Gặp người chỉ huy trận đánh cửa ngõ Sài Gòn
“Khi đó không có thời gian để mà nghĩ nữa, chỉ biết một là chết hai là sống…” thiếu tá Chu Văn Lan nguyên chính trị viên phó Đại đội 5 nhớ lại thời khắc xung trận Xuân Lộc.
Sau 38 năm, tôi tìm gặp thiếu tá Chu Văn Lan người chỉ huy trận đánh để hiểu thêm về chiến dịch Xuân Lộc – nơi được coi là ” 1 trong 3 ” tuyến phòng ngự cuối của của Mỹ – Ngụy để bảo vệ Sài Gòn.
Ở cái tuổi 63, thiếu tá Chu Văn Lan, nguyên là chính trị viên Phó, Đại đội 5 ( Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341, còn gọi là Sư đoàn Sông Lam, thành lập 23-11-1972 tại huyện Nam Đàn – Nghệ An) vẫn nhớ như in cái ngày cùng đồng đội được lệnh đánh trận mở màn vào Xuân Lộc, 9-4-1975.
Thiếu tá Chu Văn Lan kể lại trận đánh mở cửa Xuân Lộc tháng 4-1975
Xuân Lộc (Đồng Nai) được địch coi là 1 trong 3 tuyến phòng ngự cuối của của Mỹ – Ngụy để bảo vệ Sài Gòn (cùng với Phan Rang và Tây Ninh). Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Để giữ cánh cửa Xuân Lộc, địch đã huy động lực lượng rất đông gồm: Sư đoàn 18 bộ binh tinh nhuệ của địch do tướng Ngụy, Lê Minh Đạo chỉ huy; lữ đoàn 3 dù và các trung đoàn pháo binh. Hai tiền đồn quan trọng là Núi Thị và Tân Phong với nhiều boong-ke, lô cốt, hầm ngầm. Với tất cả khoảng 12.000 quân.
Xác định trận chiến Xuân Lộc là trận chiến vô cùng quan trọng, mở màn cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, Đại đội 5 gồm 108 cán bộ chiến sỹ nhận được nhiệm vụ đánh vào phía Bắc thị xã Xuân Lộc, mở màn cho quân ta tiến lên.
4h sáng 9-4 ta tiếp cận trận địa. Đến 5h40 pháo cối cấp tập trút vào trận địa của địch. Đúng 6h đơn vị quyết định mở cửa bằng bộc phá vào hàng rào của địch. Nhớ lại giây phút phá hàng rào của địch, ông Lan cho biết: “Nguy hiểm nhất là lúc này. Vì lúc mở cửa tức là lúc buộc phải lộ ý định cho địch biết mình sẽ tấn công vào hướng nào, đương nhiên địch sẽ tập trung hỏa lực để đánh trả”.
Địch phản công quyết liệt, quân ta vẫn án ngữ và tiếp tục xông lên. Lần lượt 3 cán bộ chỉ huy của Đại đội 5 bị thương và hi sinh trong trận chiến. Lúc này ông Lan là người được nhận nhiệm vụ sau cùng để tiếp tục chỉ huy đại đội tổ chức xung phong.
Thiếu tá Chu Văn Lan (thứ 2 bên phải sang)
“Tôi lập tức xốc lại đội hình nhưng cũng không kịp điểm danh xem còn bao nhiêu người. Khi đó có 2 khẩu đại liên của Đại đội, tôi lập tức ra lệnh xác định mục tiêu, khóa tầm – khóa hướng, rồi bắn thật rát cho quân ta xung phong. Tôi chỉ nhớ lúc đó tôi hô rất to tất cả anh em xung phong theo tôi…”.
Do quãng đường quân ta xung phong tiếp cận trận địa của địch dài, trong khí đó phía trước địch lại lợi dụng một trường học bỏ hoang để tạo ra lô cốt ẩn nấp rồi nhả đạn về phía quân ta. Anh em ai cũng xác định chắc khó tiếp cận được tới khu trường học này vì sẽ bị địch bắn chết hết. Nhưng với sự yểm trợ đắc lực của 2 khẩu đại liên đó mà địch đã hoảng sợ rút khỏi trường học này. “Tôi chạy trước tiên và tiếp cận tới trường học, lúc chạm tay được tới bờ tường thì biết mình sẽ sống vì có điểm tựa để ấn nấp. Vội nhìn qua khe tường thì thấy quân địch đã bỏ chạy hết. Tôi tiếp tục hô: anh em xông lên địch bỏ chạy rồi…”, ông Lan nhớ lại.
Video đang HOT
Đại đội chiếm được trường học thì tiếp tục tiến về phía trước, lúc này có một ngôi nhà kiên cố khóa cổng, ông Lan lao lên hô to “ai trong nhà thì ra”. Không thấy ai trả lời, ông Lan tháo chột quả lựu đạn ném qua lỗ hổng vào phía trong. Sau tiếng nổ đinh tai, lập tức ở trong khu nhà này gần chục tên địch giơ tay xin đầu hàng, chạy ào ra ngoài.
Rồi lại tiếp tục những tình huống chiến đấu khác. Đánh dai dẳng đến 18h chiều cùng ngày, dù chiếm được trận địa song lúc này bên cạnh ông Lan chỉ còn 7 người, tất cả đều bị thương. Ông Lan lệnh cho mọi người rút ra khỏi trận địa vì không còn sức để đánh nữa. Đến khoảng 19h30 ông Lan cùng 6 đồng đội rút ra đến sở chỉ huy tiểu đoàn ở phía sau để báo cáo tình hình, thì gặp thêm 2 người khác, còn cả đơn vị đã hy sinh và thất lạc hết. Sau đó đại đội 5 đã nhường lại trận địa cho các đơn vị khác.
Cuộc chiến Xuân Lộc tiếp tục được quân ta duy trì thêm 11 ngày cho đến ngày 21-4 thì quân ta đã cắm cờ được trên dinh tỉnh trưởng. Cuộc chiến Xuân Lộc toàn thắng, thế chân kiềng của địch bị phá vỡ mở đường thuận lợi cho đại quân thằng tiến về Sài Gòn.
Ông Lan cho biết: “Trận Xuân Lộc chính là trận chiến mang tính quyết định để giải phóng Sài Gòn. Thắng Xuân Lộc là quân ta nắm được một phần thắng quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh…”
Hoàn thành nhiệm vụ đánh trận Xuân Lộc, chính trị viên Phó Chu Văn Lan cũng bị thương ở chân nhưng được sự động viên của đồng đội nên ông Lan quyết định ở lại ngay tại đơn vị để điều trị mà không tới bệnh viện. Lúc này Chu Văn Lan giữ chức chính trị viên đại đội 5. Đơn vị tiếp tục bổ sung thêm một trung đội hoàn chỉnh với khoảng 80 người. Ổn định tổ chức xong, ngày 26-4 dưới sự chỉ huy của chính trị viên Chu Văn Lan đơn vị lại tiếp tục được đánh trận Trảng Bom cũng với nhiệm vụ mở màn. Đêm hôm đó đơn vị tổ chức đánh chiếm trận địa của địch. Trinh sát của ta lúc này báo về trận địa có nhiều hàng rào, còn địch co cụm ở phía trong.
Ông Lan nhớ lại ” Trận Trảng Bom cũng ác liệt không kém trận Xuân Lộc. Không còn cách nào khác tôi ra lệnh đạp đổ hàng rào rồi cho người lính nằm lên để đồng đội vượt qua hàng rào. Vượt qua hàng rào dây thép gai quân ta gặp phải phản kháng mạnh mẽ của địch. May mắn là quân ta dựa vào một bãi tha ma để ẩn nấp rồi lần lượt hạ địch ở các căn cứ”.
Đến 8h30 ngày 27-4 quân ta chiếm xong căn cứ của địch ở Trảng Bom thu được nhiều vũ khí của địch trong đó thu được 4 khẩu pháo 105. Đơn vị hi sinh mất 7 người.
Cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ đánh Trảng Bom, chính trị viên Chu Văn Lan cùng đơn vị tiến công thần tốc về Sài Gòn, trên đường còn đánh thêm trận tại Hố Nai (Biên Hòa, Đồng Nai).
“Khi đó ai cũng đua nhau làm sao để tiến về Sài Gòn càng sớm càng tốt. Tôi cùng đơn vị vào tới dinh Độc lập thì chậm hơn Quân đoàn 2 chừng 1 giờ đồng hồ. Khi đó tất cả được quây quần bên nhau ở dinh Độc lập ai cũng rưng rưng nước mắt nói không nên lời…”, ông Lan nhớ lại.
Thiếu tá Chu Văn Lan sinh năm 1950, quê ở Hưng Nguyên (Nghệ An). Năm 1968 chàng thanh niên Lan vừa tròn 18 tuổi thì lên đường nhập ngũ vào chiến trường Quảng Bình. Ở mảnh đất Quảng Bình 5 năm, thì được cử đi học sỹ quan lục quân 1 ở Sơn Tây. Tháng 2 – 1975 được điều về Sư đoàn 341 (thuộc quân khu 4). Tháng 4-1975 là chính trị viên Phó của Đại đội 5 (thuộc Sư đoàn 341) trực tiếp đánh trận mở màn vào Xuân Lộc. Ngày 26-4-1975 Chu Văn Lan được phong lên chính trị viên của Đại đội 5 tiếp tục đánh trận Trảng Bom. Giải phóng Sài Gòn, tháng 7-1977 Chu Văn Lan lại tiếp tục lên đường tham gia chiến trường Campuchia. Năm 1980 Chu Văn Lan xuất ngũ với hàm thiếu tá, thương binh hạng 3/4. Ông Chu Văn Lan lập gia đình năm 1971, có 3 người con. Hiện nhà riêng của ông ở phường Cửa Nam, thành phố Vinh (Nghệ An).
Theo ANTD
Bùng phát nạn khai thác Diatomite, đất rừng bị phá tan hoang
Nạn khai thác, vận chuyển Diatonite trái phép trên địa bàn xã An Xuân, huyện Tuy An (Phú Yên) diễn ra từ nhiều năm qua. Mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng hiện vẫn chưa được chấm dứt, thậm chí còn có nguy cơ bùng phát khai thác tự do trên diện rộng.
Lật tung đất rừng, đất sản xuất tìm Diatonite
Con đường qua địa bàn các thôn Xuân Lộc, Xuân Bình (xã An Xuân) dài hơn 5km, khoáng sản Diatomite rơi vãi nham nhở mặt đường. Dọc hai bên đường, hàng chục ha đất sản xuất, rừng trồng bị cày xới, lật tung, tạo ra những hầm hố, ao tù loang lổ. Riêng địa bàn thôn Xuân Lộc, xã An Xuân có ít nhất 4 điểm khai thác Diatomite tự phát. Mỗi điểm có hàng chục người dân ngang nhiên đào bới đất rừng, băm nhỏ Diatonite bỏ vào bao tải rồi chất thành từng đống công khai như những kiện hàng lớn. Thậm chí có nơi người ta đem cả máy đào công suất lớn đến, ngang nhiên múc đất, khai thác Diatomite, tạo ra nhiều hầm hố, thung lũng sâu hàng chục mét, cày xới tan hoang cả một góc rừng trồng.
Đất sản xuất, đất rừng bị lật tung, cày xới nham nhở
Trên một khu đất thuộc cánh rừng trồng đã được người dân khai thác thuộc địa bàn thôn Xuân Lộc, chúng tôi bắt gặp hơn 10 người dân đang hì hục cuốc đất, khai thác Diatomite. Khi phát hiện phóng viên ghi hình, họ lặng lẽ lẩn tránh vào rừng keo. Trong khu vực này có một chiếc xe múc cỡ lớn mang ký hiệu KS09 nằm sừng sững công khai chờ khác thác.
Tại hiện trường có hàng nghìn bao tải loại 20kg đựng Diatomite, xếp thành từng dãy cao hơn 1,5m và hàng chục đống Diatomite mới được đào lên vun cao ngất ngưởng xung quanh người dân dựng hàng chục lán tại phục vụ khai thác. Toàn cảnh khu đất rộng khoảng 4ha bị băm nát, ngổn ngang như bãi chiến trường.
Hàng nghìn bao tải loại 20kg đựng Diatomite được xếp thành từng dãy
Bà Nguyễn Thị Trang, trú ở thôn Xuân lộc, xã An Xuân đang loay hoai băm, bốc Diatomite vào bao tải nói: "Bình quân mỗi ngày tôi đào được hơn 50 bao loại 20kg, bán tại chỗ với giá 4.000 đồng/bao cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng. Toàn bộ khu vực này được nhiều người dân thuê lại của một chủ đất ở cùng thôn từ hơn một tháng nay. Sản phẩm khai thác, chúng tôi phải chia cho chủ đất một nửa".
Cách khu vực bà Trang đang khai thác khoảng 100m, có hai bãi khai thác Diatomite khác rộng khoảng 3ha. Tiếp chuyện chúng tôi, một người dân tên Nguyễn Văn Phân cho hay: "Tôi làm thuê cho một chủ đất với giá 2.500 đồng/bao, mỗi ngày đào được từ 70-90 bao. Diatomite có 3 loại (trắng, đen và đỏ). Loại đỏ có giá 8.000/bao, hai loại còn lại giá từ 4.000-6.000 đồng/bao loại 20kg. Mỗi ngày có từ 2-3 xe tải đến đây bốc hàng chở về thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) và TP Tuy Hòa tiêu thụ". Theo ông Phân, trước đây khu đất này được người dân trồng mía nhưng sau đó phá bỏ để khai thác Diatomite vì cho thu nhập cao hơn".
Bao tải đựng Diatomit được chủ đất mang đến cho người dân
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là tại khu vực ông Phân và nhiều người dân đang khai thác, có hàng trăm bao tải cùng loại đựng Diatomit chất thành từng đống. Mặt phải bao ghi dòng chữ "Cargill - Thức ăn hỗn hợp cho heo thịt từ 40-70kg - Khối lượng tịnh 25kg - Số công bố TCCS 1202:2012/CAR", mặt trái ghi "Cargill - Công ty Mỹ, chất lượng Mỹ..." (?). Theo ông Phân, những bao tải này do chủ đất mang đến nhưng không cho biết tên, bản thân ông chỉ biết bốc Diatomite vào bao, xếp thành đống, chờ xe ô tô đến vận chuyển đi.
Cần ngăn chặn triệt để
Theo UBND xã An Xuân, tình trạng khai thác Diatomite tự phát trái phép diễn ra từ năm 2006. Hàng năm, chính quyền địa phương cũng đã thường xuyên phối hợp với Phòng TN-MT huyện Tuy An kiểm tra, vận động người dân cam kết không tham gia khai thác Diatomite gây ảnh hưởng đến đất sản xuất, hủy hoại môi trường và thất thoát tài nguyên đồng thời đề nghị các ngành chức năng có hướng xử lý hiệu quả nhưng đến nay vẫn còn tiếp diễn. Hiện trên địa bàn các thôn Xuân Lộc và Xuân Bình còn tồn tại 6 điểm khai thác Diatomite, với 27 hộ dân thường xuyên tham gia đào bới đất có độ sâu từ 2-4m. Qua đợt kiểm tra mới đây, các ngành chức năng phát hiện gần 850m3 Diatomite dạng thô được chất thành đống chưa kịp đưa đi tiêu thụ.
Diatomite được chất thành từng đống bằng bao tải cao ngất ngưởng giữa thanh thiên bạch nhật
Ông Lê Văn Nhơn, Phó chủ tịch UBND xã An Xuân cho biết, Diatomite nằm rải rác ở các thôn Xuân Hòa, Xuân Lộc và Xuân Bình. Lượng Diatomite khai thác trái phép tuồn ra khỏi địa bàn, chính quyền địa phương không thể kiểm soát được, vì các đối tượng thường vận chuyển vào ban đêm, rất khó ngăn chặn. Người dân chỉ khai thác nhỏ lẻ, tuy nhiên lúc cao điểm, có ngày Diatomite tuồn ra khỏi địa bàn trái phép ước lên đến khoảng 10 tấn.
Hiện trên địa bàn xã An Xuân có Công ty cổ phần Khoáng sản Phú Yên được cấp phép khai thác khoáng sản từ năm 2011 với diện tích 11,8ha, thời gian khai thác 15 năm. Ngày 20-3-2013, Xí Nghiệp Diatomite Tuy An thuộc thuộc đơn vị này có báo cáo gửi UBND xã An Xuân và Phòng TN-MT huyện Tuy An, về việc đền bù 1.163m2 đất với giá hơn 99,8 triệu đồng cho hai hộ dân để phục vụ cho việc khai thác Diatomite năm 2013 của xí nghiệp. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, hiện Xưởng Diatomite An Xuân của Xí nghiệp Diatomite Tuy An đã ngưng hoạt động, nhà làm việc, nhà xưởng xuống cấp, hoang tàn.
Phát hiện phóng viên ghi hình, người dân liền ngừng công việc, lặng lẽ lẩn tránh
Ông Nguyễn Xuân Khiêm, Trưởng Phòng TN-MT huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đã nhiều lần phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển Diatomite trên địa bàn xã An Xuân đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân không nên tự thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân thuê đất sản xuất khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, hiện tình trạng khai thác Diatomite trái phép vẫn tiếp tục diễn ra trên đất rừng và đất nông nghiệp. Theo ông Khiêm, để ngăn chặn triệt để, các ngành chức năng của tỉnh Phú Yên cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, truy quét đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất có sử dụng nguyên liệu đầu vào là Diatomite không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Diatomite được dùng làm chất lọc, tẩy rửa trong công nghệ sản xuất bia, rượu, nước giải khát, dầu nuôi trồng thuỷ sản làm chất phụ gia cho ximăng và nguyên liệu cho sản xuất vật liệu cách nhiệt...
Theo ANTD
Các thuyền viên tàu Hoa Sen kêu cứu Thiếu lương thực, nước ngọt, nhiên liệu và bị cô lập với bên ngoài... Đó là hoàn cảnh khốn khó của các thuyền viên trên tàu Hoa Sen (thuộc công ty Vinashinlines) đang neo đậu tại Trung Quốc kêu cứu về Việt Nam để mong nhận được sự hỗ trợ. Phản ánh tới Dân trí, các thuyền viên tàu Hoa Sen cho biết...