Gặp người phụ nữ vừa làm giúp việc vừa viết sách
Ngày làm việc nhà cho chủ, tối bà lại mang giấy bút ra viết. Câu chuyện đời buồn trải ra từng trang giấy nhưng viết rồi bà lại cất đi. Nhờ sự giúp đỡ của đồng đội cũ, cuốn sách cuộc đời bà được ra đời. Người ta gọi bà là “Osin viết sách”.
Bà Nguyễn Thị Thìn – tác giả tập truyện ngắn “Liều thuốc thần kỳ”
Câu chuyện về một người làm nghề giúp việc xuất bản tập truyện ngắn của riêng mình khiến tôi tò mò tìm đến nhà bà. Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thìn (SN 1953, xã Văn Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) nằm chênh vênh trên đồi. Bà ở chung nhà với mẹ già và gia đình người em trai. Ngôi nhà cũ kỹ, xiêu vẹo tựa hồ có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Bà đón khách bằng nụ cười hiền từ mà héo hắt. Câu chuyện buồn thảm của đời bà đã được tái hiện trong cuốn sách “Liều thuốc thần kỳ” vừa mới xuất bản nhưng nghe trực tiếp từ bà thấy xót xa hơn.
Viết để trải lòng
Học dở lớp 9, nhà nghèo, Thìn phải nghỉ phụ bố mẹ việc đồng áng. Nửa năm gác đèn sách, Thìn lên đường nhập ngũ, vào Đoàn 559 – Binh đoàn Trường Sơn, phụ trách điện báo. Năm 1974, bà xuất ngũ, được bố trí vào nhà máy dệt Việt Trì (Phú Thọ). Được một thời gian ngắn, sức khỏe yếu không thể đứng máy, bà xin nghỉ về quê, theo học tại trường vừa học vừa làm huyện. Kết thúc chương trình, trên đường tới trường lấy giấy báo dự thi đại học bà bị tai nạn. Chiếc xe đạp văng xuống vực, còn bà va vào vách đá. Cú tai nạn khiến bà mất trí nhớ một thời gian, con đường đến với học vấn thêm một lần gián đoạn.
Rồi như một phép màu, trí nhớ của bà dần dần hồi phục. Bà xung phong lên nông trường An Ngãi (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) xây dựng kinh tế mới. Tại đây, bà tìm được hạnh phúc của cuộc đời mình. Thế nhưng chất độc da cam những ngày ở Trường Sơn đã ngấm vào người bà, không cho bà được hưởng hạnh phúc làm mẹ. Mấy lần sinh con, bà chẳng được ôm núm ruột của mình lấy một lần.
Không có đứa con để níu giữ, tình cảm vợ chồng cứ phai nhạt dần. Không thể ích kỷ tước mất quyền làm cha của chồng, bà quyết định để chồng đi tìm hạnh phúc mới. Đúng lúc này, em gái đi bộ đội, em trai đi học xa, bà quyết định về quê chăm sóc bố mẹ. Một mình bà cày cấy 6 sào ruộng, công việc vất vả, ăn uống kham khổ và nỗi đau chất chứa trong lòng đã quật ngã bà. Một lúc bà phát hiện mình mắc 3 bệnh: yếu tim, viêm gan, máu không đông.
Cả cuộc đời bà là những chuỗi ngày buồn tủi
“Đó là vào năm 1987, tôi hết đi viện huyện rồi xuống viện tỉnh. Nằm viện, rảnh rỗi quá đâm ra nghĩ ngợi. Vậy là tôi viết. Truyện ngắn “Ánh sao xanh cuối trời” ra đời trong bệnh viện và được đăng trên tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh”, bà kể. Thực ra thì những ngày chiến đấu ở Trường Sơn bà cũng từng viết, từng có bài đăng báo Trường Sơn. Biết bà “viết được”, Báo Trường Sơn giới thiệu bà đi học để bồi dưỡng thành phóng viên chiến trường nhưng công việc quân bưu quá bận rộn khiến bà lỡ hẹn với nghiệp bút nghiên.
Có truyện ngắn đăng báo, lại được những người đi trước khuyến khích, bà mạnh dạn viết và tiếp tục gửi đi. Năm 1995, truyện ngắn “Một chuyến đi nghiệt ngã” được tạp chí Sông Lam giới thiệu với bạn đọc. Tưởng chừng như bà đã “bén duyên” với nghệ thuật thì biến cố gia đình tiếp tục ập đến. Cậu em trai bị tai nạn, gia cảnh vốn nghèo nay lại túng bấn hơn, bà “gác bút” ghé vai gánh vác chuyện gia đình lần nữa.
Đã có tuổi, lại mang bệnh tật trong người, nhưng bà hiền lành lại mến trẻ con nên có người giới thiệu đi làm giúp việc trông trẻ dưới TP Vinh. Tiếng là trông trẻ nhưng công việc nhà bà cũng phải kiêm nhiệm. Tối, khi công việc nhà chủ đã vãn, bà lại mang giấy bút ra viết. “Có đêm không ngủ được lại bật dậy viết. Viết như để giải tỏa nỗi lòng mình thôi. Có khi viết xong lại cất đi, chẳng dám gửi báo dù mình cần tiền để chữa bệnh. Nhưng rồi bạn bè cũng biết, khuyên gửi báo hay in sách. Nói thật là in riêng cho mình một cuốn sách là điều tôi chưa từng mơ tới”, bà tâm sự.
Video đang HOT
Viết lời đề tựa vào cuốn sách tặng PV
Gom góp những truyện ngắn tâm đắc, bà và đứa cháu tìm đến Nhà xuất bản Hội Nhà văn để in. Một thời gian ngắn sau sách được duyệt in nhưng lo được 1,8 triệu tiền giấy phép xuất bản thì bà hết nhẵn tiền. Bạn bè, đồng đội cũ xúm vào giúp, rồi Hội đồng đội chiến trường, Ban liên lạc bộ đội Trường Sơn giúp một ít, được tổng cộng 6 triệu đồng, bà mang tới nhà xuất bản. 200 cuốn truyện ngắn “Liều thuốc thần kỳ” được xuất bản. Đó là tuyển tập 6 truyện ngắn tái hiện một phần cuộc đời buồn thảm nhưng không ngừng hi vọng của bà.
Ước mơ của “Osin viết sách”
Ôm cuốn sách của mình trên tay, bà rưng rưng hạnh phúc. Nhưng sách in rồi biết bán cho ai? Bà phân vân. Bạn bè lại xúm vào giúp, giới thiệu thêm nhiều độc giả. Vậy nhưng bà vẫn còn mấy chục cuốn chưa bán được. Rồi mới đây những cuốn sách mới cứng đã trở nên nhàu nát sau cơn bão. Căn nhà tồi tàn của bà chẳng thể che ngăn nổi thiên tai. Sách ướt, bà thêm thắt ruột héo gan. Căn bệnh thiếu máu cơ tim lại hành hạ bà nhiều hơn.
Căn nhà tồi tàn xiêu vẹo – nơi bà Thìn sinh sống cùng người mẹ già và gia đình người em trai tàn tật
“Chị còn viết nữa không?” – “Có chứ. Phải viết chứ!”. Câu trả lời bật ra ngay lập tức. “Viết để có tiền chữa bệnh. Viết để tri ân đồng đội. Đó sẽ là câu chuyện về những người lính Trường Sơn đã chết thay cho 3 cô gái quân bưu, trong đó có tôi. Là câu chuyện của 3 cô gái quân bưu nắm toàn bộ mật danh toàn tuyến đường Trường Sơn đi ra khỏi chiến tranh nhưng ai cũng khổ, mỗi người khổ mỗi cách…”, bà ngậm ngủi.
Đôi mắt bà dừng lại ở cánh cửa lung lay rồi tối sầm lại. Cánh cửa đã bị trật khỏi bản lề, bức tường tróc nham nhở chẳng thể gắn lại bản lề nữa. Bên cạnh là chiếc móng nhà cỏ mọc xanh um. Móng đã có từ 7 năm nay rồi nhưng chưa có tiền để xây nốt căn nhà.
“Vừa rồi, bên chính sách hứa sẽ hỗ trợ một phần tiền xây nhà với điều kiện sẽ trao tiền sau khi nhà xây xong nhưng tôi chưa vay được tiền để làm. Từng này tuổi, tôi chỉ ước có một mái nhà lành lặn đúng nghĩa để mẹ tôi có thể yên tâm sống nốt những ngày cuối đời”, đôi mắt người phụ nữ nhiều bất hạnh ầng ậc nước.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Đầu độc vợ chỉ vì... xấu gái rồi tự giày vò hàng ngàn đêm
Chỉ vì bị bạn bè chế giễu vì lấy phải người vợ "quá xấu" mà người đàn ông ấy đã đầu độc chết vợ mình. Sau khi vào tù, ông vô cùng ân hận với tội lỗi mình gây ra, quyết tâm cải tạo tốt để sớm ra tù làm lại cuộc đời.
ảnh minh họa
Án tù mà ông phải chịu là 20 năm, nhưng sau hai lần được ân giảm án, ông được ra tù sớm tới 8 năm. Trải qua nhiều sóng gió, với nghị lực phi thường, phạm nhân ấy đã làm lại cuộc đời và có một mái ấm gia đình hạnh phúc.
Tội ác trả giá bằng hàng ngàn đêm ác mộng
Đến xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, hỏi về gia đình ông Hồ Văn Thuyết (66 tuổi), hầu như mọi người dân ở đây đều biết bởi hoàn cảnh đặc biệt của người đàn ông này.
Ông Thuyết sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo của xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông là anh cả trong gia đình gồm 8 anh em, vì vậy mọi việc trong gia đình đều do ông cáng đáng. Gia đình đông con nên cuộc sống rất nghèo khó vất vả. Bố mẹ ông làm quần quật quanh năm ở ngoài ruộng nhưng cũng không đủ tiền nuôi các con ăn học đầy đủ.
Học đến lớp 3, vì thương bố mẹ vất vả nên ông Thuyết xin nghỉ học để đi lao động kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Ngày ông Thuyết bỏ học tất cả bạn bè thầy cô đều rất tiếc bởi ông học rất giỏi, tuy nhiên vì hoàn cảnh gia đình nên ông cũng đành chấp nhận. Sau khi nghỉ học, hằng ngày ông Thuyết xách túi ra đồng đi bắt ốc, bắt cua bán lấy tiền đong gạo.
Thời thanh niên, sau vài năm tham gia quân ngũ, ông Thuyết về quê kết hôn với một cô gái tên là Hồ Thị Côi (quê ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa). Tuy bà Côi có phần kém sắc nhưng lại chịu thương chịu khó nên ông Thuyết quyết định kết hôn với bà và bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của làng xóm về sự "xấu gái" của vợ.
Sau đám cưới, ông Thuyết đưa bà Côi về xã Quỳnh Thọ sinh sống. Tại đây, ông thường xuyên phải nghe những lời xì xào bàn tán về việc vợ ông có ngoại hình xấu xí. Lúc đầu, ông cũng không thèm để ý những lời bàn tán đó. Nhưng càng ngày ông Thuyết càng phải nghe nhiều lời xì xào, đi đâu cũng bị bạn bè giễu cợt vì lấy cô vợ xấu.
"Mỗi lần ngồi uống rượu với đám bạn, chúng lại lôi chuyện nhan sắc vợ tôi ra chê bai khiến tôi muốn nổi cơn điên. Tuy trong lòng vẫn thương vợ nhưng tôi không giữ nổi lập trường nên dần dần thay đổi tính nết, thường xuyên về nhà cau có, cục cằn với bà ấy", ông Thuyết nhớ lại.
Ông Thuyết đoán rằng tuy không nghe chồng nói trực tiếp, nhưng phần nào vợ mình cũng hiểu được nguyên nhân dẫn đến sự ruồng rẫy của chồng. Bà càng ngày càng mặc cảm về thân phận đã đi làm dâu xứ người mà còn bị chồng ghẻ lạnh. Thấy vợ buồn rầu, ông Thuyết không những không nghĩ lại, mà bắt đầu bê tha, lao vào rượu chè để giải khuây.
Trong một lần uống rượu say, ông Thuyết không làm chủ được hành động của mình đã bỏ gói thuốc độc vào tô cháo của vợ. Vừa ăn xong, vợ ông lăn đùng ra ngất xỉu, lúc này ông mới hốt hoảng đưa vợ đi cấp cứu. Tuy nhiên do trúng độc quá nặng, mọi cố gắng cứu mạng sống của bà Côi đều trở nên vô ích. Sau cái chết của vợ, ông Thuyết vô cùng ân hận, ông liền đến cơ quan công an đầu thú về hành vi của mình.
Năm 1974, tức là một năm sau vụ án, trong phiên tòa sơ thẩm ông Thuyết bị tuyên án chung thân. Mấy tháng sau, trong phiên tòa phúc thẩm TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt ông 20 năm tù giam.
Ông Thuyết tâm sự: "Những ngày ở trong tù tôi vô cùng ân hận về tội lỗi mình gây ra, hầu như đêm nào cũng gặp ác mộng. Càng ân hận bao nhiêu tôi lại càng thương đứa con chưa đầy 3 tuổi của mình bấy nhiêu. Chỉ vì nhận thức kém và suy nghĩ bồng bột tôi đã cướp đi mạng sống của người vợ đầu ấp tay gối của mình, đồng thời khiến cho gia đình tan nát, con trai trở thành bơ vơ".
Hành trình tìm lại hạnh phúc của người tù cụt tay
Những ngày cải tạo ở trại giam số 6 (đóng ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), ông Thuyết luôn cố gắng cải tạo tốt và chấp hành các quy định của trại giam. Nhờ có khả năng đánh bắt cá nên ông Thuyết được phân công làm đội trưởng đội đánh bắt cá. Nhờ tinh thần cải tạo tốt ông đã hai lần được giảm án.
Nhưng rủi ro là khi gần mãn hạn tù thì một tai họa ập xuống: Trong lúc cùng bạn tù ra sông đánh cá bằng thuốc nổ ông gặp nạn, bị thương nặng, mất đi một cánh tay. Năm 1986, nhờ cải tạo tốt, ông Thuyết được đặc xá trước thời hạn 8 năm.
Sau khi ra tù, ông Thuyết gặp rất nhiều khó khăn, phần vì ông bị mất đi một cánh tay nên không thể lao động kiếm sống như người bình thường được, phần vì bị sự kì thị của mọi người. Ông lang thang khắp nơi làm đủ nghề để kiếm sống.
Qua mai mối, ông Thuyết lập gia đình với một người phụ nữ ở huyện Đô Lương, cùng tỉnh. Nhưng thật không ngờ chỉ sau hai năm chung sống người vợ thứ hai của ông đã bỏ đi mà không một lời giải thích. Ông chiêm nghiệm: "Phải chăng ông trời muốn trừng phạt tôi vì trước đây đã phụ bạc, cướp đi mạng sống của người vợ cũ?".
Sống cuộc đời nay đây mai đó của một người đàn ông vừa ra tù sau khi chịu án vì tội giết vợ, ông Thuyết tưởng rằng mình chẳng thế nào có được hạnh phúc gia đình. Trong một lần đi phát rừng thuê, ông tình cờ quen với bà Vi Thị Vân (SN 1965), ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ.
Bà Vân là người dân tộc Thái, đã qua một lần đò và có hai người con. Đều là những người từng gặp bất hạnh trong hôn nhân nên hai người rất đồng cảm với nhau. Dù kém ông đến gần 20 tuổi, nhưng bà Vân cảm thấy ông Thuyết thực sự là "một nửa" phù hợp với mình.
Năm 1999, bà Vân chính thức đưa hai con riêng về sống cùng ông Thuyết. Bà tâm sự: "Từ khi kết hôn ông ấy luôn hết lòng thường yêu vợ và đối xử tốt với hai con riêng của tôi. Ông ấy luôn xem chúng như con đẻ của mình vậy. Thậm chí chồng tôi còn lấy họ của mình để đặt cho hai con riêng của vợ".
Năm 2001, bà sinh một bé trai kháu khỉnh đặt tên là Hồ Văn Lưu. Từ khi có con chung, tình cảm giữa cặp đôi "rổ rá cạp lại" lại càng khăng khít hơn trước. Mới đây, ông Thuyết đón đứa con riêng của mình với người vợ đầu về sống với gia đình ông. Từ đó gia đình ông Thuyết được đoàn tụ đông đủ, hạnh phúc dù muộn mằn nhưng rất trọn vẹn sau khi cả hai vợ chồng ông trải qua vô vàn sóng gió.
Hiện nay bà Vân do sức khỏe yếu nên thường xuyên đau ốm, hầu như bà không thể làm được các công việc nặng. Tất cả mọi việc đều một tay ông Thuyết làm hết. Tuy vất vả như vậy nhưng ông chẳng bao giờ kêu ca than vãn điều gì. Ngoài việc đồng áng ở nhà ông còn đi làm bảo vệ cho một số công trình xây dựng ở thị trấn để kiếm tiền mua thuốc cho vợ.
Hằng năm, cứ vào dịp giỗ người vợ đầu, bà Vân lại chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn để chồng mình làm giỗ. Ông Thuyết tâm sự: "Tôi rất biết ơn bà Vân vì bà ấy không hề kỳ thị với những tội lỗi tôi đã phạm phải. Nhờ sự bao dung của bà ấy tôi mới có thể làm lại cuộc đời và có một mái ấm như hôm nay".
Theo Phương Thảo
Giám định công trình thủy điện 2 lần bị vỡ đập Trước và sau khi nhà máy thủy điện Đăkrông 3 (đóng tại xã Tà Long, huyện Đăkrông, Quảng Trị) vận hành chính thức vào tháng 2/2013, đã liên tiếp xảy ra 2 sự cố vỡ thân đập khiến dư luận nghi ngại về chất lượng công trình. Nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân và công trình nói trên, UBND...