Gặp lại sát thủ thoát án tử hình, Kỳ I: Cuộc đời đắng cay của người mẹ
Vụ thảm sát ở số nhà 888 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bốn năm trước dường như vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai trong suy nghĩ của những người chứng kiến. Và trong những ngày cuối tháng 3 vừa qua, tôi đã gặp lại sát thủ tuổi teen Lê Ngọc Chung ở trại giam Thanh Lâm, Như Xuân, Thanh Hóa. Bốn năm rồi, Chung đã thực sự lớn và ý thức rõ ràng hơn về tội lỗi của mình.
Bị cáo Lê Ngọc Chung tại phiên tòa sơ thẩm
Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất với tôi lại chính là mẹ của Chung – bà Nguyễn Thị Chín. Một người nông dân thuần khiết, chưa bao giờ có cơ hội ra khỏi làng (nếu như con trai bà không gây ra thảm kịch) nhưng có những suy nghĩ rất đời, rất người và tôi nghĩ rằng, Lê Ngọc Chung là một người vô cùng may mắn khi có được người mẹ như thế.
Bà Nguyễn Thị Chín mắc bệnh thận từ hồi trẻ. Có chồng mà cũng như không bởi người chồng ấy sau khi ở với bà được hơn một năm, sợ bệnh vợ tái phát phải chữa trị tốn kém đã “cắp” đứa con gái mấy tháng tuổi ra riêng rồi đuổi bà đi. Bố mẹ bà thương con gái nên đã dựng tạm cho một căn nhà nhỏ cuối làng để bà có chỗ trú chân.
Mấy năm sống một mình, nhiều lần bệnh tái phát ngã vật giữa nền nhà, nếu không có người phát hiện kịp, có khi bây giờ bà đã đi xa lắm rồi.
Bà Nguyễn Thị Chín – mẹ của Lê Ngọc Chung
Ngày cô con gái lớn đi lấy chồng, nó chạy qua mời mẹ đi ăn cỗ. Lúc này, người vợ hờ của chồng bà Chín chẳng hiểu vì lý do gì, nhất định đuổi chồng ra khỏi nhà. Và mấy tháng sau đó, chồng bà Chín lần mò về xin lỗi vợ, hứa sẽ không tái diễn tội lỗi ngày xưa và cố gắng sống tốt với vợ quãng đời còn lại. Lúc đầu, bà Chín không đồng ý nhưng con trai và con gái cứ tỉ tê khuyên, bà đành miễn cưỡng cho ông ấy trở về. Năm ấy, Chung bước vào lớp 9.
Gần một năm sống cùng bố, Chung vẫn tỏ ra rất thuận hòa dù cậu không thật sự quý bố lắm. Tuy nhiên, hơn chục năm mẹ con sống với nhau, tình cảm gắn bó là vậy mà từ ngày có bố về, Chung cảm thấy tình cảm mẹ con cứ xa dần. Không phải vì mẹ không còn quý và thương con trai, mà bởi mẹ với bố, dù sao cũng là chồng vợ, mối quan hệ ấy dù đã có những lúc xa cách nhưng khi đã chấp nhận cho trở về thì có nghĩa là mọi thứ sang một trật tự khác.
Lúc bấy giờ, Chung đang tuổi ăn tuổi lớn, mọi nhận thức chưa đến đầu đến đũa. Có những lúc, Chung cảm thấy mình như người thừa trong nhà, một cảm giác mà trước đây chưa từng có. Tuy nhiên, vì sợ mẹ buồn nên cậu không nói một lời.
Video đang HOT
Cho đến một hôm, bên nhà họ hàng có đám giỗ, vì sự thân quen nên gia đình bên kia không qua mời. Vợ chồng bà Chín đi ăn giỗ còn Chung nhất định không đi với lý do “Ăn có mời, làm có mượn” – bố Chung nghe vậy thì quát – “Mày còn trẻ con mà câu nệ quá, đã thân thiết rồi, xuề xòa cho dễ sống”- Chung rất khó chịu với lời nói ấy, hai bố con to tiếng với nhau rồi bố mẹ đi, còn Chung ở nhà một mình tự nấu cơm ăn.
Tối hôm đó, ông bố tiếp tục lời qua tiếng lại. Chung hơi khó chịu nên lên giường ngủ sớm. Bố mẹ nằm bên ngoài, bố cứ lẩm bẩm lỗi lầm của Chung, rằng Chung còn bé, không nên như thế. Chung nằm trong giường, khó chịu quá nên gắt: “Bố mẹ nói to quá, con không ngủ được, mai lại phải đi học sớm”. Bà Chín nghe con nói vậy, giật giật áo chồng, bảo không nói nữa.
Nửa đêm, gió bên ngoài thổi mạnh, ông Thương (chồng bà Chín) trở dậy đi vệ sinh, hơi bất ngờ vì cánh cổng mở toang. Ông vào nhà, cứ thắc mắc là trước khi đi ngủ đã đóng mà cuối cùng lại như thế. Tưởng có trộm xuất hiện nên ông cầm đèn pin đi soi khắp nhà kiểm tra xe cộ. Tất cả còn nguyên nên ông lên giường đi ngủ tiếp.
Sáng hôm sau, bà Chín dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Cơm nước xong xuôi, chẳng thấy con trai dậy đi học như mọi ngày. Nghĩ con ngủ quên, bà chạy vào buồng gọi thì chẳng thấy đâu. Lúc ấy, ông Thương cũng lên tiếng bảo “không thấy xe máy tôi đâu” – bà Chín nói vọng ra – “chắc con đi đâu đó thôi”.
Tuy nhiên, khi chạy vào buồng kiểm tra lại thì nhìn thấy bức thư Chung để lại. Bà đọc và không tin ở mắt mình nữa. Những dòng chữ như nhòe đi:
Gửi bố, mẹ
Con là Lê Ngọc Chung.
Cho dù con có học hành tiến bộ, được thầy cô và bạn bè yêu quý thì suy cho cùng, những kiến thức đã học ở những năm cấp II có giỏi lúc đó, nhưng bây giờ cũng quên hết. Không phải là con không chịu học mà từ nhỏ con học đã kém, không sao nhớ nổi. Vậy nên con tự thấy mình sẽ không thể thi đại học được và nếu học nữa thì chỉ hao tốn tiền của bố mẹ, chỉ là một gánh nặng cho bố mẹ.
Con quyết định bỏ nhà đi vì đã không chịu được cuộc sống hiện tại (thật là bi thảm).
Lúc đi, con xin mẹ một triệu và định xin bố chiếc xe máy Best, nhưng con thấy khó mà lấy được xe và chìa khóa của bố, nhưng dù có khó đi nữa, con cũng đã phôtô chiếc chìa khóa của bố và chỉ chờ cơ hội là con sẽ ra đi.
Bố mẹ hãy coi như thằng con mất dạy này đã chết rồi và đừng tốn công vô ích đi tìm làm gì, nhất là mẹ, đừng có đem tiền đi xem bói, cúng lễ để con về làm gì. Con đã quyết định đi rồi. Còn bố mẹ ở nhà thì hãy cố cho vui nhà.
Mà nhất định bố mẹ phải nhớ là “con đã chết rồi”, đừng đi tìm kiếm hay đăng báo.
Thôi, con chào bố mẹ. Bố mẹ hãy giữ gìn sức khỏe.
Con của bố mẹ.
Lúc tìm ảnh của con, chẳng còn cái nào để lại. Bà chạy vội đi báo công an, rồi đến nhà mấy đứa bạn học cùng con, mượn ảnh đem ra hàng, nhờ người ta tách ảnh con rồi in, phô tô và gửi ở tất cả các cơ sở công an giao thông trong huyện. “Lúc ấy, tôi đã từng nghĩ là mình sẽ nhờ cả trên truyền hình chắc tìm nhanh hơn nhưng rồi lại nghĩ, nếu đưa tin lên đó, sau này con về đi học nó xấu hổ chết, vậy thôi” – bà Chín tâm sự.
Sau hơn 20 ngày con bỏ đi không có hồi âm. Một buổi trưa, bà nhận được điện thoại gọi từ Hà Nội vào (lúc đó Hà Tây chưa sáp nhập Hà Nội). Giọng anh điều tra viên nhỏ nhẹ:
- Chị có phải chị Chín không?
- Vâng, tôi là Chín đây, có phải ai đó đã tìm thấy con tôi không ạ?
- Tôi gọi cho chị từ công an Quận Hai Bà Trưng để xác nhận một chút. Chị có cậu con trai tên Lê Văn Hùng phải không?
- Không phải, chắc đồng chí nhầm người nào khác – nói rồi bà Chín toan dập máy thì đầu dây bên kia, giọng vẫn đều đều – “Xin chị đừng dập máy, tôi không nhầm đâu, tôi gọi để mời gia đình chị ra số 94 Tô Hiến Thành, chúng tôi có một số vấn đề cần trao đổi”.
Bà Chín mừng như bắt được vàng, cứ nghĩ các đồng chí công an đã tìm được con trai nên gọi ra nhận. Ngay chiều hôm đó, vợ chồng bà cùng cô con gái lớn ra 94 Tô Hiến Thành.
Ngay khi bà có mặt ở đó, một điều tra viên hỏi bà:
- Ở nhà, cháu Chung thế nào?
Bà Chín thật thà kể:
- Cháu ở nhà rất ngoan, học…
Chưa nói hết câu, một điều tra viên lên tiếng:
- Đến bây giờ mà chị vẫn còn khen là con mình ngoan à?
Bà Chín ngỡ ngàng, hẫng đi mấy giây rồi nói tiếp – “Thì con tôi ngoan tôi bảo nó ngoan, nếu các đồng chí không tin thì có thể về làng tôi hỏi, từ mấy đứa trẻ con chơi cùng cho đến các bạn học và các thầy cô giáo… Nhưng cho tôi hỏi, con tôi có chuyện gì sao?”
- Không có gì đâu, con trai chị đánh nhau gây hậu quả, chúng tôi đang điều tra.
Sau đó, gia đình bà được về, cũng chẳng được gặp con.
Tuy nhiên, khi về đến nhà, nghe mấy người hàng xóm bảo “thằng Chung nó giết chết ba mạng người”- bà ngã vật xuống, bất tỉnh.
Hóa ra, sau khi bỏ nhà đi, Chung đã nhờ trung tâm môi giới việc làm thay tên đổi họ, quê quán đến xin việc làm ở số nhà 888 Minh Khai. Vì Chung không được thật thà trong vấn đề thu tiền của khách (rửa xe) nên đã bị anh Đỗ Quốc Hùng (chủ nhà) mắng. Ấm ức, Chung nghĩ cách trả thù và tối mồng 2-5-2007, Chung đã ra tay sát hại anh Hùng. Cũng trong đêm ấy, Chung đã tước đoạt mạng sống của mẹ và con trai anh Hùng (bằng tuổi Chung), vợ và con út anh Hùng may mắn thoát chết.
Với tội danh giết người, theo luật hình sự, lẽ ra Chung bị xử tử hình nhưng lúc gây án, Chung mới 15 tuổi 11 tháng 2 ngày, mức phạt cao nhất lúc ấy là 12 năm tù giam. Gia đình bị hại không đồng ý, kể cả bồi thường, bởi theo họ, tội ác của Chung là đặc biệt nghiêm trọng, cần phải áp dụng hình phạt cao nhất mới tương xứng với những gì y đã gây ra. Tuy nhiên, luật pháp có từng khung hình phạt, mong muốn của gia đình bị hại đã không được đáp ứng, đơn kháng cáo do đó bị bác.
Theo ANTD