Gặp người mang hàng trăm triệu trúng số làm từ thiện
Giúp đỡ những người khó khăn, góp công xây dựng cầu đường… là những việc làm hết sức ý nghĩa của anh Nguyễn Văn Bằng (SN 1979, ngụ tại thị trấn Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) sau khi trúng số.
Sau gần hai mươi năm phiêu bạt nơi xứ người, nhờ lộc trời, anh đã có thể biến giấc mơ thời trai trẻ thành hiện thực. Đó là xây dựng một gia đình riêng hạnh phúc và góp phần làm quê hương thêm giàu đẹp.
Khát khao trúng số xây dựng gia đình
Lần theo những con đường ngoằn ngoèo, qua những căn nhà lá xập xệ, chúng tôi bắt gặp căn nhà khang trang vừa được xây dựng khi cách thị trấn khoảng 3km. Chủ nhân ngôi nhà, anh Nguyễn Văn Bằng đón chúng tôi với thái độ niềm nở, nhiệt tình đặc trưng của người miền Tây. Bên ấm trà thắm đượm tình cảm, anh chia sẻ cho chúng tôi về những thăng trầm của cuộc đời mình; về niềm vui mà anh có được sau những ngày làm việc có ích cho đời.
Sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em, Bằng là người con thứ năm. Cha mẹ mất sớm, tất cả tài sản để lại cho 6 đứa con chỉ là 5 công ruộng. Ruộng đồng ít lại thường thất bát, anh em Bằng sống trong cảnh thiếu ăn thiếu mặc triền miên. Ngày qua ngày, các anh em đùm bọc, nương tựa lẫn nhau mà lớn lên. Mong có cuộc sống tốt hơn, họ tách nhau đi làm ăn tứ tán. Vùng đất nào thuận lợi mưu sinh là họ trụ lại, những mong xây dựng cơ đồ cho riêng mình.
Căn nhà khang trang do chính tay anh Bằng thiết kế và xây dựng.
Vốn rất ham học hỏi nhưng vì kinh tế gia đình khó khăn, anh Bằng chỉ được học hết lớp 2. Với hành trang kiến thức ít ỏi cùng sự chăm chỉ ham làm, anh giã từ quê hương để đến “mảnh đất hứa” Sài Gòn. Ban đầu, anh làm đủ nghề nhưng thu nhập vẫn vô cùng bấp bênh, khi no khi đói. Năm 18 tuổi, Bằng tự nghĩ phải có nghề bài bản mới ổn định được cuộc sống, nên dồn sức kiếm tiền để xin vào một trường học nghề.
Trong một lần đang đi làm công trình, anh mua vé số ủng hộ người nghèo theo phong trào. Lần đó, anh trúng 5 vé an ủi với tổng số tiền lên đến 50 triệu đồng. Với một người phải tích cóp từng đồng qua bữa như Bằng, số tiền ấy quả thực là một gia tài. Quan trọng hơn, nó mở ra cho anh con đường hấp dẫn tới ước mơ có cái nghề nghiệp ổn định. Hoàn thành các thủ tục giấy tờ, đóng học phí, anh trở thành học viên của một trường dạy nghề, lĩnh vực xây dựng cầu đường. 3 năm sau, anh tốt nghiệp và lại lăn xả xin làm tại các công trình, ở vị trí công nhân xây dựng hoặc giám sát công trình. Vừa đi làm, anh vừa không ngừng học hỏi đồng nghiệp, bạn bè đúc kết thêm kinh nghiệm.
Công việc còn nhiều khó khăn, anh buộc lòng liên tục thay đổi chỗ làm. Trong quá trình đó, anh gặp một cô gái dịu hiền. Qua nhiều lần đổi trao tâm tình, hai người chính thức yêu nhau. Mối tình này khiến anh bắt đầu ước mơ về một mái ấm gia đình. Anh mơ có căn nhà nhỏ, có người vợ hiền và những đứa con thơ. Anh cố gắng làm việc hơn bao giờ hết để mong tiết kiệm đủ tiền biến ước mơ thành sự thật.
Video đang HOT
Thế nhưng với đồng lương ít ỏi, anh thấy mặc cảm nên chẳng dám ngỏ lời cầu hôn với cô gái mình yêu. Anh tính toán dù có làm thêm vài chục năm nữa cũng chẳng mua nổi căn nhà nhỏ, huống chi lo đủ cho một gia đình. Mặt khác, anh lo sợ gia đình cô ấy sẽ không chấp nhận chàng rể “tứ cố tha hương” như mình. Vắt óc suy nghĩ, anh cho rằng những tấm vé số là con đường ngắn nhất giúp mình thực hiện ước mơ. Từ đó, anh đều đặn trích tiền mua vé số mỗi ngày và đêm van vái đất trời xin trúng số. Anh hứa rằng nếu trúng số sẽ dừng chân phiêu bạt để trở về quê hương sinh sống. Ở nơi đó, anh sẽ xây dựng mái nhà nhỏ, cưới người yêu làm vợ. Anh sẽ tình nguyện đứng ra quyên góp giúp đỡ những gia đình khó khăn cũng như đăng ký tham gia một số công trình công cộng bằng cách không nhận tiền công.
May mắn thay, ước mơ của anh đã trở thành hiện thực. Trong một lần đi làm ở Bình Dương, anh được một cô bé bán vé số dạo vận bộ quần áo rách rưới, đầu tóc rối bù đến mời mua vé số. Thương tình, anh mua giúp cô bé ấy 2 tờ. Không ngờ buổi tối dò kết quả, anh đã trúng độc đắc với giải thưởng trị giá 3 tỷ đồng. Khi mới nhìn kết quả, anh không dám tin vào sự thật mà cứ tưởng mình mơ, còn tự tát mình một cái để tỉnh lại. Các con số, ký hiệu, ngày giờ cũng như tỉnh thành đều đã trùng khớp. Anh bỗng hét lên trong sự vui sướng tột đỉnh. “Tôi trúng số rồi! Kỳ này mình sẽ có nhà, có gia đình…” Nghe anh ấy hét lớn mọi người đều trố mắt nhìn anh. Ban đầu, họ tưởng anh điên nhưng sau khi tường tận sự việc họ mới quay sang mừng cho anh.
Dừng chân phiêu bạt
Từ ngày trúng số, cuộc đời anh như chuyển sang một hướng khác. Sau gần 20 năm sống tha hương, chuyển hết nhà trọ này đến phòng trọ khác, anh bắt đầu thực hiện ước mơ dừng chân phiêu bạt. Anh thu xếp đồ đạc, tạm dừng việc làm ở Sài Gòn và lập tức trở về quê. Bằng mang tiền về giúp anh em người thân trả dứt nợ nần, đồng thời biếu thêm các anh chị mỗi người 20 triệu đồng. Số tiền còn lại, anh dành để mua hai mảnh đất ưng ý tại quê nhà.
Anh Bằng – người góp công xây dựng cầu đường sau trúng số.
Mảnh thứ nhất nằm ở mặt tiền, với chiều ngang 12m và chiều dài 24m trị giá 150 triệu đồng. Mảnh đất thứ 2 là đất ruộng với diện tích 5000m2 trị giá 500 triệu đồng sử dụng cho việc canh tác lúa. Sau khi mua đất xong, anh tự tay thiết kế căn nhà trong mơ của mình. Tuyển chọn những người thợ khéo léo nhất trong những người thợ khéo léo nhất trong vùng, sau hai tháng xây dựng, căn nhà được hoàn thành. Lúc này, Bằng lại tỉ mỉ lựa chọn từng vật dụng gia đình, làm sao vừa hữu ích vừa có mức chi phí hợp lý nhất.
Có được căn nhà khang trang trên mảnh đất quê hương, Bằng bắt đầu thực hiện kế hoạch “rước nàng về dinh”. Được gia đình người yêu chấp nhận, đám cưới của hai người diễn ra đầm ấm, hạnh phúc trong sự chứng kiến của họ hàng hai bên. Bà con hàng xóm ai cũng mừng cho anh chị. Niềm hạnh phúc của anh càng thêm tròn vẹn khi anh sắp được đón đứa con đầu lòng chào đời.
Thời gian này, anh dành nhiều thời gian làm từ thiện. Anh đứng ra tổ chức quyên góp giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó có anh Nguyễn Văn Tý vốn làm công nhân xây dựng nhưng chẳng may bị điện giật phải tật nguyền. Anh Tý hiện sống cùng người vợ có vấn đề thần kinh. Hoàn cảnh thương tâm này được anh Bằng đứng ra quyên góp, trao tặng tổng số tiền là 24 triệu đồng. Một trường hợp khác là gia đình anh Tuấn, người đàn ông không may bị tai biến phải nằm liệt. Trước đó, cuộc sống của anh Tuấn cũng vô cùng khó khăn, khi hai vợ chồng chỉ có nguồn thu ít ỏi từ nghề kéo lưới. Anh bằng đã đứng ra quyên góp số tiền 57 triệu đồng. Với anh Bằng, những việc làm đó là hết sức ý nghĩa. “Của ít lòng nhiều”, số tiền không lớn nhưng đã góp sức giúp những số phận nghèo vượt qua phần nào những trở ngại cuộc sống, tạo thêm cho họ động lực sống.
Ngoài ra, anh còn tham gia xây dựng các công trình giao thông nông thôn. Anh xin vào đội thi công cầu đường góp công không tính sức. Tính theo ngày công, tổng số tiền anh đã đóng góp cho việc xây dựng cầu đường là 78 triệu đồng. Trong đó, tiền công xây dựng cầu là 28 triệu đồng, tiền công xây dựng đường là 50 triệu đồng. Chưa dừng lại, anh còn giúp dân nghèo xây dựng nhà không lấy tiền. Tâm sự với chúng tôi, anh Bằng cho biết toàn bộ số tiền trúng số còn lại dã được anh gửi ngân hàng. Anh dự định sẽ dùng số tiền đó cho các con ăn học nên người. Vợ chồng anh sẽ canh tác phần đất mới mua để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ngoài ra, anh còn tham gia các công trình xây dựng cầu đường, nhà cửa cho người dân để có thêm thu nhập.
Sẽ không ngừng làm việc thiện giúp đời Anh Bằng chia sẻ: “Từ ngày trúng số, cuộc đời tôi thay đổi hẳn. Giờ đây, tôi có được mái ấm gia đình hạnh phúc, đứa con đầu lòng cũng sắp ra đời. Cũng nhờ số tiền may mắn ấy, tôi có thể giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp công xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong thời gian sắp tới, tôi hứa sẽ tham gia nhiều hơn vào công tác xã hội giúp ích cho đời”.
Theo Lê Hằng (Đời sống & Hôn nhân)
Ly kỳ trúng 3 vé độc đắc trong ngày giỗ chồng
Hơn 6 năm trôi qua, người dân ở vùng quê nghèo xã Đức Lập Hạ (H.Đức Hòa, T.Long An) vẫn không quên chuyện trúng số độc đắc của một phụ nữ trong ngày giỗ của chồng.
Chuyện trùng hợp đến khó tin diễn ra khi người chồng không may mắn mắc bệnh ung thư quái ác và qua đời, khiến gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt. Nợ nần, tiền ăn học của các con, tất cả chất lên đôi vai gầy yếu của người phụ nữ góa bụa. Thế rồi trong lúc bi đát nhất, nhờ giấc chiêm bao giữa ban ngày, bà Lê Thị Quơ (SN 1961) đã thoát khỏi cảnh túng quẫn khi trúng tới 3 tờ vé số trúng độc đắc.
Giấc mơ trưa thay đổi cuộc đời
Quả thực, tới khu vực xã Đức Lập Hạ (H. Đức Hòa, Long An), khách chỉ cần nhắc tên bà Tám Quơ thì ai cũng kể vanh vách về giai thoại trúng số của người phụ nữ này. "Ông chủ tịch thiêng lắm, thấy vợ con khổ nên ông ấy về báo mộng cho trúng số", một người bán nước gần nhà bà Quơ chia sẻ. Chính nhờ vận may kỳ lại đó, người phụ nữ này đã thoát ra khỏi "vòng kim cô" nợ nần và có tiền nuôi ba cô con gái ăn học thành tài. Khi biết chúng tôi có ý tới thăm bà Quơ, một người lái xe ôm đã nhiệt tình chỉ dẫn tới tận nhà. Thấy có khách, dù đang bận nấu ăn cho trường mầm non trước nhà, bà Quơ vẫn vui vẻ ngồi tiếp chuyện và kể lại vận may thay đổi cuộc đời mình. Nhớ lại chuyện trúng số 6 năm trước, bà mỉm cười nhìn lên di ảnh chồng rồi nói: "Ông ấy 'báo mộng' để giúp tôi có như ngày hôm nay đó!".
Ngôi nhà của bà Quơ sửa sang sau khi trúng số.
Bà Quơ kể lại: "Chuyện này kể ra phải nói từ hôm ông nhà tôi trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện. Trước khi ra đi, ông ấy đã nói một câu: "Xin lỗi bà, tôi phải đi rồi, nhưng bà yên tâm tôi sẽ giúp bà thoát khỏi gánh nặng nợ nần này". Sau khi ông ấy mất, ngày nào cũng có người tới gõ cửa đòi nợ khiến nhiều lần tôi tính bán nhà, trả cho sạch nợ rồi bỏ đi nơi khách làm ăn. Nhưng mỗi khi có ý định này, trong lòng tôi lại thấy bất an, lại không đành nhìn các con còn đang trong tuổi đi học phải chuyển trường, chuyển lớp. Thế rồi, tôi quyết tâm ở lại dù ngày nào cũng phải nghe những câu nói thiếu lịch sự của những người tới đòi nợ.
Chuyện trúng số cũng rất bất ngờ, xảy ra trong ngày giỗ của chồng tôi. Trước đây, ông ấy là chủ tịch xã nên có rất nhiều người tới hỏi thăm, khi tan đám mọi người về hết cũng là lúc tôi đi vào phòng nghỉ ngơi. Không hiểu sao, khi mới chợp mắt, tôi đã mơ màng thấy ông ấy ngồi bên cạnh. Thấy chồng, tôi liền than thở về khoản nợ quá lớn của gia đình mà không có cách nào trả nổi. Lúc đó, ông ấy chỉ khẽ nói: "Xin lỗi vì hôm nay mới về gặp bà được! Tôi về đây để hoàn thành lời hứa trước đây tại bệnh viện, nhưng bà cũng phải giúp một phần. Bà mua giúp tôi mấy tờ vé số!"... Khi tỉnh dậy, nghĩ đây chỉ là giấc mơ, bà Quơ tặc lưỡi: "Cả đời có mua vé số bao giờ đâu mà nay ông lại hiện về xúi vậy".
Thế nhưng, tới gần 4h chiều hôm ấy, bà cứ nôn nao trong người mà không hiểu có chuyện gì. Cũng đúng lúc đó, ngoài cổng có một người phụ nữ bán vé số ghé vào nhờ mua giúp mấy tờ vé số ế. Nghĩ tới giấc mơ vừa trải qua, bà Tám Quơ chợt suy nghĩ: "Biết đâu ông ấy về báo mộng cho mình thoát khỏi cảnh khổ".
Do vậy, bà mua liền lúc 5 tờ vé với hy vọng có thể trang trải nợ nần, có cuộc sống ổn định khấm khá hơn. Thế rồi, buổi chiều hôm ấy, bà như được tái sinh một lần nữa khi thấy người bán vé số hớt hải chạy lại nói: "Chúc mừng bà! Số bà may mắn thật, trúng liền lúc cả 3 tờ độc đắc". Tưởng chị này trêu trọc, bà Quơ cười nói: "Chị cứ đùa! Tôi làm sao có thể may mắn như vậy. Nếu trúng độc đắc thật thì chị mong muốn gì tôi cũng cho hết". Khi cầm tờ kết quả trên tay người bán vé số, bà Quơ vẫn cười nói: "Để coi vận may của tôi nào". Thế nhưng, khi nhìn hàng số trên tờ vé của mình trùng với dãy số ở hàng giải đặc biệt, người phụ nữ này đã bật khóc. Bà khóc vì quá vui sướng, vì bao nỗi niềm chất chứa trong lòng từ bấy lâu nay và vì nỗi nhớ chồng trào dâng.
Sau khi bình tĩnh lại, bà tươi tắn thông báo chuyện trúng số độc đắc cho các con. Thấy mẹ nói vậy, cả ba cô con gái đều phá lên cười vì từ trước tới nay chưa khi nào họ thấy mẹ chơi vé số. Khi tận mắt nhìn từng con số, không ai bảo ai, họ ôm lấy bà mẹ đáng thương và khóc òa trong niềm vui sướng tột độ. Cả đêm hôm ấy, trong ngôi nhà nhỏ của người phụ nữ góa bụa không ai ngủ được.
Bước qua khó khăn nhờ trúng số
Ngày hôm sau, khi bình minh vừa ló, bà Quơ cùng bà cô con gái vội hối nhau đi lĩnh thưởng. Có tiền trúng số trong tay, người phụ nữ khốn khổ lập tức trả hết nợ nần. Phần tiền còn lại, bà Quơ nghĩ ngay tới việc phát triển kinh tế gia đình. "Sau khi trúng số, một phần tôi mang trả nợ cho người ta, một phần dành để sửa sang lại căn nhà và xây thêm 5 phòng trọ ở khoảng đất cạnh bên. Lúc này, tôi cũng muốn làm thêm một vài việc khác để kiếm sống. Đang rối trí chưa biết bắt đầu từ đâu,tôi bỗng nhận được lời đề nghị đảm trách việc nấu cơm phần cho trường mầm non trước nhà. Nghĩ mình có chút năng khiếu nấu ăn, tôi nhận lời ngay. Từ những công việc này, gia đình tôi có nguồn thu ổn định, đủ giúp tôi lo lắng tiền sinh hoạt và ăn học cho 3 người con, dù chưa thể làm giàu. Rồi khi các con ra trường, cũng một tay tôi xin việc và xây dựng gia đình cho chúng. Giờ nhìn đứa nào cũng ổn định, cuộc sống gia đình êm ấm, tôi thấy quá mãn nguyện rồi", bà Quơ chia sẻ.
Bà Lê Thị Quơ ngồi trò chuyện với phóng viên.
Nhờ may mắn trúng số, cộng thêm nỗ lực đi lên từ khó khăn cùng cực, bà Quơ thường lấy câu "đói cho sạch, rách cho thơm" làm đầu mỗi khi nói chuyện với các con. Như hiểu lòng mẹ, từ ngày cha mất, cả ba cùng dọn về sống chung với mẹ như những ngày thơ bé. Ngồi bên mẹ, chị Văn Thị Mỹ Ngân (con gái lớn của bà Quơ) cho biết: "Từ ngày ba mất, mẹ phải tự tay lo cho cả ba chị em ăn học. Thấy mẹ thức khuya dậy sớm, mình thấy thương lắm. Mỗi lần như vậy, mình chỉ muốn bỏ học để ở nhà phụ việc nhưng mẹ lại gạt đi không cho. Tới giờ dù đã có gia đình và nhà riêng, mấy chị em vẫn ở chung và mong phụ giúp công việc phần nào cho mẹ đỡ vất vả".
Con số may mắn viết nên chuyện cổ tích Trò chuyện với phóng viên, bà Lê Thị Quơ vẫn còn nhớ như in về dãy số đã làm thay đổi cuộc sống gia đình bà: "Dãy số tôi trúng giải đặc biệt hôm đó là 66847, Công ty xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang mở thưởng ngày 13/8/2007. Khi kể lại chuyện trúng độc đắc, bà Quơ còn cho biết thêm: "Lúc đó tôi may mắn trung 3 giải đặc biệt, nhưng tôi chỉ lãnh 2 tờ, 1 tờ còn lại tôi đem cho đứa em thứ 4 vì thương em cũng khó khăn như mình. Thôi thì chị em có phúc cùng hưởng, cùng nhau đỡ khổ là tôi mình rồi".
Bên đàn cháu ngoại, bà Quơ vui vẻ kể lại cảm xúc khi lần đầu tiên được cầm trong tay một số tiền quá lớn. "Mới đó mà đã 6 năm trôi qua, mọi chuyện cứ như một giấc mơ với tôi vậy. Cầm trên tay tiền trúng thưởng, tôi lại nghĩ về chồng. Số phận đã định vậy rồi, nhưng ông ấy ra đi sớm mà vẫn còn thương mẹ con chúng tôi. Bằng chứng là trong lúc cả nhà đang chìm trong tuyệt vọng thì ông lại về báo mộng cho trúng số. Nếu không có giấc mơ ấy, không biết giờ này cả 4 mẹ con không biết đã lang bạt nơi nào", bà Quơ tâm sự. Nói rồi, bà tự hào về tổ ấm đề huề của mình hiện nay: "Cả đời mình lo toan cho con, giờ thấy chúng hạnh phúc và ở đây bầu bạn với mình, vậy là quá đủ. Sau này có nhắm mắt xuôi tay, tôi cũng không thấy thẹn lòng với cha của chúng".
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Trung, bí thư chi bộ ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ (H. Đức Hòa, T. Long An) cho biết: "Gia đình bà Lê Thị Quơ vốn có điều kiện kinh tế nhưng khi người chồng mắc bệnh ung thư và qua đời thì gia cảnh trở nên khốn khó, nợ nần khắp nơi. Chuyện báo mộng trúng số có lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng quả thực sau khi trúng số, cuộc sống cảu gia đình bà Quơ thay đổi hoàn toàn. Không những trả hết số nợ đã vay để chưa bệnh cho chồng, bà Quơ còn lo đầy đủ cho ba người con học hành tử tế, công ăn việc làm ổn định. Không chỉ vậy, khi điều kiện kinh tế ổn định, bà Quơ còn thường xuyên tham gia giúp đỡ những người nghèo trong ấp và trong xã. Nhiều năm nay, chính quyền luôn lấy tấm gương đảm đang của bà để cho các gia đình trong ấp noi theo".
Theo Minh Tuấn (Đời sống & Hôn nhân)
Đôi vợ chồng bại sản vì... vay tiền chơi xổ số Chứng kiến nhà hàng xóm trúng số độc đắc, chị Lê Thị Phương (42 tuổi) đứng ngồi không yên. Mỗi ngày, chị đảo mắt theo dõi từng dòng người bán vé số cứ ra vào xóm nườm nượp. Lúc ấy, chị Phương cũng muốn tham gia mua vé số hi vọng sẽ được hưởng "lộc trời" giống như nhà hàng xóm nhưng đành...