Gặp lại Chủ tịch huyện Trường Sa những ngày ‘biển động’
“Không ai có thể xâm phạm Trường Sa được. Giờ đây chỉ mong người dân thật bình tĩnh không để kẻ xấu lợi dụng. Có như thế chiến sĩ của ta ở ngoài biển mới vững tâm được”, anh Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), khẳng định.
Ông Nguyễn Viết Thuân (ngoài cùng, từ trái sang) trong một lần dẫn đoàn đi thăm Trường Sa – Ảnh: Trung Hiếu
Chúng tôi biết anh Thuân trong lần cùng đoàn khách của Quỹ học bổng Vừ A Dính đi thăm Trường Sa năm 2013. Hình như đó là dịp anh Thuân vừa được giao trọng trách làm Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa. Anh Thuân cũng trực tiếp dẫn đoàn đi thăm đảo với cương vị người đứng đầu huyện đảo.
Suốt hải trình, do nằm trong tổ thông tin của đoàn nên có vài lần anh em nói chuyện với nhau. Những lần gặp chủ yếu là để vị chủ tịch huyện đảo căn dặn những thông tin cần đưa khi đi thăm Trường Sa. Ấn tượng về anh khi đó không nhiều. Có chăng là sự quan tâm về ông chủ tịch huyện đảo thiêng liêng ở nơi sóng gió, địa đầu tổ quốc.
Sau chuyến đi đó, chúng tôi có gặp nhau vài lần trong những dịp anh Thuân vào Sài Gòn để cùng với Quỹ học bổng Vừ A Dính tổng kết việc xây dựng ở thị trấn Trường Sa và lên kế hoạch xây thêm trường học thứ hai ở đảo Sinh Tồn. Đôi ba lần người viết gọi điện hỏi thăm anh về tình hình Trường Sa hay hỏi thông tin liên quan để viết bài.
Lần chúng tôi nói chuyện với nhau lâu nhất là dịp anh Thuân đưa con trai mình, cháu Nguyễn Viết Khuê, vào Sài Gòn thi đại học. Lần đó, chúng tôi hẹn gặp nhau vì thông tin một số doanh nghiệp có ý định mở tour du lịch ra Trường Sa. Anh hẹn gặp ở ký túc xá Trường đại học Tôn Đức Thắng (quận 7), nơi anh và cháu Khuê ở trong thời gian thi đại học.
Tới giờ hẹn, Sài Gòn mưa khá to. Đang chạy xe sang chỗ hẹn thì anh điện: “Em đi trên đường, tiện ghé tiệm tạp hóa mua cho anh cái bô rác. Ở trong ký túc xá không có tiệm tạp hóa, mà ra ngoài anh lại không rành đường”.
Gặp anh, gặng hỏi mới biết vợ anh – chị Nguyễn Thị Huyền – bị ung thư đang xạ trị ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Lần đó một công đôi việc, anh tranh thủ thời gian nghỉ phép quý báu đưa con đi thi đại học và vợ vào Sài Gòn xạ trị. Sáng đưa con đi thi xong anh lại tranh thủ về ký túc xá đưa vợ đến bệnh viện xạ trị. Ngày nào cũng như ngày nào.
Tình cảm giữa mặn nồng giữa người ở đất liền với bộ đội ở Trường Sa – Ảnh: Trung Hiếu
Video đang HOT
Sau kỳ thi đó, cháu Khuê đỗ vào đại học Tôn Đức Thắng. Nhưng một lần nữa dường như ông trời lại thử thách ông chủ tịch huyện đảo. Nhiều lần Khuê tức ngực, tranh thủ về bờ, anh Thuân đưa con mình vào Sài Gòn khám. Bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán Khuê có khối u khá lớn ở lồng ngực, cần phải mổ gấp. Khuê buộc phải bảo lưu điểm thi để chữa bệnh.
Điện hỏi thăm, thấy giọng anh hơi buồn. Bận đó báo chí viết về gia đình anh khá nhiều. Cháu Khuê được ê kíp bác sĩ giỏi mổ và dần hồi phục. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đích thân đến bệnh viện thăm hỏi, động viên.
Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh của anh khi đến thăm cháu Khuê ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Anh gầy và đen đi nhiều so với những lần gặp trước. Hai vợ chồng thuê nhà trọ ngay trước cổng bệnh viện để tiện chăm sóc con. Vợ anh lúc này vẫn đang xạ trị ở bệnh viện. Anh Thuân vừa chăm con mổ vừa lo cho vợ. Xen kẽ là những chuyến công tác Trường Sa dài ngày.
Điều chúng tôi ấn tượng nhất là trước mỗi khó khăn, thử thách, người đàn ông mà phần lớn cuộc đời đối mặt với sóng với gió ở biển Đông bao la, không bao giờ tỏ thái độ nao núng. Anh luôn bình tĩnh xử lý công việc rất thấu đáo. Hỏi, anh chỉ trả lời: “Sống ở biển cần phải bình tĩnh, không thể vội vàng được”.
Hôm 15.5, điện thoại mới biết anh đang có mặt ở Sài Gòn. Giọng anh qua điện thoại khá vui khi nhắc tới vợ con: “ Sức khỏe cháu đỡ hơn nhiều. Trước chưa được 40 ký thì nay hơn 60 ký. Ăn được ngủ được. Cháu khoe với bố là áo quần giờ con mặc chật ních hết. Chị cũng đỡ hơn trước nhiều. Trước bệnh 10 thì nay bệnh chỉ còn 2-3 thôi. Mọi khó khăn đã qua em ạ”.
Giao lưu giữa đoàn đi thăm Trường Sa với chiến sĩ, bộ đội ở đảo Tốc Tan C – Ảnh: Trung Hiếu
Buổi tối người viết rủ anh bạn từng đi Trường Sa sang thăm bố con anh ở gần Bệnh viện Chợ Rẫy. Anh bảo vừa ở Trường Sa về thì nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh hải quân đề nghị vào TP.HCM báo cáo tình hình. Nhân tiện anh đưa Khuê đi khám và cảm ơn ê kíp bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã tận tình chữa bệnh cho con trong gần 1 năm qua.
Câu chuyện rồi cũng trở về tình hình căng thẳng ở biển Đông. Anh bảo mấy hôm nay anh nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của người dân, người thân, doanh nghiệp, Việt kiều ở nước ngoài… thăm hỏi về Trường Sa. Ai cũng lo lắng về tình hình căng thẳng đang xảy ra trên biển Đông.
Anh nói chậm rãi, chắc nịch: “Có những điều mình không thể tiết lộ được nhưng anh em yên cứ yên tâm. Không ai có thể xâm phạm Trường Sa của chúng ta được. Giờ đây chỉ mong người dân thật bình tĩnh không để kẻ xấu lợi dụng. Có như thế chiến sĩ của ta ở biển mới vững tâm được”.
Chiều nay (16.5), anh sẽ đưa cháu Khuê trở về Nha Trang để đầu tuần tới tiếp tục lên tàu ra biển Đông trong những tháng ngày nhiều giông bão.
Gần 11 giờ đêm, anh em chia tay nhau. Anh nhắn nhủ: “Mọi người cần hết sức bình tĩnh. Giá như mấy ngày qua đất liền bình tĩnh thì hay biết mấy. Bởi chỉ có đất liền bình yên thì anh em chúng tôi ngoài biển mới có thể mạnh được”.
Gần 25 năm gắn bó với Trường Sa Anh Thuân gắn bó với Trường Sa đến nay đã gần 25 năm. Đầu năm 1989, sau sự kiện Gạc Ma, anh là một trong những chiến sĩ được tăng cường để bảo vệ quần đảo thiêng liêng này. Từ đó đến nay anh không nhớ nổi đã đi Trường Sa bao nhiêu lần. Có những năm anh ra Trường Sa 8 – 9 lần. Anh kể từ đầu năm đến nay anh đã 4 lần ra Trường Sa. Có những chuyến tàu vừa cập bờ đã nhận nhiệm vụ cho hải trình mới. Cho nên lúc nào anh em cũng có phương án dự phòng về kế hoạch tác chiến và tiếp lương thực, thực phẩm, nhiên liệu cho chuyến đi mới. “Mình sống trên biển nhiều hơn ở đất liền. Quanh năm đi hết chuyến này đến chuyến khác. Mọi chuyện gia đình, con cái đều do vợ quán xuyến. Cũng may có vợ hiểu và cảm thông với công việc của mình. Hai đứa con rất ngoan nên cũng yên tâm”, anh tâm sự.
Theo TNO
"Dậy sóng" lòng yêu nước, người dân Việt nườm nượp rủ nhau ra biển, đảo
Trước các động thái ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam, thời gian gần đây các tour du lịch biển đảo liên tục hút khách. Tinh thần yêu nước, yêu biển đảo quê hương đang trỗi dậy trong lòng mỗi người Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam trong đợt nghỉ lễ 30/4 vừa qua, lượng khách đến đảo tiền tiêu Lý Sơn tăng đột biến. Trong đó, địa chỉ thu hút nhiều du khách nhất trên đảo là Nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, cột cờ chủ quyền trên núi Thới Lới và thắng cảnh chùa Hang.
Tinh thần yêu nước, yêu biển đảo quê hương đang trỗi dậy trong lòng mỗi người Việt Nam.
"Khi sinh ra, chúng tôi đã sống trong thời bình, bom đạn chiến tranh, những ngày đói khổ dường như tôi chưa biết đến và trải qua. Tôi chỉ biết lịch sử đáng tự hào của dân tộc mình qua những trang sách sử, hay qua báo đài. Hôm nay Đứng dưới cột cờ chủ quyền, tôi thấy thêm yêu biển đảo quê hương hơn. Được tận mắt thấy những hiện vật, tài liệu liên quan đến đội dân binh, tôi và các bạn tôi vô cùng tự hào về thế hệ cha ông đi trước, và có ý thức hơn về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc" - anh Nguyễn Thành Trung (Hà Nội) chia sẻ như thế sau khi lần đầu tiên được đặt chân lên đảo Lý Sơn theo một tour du lịch
Với 3.260 km bờ biển, 2.773 hòn đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng hàng trăm bãi tắm đẹp, chúng ta có lợi thế để phát triển du lịch biển đảo mà ít nơi nào sánh bằng.
Loại hình du lịch này đang được cả cơ quan quản lý lẫn các hãng lữ hành đẩy mạnh đầu tư bằng việc quy hoạch phát triển du lịch biển đảo, xây dựng các tour mới, làm phong phú hơn sản phẩm du lịch Việt Nam.
Ông Tạ Minh Hiến, Phó giám đốc Công ty Phương Đông Ngày Nay có trụ sở tại Đà Nẵng cho biết; năm nay lượng khách vào miền Trung tăng nhiều, ngoài Lý Sơn, các tour đảo Cù Lao Chàm cũng rất hút khách.
"Hầu như các hãng lữ hành đều đưa tour biển đảo bán cho khách trong dịp hè năm nay. Đặc biệt lượng khách quay lại miền trung lần thứ 2 đăng ký đi tham quan trải nghiệm các đảo rất nhiều, cùng với đó các dịch vụ phục vụ khách như nhà hàng, dịch vụ lặn biển ở đây năm nay tốt hơn năm trước rất nhiều ", ông Hiến chia sẻ.
Có lẽ cho đến nay, những người ưa du lịch không xa lạ gì với các điểm đến biển đảo Việt Nam: Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Bạch Long Vĩ, Cô Tô...
Các điểm đến biển đảo Việt Nam không chỉ mang tới những trải nghiệm trên biển trong hành trình khám phá, nghỉ dưỡng của du khách mà chuyển tải một thông điệp về tiềm năng biển đảo Việt Nam. Hơn thế nữa, những người yêu du lịch hay rộng hơn là tất cả người dân Việt Nam còn mong muốn một lần được tới những địa danh mang dấu ấn chủ quyền quốc gia: quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa- nơi được coi là vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
"Đến trải nghiệm ở các tour biển đảo không chỉ được nghỉ dưỡng tại các bãi biển hoang sơ người ta còn có dịp tham quan các di tích gắn liền với công cuộc dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc để từ đó bồi đắp thêm lòng tự tôn dân tộc,thể hiện tinh thần vì biển đảo quê hương. Với điểm cộng ấy, chắc chắn các tour du lịch biển đảo sẽ hút khách trong mùa hè 2014" - ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Redtours chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở những bãi biển, hòn đảo gần bờ; nhiều hãng lữ hành đang mong muốn triển khai tour du lịch ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai năm trước, Câu lạc bộ lữ hành Hà Nội - UNESCO cũng đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng, đề xuất phối hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp hội viên tiến hành khảo sát, thăm và chia sẻ với nhân dân, chiến sĩ trên đảo.
Bờ biển nước ta dài trên 3260 km kéo dài từ Móng Cái đến mũi Cà Mau. Vươn trải ra hướng đông, ta có trên 3000 hòn đảo lớn nhỏ từ thuở hùng binh Lý Sơn mang gươm vẽ biển ta có Hoàng Sa, Trường Sa với bao đảo nổi đảo chìm. Biển như lòng mẹ bao la mang đến cho ta bao nguồn lợi thủy sản, nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Biển chan chứa tình yêu thương vẫn ngày đêm vỗ sóng vào bờ. Những điều như thế đang thúc giục mời gọi du khách đến với biển đảo trong mùa hè dậy sóng này.
Minh Phan
Ảnh: Internet
Theo Dantri
Chủ tịch Hội Dầu khí VN: 'Trung Quốc đang từng bước thực hiện âm mưu đường lưỡi bò' Nhiều năm gắn bó với biển, với ngành dầu khí ông Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - cho biết với hành động đưa giàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đang từng bước thực hiện âm mưu đường lưỡi bò mà họ đưa ra ở biển Đông. Ông Ngô Thường...