Gấp rút nghiên cứu quan điểm của Trump về quân sự, an ninh hàng hải Biển Đông
Lịch sử cho thấy, khi nào Mỹ không được chuẩn bị là khi đó nguy hiểm nhất. Chúng tôi muốn ngăn chặn, tránh và ngăn ngừa xung đột thông qua sức mạnh quân sự…
USNI, cổng thông tin điện tử của Viện Hải quân Hoa Kỳ ngày 10/11 đã tập hợp lại những phát biểu của Donald Trump và cộng sự về an ninh hàng hải. Bởi lẽ Lầu Năm Góc phần lớn vẫn chưa biết Tổng thống đắc cử sẽ tiếp cận vấn đề quốc phòng và chính sách đối ngoại ra sao khi nhậm chức.
Donald Trump và hai thành viên cấp cao có khả năng nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính quyền của ông đã đưa ra một đề cương rộng mở về cách họ sẽ tiếp cận các vấn đề an ninh quốc gia và an ninh hàng hải.
Có thể đây là dấu hiệu cho thấy chính sách của Nhà Trắng sẽ được định hình như thế nào.
Những báo cáo từ Hạ nghị sĩ Randy Forbes, ứng viên hàng đầu có thể được đề cử vào vị trí Bộ trưởng Hải quân trong chính quyền Donald Trump, và Thượng nghị sĩ Jeff Session – cố vấn chính sách ngoại giao dài hạn trong suốt chiến dịch tranh cử, cung cấp thêm manh mối về cách tiếp cận của Donald Trump.
Phát biểu của Donald Trump
Trump khởi đầu bài phát biểu tháng Chín của mình rằng:
“Chúng tôi muốn đạt được một thế giới hòa bình, ổn định với ít xung đột, cùng chung sống.
Tôi xin đề xuất một chính sách đối ngoại mới tập trung vào việc thúc đẩy lợi ích cốt lõi quốc gia của Mỹ, thúc đẩy sự ổn định trong khu vực, giảm nhẹ căng thẳng trên thế giới.
Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama đã gặp nhau tại Nhà Trắng để bàn bạc việc chuyển giao quyền lực, ảnh: Yahoo News.
Điều này đòi hỏi phải xem xét lại các thất bại trong chính sách đối ngoại trước đây. Chúng tôi có thể tạo ra những người bạn mới, xây dựng lại các liên minh cũ, và đưa các đồng minh mới vào khuôn khổ.”
Tuy nhiên Donald Trump đã thể hiện rõ quan điểm về sự cần thiết tăng cường sức mạnh quân sự cho Hoa Kỳ khi nói rằng:
“Lịch sử cho thấy, khi nào Mỹ không được chuẩn bị là khi đó nguy hiểm nhất. Chúng tôi muốn ngăn chặn, tránh và ngăn ngừa xung đột thông qua sức mạnh quân sự không thể nghi ngờ của mình.”
Video đang HOT
Sức mạnh quân sự của Mỹ sẽ đến thông qua việc phát triển lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến. Heritage Foundation dẫn lời Trump cho biết, Mỹ sẽ tăng lực lượng thủy quân lục chiến từ 24 tiểu đoàn lên 36 tiểu đoàn.
Đối với hải quân, Donald Trump nói trong bài phát biểu của mình rằng, ông muốn hải quân Mỹ có 350 tàu chiến hiện đại so với mục tiêu hiện nay là 308 chiếc.
Hải quân Mỹ phải được tăng cường lực lượng phòng thủ tên lửa đạn đạo, hiện đại hóa 22 tàu tuần dương giữ vai trò nền tảng phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, châu Á và Trung Đông.
Trump cũng cho biết ông sẽ mua tàu khu trục hiện đại bổ sung cho hải quân để xử lý các nhiệm vụ phòng thủ tên lửa trong những năm tới.
Tổng thống đắc cử sẽ đề nghị Quốc hội Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn việc cắt giảm ngân sách quốc phòng để đảm bảo chi cho các mục tiêu quân sự to lớn này.
Đánh giá về các vấn đề quốc tế, Trump nói: “Trung Quốc đã phát triển nhanh hơn, và CHDCND Triều Tiên nguy hiểm, hiếu chiến hơn, còn Nga thách thức cách quản trị này.”
Đối với các đồng minh chủ chốt của Mỹ, Donald Trump mong muốn họ chi trả nhiều hơn cho an ninh khu vực, đặc biệt là Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Saudi Arabia.
Quan điểm của Randy Forbes
Randy Forbes là Chủ tịch Tiểu ban Sức mạnh và quyền lực biển trong Ủy ban Các vấn đề quân sự Hạ viện Mỹ từ năm 2012.
Randy Forbes, ảnh: Getty Images.
Trong quãng thời gian này, Randy Forbes tỏ rõ sự quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của hải quân Mỹ và năng lực quân sự Mỹ ở Biển Đông.
Tháng Chín vừa qua, Randy Forbes cho biết rằng quân đội Mỹ cần phải có một tư thế tích cực hơn ở Biển Đông:
“Trong khi tôi chấp nhận được rất ít trong chính sách đối ngoại của chính quyền này (Barack Obama), tôi tin rằng quyết định của họ dành nhiều nguồn lực và sự chú ý đến khu vực Ấn Độ – châu Á – Thái Bình Dương là đúng.
Điều đó cho thấy, quan trọng hơn hùng biện là sự cần thiết để cân bằng sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và sự leo thang.
Năm ngoái bản thân tôi, Chủ tịch Ủy ban Thornberry và 27 thành viên của Hạ viện đã ký một lá thư gửi Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng, kêu gọi họ thể hiện một lập trường mạnh mẽ hơn ở Biển Đông.
Cần tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực quan trọng này, thể hiện quyền tự do hoạt động của chúng ta trong vùng biển tranh chấp. Tôi vui mừng nhận thấy một số hoạt động đã diễn ra, nhưng còn nhiều việc phải làm.
Bắc Kinh đang tiếp tục yêu sách đòi gần như toàn bộ vùng biển. Hoạt động trên các đảo nhân tạo vẫn tiếp diễn với dấu hiệu quân sự hóa rõ ràng.
Lực lượng quân sự và bán quân sự của Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi một chiến dịch gây hấn, tăng cường sự hiện diện và hoạt động của họ trong khu vực.
Trên tất cả, những khuynh hướng mang màu sắc đối đầu của Trung Quốc đang kiểm soát khu vực quan trọng này.
Với sự kết thúc của chính quyền Barack Obama đang đến gần, tôi tin rằng chúng ta đang bước vào thời điểm với cả nguy cơ tổn thương lẫn cơ hội.
Tôi lo ngại rằng Tập Cận Bình có thể xem vài tháng cuối của nhiệm kỳ Obama là cơ hội để thiết lập một ADIZ ở Biển Đông, bồi đắp đảo nhân tạo ở Scarborough, đẩy nhanh quân sự hóa đảo nhân tạo hoặc động thái tương tự để nắn gân chúng tôi.
Ngăn chặn những hoạt động như thế trong các tháng tới là việc cực kỳ quan trọng.”
Trong tháng Bảy, Randy Forbes cũng kêu gọi Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, cách duy nhất ngăn chặn nguy cơ xung đột tàn phá châu Á – Thái Bình Dương.
Forbes cũng không giấu giếm mong muốn của mình tăng số lượng tàu chiến, tàu ngầm và tàu đổ bộ, nâng cấp hệ thống vũ khí và bổ sung các thiết bị không người lái.
Cũng chính Forbes đã giúp thúc đẩy thông qua khoản ngân sách cho 10 tàu chiến mới thay vì 7 tàu theo đề xuất của chính quyền Obama trong năm tài chính 2017.
Thượng nghị sĩ Jeff Sessions
Ông là Chủ tịch tiểu ban Dịch vụ – lực lượng chiến lược trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Sessions đã gia nhập đội ngũ cố vấn cho Donald Trump về chính sách đối ngoại.
Trong tháng Sáu, Sessions và Thượng nghị sĩ Mike Lee đã viết thư cho Tổng thống Barack Obama lập luận, tính khả thi của NATO phụ thuộc vào sự tham gia có trách nhiệm hơn của các đồng minh thịnh vượng về kinh tế ở châu Âu.
Hoa Kỳ đã phải gánh chi phí quốc phòng cho châu Âu trong nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới II. Mối quan tâm hơn nữa phát sinh khi nước Mỹ phải đổ hàng tỉ USD viện trợ bổ sung để “trấn an” các đồng minh ở châu Âu qua viện trợ quốc phòng hàng năm.
Một nửa số quốc gia đồng minh NATO không đáp ứng được cam kết dành 2% GDP cho quốc phòng là không thể chấp nhận.
Trong các cuộc đàm phán và các mối quan hệ, lãnh đạo quốc gia trước hết phải đặt lợi ích hợp pháp của quốc gia mình, dân tộc mình lên trên. Nguyên tắc này đã bị xói mòn, việc Anh rời EU là một cảnh báo cho Mỹ.
(Theo Giáo Dục)
Nga nói chính sách đối ngoại của ông Trump và ông Putin "giống nhau đến kinh ngạc"
Điện Kremlin ngày 10/11 cho biết cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Donald Trump "giống đến kinh ngạc" cách tiếp cận của Tổng thống Vladimir Putin, theo đó Moscow hy vọng rằng quan hệ Nga - Mỹ có thể được cải thiện dần dưới nhiệm kỳ của ông Trump.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Getty)
Phát biểu tại New York, Mỹ hôm qua 10/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông nhìn thấy sự tương đồng khó tin giữa các ý tưởng về chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin. Ông Peskov cho rằng đây là nền tảng vững chắc để bắt đầu cuộc đối thoại có ý nghĩa giữa Moscow và Washington.
"Họ (Putin và Trump) đặt ra những nguyên tắc về chính sách đối ngoại tương đồng và điều đó thật đáng ngạc nhiên", Reuters dẫn lời ông Peskov nói.
Theo ông Peskov, bài phát biểu chiến thắng của ông Trump có nhiều đoạn giống với bài phát biểu của Tổng thống Putin tại miền nam nước Nga hồi tháng trước. Theo đó, cả hai đều chủ trương đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu và tuyên bố sẵn sàng thắt chặt quan hệ với những nước có mong muốn tương tự.
Quan hệ Nga - Mỹ thời gian qua vẫn ở trong tình trạng căng thẳng, liên quan đến những bất đồng về các vấn đề Syria, Ukraine và NATO. Ông Peskov nhận định phải mất nhiều thời gian nữa trước khi hai nước có thể đạt đến tầm cao trong quan hệ song phương. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin sẵn sàng mềm dẻo trong việc hàn gắn những mối quan hệ mà ông muốn cải thiện, song điều này cũng chỉ có giới hạn và Moscow cần sự có đi có lại từ phía Washington.
Trước đó, phát biểu trong lễ chào mừng các tân đại sứ nước ngoài tại Điện Kremlin hôm 9/11, Tổng thống Nga đã chúc mừng chiến thắng của ông Donald Trump và hy vọng khắc phục toàn diện quan hệ song phương với Mỹ. "Con đường này không hề dễ dàng, nhưng chúng tôi sẵn sàng làm tốt vai trò của mình và làm mọi việc để đưa quan hệ Nga - Mỹ phát triển ổn định. Việc này tốt cho người dân hai nước cũng như tác động tích cực đến các vấn đề đối ngoại toàn cầu", ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Putin cũng là một trong số các lãnh đạo đầu tiên trên thế giới gửi lời chúc mừng tới tân Tổng thống đắc cử Donald Trump sau khi chiến thắng của ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Mỹ được công bố. Trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, nhà lãnh đạo Nga cũng được cho là ủng hộ tỷ phú này.
Thành Đạt
Theo Dantri
Thủ tướng Nhật Bản cuống cuồng tìm cách tiếp cận với Donald Trump? Shinzo Abe gọi Kawai đến văn phòng trước 3 giờ chiều: "Tôi cần ông kết nối với tất cả những ai có thể gặp Donald Trump. Tôi cần tất cả." Nikkei Asian Review ngày 10/11 đưa tin, sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, chính phủ Nhật Bản đang nhanh chóng thực hiện các bước đi thiết lập quan hệ...