Gặp những chiến sĩ Hải quân đánh thắng trận đầu
Họ là những chiến sĩ Hải quân đầu tiên từng vào sinh ra tử trên chuyến tàu T339, T175, đối đầu với lực lượng hải quân và không quân Mỹ. Đã 50 năm trôi qua, mỗi khi nhắc đến tháng ngày lịch sử ấy, họ vẫn đong đầy nỗi nhớ về đồng đội, về khí thế sục sôi của một thời hoa lửa.
Xứng đáng chiến sĩ tàu phóng lôi
Chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Văn Dinh, chiến sĩ tàu phóng lôi T339 vào một buổi chiều tháng 7. Căn nhà nhỏ nằm khiêm nhường ở một ngõ nhỏ khối 12 phường Lê Lợi, thành phố Vinh. Ông Dinh đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu, dáng người nhỏ nhắn, lanh lẹn. Ông kể:
Ông Võ Văn Dinh lần giở những kỷ niệm không thể nào quên.
Đêm 31/7/1964, Mỹ cho tàu Madox ký hiệu 731 thuộc Hạm đội 7 xâm phạm vùng biển miền Bắc nước ta. Sáng 1/8/1964 tàu Madox bắn dữ dội vào Hòn Mê, đèo Ngang. Đêm đó, Bộ tư lệnh Hải quân lệnh cho Tiểu đoàn 135 sử dụng lực lượng của Phân đội 3 gồm 3 tàu T333, T336, T339 do đồng chí Tiểu đoàn trưởng Lê Duy Khoái và đồng chí Phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột trực tiếp chỉ huy xây dựng kế hoạch, phương án chiến đấu và bí mật xuất kích vào vùng biển Thanh Hóa sẵn sàng đánh địch.
Lúc ấy, ông Dinh được phân công ở vị trí phóng ngư lôi trên tàu T339. So sánh lực lượng Phân đội 3 chỉ có 3 tàu nhỏ với vũ khí ngư lôi 6 quả, 3 súng 14 ly 5, yếu hơn rất nhiều so với tàu khu trục Madox được trang bị 6 đại bác 127 ly, 12 bệ pháo 40 ly, 5 dàn ngư lôi và bom chìm lại được lực lượng không quân yểm trợ. Đây là con tàu được mệnh danh là sức mạnh của Hạm đội 7 Mỹ.
Ông Nguyễn Quang Trung kể về những ngày tham gia bộ đội hải quân.
Sau 12 giờ hành quân từ Vạn Hoa, Phân đội 3 đã đến vị trí tập kết tại Hòn Mê theo đúng kế hoạch. Lúc 13 giờ ngày 2/8/1964, tàu Madox đã đến phía nam Hòn Nẹ 10 hải lý. Phân đội 3 được lệnh xuất kích đánh địch.
Tàu T336 phối hợp cùng với tàu T339 nhanh chóng tiếp cận và phóng ngư lôi vào tàu Madox, địch phóng bom chìm để phá ngư lôi của ta.
Tàu T333 tăng tốc độ chiếm lĩnh góc mạn 80, khoảng cách 6 liên và phóng ngư lôi vào tàu Madox, sau đó sử dụng súng 14,5 ly và vũ khí trên tàu, bắn tàu Madox. Tàu Madox hoảng hốt tăng tốc độ bỏ chạy thoát thân ra vùng biển quốc tế.
Video đang HOT
Hòng cứu vãn thất bại của tàu khu trục Madox, 4 máy bay địch điên cuồng bắn phá vào các tàu của ta. Tàu T339 trúng đạn khoang máy, bốc cháy, vỡ ống thoát hơi máy, mất cơ động được tàu thả trôi trên biển. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản đập khói mù giả nghi binh che mắt địch. Lúc ấy ông Dinh cùng đồng chí Tòng trung sĩ, bị thương đã rời vị trí lao thẳng xuống khoang máy cùng các chiến sĩ máy tiến hành dập lửa ở khoang máy.
Với kiến thức về tàu máy được học ở Liên Xô, ông cùng một số cán bộ chiến sĩ đưa ra phương án bịt dò, bó ống hút khô hạn chế không cho nước vào khoang. Sau gần 2 tiếng đồng hồ, ông cùng các chiến sĩ đã khắc phục, sửa chữa được một máy, tiếp tục cơ động đưa tàu về đất liền an toàn. Kết thúc trận đánh, cả 3 tàu đã hành quân về vị trí tập kết quy định an toàn. Với thành tích xuất sắc, đánh đuổi tàu khu trục Madox ra khỏi hải phận, bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 1 máy bay khác, Phân đội 3 Tiểu đoàn 135 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Riêng ông được tặng Bằng khen.
Người cựu binh giản dị
Tìm địa chỉ gia đình ông Nguyễn Quang Trung, chiến sĩ hải quân Khu tuần phòng 2, Tàu 175 Sông Gianh không quá khó. Ven biển Lạch Vạn, đến xóm Yên Đồng, xã Diễn Vạn (Diễn Châu, Nghệ An), không ai là không biết ông Trung.
Khi nhắc đến trận đánh ngày 5/8/1964, ông Trung kể đầy nhiệt huyết.
Sau thất bại ngày 2/8/1964, đêm 4/8/1964, chính quyền Mỹ dựng lên cái gọi là sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” vu khống cho Hải quân nhân dân Việt Nam một lần nữa cố ý tấn công tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế, để lấy cớ ngày 5/8/1964 dùng lực lượng không quân tập kích lớn vào lực lượng hải quân ta. Chúng sử dụng lực lượng của hai biên đội tàu sân bay Constellation và Ticonderoga, gồm 40 máy bay với 64 lần chiếc máy bay cất cánh. Chúng bất ngờ tấn công vào các căn cứ hải quân của ta.
Ở Quảng Bình, cùng thời điểm đánh phá Vinh – Bến Thủy, 8 máy bay A.4D oanh tạc các căn cứ của hải quân ta ở cửa sông Gianh, mũi Ròn. Cùng với các tàu T161, 167, 173, 177, 181, 527 thì tàu T175 của hải quân mà ông Nguyễn Quang Trung ở bộ phận pháo thủ đã phối hợp với các lực lượng bắn máy bay trên bờ. Mặc dù lực lượng, phương tiện còn rất hạn chế nhưng với ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và quyết thắng, Hải quân nhân dân Việt Nam đã cùng quân và dân miền Bắc anh dũng chiến đấu, mưu trí sáng tạo đánh đuổi tàu khu trục Madox, bắn rơi 8 máy bay phản lực, bắn bị thương nhiều chiếc khác và bắt sống tên giặc lái Mỹ là trung úy An Vơ Ret đầu tiên trên miền Bắc. Tại trận quyết đấu này, ông Trung đã bị bom bi trúng vào ổ bụng và một viên bi hiện giờ vẫn còn nằm ở bên chân trái của ông.
Chiến thắng mở đầu này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi động viên khí thế tiến công để quân và dân miền Bắc đánh bại các cuộc leo thang chiến tranh phá hoại của Mỹ và cùng với miền Nam tạo nên sức mạnh tổng hợp “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, tiến tới thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
“Yếu tố tạo nên chiến thắng là ta đã giải quyết tốt công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật để đối phó với một kẻ thù giàu tiềm lực về kinh tế quân sự, có nền khoa học công nghệ cao. Khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải quân ta đã có sự chuẩn bị về mặt tổ chức, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất để thực hiện công tác khai thác, cải tiến vũ khí trang bị kỹ thuật phù hợp với chiến trường và cách đánh của mình”- ông Trung nói.
Chia tay ông tôi vẫn nhớ mãi gương mặt một cựu chiến binh dày dạn sương gió, thấm đẫm tình yêu đồng đội, biển cả.
Theo Tin Tức
'Xây đền tưởng niệm Gạc Ma là nguyện vọng toàn dân'
"Những người ngã xuống ở Hoàng Sa hay Gạc Ma đều là tấm gương hy sinh vì dân tộc. Họ đáng được trân trọng", Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng chia sẻ.
- Bối cảnh nào dẫn tới quyết định đề xuất phát động chương trình Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa, xây đền tưởng niệm Gạc Ma của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam?
- Năm 2011, ngư dân Việt Nam thường xuyên bị tàu hải giám Trung Quốc xua đuổi khỏi ngư trường Hoàng Sa. Họ mất hàng trăm triệu đồng khi bị thu hết hải sản vừa đánh bắt, ngư cụ, dầu máy... và trắng tay trở về đất liền. Tổ chức công đoàn đã thực hiện chương trình Tấm lưới nghĩa tình để giúp đỡ ngư dân yên tâm bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngư dân của mình hiện diện trên biển không đơn thuần là mưu sinh, mà chính là sự hiện diện cho chủ quyền biển đảo. Do đó, phía công đoàn cũng tổ chức những nghiệp đoàn nghề cá để ngư dân tương trợ nhau bám biển. Bản thân ngư dân rất vui và yên tâm vì nghĩ rằng mỗi chuyến ra khơi họ không còn lẻ loi mà được cả nước giúp đỡ.
Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Đặng Ngọc Tùng. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Đặng Ngọc Tùng: "Từng nhiều lần ra thăm quần đảo Trường Sa, bản thân tôi rất trân trọng những người lính đảo anh dũng, hiên ngang. Khi phát động chương trình này, tôi thấy như được góp sức cho sự đoàn kết dân tộc".
- Mục đích cuộc vận động xây đền tưởng niệm Gạc Ma là gì, thưa ông?
- Thân nhân 64 liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma cách đây 26 năm rất khao khát, mong có nơi để viếng người thân của mình.
Trước hết, việc xây đền tưởng niệm này giúp gia đình liệt sĩ Gạc Ma có nơi thắp hương vào dịp 14/3, vì họ không thể ra ngoài đảo được.
Đền tưởng niệm cũng là sự ghi nhận công lao những anh hùng đã hy sinh bảo vệ đảo.
Ngoài ra, đây còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ tổ quốc cho thế hệ trẻ. Học sinh, sinh viên có thể tổ chức những buổi ngoại khóa để hiểu thêm về lịch sử đấu tranh anh dũng của các chiến sĩ bảo vệ Gạc Ma, trong chiến dịch bảo vệ Trường Sa.
- Đền tưởng niệm sẽ được xây dựng như thế nào?
- Dự kiến đền được xây ở khu vực bờ biển từ sân bay Cam Ranh về thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Địa thế này khá đẹp, nhìn ra biển Đông và hướng về đảo Gạc Ma. Trong đền sẽ có 64 tượng bán thân, ghi tên tuổi từng chiến sĩ và có chút hình hài để sinh động hơn.
Chúng tôi đã đặt vấn đề với Hội Kiến trúc sư TP HCM, giúp phần thiết kế. Việc thiết kế mô hình phù hợp và kêu gọi các tấm lòng hảo tâm được tiến hành song song. Công đoàn muốn xây dựng khu đền này như một công viên để nhiều người có thể ghé đến, quy mô phụ thuộc nhiều vào kinh phí quyên góp được.
- Khi nêu đề xuất này, ông nhận được những phản hồi ra sao?
- Mục đích của việc này không phải để kích động hận thù mà là nguyện vọng của nhân dân, nên người dân hưởng ứng rất nhiều. Cơ quan chức năng cũng không có ai ngăn cản.
Theo kế hoạch, việc đầu tiên là xây dựng đền tưởng niệm, kế đến là giúp đỡ những gia đình thân nhân ở Gạc Ma và tử sĩ ở quần đảo Hoàng Sa vì nghèo khó mà con cái không thể đến trường. Có người đề nghị làm đền tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa nhưng Liên đoàn Lao động chưa nghĩ đến.
Mỗi lần đi ngang qua vùng biển Gạc Ma, các chiến sĩ Hải quân lại thả hoa xuống biển, tưởng niệm 64 đồng đội đã ngã xuống. Ảnh: Nguyễn Đông.
- Trận hải chiến Hoàng Sa (1974) lâu nay ít được nhắc đến, trong khi cuộc vận động lần này có cả việc giúp đỡ gia đình, thân nhân của 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa tử trận. Đây có được nhìn nhận như một dấu hiệu hòa hợp dân tộc?
- Quỹ xã hội từ thiện của Liên đoàn Lao động không phân biệt đối tượng nào. Đây là sự thể hiện lòng đoàn kết toàn dân. Binh sĩ ngã xuống ở Hoàng Sa hay ở Gạc Ma đều là những tấm gương hy sinh vì dân tộc. Họ đều đáng được trân trọng, thân nhân họ gặp khó khăn thì mình giúp đỡ.
Góp được tiếng nói cho sự đoàn kết toàn dân tộc là đáp ứng mục tiêu xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Chiều 13/3, tại Đà Nẵng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã chính thức phát động chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa", nhằm vận động tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ xây dựng đền tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma (14/3), đồng thời giúp đỡ thân nhân họ. Tại lễ phát động, Ban tổ chức đã quyên góp được 1,2 tỷ đồng và trao 6 suất quà cho thân nhân các liệt sĩ ở Gạc Ma, mỗi suất 50 triệu đồng.
Theo VNE
Một thiếu úy hải quân hy sinh tại Trường sa Khi cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ cứu hộ đặc biệt trên vùng biển thuộc đảo Phan Vinh thiếu úy chuyên nghiệp Đinh Văn Nam gặp nạn. Ngay sau đó, thi thể anh được chuyển sang tàu Trường Sa -18, đưa về đất liền. Trưa ngày 18/10, tại Cảng vụ Lữ đoàn 171 - Vùng 2 Hải quân, tàu Trường Sa 18...