Gặp lại người lính trong “Binh đoàn Tây Tiến”
Trong chuyến công tác tại xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), chúng tôi đã may mắn được gặp cựu chiến binh Bùi Văn Sự, một người lính Mường tham gia Binh đoàn Tây Tiến ngay từ khi mới thành lập.
Quá khứ hào hùng
Cụ Sự sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ cụ đã phải đi ở cho nhà quan lang Mường. Được giác ngộ cách mạng, cụ tham gia Binh đoàn Tây Tiến. Thành phần của “đoàn quân không mọc tóc” khá phong phú, có cả sinh viên tạm gác bút nghiên lên đường chiến đấu, lại có những người dân tộc thiểu số vốn quen đi nương, đi rẫy.
Trong ký ức của người lính già Bùi Văn Sự, những năm tháng trong Binh đoàn Tây Tiến sẽ mãi là khoảng thời gian đẹp đẽ, thiêng liêng và hào hùng nhất. Cụ Sự bùi ngùi nhớ lại những cuộc hành quân trong rừng rậm, dưới những cơn mưa rừng xối xả lạnh buốt, thú dữ luôn rình rập khắp nơi, cùng điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt.
Quân trang khi đó của những người lính Tây Tiến chỉ là những bộ quần áo đã sờn bạc, vũ khí thì thiếu thốn, đơn sơ. Nguồn thực phẩm khi đó chủ yếu là rau, củ, quả… lấy từ rừng. Hiếm hoi lắm mới có thịt muối (7 phần muối trộn 1 phần thịt), gạo cũng không đủ no.
Gian khổ, thiếu thốn là vậy, nhưng vẫn không thể làm nhụt ý chí chiến đấu của những chiến sĩ anh hùng. Họ vẫn hành quân và giành nhiều chiến công vang dội. Cho đến ngày nay, cụ Sự vẫn nhớ như in chiến công oanh liệt của người đồng chí và cũng là người đồng hương Bùi Văn Chơ.
Đó là một ngày đầu năm 1948, Bùi Văn Chơ được cho nghỉ phép, nhưng trước sự tấn công dồn dập của địch, Bùi Văn Chơ vẫn quyết tâm ở lại đánh giặc. Bằng sự mưu trí và dũng cảm của mình, một mình Bùi Văn Chơ đã giật mìn giết chết 24 tên địch.
Nhắc đến người bạn của mình, cụ Sự không khỏi trầm ngâm: “Nhanh thật, thấm thoắt đã già nửa thế kỷ, cụ Chơ cùng nhiều anh em đồng chí khác giờ đã thành người thiên cổ hết rồi”.
Cụ Bùi Văn Sự hồi tưởng lại kỷ niệm về Binh đoàn Tây Tiến.
Video đang HOT
Nặng lòng với Tây Tiến
Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào để chống thực dân Pháp. Binh đoàn đã chiến đấu khắp các địa bàn thuộc tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa, Sầm Nứa (Lào).
Sau khi rời quân ngũ với quân hàm thượng úy, cụ Sự tiếp tục về công tác ở Ban Tuyên giáo huyện Lạc Sơn (nay là Tân Lạc và Lạc Sơn). Thời kỳ đó, cụ đã không ngừng động viên thanh niên lên đường nhập ngũ chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Hòa bình lập lại, cụ Sự vẫn luôn trăn trở với việc tìm tòi và lưu giữ tài liệu về Binh đoàn Tây Tiến. Cụ cho chúng tôi xem chồng tài liệu đã ố vàng, ghi chép tỉ mỉ về ngày tháng thành lập và những chiến công của Binh đoàn Tây Tiến.
Tiếc rằng, những dòng chữ chép tay này đang bị phôi pha theo thời gian. Hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có cơ quan chức năng sưu tầm và lưu giữ để tránh mất đi một tài liệu sống động và quan trọng.
Cụ Sự cũng chia sẻ thêm, sau nhiều nỗ lực, những người lính trong Binh đoàn Tây Tiến ở Hòa Bình đã có dịp được gặp nhau vào năm 2004. Trong lần gặp mặt đó có 365 người, riêng huyện Tân Lạc có 22 người và xã Ngọc Mỹ là 6 người. Cụ Sự bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều buổi gặp mặt nữa để mọi người được ôn lại những kỷ niệm xưa và khơi lại tinh thần dân tộc cho thế hệ ngày nay
Theo 24h
Đỗ ĐH Ngoại thương sau khi rời quân ngũ
Dành thời gian đọc sách sau giờ huấn luyện, thức khuya ôn bài khi tan ca gác, nhiều chiến sĩ đã thi đỗ đại học, là sinh viên giỏi giang và có công việc ổn định sau khi rời quân ngũ.
Rời quân ngũ đã 13 năm, anh Hà Tuấn Anh (Đống Đa, Hà Nội) vẫn không quên được những ngày phục vụ trong quân đội. Thi rớt đại học năm 1998, anh tình nguyện đi bộ đội trong khi nhiều bạn bè tìm mọi cách để trốn nhập ngũ. "Có bạn được bố mẹ bỏ tiền chạy chọt, có bạn đi học tạm một trường trung cấp để không phải tòng quân", Tuấn Anh kể.
Hà Tuấn Anh (ngoài cùng bên phải) nhỏ thó khi tình nguyện nhập ngũ.
Ngày nhập ngũ, đeo balô bước lên xe, Tuấn Anh bị cán bộ đuổi xuống. Dáng nhỏ bé, cân nặng chỉ 48 kg, Tuấn Anh bị cán bộ nhầm tưởng là em trai đi tiễn anh. Anh phải đọc đúng tên tuổi và giải thích rõ là "em tình nguyện đi" để cán bộ tra lại danh sách.
Ba tháng huấn luyện tân binh, phải tập luyện vất vả ở thao trường, thức dậy sẵn sàng chiến đấu giữa đêm khuya khi có báo động, chàng trai Hà thành thấm mệt. Nhưng Tuấn Anh tâm niệm phải cố gắng vượt qua vì tất cả những gì anh nếm trải chưa là gì so với thực tế chiến tranh khốc liệt mà cha anh từng trải qua.
Đến đơn vị với một thùng sách nhưng suốt những tháng đầu Tuấn Anh không thể đụng đến vì bận rộn tập luyện. Vượt qua kỳ huấn luyện tân binh, từ một chàng trai ốm yếu, Tuấn Anh đã tăng hai cân, thấy người khỏe khoắn, dẻo dai. Có bạn trong đơn vị Tuấn Anh tăng được 8 kg sau ba tháng.
"Huấn luyện xong mình được chuyển về trung đội thông tin, Tiểu đoàn bộ binh 5, trung đoàn 692, Sư đoàn 301, Quân khu thủ đô. Tại đây, công việc của mình là dịch các mật mã và thi thoảng ra thao trường rải các đoạn dây liên lạc. Thời gian rảnh nhiều hơn và mình bắt đầu lấy sách ra học", Tuấn Anh kể.
Trần Lê Thanh Tuấn trưởng thành từ môi trường quân đội.
Được một thời gian, Tuấn Anh chuyển sang Sư đoàn 301 làm nhiệm vụ gác kho quân khí và ở đây anh có nhiều thời gian để học bài. Theo quy định, 21h30 chiến sĩ phải tắt đèn đi ngủ, nhưng ai muốn đọc sách, ôn bài có thể ra ngồi dưới bóng điện cao áp của đơn vị để học. Có nhiều hôm, Tuấn Anh mải mê học đến 24h đêm mới đi ngủ.
Thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, Tuấn Anh thi đỗ vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với điểm số cao. Anh còn được phường mời về làm công tác Đoàn nhưng phải từ chối vì không sắp xếp được thời gian.
"Ở quân ngũ, mọi người sống tình cảm như anh em một nhà, người lớn chỉ bảo cho người ít tuổi, thủ trưởng cũng luôn tạo điều kiện để các chiến sĩ học tập. Tôi đã trưởng thành từ quân đội, chín chắn, từ tốn và kỷ luật hơn", Tuấn Anh nói. Anh cho hay kiến thức trong quân ngũ anh còn nắm rõ và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi tổ quốc cần. Hiện anh là nhân viên xuất sắc của công ty ở Hà Nội.
Cũng tình nguyện đi bộ đội, Trần Lê Thanh Tuấn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) trải qua ba tháng huấn luyện tân binh, rồi được lựa chọn đi học Tiểu đội trưởng thông tin. Ra trường, anh được điều về Trung đoàn 703, Lữ đoàn 241, Bộ tham mưu Quân đoàn 1. Làm tốt nhiệm vụ được giao, Thanh Tuấn còn tranh thủ học kiến thức văn hóa, ôn luyện để thi đại học với mong muốn phục vụ lâu dài trong quân đội.
Đúng thời điểm này, Quân đoàn 1 có lớp ôn thi đại học dành cho chiến sĩ, Tuấn đã đăng ký tham gia. Với ước mơ làm sĩ quan chính trị, Tuấn tranh thủ thời gian rảnh, học bất cứ lúc nào có thể. Năm 2006, anh đỗ ĐH Chính trị (Bắc Ninh) với 24 điểm. Với kết quả thi đầu vào cao, Tuấn là một trong năm sinh viên được lựa chọn, gửi sang Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, học để về phục vụ quân đội.
Dương Thành Long đỗ ĐH Ngoại thương và trở thành người quản lý một công ty xây dựng sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở Vùng 4 Hải quân.
Với tính kỷ luật, sự kiên trì và quyết tâm thực hiện ước mơ, Thanh Tuấn đã hoàn thành khóa học với kết quả tốt. Anh được thành viên lớp Báo in 26 quý mến gọi là chú bộ đội, là anh cả luôn đưa ra lời khuyên cho các em.
"Tốt nghiệp lớp báo, mình về làm việc tại Trung tâm Phát thanh Truyền hình quân đội. Cho đến bây giờ mình vẫn tự hào vì được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, nơi cho mình nhiều bài học về lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ quê hương. Mình đã học được không chỉ là ý chí vượt qua mọi khó khăn mà còn là kiến thức văn hóa, xã hội, ứng xử... của người lính cụ Hồ", Thanh Tuấn tâm sự.
Không giống Tuấn Anh và Thanh Tuấn là lính bộ binh, anh Dương Thành Long (TP HCM) nguyên là lính Hải quân thuộc Tiểu đoàn 452, Lữ đoàn 957, vùng 4 Hải quân. Có chút hoang mang khi tòng quân, nhưng Long không mất nhiều thời gian để làm quen với cuộc sống của người lính.
Những đêm thức canh biển, dõi đôi mắt hướng về biển Đông... đã giúp Long củng cố thêm lòng yêu nước, yêu biển đảo, quyết tâm bảo vệ quê hương. Chàng trai đã một lần gục ngã trước cổng trường đại học đã lấy lại được nghị lực, cố gắng thực hiện ước mơ.
Vượt qua kỳ thi sát hạch của đơn vị, Long được dự lớp ôn thi đại học do quân đoàn tổ chức. Sau mỗi ngày làm nhiệm vụ, Long lại cầm sách ôn bài. Sự cố gắng của chiến sĩ trẻ được đền đáp khi năm cuối cùng ở quân ngũ, Long thi đỗ cả hai trường đại học, với 25 điểm ĐH Ngoại thương và 30 điểm một trường đại học danh tiếng khác.
Với ước mơ trở thành nhà kinh tế, Long đã chọn ĐH Ngoại thương. "Hiện mình làm quản lý cho một công ty xây dựng, nhiều lúc cũng thấy mệt mỏi, nhưng những ngày tháng ở quân ngũ đã giúp mình có được bản lĩnh không đầu hàng trước số phận và có sự kiên cường để vượt qua khó khăn", Long cho hay.
Theo VNE
Nụ cười, nước mắt tiễn các tân binh đi bộ đội Sáng nay 26/2, 500 thanh niên của các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) háo hức lên đường nhập ngũ. Lễ giao quân có nước mắt bịn rịn xen lẫn nụ cười háo hức. 500 thanh niên TP Đà Nẵng lên đường nhập ngũ Sáng sớm 26/2, tại các điểm giao quân của các quận đã...