Gặp gỡ “siêu nhân” kéo máy bay 92 tấn bằng… tai
Kỷ lục đáng nể nhất của ông là kéo chiếc máy bay ném bom Vulcan nặng 92 tấn bằng tai di chuyển với khoảng cách 15 cm.
Người đàn ông Ấn Độ có tên Manjit Singh (57 tuổi) được biết tới với một sức khỏe phi thường. Trong suốt 40 năm trở lại đây, ông đã phá vỡ tới 31 kỷ lục Guinness thế giới, đa số đều liên quan tới bê hay kéo vật nặng bằng những bộ phận ít ai ngờ trên cơ thể.
Manjit chuyển đến Leicestershire, Anh từ năm 1977. Ở đây ông được gọi với cái tên “Strong man” (người đàn ông siêu khỏe) hay “Iron man” (Người sắt). Những việc Manjit có thể làm được đều khiến những người xung quanh phải kinh ngạc, thậm chí là sợ hãi.
Trong một buổi biểu diễn trên đường phố, Manjit từng kéo một chiếc xe bus 2 tầng đi xa hơn 16m chỉ bằng hàm răng chắc khỏe của mình. Cũng chiếc xe bus đó và thêm 54 hành khách nữa, ông cũng chỉ kéo bằng một tay trên quãng đường 55m.
Manjit kéo chiếc xe bus 2 tầng bằng phần tóc đuôi sam của mình.
Không lâu sau, ông lại một lần nữa khiến người xem “rợn tóc gá”y khi kéo một chiếc xe bus khác có 30 hành khách bên trong bằng tóc đuôi sam của mình đi được quãng đường 78m.
Dường như “dị nhân” Manjit không gặp phải bất cứ giới hạn nào về thể lực. Kỷ lục đáng nể nhất mà ông từng lập có lẽ là lần kéo chiếc máy bay ném bom Vulcan nặng 92 tấn bằng tai và di chuyển với khoảng cách 15 cm.
Chiếc máy bay được Manjit kéo đi bằng tai.
Khả năng của Manjit đã nhiều lần “lọt vào mắt xanh” của những sản xuất truyền hình danh tiếng nước Anh. Ông từng được mời tham gia vào các talk show hay chương trình thực tế ăn khách để nói về “siêu năng lực” của mình.
Manjit chia sẻ: “Để có thể làm được những việc không tưởng kia, điều quan trọng nhất vẫn là phải có niềm tin vào chính mình. Chỉ cần tin tưởng, bạn sẽ làm được mọi việc dù khó khăn đến đâu”.
Manjit thổi một túi trườm như thổi một quả bóng tại BGT 2009.
Video đang HOT
Năm 2009, tên tuổi của Manjit thực sự được nhiều người biết đến khi ông quyết định tham gia chương trình tìm kiếm tài năng nổi tiếng nước Anh Britains Got Talent.
Tại vòng loại, Manjit đã khiến cả trường quay phải nín thở khi thổi một chiếc túi trườm bằng nhựa dày thành một quả bóng với kích thước “khổng lồ” trước khi nó bị vỡ bởi lực thổi quá khủng khiếp.
Khi khán giả còn chưa hết kinh ngạc, Manjit tiếp tục thể hiện sức mạnh của mình bằng việc kéo một chiếc xe bus loại nhỏ bằng tai . Cả 3 vị giám khảo quyền lực khi đó đã không dám mở mắt để xem hết phần trình diễn của Manjit.
“ Siêu nhân Ấn Độ” đã nhận được cả 3 sự đồng ý để vào vòng trong nhưng ông cảm thấy sử dụng sức mạnh trời ban này để thi thố là không công bằng cho các thí sinh khác. Chính vì vậy, Manjit đã quyết định xin dừng cuộc chơi khi đã lọt vào top 40.
Hiện nay, Manjit Singh đang sống hạnh phúc cùng vợ và hai con gái, đồng thời sở hữu một quán bar tại London được xây dựng bằng chính số tiền ông kiếm được từ các buổi biểu diễn.
“Strong Man” cũng được biết tới là người rất tích cực tham gia các chương trình từ thiện tại quê nhà Ấn Độ.
Ông còn kéo một chiếc ô tô bằng tai ngay trên sân khấu.
Manjit cũng đã sáng lập một tổ chức thiện nguyện mang tên mình với mục đích giúp đỡ những trẻ em lang thang trên đường phố có được cơ hội học tập và tìm việc làm.
Giờ đây Manjit cũng rất hạn chế xuất hiện trên truyền hình. Trước khi sức khỏe tụt dốc, ông muốn xác lập thêm ít nhất 1 kỷ lục thế giới nữa cho bản thân.
Theo Dân Việt
Tham vọng phi thực của Lầu Năm Góc
Công nghệ trong tương lai của Lầu Năm Góc tràn đầy những tham vọng, từ các loại áo giáp "siêu nhân" đến thiết bị cấy ghép kiểm soát được rối loạn tâm thần.
DARPA đang theo đuổi tham vọng lưu trữ ký ức của con người trên máy tính - Ảnh: Mind-computer.com
Các dòng vi khuẩn có thể lập trình để thao túng theo ý muốn? Biến con người thành kẻ nửa người nửa máy (cyborg)? Đột phá biên giới sinh tử của nhân loại? Tất cả những điều này chẳng khác nào tình tiết trong các phim khoa học viễn tưởng, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ trên thực tế đang có những động thái biến chúng thành hiện thực.
Công nghệ không tưởng
Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng hiện đại (DARPA) bắt đầu theo đuổi mảng công nghệ sinh học vào năm 2001, khi những bưu phẩm chứa nội bào tử gây bệnh than được gửi đến các tòa soạn báo và văn phòng của những thành viên Quốc hội Mỹ. Sự kiện này đã thổi bùng nỗi lo ngại những cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học có thể nổ ra trên đất Mỹ.
Kế đến, các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq thúc đẩy cơ quan này đầu tư vào những lĩnh vực như khoa học thần kinh, tâm lý học và các tương tác não - máy tính, tất cả đều diễn ra nhằm mục tiêu bề nổi là hỗ trợ chức năng cho những cựu chiến binh chấn thương.
Đến năm 2013, một số chương trình liên quan đến sinh học đã phát triển mạnh đến nỗi DARPA quyết định hợp nhất toàn bộ vào một tổ chức duy nhất. Kết quả là Phòng Công nghệ sinh học (BTO) ra đời với ngân sách thường niên 288 triệu USD, và người đứng đầu là nhà thần kinh học Geoffrey Ling, lúc đó đảm trách vai trò Phó giám đốc khoa học của DARPA.
Kể từ khi được sáng lập vào tháng 7.2014, BTO được cho là đã có những bước tiến khổng lồ trong lĩnh vực công trình, khoa học thông tin và công nghệ sinh học để đạt được những lợi thế công nghệ, đặc biệt trong khía cạnh chiến đấu. Giám đốc BTO Geoffrey Ling cho hay các nhà nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ đang tập trung phát triển những công nghệ mà trước đây thuộc dạng không tưởng, chẳng hạn dùng trí não điều khiển robot và máy bay, hoặc tải ký ức của con người và lưu trữ bên trong các ổ cứng để xử lý theo dạng trí thông minh nhân tạo (AI). "Mọi thứ trong vòng 20 năm tới sẽ khiến đầu óc chúng ta quay cuồng, bởi chúng ta đã xâm nhập ranh giới của lĩnh vực đó", theo trang Christian Times dẫn lời Giám đốc Ling.
BTO chắc chắn sẽ đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, theo chuyên san Nature dẫn lời George Dyson, sử gia khoa học tại thành phố Bellingham, bang Washington.
Điểm qua lịch sử của DARPA với những thành công trong lĩnh vực máy tính, rõ ràng Lầu Năm Góc có thói quen đẩy nhanh tiến độ cấp quỹ mỗi khi xuất hiện những dự án thú vị. Một trong những ví dụ cụ thể là phản ứng của DARPA trước tuyên bố về sáng kiến BRAIN của Tổng thống Barack Obama vào năm 2013. Đây là nỗ lực đa ngành nhằm tìm hiểu các hệ thống kết nối của não bộ. Viện Y học quốc gia (NIH) dành nhiều tháng liền để thiết kế dự án chiến lược kéo dài trong 10 năm trước khi phân bố quỹ, và Quỹ Khoa học quốc gia (NSF) phải tổ chức thi thố nhằm chọn ra dự án nghiên cứu có liên quan đến não bộ. Trái lại, DARPA chơi sộp khi lập tức chi hơn 50 triệu USD cho các chương trình diễn ra trong 5 năm.
Những nỗ lực trên giờ đây trực thuộc quản lý của BTO, bao gồm một dự án gọi là Khôi phục ký ức tích cực với mục tiêu tạo ra các thiết bị kích thích giúp khôi phục năng lực của binh sĩ trong việc hình thành ký ức sau khi não bị tổn hại. Một chương trình khác gọi là SUBNETS (công nghệ thần kinh hệ thống cho các liệu pháp mới) đang chế tạo một thiết bị cấy ghép não nhằm chữa trị 7 dạng rối loạn thần kinh và tâm thần.
Một bộ áo giáp siêu nhân đang được DARPA thiết kế nhằm tăng cường sức mạnh cơ bắp cho các binh sĩ - Ảnh: DARPA
Đột phá trên chiến trường
BTO cũng tiếp nhận các chương trình y học của DARPA, trong đó có một dự án muốn biến vi khuẩn "ăn thịt" vi khuẩn khác thành tác nhân chống vũ khí sinh học.
Những chương trình khác lộ rõ tham vọng ứng dụng trong mảng quân sự, chẳng hạn như áo giáp "siêu nhân" giúp nâng cao sức mạnh và tốc độ cho người lính. Và một số sáng kiến sinh học nhân tạo đang tạo ra các hệ thống sinh học có thể được lập trình để sản xuất bất kỳ hợp chất nào cần dùng, bao gồm những thứ chưa bao giờ tồn tại trong tự nhiên. Những hợp chất này có thể là các dạng vật liệu tạo ra áo giáp trọng lượng nhẹ, chất phủ để gia cố thiết bị, các mô dùng để vá vết thương hoặc các loại nhiên liệu sinh học có hiệu năng cao.
Hiện tại, Giám đốc Ling và phần còn lại của BTO đang phát triển những phương pháp để phát triển năng lực "miễn dịch một cách hiệu quả" cho quân nhân, thủy thủ, phi công và lính thủy đánh bộ trên chiến trường. Theo một phần của chương trình "Chẩn đoán tự động để phòng ngừa và điều trị", BTO cũng tìm những cách phát triển khả năng tự chẩn đoán trên trận địa, cũng như bảo quản những mẫu sinh học thu được một cách hiệu quả.
Trong khi đó, thông qua chương trình Vòng lặp sinh học, BTO nỗ lực phát triển công nghệ có thể thách thức những ảnh hưởng của thời gian đối với chức năng sinh lý học của cơ thể người. Một chương trình khác không kém phần thú vị của BTO gọi là "Năng động sinh học trong các điều kiện phức tạp", viết tắt BRICS. Đây là dự án đặt mục tiêu "phát triển những kiến thức nền tảng và các công nghệ cấu thành cần thiết để kiến thiết các hệ sinh học có chức năng đáng tin cậy bất chấp những thay đổi về mặt môi trường". Nhánh mới của DARPA cũng đang nỗ lực kết hợp các lĩnh vực của công nghệ sinh học và khoa học thần kinh nhằm giảm tối thiểu những ảnh hưởng của stress đối với cơ thể người.
Quan ngại về đạo đức
Trong lúc DARPA hào hứng đẩy mạnh các dự án của mình, một số tổ chức đã bày tỏ quan ngại về khía cạnh đạo đức của các cuộc nghiên cứu đang được triển khai trong các phòng thí nghiệm của BTO, lo sợ rằng những phát minh mới có thể kéo theo nhiều xung đột hơn trong tương lai.
Phe chỉ trích cho rằng những cá thể sống vốn vô cùng phức tạp, với đủ dạng biến số khó lường có thể gây khó khăn khi muốn điều chỉnh và thao túng. Và do phần lớn các dự án nghiên cứu sinh học của BTO đều ứng dụng trực tiếp trên cơ thể người, nên những công trình của cơ quan này đối mặt với sự nghi ngờ từ giới khoa học, nhất là về khía cạnh đạo đức.
"Một số công nghệ tất nhiên hoàn toàn tuyệt vời và gây ấn tượng mạnh, hứa hẹn sẽ phục vụ tốt cho con người, nhưng chúng lại quá gần với ngưỡng có thể dễ dàng hóa thành vũ khí", theo nhà đạo đức sinh học Jonathan Moreno thuộc Đại học Pennsylvania tại Philadelphia. Chẳng hạn, các sinh vật nhân tạo được thiết kế để sản sinh ra nhiên liệu sinh học theo hướng xanh và sạch hơn cũng có thể tạo thành chất nổ, còn công nghệ kích thích não bộ được phát triển với mục tiêu ban đầu là chữa trị thương binh cũng kèm theo khía cạnh củng cố năng lực chiến đấu.
Tạp chí uy tín Nature dẫn lời Edward Hammond, một cố vấn về chính sách sinh học tại Austin, bang Texas, băn khoăn về mục đích thật sự của BTO lẫn DARPA khi họ triển khai những dự án. "Bạn sẽ chẳng bao giờ thực sự biết được DARPA cần gì", ông Hammond nói, đồng thời cho biết thêm rằng có không ít người đang sợ hãi trước viễn cảnh được cơ quan này theo đuổi hết tốc lực.
Cánh tay nhân tạo
Một trong những thành công rõ ràng mà BTO đã đạt được trong hơn 1 năm tồn tại chính là cánh tay nhân tạo được DARPA hợp tác với Hãng công nghệ sinh học DEKA phát triển.
Thiết bị hoạt động bằng cách bắt những tín hiệu điện truyền từ vỏ não vận động đến các dây thần kinh, kế đến diễn dịch những tín hiệu này thành các chuyển động tương ứng ở cánh tay nhân tạo. Điều này cho phép người đeo tay nhân tạo thực hiện những động tác khó như bám vào vách đá leo núi.
Với sự phê chuẩn của Cục Dược phẩm và thực phẩm (FDA) hồi năm ngoái, cánh tay giả nói trên là thiết bị nhân tạo kiểm soát bằng dây thần kinh đầu tiên được cấp phép ra thị trường.
Những cánh tay tương tự cũng đang tượng hình trong các phòng thí nghiệm của Đại học Johns Hopkins và những nơi khác dưới sự tài trợ của DARPA. Tất cả đều đang được thử nghiệm trên các bệnh nhân bị liệt.
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Những chiếc xe khủng khiến "Kẻ hủy diệt" cũng phải "khóc thét" Đây là những chiếc xe có kích thước khổng lồ và trọng lượng hàng ngàn tấn. NASA Crawler, phương tiện vận chuyển đặc biệt của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), chuyên chở những chiếc tàu con thoi nặng hàng nghìn tấn từ kho bãi ra sân bay. Được chế tạo vào năm 1965 với chi phí 14 triệu USD, cỗ...