Gặp ông đồ “nhí” học lớp 9 trên phố ông đồ Giáp Ngọ
Ông đồ “nhí” Võ Tuấn Xuân Thành đang là học sinh lớp 9 trường THCS Gò Vấp. Không chỉ viết thư pháp, cậu bé còn biết vẽ tranh, ca hát… và mơ ước trở thành kiến trúc sư trong tương lai.
Ngày 19/1, hai phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh Niên và Cung văn hóa Lao Động chính thức khai mạc, mở đầu cho chuỗi hoạt động lễ hội tết Giáp Ngọ tại TPHCM. Cả hai phố quy tụ gần 100 đôi tay tài hoa đến từ nhiều tỉnh thành, cùng nhau đem nét xuân cổ truyền về với thành phố mang tên Bác.
Đặc biệt, phố ông đồ năm nay tại Nhà văn hóa Thanh Niên có sự góp mặt của ông đồ “nhí” Võ Tuấn Xuân Thành đang là học sinh lớp 9. Đam mê thư pháp chữ Việt từ thuở bé, Xuân Thành đã có 7 năm trau dồi bút mực. Nét chữ của ông đồ nhí cũng được các đàn anh đánh giá cao, thể hiện sự sáng tạo không ngừng của một cây bút trẻ.
Ông đồ “nhí” Xuân Thành là nghệ sĩ thư pháp nhỏ tuổi nhất phố ông đồ năm nay
Đã có 7 năm luyện chữ nên nét bút của Xuân Thành rất thành thục, uyển chuyển
Không chỉ viết chữ, vẽ tranh, em học sinh Võ Tuấn Xuân Thành của lớp 9/3 trường THCS Gò Vấp còn nhiều tài lẻ khác như: ca hát, diễn văn nghệ, thiết kế blog…
Xuân Thành hiện đang là thành viên của CLB Thư pháp Nhà văn hóa Thanh Niên và CLB Thư họa Tân Bình, từng tham gia vài chương trình biểu diễn thư pháp trong năm. Xuân Thành hồn nhiên chia sẻ: “Em rất vui khi được mọi người gọi là “ông đồ nhí”. Hơi tiếc là em giữ danh hiệu này trong một vài năm thôi, sau đó sẽ có các ông đồ nhí khác thay thế em”.
Phố ông đồ năm nay ngoài việc gia tăng số lượng nghệ sĩ thư pháp còn trưng bày nhiều sản phẩm thú vị như: thư họa chữ “ngựa” – chữ “mã”, thư pháp tiếng Anh, tranh thư pháp bằng gạo lứt…
Video đang HOT
Tối 19/1, Lễ hội tết Việt Giáp Ngọ 2014 chính thức khai mạc với màn biểu diễn của hơn 30 ông đồ
Ngay trong ngày khai mạc, phố ông đồ đã đón tiếp rất đông khách tham quan đến chụp ảnh, mua tranh
Cụ đồ Mai Trợ (83 tuổi) đến từ Quảng Nam là người viết thư pháp chữ Hán Nôm duy nhất tại phố ông đồ
Xuân Giáp Ngọ nên hình ảnh chú ngựa không thể thiếu trên phố ông đồ. Rất nhiều bức tranh vẽ ngựa cùng dòng chữ “Mã đáo thành công”. Đặc biệt, khán giả rất thích thú khi bắt gặp một số bức thư họa độc đáo về hình ảnh con ngựa đầy tính sáng tạo.
Không chỉ sử dụng bút lông, các nghệ sĩ còn dùng bút lửa (ngòi bút nóng đỏ làm cháy sém mặt gỗ tạo thành hình ảnh) và bút lược (mẩu tre có khắc răng lược tạo những nét song song với nhau)
Một bức thư pháp được ghép tỉ mỉ từ hàng ngàn hạt gạo lứt
Gian hàng của chị Kim Yến – một cô giáo dạy Anh văn có phục vụ viết thư pháp ngoại ngữ
Anh bạn người Hà Lan yêu mến thư pháp Việt đến phụ giúp chị Kim Yến quản lý gian hàng
Không chỉ tham gia các phố ông đồ, các nghệ sĩ thư pháp còn biểu diễn theo đơn đặt hàng của các cơ quan, xí nghiệp… Ông đồ Dương Minh Hoàng nhận xét: “Tranh thư pháp năm nay được lựa chọn ngày càng nhiều cho công việc trang trí nhà cửa, trường học, công sở. Nhiều nhất là các dòng sản phẩm về câu đối thư pháp Việt. Số lượng công ty đặt show ông đồ khá hơn năm ngoái nhưng chi phí dành cho các show giảm đi chứ không tăng, điều này do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thư pháp chữ Việt ngày càng được ưa chuộng là tín hiệu vui đối với nghệ sĩ thư pháp cũng như những người yêu mến nét đẹp cổ truyền”.
Ngày càng nhiều cơ quan, công ty mời ông đồ biểu diễn trong các chương trình mừng xuân mới.
Hồng Nhung
Theo Dantri
Ngựa, xe cho người cõi âm đắt hàng dịp sát Tết
Gần Tết Nguyên đán, sát ngày ông Công ông Táo, nhu cầu sắm sửa cho "người cõi âm" tăng cao. Những người làm hàng mã chạy đua với thời gian để kịp cung ứng hàng cho thị trường.
Làng Phú Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng là ngôi làng duy nhất tại tỉnh Quảng Trị còn lưu giữ được nghề truyền thống làm hàng mã. Làng này có đến hàng trăm năm làm hàng mã kèm các dịch vụ liên quan đến "người cõi âm" như cúng bái, thổi kèn đám ma... Hiện làng có 60 hộ dân thì hơn một nửa trong số đó vẫn gắn bó với nghề.
Càng về cuối năm, nhu cầu sắm sửa cho người cõi âm càng tăng cao khiến những người theo nghề phải làm việc cật lực suốt ngày đêm mới đủ cung cấp cho thị trường.
Bà Võ Thị Thúy cho biết: "Gần 2 tháng nay người dân khắp nơi cứ gọi điện về đặt hàng nên vợ chồng tui làm không xuể, có khi phải thức sáng đêm mới làm kịp để giao hàng đúng thời hạn. Thời điểm này, hàng làm ra bao nhiêu đều tiêu thụ hết đến đó".
"Hàng mã làm ra để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh nên người làm nó cũng phải phải xuất phát từ cái tâm. Hơn nữa, công việc này cũng cần sự gia công, khéo léo của đôi bàn tay và đôi mắt" - bà Thúy nói.
Những con ngựa sắp xuất xưởng
Chị Nguyễn Thị Hằng cho biết, đây là nghề đã gắn bó với người dân địa phương từ xưa đến nay. "Mình là phận con cháu, được thừa hưởng nó nên cũng cố gắng lưu giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông để lại thôi. Dịp tết năm nay, các mặt hàng vàng mã như: quần áo quan trạng, comple, ngựa, hòm đựng quần áo... bán rất chạy nên làm không kịp. Các mặt hàng như xe máy, xe hơi, nhà lầu... chỉ làm theo đơn đặt hàng mà thôi. Chỉ những người có tiền mới đặt hàng chứ riêng một chiếc xe máy cũng có giá đến 3-4 triệu, người nghèo đâu có tiền để sắm" - chị Hằng nói thêm.
Những ngày này, vợ chồng ông Trần Vũ Lộc cũng đang hết sức tất bật để kịp giao hàng cho các mối. Khi làm xong sẽ có người về tận nhà gom hàng mang đi. Do nhu cầu tiêu thụ mặt hàng vàng mã tăng cao trong dịp Tết nên ông phải thuê người trong xóm về làm hoặc đặt hàng tận nhà mới kịp giao hàng đúng thời gian.
Đối với người làm hàng mã, công việc thường xuyên nhất là vào khoảng tháng 2, tháng 7, tháng 11 và dịp Tết. Trước đây, việc đặt lên bàn thờ tổ tiên mâm cơm, vài bộ giấy áo đơn thuần hay thắp nén nhang tưởng nhớ những người đã khuất thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" theo quan niệm "trần sao âm vậy", người chết cũng có nhu cầu như người đang sống. Thế nhưng hiện nay, phong tục tốt đẹp này cũng đã bị biến tướng, vô tình cổ súy cho mê tín dị đoan. Đối với người có tiền, họ sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng để sắm nhà lầu, xe hơi và các tiện nghi đắt tiền cho người chết, rồi sau đó đem...đốt. Đây là một sự lãng phí lớn bởi với số tiền ấy, những gia đình nghèo có thể trang trải cuộc sống được vài tháng.
Theo khảo sát ngoài thị trường, gía mỗi bộ hàng mã gồm: quần áo, giày dép, mũ, rương đựng quần áo...cũng lên đến 50 - 60 ngàn đồng. Trong khi đó, giá gốc tại nơi làm ra những mặt hàng này cũng chỉ 30 ngàn/bộ. Một sự chênh lệch không hề nhỏ giữa nơi sản xuất và tiêu thụ. Điều này cũng chứng tỏ người buôn bán hàng mã sẽ kiếm được bội tiền trong dịp này.
Mặc dù, việc đốt hàng mã quá nhiều vào các dịp lễ, tết không được Đảng, Nhà nước khuyến khích, bởi nó gây nên sự lãng phí lớn, ô nhiễm môi trường...Song, rất nhiều người vẫn tiêu tốn một số tiền không nhỏ vào việc làm quá lãng phí này.
Đăng Đức
Theo Dantri
Nếp đẹp xưa đang bị làm xấu Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành Công văn số 178-CV/TW yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tổ chức tốt các hoạt động nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014. Trong...