồi. Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về FDI cũng nêu lên thực trạng đó và đã yêu cầu ngăn chặn.
Tới đây, chúng ta cần đặt ra các cảnh báo mạnh mẽ về vấn đề DN nước ngoài đội lốt DN tư nhân Việt Nam để tham gia đấu thầu, đầu tư vào các dự án công. Điều này đã được cảnh báo từ việc quản lý đất đai lúng túng tại nhiều địa phương hiện nay. Chính quyền dù biết rõ là dự án đất đai đó của DN nước ngoài nhưng không chỉ ra được tên tuổi gốc của người nước ngoài là ai để giải quyết.
Trong dự án cao tốc Bắc - Nam, khi không đấu thầu quốc tế nữa thì rất có thể một số nhà thầu quốc tế, nhất là nhà thầu Trung Quốc (với số lượng lên đến 30 nhà thầu từng gửi đơn đấu thầu) sẽ lại mượn danh doanh nghiệp tư nhân VN nào đó để đấu thầu.
Nhà nước, Bộ GTVT và các đơn vị chức năng liên quan phải có trách nhiệm giám sát và yêu cầu các DN phải thật minh bạch, chính trực trong việc công khai các tiêu chí. Vốn ở đâu, vay của ai, điều kiện như thế nào, công nghệ thiết bị ra sao, hợp tác liên doanh với đối tác nào cần phải làm thật rõ. Không để xảy ra tình trạng DN tư nhân Việt Nam, vì cái lợi riêng mà ôm nhà thầu nước ngoài vào. Nhất định Nhà nước phải cương quyết xử lý nghiêm, và nếu DN nào cố tình vi phạm thì phải loại ra khỏi thị trường, không cho tham gia bất cứ dự án nào nữa.
Cũng phải nghiêm ngặt kiểm soát về chất lượng để đảm bảo cho công trình. Nhà thầu nào tai tiếng, làm ẩu, đội giá, thành tích bất hảo thì phải loại ra ngoài, không thể cho tham gia được. Phải lựa chọn nhà thầu uy tín, cho dù họ chưa có kinh nghiệm làm đường nhưng các tiêu chí về pháp luật, độ tin cậy được đảm bảo thì cần khuyến khích họ tham gia.
ĐÀO BÍCH
Theo VTC
Nhà thầu nội có đủ sức "gánh" dự án cao tốc Bắc - Nam? Dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông sẽ được tổ chức đấu thầu lại và sẽ chỉ là sân chơi dành cho các nhà đầu tư nội. Thay đổi này mở ra cơ hội, sân chơi lớn cho các nhà đầu tư trong nước, nhất là trong bối cảnh các dự án hạ tầng giao thông đang có phần đình...