Gặp người 74 lần hiến máu từng rất sợ kim tiêm
74 lần hiến máu cứu người – có thể khi bài viết này lên báo, con số đó sẽ trở thành quá khứ. ..
Chỉ bấy nhiêu thôi, Nguyễn Văn Quý – Chủ tịch Hội Nông dân phường Hội Thương, thành phố Pleiku (Gia Lai) cũng đủ là một tấm lòng nhân ái hiếm có vì cộng đồng.
Thiện căn tại lòng…
Đành rằng cội nguồn là ở cái “tâm”, nhưng khi con người ta đam mê một nghĩa cử nào đó vẫn thường bắt đầu từ những dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời. Thế nhưng với Nguyễn Văn Quý, chỉ bắt đầu từ một nguyên do rất giản dị. Anh kể rằng, hồi nhỏ vốn đã rất sợ kim tiêm nên chuyện hiến máu cứu người chưa bao giờ nghĩ đến. Bất ngờ năm 1985 – bấy giờ Quý là Đội phó Đội Công tác xã hội Tỉnh đoàn Gia Lai gặp Nguyễn Quang Trung bị tai nạn.
Nạn nhân cần tiếp máu gấp. Một thoáng chần chừ rồi Quý xung phong cho máu. Dù bị nhiễm trùng phải tháo khớp, nhưng Trung đã được sống. Niềm hạnh phúc góp phần cứu sống một con người cứ trào dâng trong Quý. “Mỗi giọt máu cho đi là một cuộc đời ở lại. Mình có thể làm được nhiều hơn thế, tại sao không?”. Và rồi bằng sự thôi thúc tự thân ấy, Quý đã tự cuốn mình vào cái “nghiệp” lúc nào không hay…
Nguyễn Văn Quý khẳng định, dù nhiều lần cho máu nhưng đến nay anh vẫn khỏe mạnh. Ảnh: N.T
Vén áo, Quý chỉ cho tôi những vết kim chi chít trên cánh tay rắn chắc của một võ sĩ taekwondo. Quý không nhớ lắm những người được mình hiến máu góp phần cứu sống tính mạng họ. Ấn tượng trong anh chỉ là vài trường hợp – hoặc đã vét cạn cái tâm của mình mà đành bất lực; hoặc là niềm hạnh phúc tột cùng được góp phần níu giữ một sự sống cam go.
Năm 2011, mẹ ông Phùng Anh Dũng – cán bộ phường Hội Thương bị tai nạn giao thông. Quý 2 lần hiến máu mong cứu sống bà cụ nhưng rồi nạn nhân cũng không qua khỏi. Năm 2012 một cậu bé ở An Khê bị ung thư máu. Cha mẹ cháu đã đưa vào thành phố Hồ Chí Minh chạy chữa đến kiệt quệ nhưng rồi cũng đành bất lực. Vẫn biết không thể có phép nhiệm màu nhưng lẽ đời còn nước còn tát… Được phòng huyết học báo tin, Quý và 4 người bạn tìm đến. Anh ứa nước mắt nhìn sinh linh bé nhỏ đang thoi thóp chờ thần chết đến mang đi trước sự bất lực của con người.
Và dù không tin phép nhiệm màu đến, Quý và 4 người bạn vẫn cho máu, trọn vẹn một nghĩa cử để cha mẹ cháu vơi bớt nỗi lòng. Rồi chuyện một cô kế toán ở Quân đoàn III sinh con bị băng huyết, phải truyền đến 40 đơn vị máu. Quý đã phải cùng 6 người bạn nữa thay nhau cho máu để cứu sống cô. Không nhớ bao nhiêu người được mình góp phần cứu sống đã đành, đến tên người trong những lần cho máu không thể quên được ấy, Quý cũng không nhớ. Hỏi vì sao, anh cười: “Cho máu là để làm việc nghĩa chứ không phải làm ơn”. Cũng bởi vậy, nguyên tắc của Quý là không để những người mình cho máu biết điện thoại, địa chỉ nhà riêng. Biết vậy, nhiều người nhà bệnh nhân sau mỗi lần anh cho máu là tìm gặp ngay để đưa tiền “bồi dưỡng” nhưng tất cả Quý đều từ chối…
Video đang HOT
Câu lạc bộ “độc nhất vô nhị”
Nêu một tấm gương sáng về lòng nhân ái, Nguyễn Văn Quý còn nhân lên cả một phong trào hiến máu cứu người với cái tên “Câu lạc bộ Nhân ái” gồm 65 thành viên, chủ yếu là nông dân.
“Năm 2011 mẹ tôi bị tai nạn giao thông. Anh Quý cho máu đến 2 lần. Dù mẹ tôi không qua khỏi nhưng nghĩa cử cao đẹp của anh, gia đình tôi không thể nào quên. Dịp Xuân nào chúng tôi cũng đến nhà chúc tết. Biết Quý không thích người mình cho máu bày tỏ chuyện ơn nghĩa nhưng đấy là quyền của anh; còn bày tỏ lòng biết ơn lại là quyền của chúng tôi…” Phùng Anh Dũng, phường Hội Thương, T.P Pleiku
Để có CLB “độc nhất vô nhị” này, Nguyễn Văn Quý đã âm thầm bỏ công sức gây dựng suốt mười mấy năm trời. Quý kể, thực ra từ hồi ở Tỉnh đoàn anh đã nuôi ý tưởng, nhưng phải đến năm 1999 về phường công tác mới có điều kiện thực hiện. Cho máu bấy giờ hãy còn là việc mới mẻ, vận động hội viên ai cũng lãng ra.
Quý lại không có tài liệu gì để làm cứ liệu tuyên truyền. Thấy việc khó khăn, Quý xoay sang thuyết phục người trong gia đình để hình thành nhóm hạt nhân. Thấy cái tâm của Quý, bố mẹ, vợ rồi anh chị em hai bên gia đình 6 người lần lượt tham gia. Bất kể đêm hôm mưa gió, hễ bệnh viện gọi là họ có mặt. Tiếng tăm của nhóm lan dần.
Từ nhóm hạt nhân, năm 2011 Quý đã vận động được 40 người tham gia. Và cũng bắt đầu từ đây, cái tên “ CLB Nhân ái” có quyết định công nhận của Hội Chữ thập đỏ. Không chỉ là hội viên nông dân, CLB đã dần thu hút được thành viên là thanh niên, cán bộ, công chức trên địa bàn tham gia. 5 năm qua, CLB đã hiến được trên 1.000 đơn vị máu.
Từ tấm gương của anh Nguyễn Văn Quý ngày càng xuất hiện nhiều tấm lòng nhân ái hết mình vì cộng đồng như Đặng Văn Trung 30 lần hiến máu; Đặng Thị Thu Hường hơn 20 lần… Cùng với Nguyễn Văn Quý, họ được tôn vinh là 1 trong 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc. 5 hội viên khác được UBND tỉnh Gia Lai tôn vinh và tặng bằng khen. Và, cũng như Nguyễn Văn Quý, thành viên CLB đều nêu cao tinh thần nghĩa hiệp “hiến máu để cứu người”; giấu tên, không nhận tiền, quà cáp…
Vui chuyện, Nguyễn Văn Quý kể cho tôi hay, ngoài là Chủ tịch Hội ND phường, hiện anh đang kiêm nhiệm 4 chức: Phó Chủ tịch Mặt trận phường, Bí thư chi bộ tổ dân phố, Tổng Thư ký Hội Võ thuật, Chủ nhiệm CLB Nhân ái… Rất bận, nhưng ưu tiên số 1 của anh Quý vẫn là thực thi chức trách Chủ nhiệm CLB Nhân ái. Hễ có cuộc gọi yêu cầu tiếp máu bao giờ anh cũng là người đến trước, hoặc cắt cử thành viên… “Anh thấy đấy, hiến máu nhiều lần vậy mà em vẫn rất khỏe. Hình như càng cho máu lại càng khỏe ra thì phải…” – Quý cười, nụ cười rạng rỡ của một con người lấy sự cho đi làm hạnh phúc…
Không chỉ là hội viên nông dân, Câu lạc bộ Nhân ái do anh Quý làm chủ nhiệm đã dần thu hút được thành viên là thanh niên, cán bộ, công chức trên địa bàn tham gia. 5 năm qua, CLB đã hiến được trên 1.000 đơn vị máu.
Theo_Eva
Mẹ già bán rau muống nuôi hai con bệnh tật
Từ ngày đứa con trai út bị tai nạn lao động phải nằm một chỗ, gánh nặng đổ lên vai người mẹ già yếu. Hiện nay, mỗi sáng bà phải ra chợ bán rau muống, kiếm ít tiền lẻ về rau cháo, thuốc thang cho hai mẹ con.
Chúng tôi đến nhà bà Cao Thị Tình (SN 1947), ở xóm 9, thôn Phù Lưu, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đúng lúc bà vừa đi bán rau muống về.
Bà Tình đang đút cơm cho người con trai út.
Căn nhà nhỏ đơn sơ của hai mẹ con vắng lặng, buồn rầu. Từ ngày anh Trần Văn Long (33 tuổi - con trai út) bị tai nạn lao động nằm liệt giường, căn nhà càng trở nên ảm đạm.
"Tôi có tất cả 8 người con, nhà đông con, chồng lại mất sớm nên các con bữa đói bữa no, học hành không đến nơi đến chốn, lớn lên các con lần lượt lập gia đình mà cái đói cái nghèo vẫn không buông tha", bà Tình kể.
Thương mẹ vất vả, mặc dù đã lớn tuổi nhưng anh con trai út vẫn chưa lập gia đình, quanh năm đi làm phụ hồ gửi tiền về nuôi mẹ. Bất ngờ tai họa lại giáng xuống gia đình nhỏ khi anh bị tai nạn lao động.
Giữa năm 2013, anh Long làm phụ thợ nề cho một công trình tư nhân ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Trong khi loay hoay làm việc ở tầng 1, một khối xi măng ở tầng 2 bất ngờ rơi xuống đè lên người khiến anh bị gãy xương cột sống, phải nhập viện cấp cứu.
Gia đình đã chạy vay được hơn 100 triệu đồng với hi vọng có thể chữa trị được cho anh nhưng tiền thì hết mà bệnh của anh vẫn không chữa được. Anh Long bị liệt toàn thân, mọi sinh hoạt cá nhân, ăn uống... đều phải có người giúp đỡ.
Từ ngày bị tai nạn lao động, anh Long bị liệt phải nằm một chỗ.
"Bây giờ hắn nằm một chỗ, cứ cách 2 tháng lại phải thuê xe đưa ra ngoài Vinh (Nghệ An) nhờ thầy thuốc châm cứu với hi vọng sau này có thể đi lại trong nhà được. Mỗi lần đi như rứa, tôi phải chạy vay hơn 5 triệu đồng.
Đồ đạc trong nhà đã bán hết, trong khi đó số tiền nợ bà con, xóm làng cũng lên đến gần 100 triệu đồng mà không biết xoay xở sao để trả. Nợ mới cứ chồng lên nợ cũ" - bà Tình ngậm ngùi.
Từ ngày anh Long mất khả năng lao động, nợ nần chồng chất, gánh nặng cơm áo lại đổ dồn lên vai bà Tình. Hằng ngày, bà phải kiếm từng đồng tiền lẻ từ việc đi bán rau muống kiếm tiền mua thuốc cho con.
Không chỉ chăm anh Long, bà Tình còn phải chăm anh Trần Văn Bình (41 tuổi) đau ốm đã ba năm nay.
Nói về hoàn cảnh gia đình bà Cao Thị Tình, chị Thuỷ hàng xóm nói: "Bà Tình giờ là người "khỏe" nhất trong những người bị bệnh của gia đình. Ở cái tuổi gần 70, bà lại là người trụ cột để lo cho 2 người con bệnh tật".
Mặc dù phải chăm hai con, nhưng những căn bệnh của người già cũng đang hành hạ khiến bà đau nhức lúc trái gió trở trời. Hỏi về mong muốn, bà chỉ ngậm ngùi: "Cầu trời cho tôi sức khỏe, sao cho chân tay không mỏi để mỗi ngày còn đi bán rau muống kiếm miếng ăn, viên thuốc cho con là mừng lắm rồi".
Mọi sự giúp đỡ gửi về: Bà Cao Thị Tình, xóm 9, thôn Phù Lưu, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình SĐT: 0979 908 560 (gặp anh Long, con bà Tình)
Theo VietNamNet
Chủ nhật Đỏ: Ngày hội hiến máu cứu người Hôm nay (17/1) có 8 địa phương đồng loạt tổ chức Chủ nhật Đỏ, gồm: Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Cần Thơ, Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh. Từ một ngày Chủ nhật Đỏ duy nhất năm 2009 đến nay, sự kiện mang đậm tính nhân văn này đã trở thành những ngày hội lớn để hàng vạn người thể...