Gặp gỡ “Giáo sư X” Dương Anh Vũ (Siêu trí tuệ Việt Nam): “Sụt 7kg từ khi tham gia chương trình, vợ sinh con đầu lòng khi tôi đang giữa trường quay”
Hi sinh và dồn nhiều tâm huyết cho “ Siêu trí tuệ Việt Nam”, anh Dương Anh Vũ đang làm tất cả cho các tài năng Việt được tỏa sáng trên trường quốc tế.
“Siêu trí tuệ Việt Nam” đã kết thúc mùa đầu tiên với những thành công ban đầu, giới thiệu đến khán giả Việt những tài năng đáng nể, khơi gợi được niềm tự hào dân tộc và khuyến khích, lan tỏa được tinh thần học tập, phấn đấu trong giới trẻ. Đứng sau sự tỏa sáng của Biệt đội Siêu trí tuệ Việt Nam, không thể không kể đến anh Dương Anh Vũ – Cố vấn khoa học của chương trình. Có thể nhiều khán giả không biết rằng, anh Anh Vũ chính là người nắm vai trò lớn trong việc quy tụ, thuyết phục, luyện tập và giúp các Siêu trí tuệ thành công như ngày hôm nay.
Anh Vũ hiện giữ 4 kỷ lục Thế giới về Siêu trí nhớ học thuật và được công nhận là người nhớ một cách chi tiết nhiều dữ liệu khoa học nhất trên thế giới, với hơn 650.000 trang giấy A4. Anh từng lọt top 8 Gương mặt trẻ Việt Nam ấn tượng năm 2017, được Nhà nước tôn vinh là Điển hình tiên tiến toàn quốc, được TW Đoàn và Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam 2 lần đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu & Trao bằng khen vì có những thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc ở nước ngoài.
Giám khảo Trần Thành Nam – Cố vấn Dương Anh Vũ – Giám khảo Lại Văn Sâm
Xin chào anh Vũ, anh có thể giới thiệu sơ về bản thân và công việc mà mình hiện đang theo đuổi cho độc giả Kenh14.vn được hiểu thêm không ạ?
Nhiều khi nhận được câu hỏi từ chúng bạn lâu ngày mới gặp: “Ê Vũ! Hiện mày đang làm gì và công tác ở đâu?”, tôi phải ngồi suy nghĩ một hồi lâu mới có thể trả lời được (cười), vì tôi có cảm giác mình như một “thợ đụng” trong lĩnh vực khoa học vậy. Trong một năm tôi làm khá nhiều dự án cho nhiều tổ chức khác nhau. Điển hình, vị trí Trưởng ban Cố vấn khoa học cho “Siêu trí tuệ Việt Nam” mùa 1 chỉ là một dự án trong năm 2019 của tôi mà thôi.
Tôi thường nhận hỗ trợ ở vị trí chuyên gia trong các dự án giáo dục của UNESCO và thực hiện công tác phân tích dữ liệu toàn cầu về các vấn đề địa chính trị cho một số tổ chức và cơ quan trong và ngoài nước. Công việc của tôi liên quan nhiều đến con số, phân tích và dự báo, nó đòi hỏi tính chuẩn xác rất cao, nên nhìn chung công việc của tôi khá khô cứng, nhiều khi được ví như lát bánh mì để qua 2 ngày (cười).
Bản thân tôi thì không thấy chán, vì nó là đam mê của mình, nhưng vợ tôi thì cứ phàn nàn hoài… Cô ấy thường khích lệ tôi dành nhiều thời gian hơn để tham gia vào công tác giảng dạy, để có cơ hội tiếp xúc với nhiều người. Cô ấy thường bảo: Anh vốn đã lập dị rồi, đừng cố gắng làm mình trở nên bác học hơn nữa, điều anh cần nhất hiện giờ là tiếp xúc nhiều hơn với… thế giới loài người.
Khi nhận được lời đề nghị từ chương trình, suy nghĩ của anh là gì và anh mất bao nhiêu thời gian để cân nhắc nhận lời?
Thông thường, mỗi năm tôi sẽ nhận 3 dự án (2 dự án ở nước ngoài và 1 dự án trong nước), vì theo kinh nghiệm của tôi con số 3 là vừa đủ để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp trong hơn 300 ngày. Thường tôi sẽ chốt hợp đồng các dự án vào tháng 1 và kết thúc công việc vào tuần thứ 2 của tháng 12 cùng năm, dường như tôi sẽ không bao giờ nhận những lời mời tham gia dự án từ tháng 3 trở đi.
Hơn nửa thập kỷ nay tôi đều làm theo đúng 1 nguyên tắc đó, nhưng năm 2019 thì mọi thứ không còn được như xưa nữa vì tháng 6, tôi nhận lời mời làm Trưởng ban Cố vấn khoa học của gameshow “Siêu trí tuệ Việt Nam”. Hai ngày đầu tiên sau khi nhận lời mời từ đơn vị sản xuất, suy nghĩ của tôi có đến 90% là sẽ từ chối, vì nếu thêm dự án thì công việc của tôi sẽ bị quá tải, mà vợ tôi vừa mang thai đứa con đầu lòng được 2 tháng.
Ngoài ra dự án này là một gameshow truyền hình, tôi là một người làm khoa học thì biết gì về truyền hình mà tham gia chứ (cười). Rõ ràng là tôi có đủ lý do chính đáng để từ chối, nhưng con át chủ bài lại là vợ tôi, cô cứ khuyên tôi nên nhận, làm để biết thêm về truyền hình, có thêm hiểu biết thì tốt chứ có sao đâu – thực ra thì cô muốn tôi tham gia dự án này vì tin rằng dân làm truyền hình sẽ giúp tôi bớt “khô” và “giải ngố”. Sau đó 2 tuần, tôi và nhà sản xuất chương trình gặp nhau, giải toả được hết các vấn đề còn lấn cấn thì tôi nhận lời làm trưởng ban Ban cố vấn khoa học của “Siêu trí tuệ Việt Nam” mùa 1.
Với anh, tại thời điểm đó, đây có phải là một ván cược liều lĩnh? Anh có nghĩ rằng khán giả sẽ khó đón nhận những gì quá cao siêu và khác biệt đa số?
Không giấu gì các bạn, khi nghe về việc nhà sản xuất sẽ mua bản quyền và sản xuất “Siêu trí tuệ tại Việt Nam”, tôi thấy sốc. Bạn cứ nghĩ xem, “Siêu trí tuệ” là một chương trình thuần trí tuệ, nó không giống như những gameshow giải trí mà mọi người thường xem trên truyền hình của Việt Nam và chưa có bất cứ chương trình truyền hình nào tại Việt Nam có quy mô như thế.
Nhà sản xuất nói với tôi rằng, họ chỉ lo Việt Nam không đủ người để thi! Đó là một nỗi sợ mà tất cả các quốc gia mua bản quyền “Siêu trí tuệ” về sản xuất đều sợ. Khi quay được tập đầu tiên, bác Lại Văn Sâm có hỏi tôi rằng: “Vũ… Cháu có nghĩ rằng “Siêu trí tuệ” sản xuất được mùa 2 không?”. Yếu tố thí sinh là nỗi sợ lớn nhất của tất cả mọi người. Tôi thì hoàn toàn không sợ vấn đề này, tôi chỉ sợ Việt Nam chưa đủ năng lực để sản xuất một chương trình quy mô như thế thôi, ngoài ra yếu tố trung thực cũng là một vấn đề mà tôi lo ngại.
Khi gặp giám đốc của đơn vị sản xuất, tôi đã thẳng thắn mà nói: “Nếu anh đầu tư sản xuất “Siêu trí tuệ” thì thực sự anh rất liều…”, câu nói đó khiến cho mọi người cùng cười, và sau đó tất cả đều rất thẳng thắn với nhau về các vấn đề. Tôi thể hiện nỗi lo của mình về việc chúng ta không có đủ năng lực để sản xuất một chương trình lớn như thế, bên nhà sản xuất thì thể hiện nỗi lo “không biết có tìm được đủ người để thi hay không?”. Thế là chúng tôi tiến đến cam kết: Tôi cam đoan với nhà sản xuất là Việt Nam dư người tài để cho “Siêu trí tuệ” lên sóng, Nhà sản xuất thì khẳng định rằng, họ đủ năng lực để đưa “Siêu trí tuệ” lên một tầm cao mới.
Anh đã làm việc như thế nào để tập hợp được rất nhiều con người đặc biệt như thế? Quá trình có lâu không và làm sao anh biết đến họ?
Thực ra phần lớn các thí sinh “Siêu trí tuệ” và tôi biết nhau từ trước khá lâu, từ thời tôi mới du học về (2015) và đặc biệt là sau khi tôi xác lập 4 kỷ lục thế giới về trí nhớ học thuật (2016), dường như Facebook của tôi trở thành nơi thường xuyên tụ hội của các bạn thuộc giới Brain-Me, Olympia, dân du học, dân đam mê nghiên cứu học thuật… vì trên Facebook của tôi thường chia sẻ về các chủ đề mà các bạn cần.
Ví dụ như trường hợp của Mai Tường Vân chẳng hạn, chúng tôi biết nhau từ trước cả khi bạn ấy bắt đầu luyện trí nhớ, hay Việt Hoàng và Huy Hoàng, chúng tôi là bạn bè của nhau trên Facebook từ thời các em ấy mới thi Olympia. Hay Lương Tuấn Phi, bạn ấy thường xuyên đột kích Facebook của tôi từ thời bạn ấy còn học phổ thông ở Đắk Lắk… Còn trường hợp của những thần đồng như Thế Anh thì bố em ấy thường xuyên nói chuyện với tôi để xin được tư vấn… Từ những mối quan hệ có sẵn, mọi người lại giới thiệu cho nhau, nhờ thế mà khi thực hiện chương trình, tôi và ê-kíp sản xuất dễ thở hơn một chút khi tập hợp nguồn lực con người.
Người của giới nào thì sẽ hiểu và biết rõ người trong giới đó, tôi là dân làm khoa học (Trí thức và học thuật) và cũng là kỷ lục gia trí nhớ thế giới (Brain-Me), mà thí sinh “Siêu trí tuệ” thì 90% đều đến từ những giới này, cho nên mọi người biết tôi và tôi biết mọi người là điều dễ hiểu thôi.
Mỗi người một khả năng chuyên biệt và sở trường riêng, làm thế nào để anh có thể tập luyện, cố vấn cho họ?
Tuy năng lực có riêng biệt, nhưng cách thức vận hành và loại hình thể hiện thì có nhiều điểm chung, vì tất cả đều liên quan đến Brain-Me. Để dễ tư vấn cho các bên thực hiện công tác xây dựng khung thi, ra đề… cũng như cung cấp các kiến thức thức khoa học liên quan cho nhà sản xuất, tôi thường sử dụng Mô hình Brain Power System (BPs) để phân loại năng lực trí não của thí sinh. Hệ thống này được tôi nghiên cứu từ năm 2013 và hoàn thiện trong 2 năm sau đó. Brain Power System chia năng lực bộ não con người ra làm 5 nhóm chính, bao gồm: Đột biến não bẩm sinh, Đột biến não do tai nạn, Thần đồng, Tài năng bền vững, Người bình thường.
Bốn nhóm đầu được xem là nhóm người đặc biệt tài năng, chỉ chiếm khoảng 1,8% dân số thế giới. Trong đó các nhóm 1, 2 và 3 mang yếu tố bẩm sinh, chỉ có nhóm 4 là tài năng do luyện tập. Những tài năng bẩm sinh của 3 nhóm đầu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi “Nguyên lý Bàn tay Chúa” (Principle: The hand of God): “Khi Thượng đế cho bạn một món quà bằng tay phải thì ngài sẽ lấy đi từ bạn một thứ gì đó có giá trị tương đương bằng tay trái” (Không có gì là miễn phí), cho nên tài năng bẩm sinh sẽ kèm theo những chứng bệnh hoặc các khiếm khuyết về kỹ năng. Trong 5 nhóm của Brain Power thì thí sinh “Siêu trí tuệ” mùa 1 có mặt ở 3 nhóm, gồm: Đột biến não bẩm sinh; Thần đồng và Tài năng bền vững.
Những bạn thuộc nhóm “đột biến não bẩm sinh”, đặc điểm của nhóm này khả năng siêu phàm về một số loại hình như: trí nhớ, tính toán, quan sát, âm nhạc… Thường liên quan đến con số và sự chính xác tuyệt đối, nhưng dường như 100% trong số họ đều bị khiếm khuyết về cơ thể hoặc kỹ năng, thường biểu hiện qua một số căn bệnh hoặc hội chứng liên quan đến tinh thần, trong đó có cả tự kỷ… Có 2 thí sinh được xếp vô nhóm này, đó là: Thế Vinh và Tuấn Phi.
Tuấn Phi
Nhóm đột biến não bẩm sinh được chia thành 3 nhánh nhỏ, đánh dấu theo chữ cái từ A đến C. Những người thuộc 1A và 1B, thường bị tự kỷ và khiếm khuyết kỹ năng rất nghiêm trọng. Thật may mắn, Lương Tuấn Phi của “Siêu trí tuệ Việt Nam” thuộc nhánh 1C, những người thuộc nhánh này không phải gánh chịu những hội chứng hay bệnh tật liên quan đến “tâm thần”, và họ cũng không bị khiếm khuyết kỹ năng, chỉ số IQ của nhóm này thường phát triển ở mức cao. Tuy nhiên, họ không phải hoàn toàn thoát khỏi Nguyên lý “The hand of God”, vì tài năng của họ là một món quà của thượng đế, mà bạn biết rồi đó, không có cái gì là miễn phí. Năng lực Siêu tưởng của Lương Tuấn Phi “có thể” được sinh ra từ “Ocular hypertension” (Tăng nhãn áp), đây được xem là nguyên nhân chính gây ra bệnh Glaucoma (cườm nước).
Hay những bạn thuộc nhóm thần đồng: Đây là một thuật ngữ trong ngành Tâm lý học, để chỉ những đứa trẻ dưới 10 tuổi, nhưng sớm bộc lộ tài năng ở một số lĩnh vực như ngôn ngữ, tính toán, âm nhạc… Với năng lực tương đương với một người trưởng thành hoặc một chuyên gia trong lĩnh vực đó. Những bạn thuộc nhóm này rất nhạy cảm, dễ tăng động… Trong mùa 1, có 3 thí sinh đủ tiêu chuẩn để xếp vô nhóm thần đồng, đó là: Tuấn Minh, Thế Anh và Quang Bình.
Các bạn thấy đó, khi sử dụng hệ thống Brain Power để phân loại, chúng tôi đã có ngay những thông số nhất định về tài năng, cảm xúc cũng như những vấn đề liên quan đến các hội chứng về tâm sinh lý mắc phải của các cá nhân (nếu có). Từ đó chúng tôi có thể tránh những vấn đề có thể làm ảnh hướng đến tâm lý và cảm xúc của họ. Chúng tôi hiểu rằng: nếu bạn khiếm khuyết về kiến thức, bạn có thể học tập để bù lại, nhưng sự đổ vỡ về cảm xúc thì chẳng có loại keo nào có thể giúp hàn gắn nó đâu.
Nhà sản xuất có làm khó anh? Có khi nào có mâu thuẫn hoặc tranh luận giữa 2 bên? Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ không làm nổi nhiệm vụ này?
Nếu nói rằng: “Tôi và nhà sản xuất chưa từng mâu thuẫn và tranh luận trong quá trình làm chương trình” thì đó là một câu trả lời không trung thực… Khi đã làm việc trong một tập thể, đặc biệt là trong các dự án lớn, có thời lượng và cường độ công việc áp lực cao như gameshow “Siêu trí tuệ” thì càng không thể tránh được điều này. Tuy nhiên, sau mỗi lần tranh luận, tôi và mọi người lại thấy được một vấn đề nào đó cần phải sửa, cần phải làm tốt hơn, hoặc cần phải loại bỏ để không làm ảnh hưởng đến chương trình. Nó khó như việc một bà mẹ đang cố gắng dùng hết tâm sức để đưa đứa con của mình ra ngoài một cách an toàn nhất. Nó là sự đấu tranh giữa ý thức và cảm xúc, mình ý thức được rằng nó là con cái của mình, nhưng về mặt cảm xúc thì luôn tồn tại rất nhiều nỗi sợ khi sắp đến ngày sinh nở.
Trong suốt 6 tháng làm dự án “Siêu trí tuệ”, không ít hơn 3 lần tôi nghĩ đến việc từ nhiệm và rút khỏi dự án, thực sự đối với tôi mọi thứ rất khó khăn. Cái khó đầu tiên là tôi không có kinh nghiệm về sản xuất truyền hình, nên khi bắt tay vào làm việc, tôi thiếu sự tự tin cần thiết để bắt đầu. Cường độ làm việc ở gameshow thực sự khốc liệt đối với cá nhân tôi, một người đơn thuần chỉ làm khoa học, các dự án tôi nhận trước đó bị trì trệ vì tôi mất quá nhiều thời gian ở “Siêu trí tuệ”. Đỉnh điểm nhất là khi sức khoẻ tôi bị kiệt quệ, tôi nhập viện và phải uống thuốc kháng sinh 6 tháng vì viêm phổi, đến giờ vẫn còn uống thuốc, tôi sụt 7kg kể từ lúc bắt tay vào chương trình. Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi phải trải qua những giây phút khó khăn như thế.
Bạn có biết rằng: Ngày vợ tôi sinh đứa con đầu lòng tại bệnh viện Đại học Y Dược, tôi đang ở ngoài trường quay “Siêu trí tuệ”. Khi cô ấy sinh xong, cô ấy đã nhắn tin cho tôi thế này: “Chúc mừng chồng, anh đã trở thành bố rồi đó”… Đọc tin nhắn mà nước mắt tôi chảy, cảm thấy thương vợ mình kinh khủng.
Các thí sinh được truyền thông, khán giả gọi bằng những mỹ từ như “thần đồng”, “thiên tài”, “dị nhân”… Anh cảm thấy thế nào về điều này, liệu việc trở nên nổi tiếng, được tung hô, được quan tâm có ảnh hưởng gì đến các Siêu trí tuệ không?
Trong quá trình đồng hành cùng các thí sinh, tôi thường nói với các em ấy rằng: “Giá trị và danh tiếng của con người cũng giống như cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nó lên xuống thất thường, điều các bạn cần học chính là cách quản trị cuộc đời mình, đôi khi chúng ta chỉ cần có 1 cái phao để giúp mình không chết chìm giữa biển lớn cuộc đời, bạn có thể xem danh tiếng mà bạn có được trong “Siêu trí tuệ” là một cái phao như thế. Nhưng cần biến nó thành giá trị thực, chứ đừng chỉ để nó là giá trị ảo trên Facebook, trên báo chí và truyền hình”, hãy hiện thực nó bằng các dự án liên quan đến học tập, du học và nghề nghiệp. Lúc nào thái độ sống cũng được đánh giá cao hơn tài năng, khi bạn tài năng thì thái độ nhìn nhận cuộc sống của bạn càng phải tích cực, vì nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều người, và có thể nhiều cuộc đời sẽ thay đổi vì các bạn.
Tôi tin rằng, giới truyền thông tung hô các bạn ấy với những mỹ từ chỉ vì họ quá yêu quý và cảm thấy tự hào, cũng như cách mà nhiều bà con người Việt đang định cư ở khắp nơi trên thế giới gửi những tin nhắn rất dài cho tôi để thể hiện tình yêu của họ dành cho các thí sinh “Siêu trí tuệ”. Danh tiếng và sự tung hô nó vốn là con dao hai lưỡi đối với những bạn trẻ thiếu bản lĩnh và kỹ năng. Nhưng tôi tin rằng, thí sinh “Siêu trí tuệ” là những con người không thiếu những điều đó. Các bạn luôn xem “Thành công là một hành trình”, họ cũng ý thức được rằng chỉ cần dừng lại và tận hưởng quá lâu một điều gì đó, họ sẽ bị thế giới này bỏ lại phía sau.
Để giúp đỡ các em hiện thực hoá những giá trị đó, tôi và mọi người đang bắt đầu giúp định hướng cho cac em, trong đó chúng tôi ưu tiên về học tập đặc biệt là du học. Tôi đã liên hệ một số bạn bè của tôi hiện đang là giáo sư tại Mỹ, Pháp, Úc, Singapore… để hỗ trợ những bạn thí sinh có định hướng về học thuật như Việt Hoàng hay Tuấn Phi…
Việc đưa các em nhỏ vào cuộc thi mang tính thắng thua này liệu có ảnh hưởng tới các bé? Cụ thể đã từng có tranh cãi ở vòng 2 khi 2 tài năng nhí đấu với nhau. Khán giả cũng có nhiều bình luận gay gắt, anh có nghĩ đây là điều cần lưu ý khi sản xuất?
Trước khi bước đến tuổi trưởng thành, thông thường một con người phải trải qua 3 giai đoạn, mà tôi gọi là “Principles of maturity” (Nguyên tắc của trưởng thành), 3 giai đoạn đó chính là: (1) Trẻ thơ, (2) Trẻ trâu và (3) Trẻ tre. Để bước qua các giai đoạn này, một đứa trẻ cần phải hội tụ đủ điều kiện về trí tuệ, bản lĩnh và kỹ năng, trong đó môi trường vui chơi, học tập và gia đình được xem là những yếu tố quan trọng nhất. Tại sao chúng ta không nghĩ tích cực hơn, rõ ràng “Siêu trí tuệ” là một trò chơi trí thức, là một môi trường tốt giúp các cháu học tập và rèn luyện bản lĩnh.
Như Giám khảo Lại Văn Sâm có chia sẻ về trường hợp của Quang Bình, bác ấy từng gặp Quang Bình vào 2 năm trước tại chương trình “Mặt trời bé con”, bác mô tả Quang Bình lúc ấy không được như bây giờ, tăng động, không ngồi một chỗ được… Nhưng sau 2 năm Quang Bình đã rất trưởng thành, lễ phép… Và bố Quang Bình đã khẳng định rằng, chính nhờ tham gia nhiều những sân chơi trí tuệ đã giúp cháu cọ sát và học hỏi được những kỹ năng quý giá. Trước khi quyết định cho 2 cháu Quang Bình và Thế Anh đối đầu với nhau ở vòng 2 “Siêu trí tuệ”, ê-kíp sản xuất đã xin ý kiến của bố mẹ 2 cháu và nhận được sự đồng ý. Hai ông bố đều có cùng quan điểm: “Đây là sân chơi trí tuệ, chứ không phải một trận đấu hơn thua”.
Nguồn thí sinh hiện nay như thế nào để có thể tiếp tục thực hiện mùa 2?
Khi vòng 1 vừa bấm máy xong, giám khảo Lại Văn Sâm có gặp riêng tôi để đặt một số câu hỏi, trong đó có câu: “Mình có đủ thí sinh để làm mùa 2 không?”. Và bác Sâm đã lấy dẫn chứng chương trình “Little Big Shots” mà bác làm dẫn chương trình. Bác bảo chương trình rất hay những không thể tìm ra nguồn để làm mùa 2 và phải dừng lại. Sau đó tôi cũng nhận được những câu hỏi tương tự từ MC Trấn Thành, giám khảo Tóc Tiên… Tôi hiểu mọi người đang rất lo lắng cho mùa 2, vì chương trình đang nhận được sự quan tâm và trân quý rất lớn từ cộng đồng.
Mọi người lo lắng nhưng tôi thì không, đơn giản là vì tôi nắm được nguồn của nó, số lượng người tài thuộc giới Brain-Me ở Việt Nam không hề nhỏ. Và còn một nguồn nữa mà mọi người chưa nghĩ đến, đó là người Việt đang học tập và sinh sống ở nước ngoài. Sau khi “Siêu trí tuệ” được phát sóng, mỗi ngày trung bình tôi nhận được hơn một trăm tin nhắn của khán giả gửi về Facebook cá nhân của tôi, trong đó ước tính có khoảng 30% số tin nhắn đến từ ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhiều nhất là đến từ Mỹ, Úc, Nhật, Nga, Canada… Hơn 70% trong số đó là những người trẻ, họ bảo với tôi rằng: “Em thực sự cảm thấy tự hào về 2 tiếng Việt Nam khi xem chương trình “Siêu trí tuệ”, có những trận đấu em đã xem đi xem lại hơn chục lần… Và nhiều bạn muốn được trở về nước để tham gia “Siêu trí tuệ” mùa 2.
Siêu trí tuệ vừa được vinh danh là TV Show của năm tại “ WeChoice Awards 2019″, điều này có ý nghĩa như thế nào với anh?
“WeChoice Awards” là một giải thưởng danh giá và uy tín hàng đầu Việt Nam hiện nay, tôi biết đến giải thưởng này từ năm đầu tiên giải này được trao. Tôi cảm thấy bản thân mình rất có duyên với “WeChoice Awards”, vì có nhiều người tôi quen biết cũng được vinh danh ở giải thưởng này, ví dụ như: Châu Thanh Vũ, Nghiên cứu sinh Đại học Harvard, hay Hoa hậu H’Hen Niê… Giờ đến chương trình mình tham gia cũng được vinh danh tại “WeChoice Awards”, tôi cảm thấy rất phấn khích vì điều này (cười).
Theo những gì anh chia sẻ, có thể ví von rằng anh như Giáo sư X trong bộ phim đình đám Dị nhân (X-Men), người tập hợp và huấn luyện các nhân vật có năng lực hơn người. Đã có ai nói với anh như vậy và anh cảm thấy thế nào về hình ảnh này?
Khi “Siêu trí tuệ” bắt đầu bấm máy vòng đầu tiên, Giám khảo khoa học PGS.TS Trần Thành Nam và bác Lại Văn Sâm đã “hài hước” gán cho tôi cái biết danh đao to búa lớn này, lúc bị mọi người gọi là Giáo sư X mặt tôi đã đỏ lên như cái logo của “Siêu trí tuệ” (cười).
Thực ra để có một gameshow “Siêu trí tuệ” thành công như ngày hôm nay, đó là một sự cố gắng và nỗ lực phi thường của hơn 100 con người ở các ban từ sản xuất, giám khảo cho đến cố vấn. Tôi tin rằng, sự thành công của chương trình sẽ không bao giờ được định hình bởi bất cứ một cá nhân nào, vì nó được tạo ra bởi một tập thể.
Kết quả chiến đấu của team Vietnam so với quốc tế có khiến anh hài lòng? Có trường hợp nào vượt ngoài sức mong đợi của anh, có trường hợp nào khiến anh tiếc nuối?
Vòng đấu quốc tế của “Siêu trí tuệ Việt Nam” mùa 1 khiến tôi rất hài lòng, mùa đầu tiên mà có tỷ số như thế là quá thành công cho các tài năng Việt Nam, vì rõ ràng những nhân vật chúng tôi mời về Việt Nam đấu với Biệt đội Siêu trí tuệ mùa 1 họ đều rất danh tiếng và có tài năng đẳng cấp thế giới.
Trường hợp tôi cảm thấy tiếc nuối nhất chính là trận đấu Bách khoa Siêu ô chữ giữa Việt Hoàng và Simon Reinhard. Nhưng tôi tin rằng sự thất bại nào cũng có cái giá riêng của nó. Việt Hoàng sẽ trưởng thành hơn trong tương lai, có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế hơn cho những trận đối đầu sau.
Chiến thắng của Đức Phước trước Yu Sajima trong trận đấu Rubik để mang chiến thắng đầu tiên về cho Biệt đội Siêu trí tuệ Việt Nam đã vượt qua ngoài sức mong đợi của tôi. Vì Đức Phước còn quá trẻ, kinh nghiệm thi đấu quốc tế bằng 0 nhưng lại thể chiến thắng một kiện tướng từng dành nhiều thành tích ở các giải đấu cấp thế giới.
Anh có điều gì muốn nhắn gửi tới khán giả “Siêu trí tuệ” sau mùa đầu tiên rất thành công?
Tình cảm của khán giả dành cho một chương trình truyền hình, nó tỷ lệ thuận với sự thành công của chương trình đó. Vì khán giả trên thực tế có quyền tối thượng trong việc quyết định sự sống hay cái chết của một sản phẩm truyền hình. “Siêu trí tuệ” mùa 1 quá thành công, đây chính là một áp lực cho nhà sản xuất khi bắt tay làm mùa 2, vì mùa sau phải hay hơn mùa trước, đó là một quy luật bất thành văn. Nhưng tôi tin rằng, tình yêu của khán giả sẽ giúp tạo một nguồn năng lượng vĩnh cửu vận hành bộ máy Trí tuệ Việt Nam.
Cảm ơn anh Anh Vũ và chúc anh một năm mới hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình!
Theo trí thức trẻ
Sau nhiều lần bị ném đá, giám khảo khoa học của "Siêu trí tuệ" nhận được mưa lời khen vì cặp đấu "song Hoàng"
Đôi bạn thân Olympia Việt Hoàng - Huy Hoàng tiếp tục tiến sâu vào vòng trong của "Siêu trí tuệ" khiến cộng đồng mạng vô cùng hài lòng, thích thú.
"Siêu trí tuệ Việt Nam" tập 10 phát sóng tối ngày 28/12 đã chứng kiến những cuộc tranh đấu căng não và hấp dẫn của các cặp thí sinh tài năng từ Biệt đội Siêu trí tuệ Việt Nam. Đáng chú ý nhất trong đó phải kể đến phần đối đầu nảy lửa của "song Hoàng" Huy Hoàng - Việt Hoàng.
Siêu trí tuệ: Việt Hoàng vs. Huy Hoàng
Hai chàng trai đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội đã từng chinh phục thành công hai thử thách lớn khiến khán giả thán phục ở vòng lộ diện, một lần nữa lại trở thành đối thủ của nhau trên sân khấu lớn kể từ lần chạm trán tại "Đường lên đỉnh Olympia" năm 2017.
Với đề thi toán học mang tên "Logic tung hoành", trên màn hình với nhiều ô màu chuyển động giao nhau có 9 nhóm nhằm dọc và 8 nhóm nằm ngang. Mỗi số trong ô cùng màu nằm ngang hoặc nằm dọc đều có quy luật riêng biệt. Hai tuyển thủ vừa quan sát các số trong ô màu, vừa ghi nhớ, tính toán để tìm ra số còn thiếu ở ô màu để trống. Có 5 vòng thi, mỗi vòng độ khó và số điểm sẽ tăng lên.
Đề thi phần tranh tài giữa Việt Hoàng - Huy Hoàng giống như format quốc tế
Khán giả chưa kịp hoàn hồn, định hình trên màn hình có gì thì hai thí sinh đã xử lý số liệu nhanh, gọn, lẹ. Cả Việt Hoàng và Huy Hoàng đều tính chuẩn xác, căn nhẩm thời gian bấm chuông giành quyền trả lời chỉ hơn kém nhau vài giây. Hai bên "một chín, một mười", đều là những nhân tài hiếm có khiến cả trường quay liên tục suýt xoa thán phục.
Khi tỷ số hai bên là hòa, tại vòng đấu cuối cùng quyết định thắng thua, Việt Hoàng một lần nữa lại không thể giành phần thắng trước cậu bạn thân vì nhấn chuông chậm hơn vài tích tắc. Mọi diễn biến nghẹt thở khi Huy Hoàng giành quyền trả lời lúc 30 giây 53 còn Việt Hoàng suýt soát với 30 giây 74 .
Nhìn thời gian dẫn đến kết quả chung cuộc mới thấy: "Trời sinh Huy Hoàng sao còn sinh Việt Hoàng!"
Sau kết quả này, khán giả đã rất tiếc nuối và đều có những phản ứng mãnh liệt vì cả Huy Hoàng hay Việt Hoàng đều xứng đáng bước tiếp. Để tuột mất một trong hai người để đối đầu với đội quốc tế sẽ là mất mát lớn đối với đội Việt Nam. Vậy nên giám khảo khoa học Trần Thành Nam - người công bố top thành viên chính thức thi đấu giao hữu quốc tế đã có quyết định sáng suốt khiến tất cả mọi người đều đồng lòng, nhất trí. Đó là mời Việt Hoàng quay trở lại, là thành viên thứ 6 tham gia vào Biệt đội Siêu trí tuệ bên cạnh Mai Tường Vân, Huy Hoàng, Gia Hưng, Tuấn Phi và Đức Phước.
"Tôi muốn mời anh ấy quay trở lại vì đây là một người đại diện cho tính đa nhiệm. Có nghĩa là ở lĩnh vực nào, anh ấy cũng chinh phục khán giả và lấy được cảm xúc. Và xin phép cho tôi dành một chút phần phán đoán về mặt năng lực của anh ấy dựa trên khoa học. Và có lẽ kết quả của vòng thi đấu quốc tế sẽ chứng minh những phán đoán của tôi là đúng hay sai. Xin quỹ vị hãy chờ xem!", giám khảo Trần Thành Nam chia sẻ về sự lựa chọn của mình.
Quyết định phút 89 của giám khảo khoa học Trần Thành Nam được hoan nghênh nhiệt tình. Nhà báo Lại Văn Sâm cho rằng đây là một quyết định sáng suốt và đúng đắn, vừa hợp tình hợp lý, vừa dựa trên cơ sở chuyên môn, khoa học. Còn Tóc Tiên tấm tắc khen: "Chưa bao giờ mà Tiên cảm thấy anh Nam dễ thương và đáng yêu như hôm này".
Những gương mặt xuất sắc của Biệt đội Siêu trí tuệ Việt Nam sẽ tham dự giao hữu quốc tế
Dĩ nhiên, Việt Hoàng được tiếp tục thi đấu khiến người xem vô cùng hài lòng. Cư dân mạng không ngần ngại để lại bình luận khen ngợi giám khảo Thành Nam vì có quyết định chính xác, lựa chọn thuyết phục. Sau khi để vuột mất "thần đồng sử học" Phước Vinh hay những lần đánh giá độ khó thử thách gây tranh cãi, thì lần này giám khảo Trần Thành Nam đã ghi điểm đậm trong mắt khán giả.
Nhiều bình luận phấn khích của khán giả trước kết quả top 6
Theo trí thức trẻ
'Siêu trí tuệ Việt Nam': Chân mệnh sử gia Phước Vinh chạm chán cùng 'thần đồng triệu người có một' Tuấn Minh Vừa mới nhá hàng, tập 9 Siêu trí tuệ Việt Nam đã khiến khán giả không thể ngồi yên khi chứng kiến những tài năng trí tuệ đầu tiên mở màn vòng Tuyên chiến. Kết thúc vòng 1, các thành viên Biệt đội Siêu trí tuệ Việt Nam gồm Xuân Huy, Diệu Linh, Thế Anh, Mai Tường Vân, Quang Bình, Việt Hoàng, Huy...