Gặp phu trầm bị bắt đòi tiền chuộc ở Malaysia
“Gần 4 tháng ở Malaysia nhóm chúng tôi tìm được nhiều trầm lắm nhưng “ cai trầm” ép giá không đủ tiền cùi nên xin về. Thế là cai trầm giữ lại với hai điều kiện: Tiếp tục tìm trầm cho họ, hoặc chồng đủ tiền cùi mới cho về” – Anh Nguyễn Văn Luận, một trong 4 phu trầm cho biết.
Tận khổ xứ người
Sau một tuần bị giam giữ đòi tiền chuộc, ba trong bốn phu trầm là Nguyễn Bình Luận (53 tuổi), Nguyễn Văn Hài (36 tuổi), đều trú ở thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh và Nguyễn Văn Quỳnh (19 tuổi) ở thôn Chay, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã về đến nhà vào ngày 7/9. Riêng Nguyễn Văn Báu (19 tuổi) cũng ở thôn Cồn Nâm do không có tiền chuộc nên bị “cai trầm” giữ lại tiếp tục tìm trầm để trả nợ.
Chúng tôi tìm đến nhà anh Luận sau một ngày nhóm phu trầm của anh từ Malaysia trở về. Chị Hoa vợ anh Luận cho biết, anh ra đồng từ sáng sớm để cày đổ ải chuẩn bị cho vụ mùa tới. Chị Hoa kể: Nhà nuôi được con bò cày, vừa rồi phải bán để chuộc anh Luận về nên giờ phải mượn bò hàng xóm cày đất sớm. Theo chị Hoa, gia cảnh nhóm tìm trầm cùng anh Luận đều khó khăn. Các gia đình đều phải bán tài sản, rồi vay mượn mới đủ tiền chồng cho “cai trầm”. Nhà anh Báu, vì quá khó khăn nên không thể chuộc con về.
Đang dở câu chuyện thì anh Luận về. Sau 4 tháng chui rúc ở những cánh rừng của Malaysia, từ một người lực lưỡng, giờ anh Luận ốm xo, nước da xanh tái. Anh Luận kể: Đầu năm nay, có anh Phương người cùng xã, ở thôn Thái Hòa, sang đặt vấn đề đi tìm trầm ở Malaysia có thu nhập cao, mọi chi phí ban đầu anh Phương lo liệu.
“Tui hỏi thu nhập được tháng 10 triệu không, anh Phương nói “Bình quân thấp nhất phải ba, bốn mươi triệu mỗi tháng, may mắn tiền tỉ như chơi”. Nghe rứa, sướng quá nên tui gọi thêm mấy anh em nữa cùng đi” – anh Luận nói.
Nhóm 4 người của anh Luận lên đường vào ngày 7/5. Theo hẹn, nhóm anh bắt xe ra thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) và được nhét lên một chiếc xe ca, tất cả khoảng 100 người. “Chúng tôi ngồi như nêm, phải ngồi lên đùi nhau mới đủ chỗ. Cứ thế, xe chạy qua Lào, rồi qua Thái, đúng 1 tuần chúng tôi mới đến thủ đô của Malaysia.” – anh Luận kể.
Video đang HOT
Tại đây, nhóm của anh được ông Minh (khoảng 45 tuổi) người cùng xã ở thôn Cồn Vượn đến đón về nhà ở thành phố Penang, cách thủ đô Kuala Lumpur chừng 80km. Mọi người nghỉ ngơi chừng một tuần lấy sức và sau đó được đưa vào rừng để tìm trầm.
Mới 1 ngày từ Malaysia về, anh Luận đã phải vác cày ra đồng
Theo anh Luận, rừng ở Malaysia còn rất nguyên sinh, cây cối, muông thú rất nhiều. Cây dó trầm còn sống rất nhiều, đường kính từ nửa mét đến hai mét. Đầu tiên nhóm của anh, đốn một cây dó trầm có đường kính chừng 2m, cao gần 40m, tuy nhiên trầm thu được rất ít. Với kinh nghiệm đi trầm trong nước lâu năm, anh quyết định tìm các hố trầm do người khác đã khai thác từ trước để “vét xái”.
Tại một hố trầm “vét xái” nhóm của anh đã thu được chừng 2,5kg trầm dạng tốc bông, trong đó có một cục trầm nặng gần 1kg. “Tui đào trúng mà tay cứ run lên bần bật vì mừng. Riêng cục này ở Việt Nam cũng bán được trên 2 tỷ đồng. Anh em khấp khởi ra khỏi rừng, chắc mẩm đã được đổi đời” – anh Luận nhớ lại.
Nhưng ông Minh nói tất cả số trầm mà nhóm tìm được chỉ đáng giá 25 triệu đồng. Anh Luận không chịu và đưa ra phương án là sẽ mang số trầm nói trên về Việt Nam bán, được bao nhiêu ông Minh sẽ nhận hai phần nhưng ông Minh không chấp nhận. Đàm phán gần một tuần, cuối cùng nhóm của anh Luận đành bán số trầm nói trên với giá rẻ mạt để có tiền đóng gùi vào rừng tiêp.
Lần thứ hai vào rừng, hơn một tháng tìm trầm gần biên giới Thái Lan, nhóm của anh được kha khá. Trên đường về thì bị lạc. Gần một tuần không tìm được đường về, hết lương thực, nhịn đói đến 3 ngày, cả nhóm mới tìm thấy nhà dân bản địa. Rất may, những người dân bản địa thương tình cho ăn và còn cho mượn điện thoại để gọi cho ông Minh đến đón về.
Lần này ông Minh chỉ trả giá 10 triệu đồng cho số trầm tìm được. Uất ức, cả nhóm bàn nhau xin về, nhưng ông Minh yêu cầu phải trả đủ chi phí mới được về, hoặc ở lại tìm trầm tiếp để trả nợ. “Ông Minh yêu cầu người nhà phải gom đủ 17 triệu mỗi người, đưa xuống nhà của ông ấy ở thôn Cồn Vượn, lúc nào đủ thì ông ấy cho về” – anh Luận nói.
Hé lộ đường dây đưa người vượt biên trái phép
Theo anh Luận, ông Minh là một “cai trầm” khét tiếng ở Malaysia. Ông ấy có mối quan hệ rộng với chính quyền sở tại và người dân bản địa. Dưới trướng ông Minh có rất nhiều phu trầm từ Việt Nam sang Malaysia tìm trầm cho ông ấy. Ông Phương, người đã lo thủ tục cho nhóm của anh Luận sang Malaysia, rất có thể cũng đóng cổ phần trong đường dây của ông Minh.
“Hộ chiếu mà anh Phương làm cho chúng tôi nhập cảnh sang Malaysia ở dạng du lịch với thời hạn một tháng. Nhưng khi chúng tôi đi sang Malaysia, hết nước này đến nước khác nhưng không thấy ai ngăn chặn. Thậm chí khi chúng tôi về, mặc dù hộ chiếu đã hết hạn từ lâu, nhưng ông Minh gọi điện cho một bà tên Hương (người Hà Tĩnh), nghe nói là làm ở Đại sứ quán của Việt Nam, bà ấy đưa chúng tôi ra sân bay và làm thủ tục mà không hề gặp một trở ngại nào” – anh Luận cho biết.
Cũng theo anh Luận, toàn bộ trầm thu gom được ở Malaysia, ông Minh đều chuyển về Việt Nam qua đường hàng không. Cứ vài ba tháng ông Minh chuyển trầm về Việt Nam một lần, có chuyến lên đến gần cả tấn nhưng không hề bị bắt giữ.
Anh Hài cho biết, gia đình hiện rất khó khăn sau chuyến tìm trầm trở về. Sau gần 4 tháng sang Malaysia, với hai chuyến vào rừng tìm trầm, nhóm của anh thu được gần 40kg trầm, nhưng ông Minh chỉ mua tổng cộng có 35 triệu. Cả nhóm đều mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, ngăn chặn đường dây này để những người dân nghèo khác không bị mắc lừa và trả lại công bằng cho các anh.
Liên lạc với ông Minh qua số điện thoại mà anh Luận cung cấp, ông Minh cho biết đang ở Malaysia. Theo ông Minh, nhóm của anh Luận đi theo đường dây của ông Phương ở thôn Thái Hòa chứ ông không liên quan. Tuy nhiên, do là người cùng xã, quen biết từ trước nên ông Minh đón về và giúp nhóm trầm của anh Luận đóng cùi vào rừng tìm trầm. “Nói giữ người đòi tiền chuộc là hoàn toàn không có. Nhóm của anh Luận không biết làm trầm sinh nên bị lỗ tiền cùi, tôi là người bỏ tiền ra nên tôi yêu cầu bù đắp lại cho tôi” – Ông Minh nói. Cũng theo ông Minh, phu tìm trầm của ông chủ yếu ở huyện Quảng Ninh và ông có quota được phép nhập trầm về Việt Nam. Còn bà Hồng, người làm thủ tục về nước cho nhóm anh Luận cho biết, bà đang ở Malaysia và chỉ là người môi giới, mà không phải là cán bộ đại sứ quán như người ta nói. Nhờ quen biết nhiều nên bà chỉ làm dịch vụ giúp những người mất hộ chiếu, hay quá hạn làm thủ tục về nước.
Theo P.V (Tiền Phong)
Phú Yên: Trục xuất 213 người tìm trầm bì
Ngày 26/8, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân (Phú Yên) cho biết vừa phá dỡ 21 lán trại, tạm giữ 161 xe mô tô, cùng nhiều dụng cụ đào bới đất tìm trầm; đồng thời trục xuất khỏi rừng đối với 213 người chuyên tìm trầm bì.
Nhiều năm qua, khu vực rừng Đồng Xuân liên tục tái diễn tình trạng người dân đổ xô vào bới đất rừng để tìm trầm bì.
Bới đất tìm trầm bì ở rừng Đồng Xuân (Phú Yên)
Chính quyền đã dùng nhiều biện pháp ngăn chặn, truy quét, như thu giữ phương tiện, phạt 1 triệu đồng/đối tượng và đưa ra kiểm điểm trước dân... nhưng không hiệu quả.
Theo Hùng Phiên (Dân Việt)
3 phu trầm mắc kẹt ở Malaysia đang trên đường về nhà Được một "cai trầm" dẫn dắt ra nước ngoài tìm trầm, hứa hẹn sẽ kiếm được nhiều tiền, nhưng sau mấy tháng bị "vắt kiệt mồ hôi" nơi xứ người, nhóm tìm trầm ở xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch đã phải cầu cứu gia đình gửi tiền sang chuộc về. Sáng ngày 6/9, chúng tôi có mặt tại nhà anh Nguyễn Bình...