Gặp gỡ chuyên gia kết nối với ngành công nghiệp âm nhạc quốc tế
Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ và chuyên gia Việt Nam khám phá và tìm hiểu sâu hơn về các sản phẩm và dịch vụ giúp thúc đẩy, quảng bá và phân phối các sản phẩm âm nhạc, từ đó tìm cách phát triển mạng lưới của họ trong nước và ra thế giới.
Ngành công nghiệp âm nhạc, nơi quy tụ các nghệ sĩ, hãng thu âm, địa điểm biểu diễn, quản lý nghệ sĩ, nền tảng kỹ thuật số, v.v… là một môi trường phức hợp và toàn cầu hóa.
Trong bối cảnh đó, Viện Pháp Việt Nam phối hợp với Monsoon Music festival, Complex01, Believe và báo Thể thao & Văn hóa tổ chức chuỗi bàn tròn, gặp gỡ chuyên môn và phát triển mạng lưới giữa các chuyên gia hoạt động trong ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam và quốc tế từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 10 năm 2022 mang tên LiveSpace PRO.
Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ và chuyên gia Việt Nam khám phá và tìm hiểu sâu hơn về các sản phẩm và dịch vụ giúp thúc đẩy, quảng bá và phân phối các sản phẩm âm nhạc, từ đó tìm cách phát triển mạng lưới của họ trong nước và ra thế giới.
Những chủ đề được đề cập không dàn trải mà tập trung vào những băn khoăn thường trực của các nghệ sĩ hay những người làm trong lĩnh vực công nghiệp âm nhạc, ở cả sân chơi Việt Nam và quốc tế.
Các chủ đề sẽ được thảo luận trong chuỗi bàn tròn: “Làm thế nào để các nghệ sĩ phát triển sự nghiệp âm nhạc tại Việt Nam?”, “Xuất khẩu âm nhạc Việt Nam ra thị trường quốc tế?”, “Cách thức nào để thu hút và mang các nghệ sĩ thế giới đến với công chúng Việt Nam?”
Ở bàn tròn thứ nhất, các chủ đề tập trong vào việc phát triển sự nghiệp của các nghệ sĩ: Nên ưu tiên theo hướng tự sản xuất hay giao phó sản phẩm của mình cho một nhà sản xuất? Ngoài nguồn thu đến từ việc phát hành và bán các sản phẩm âm nhạc của mình (bán CD hoặc phát hành trực tuyến hoặc tổ chức concert), nghệ sĩ có thể khai thác thêm các nguồn thu nào khác? Các nghệ sĩ có thực sự sống được bằng thu nhập từ nghề không?
Bàn tròn thứ hai quy tụ các câu hỏi về sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến cho các show diễn quốc tế : Làm thế nào để hệ thống hóa các festival và các phòng hòa nhạc để hỗ trợ tốt hơn cho việc tổ chức các tour lưu diễn ? Cách thức nào để quảng bá tốt hơn cho các nhà tổ chức, sản xuất và nghệ sĩ quốc tế về các cơ hội hợp tác tại Việt Nam? Liệu việc gia tăng các show diễn đến từ các nghệ sĩ quốc tế có mang lại rủi ro nào tiềm ẩn, hay làm giảm cơ hội của các nghệ sĩ tại Việt Nam trên chính quê hương họ?
Chủ đề cuối cùng trong chuỗi ba bàn tròn xoay quanh việc phát triển sự nghiệp của các nghệ sĩ Việt Nam ra quốc tế : Bắt đầu bằng việc giới thiệu chiến lược hỗ trợ phát triển nghệ sĩ và xuất khẩu âm nhạc đến từ nước Pháp, mà từ đó có thể gợi cảm hứng cho việc ứng dụng tại Việt Nam, các chuyên gia sẽ tiếp tục thảo luận về cách mà các nghệ sĩ Việt Nam có thể tham gia các buổi biểu diễn quốc tế, những lợi ích từ đó mà họ nhận được, và cuối cùng là vai trò của các nền tảng phân phối số trong việc quảng bá các sản phẩm âm nhạc ra ngoài lãnh thổ.
Chương trình diễn ra trong các ngày 24,25 và 26 tháng 10 năm 2022 tại Complex 01, 29, ngách 31, ngõ 167, Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội, mở cửa miễn phí và phát sóng trực tuyến trên các nền tảng số Facebook và Zoom.
onionn.: "4 năm tôi ở M-TP, Sơn Tùng còn không làm full album, vậy nghệ sĩ khác làm sao có cơ hội?"
Hơn 10 năm gắn bó với âm nhạc, nhà sản xuất onionn. có những chiêm nghiệm về nghệ thuật và thị trường vô cùng sâu sắc.
onionn. chia sẻ về âm nhạc và chặng đường đã qua
Rời M-TP Entertainment, nói lời chia tay với người cộng sự được biết đến như "công thức để thành công" sau 4 năm gắn bó, nhà sản xuất âm nhạc onionn. ngay lập tức thực hiện một full album cùng tân binh MONO. Một album đầy đủ là điều onionn. luôn khao khát, ấp ủ trong những năm hoạt động âm nhạc, với vị trí là người đứng sau những bản phối đầy màu sắc.
Hành trình sự nghiệp của onionn. đa dạng và đầy cảm hứng, từ những năm tháng đầu tiên hoạt động cùng nghệ sĩ indie, underground cho đến thời điểm cộng tác cùng ngôi sao hàng đầu Sơn Tùng M-TP và hiện tại, onionn. luôn giữ tư duy âm nhạc cầu tiến, cập nhật xu hướng liên tục, trở thành một "hit maker" (người tạo hit) đúng nghĩa. Không ngoa khi nói onionn. là một người làm nhạc "mát tay", anh hiểu rõ bản thân và hiểu rõ thị trường. Gặp onionn. tại MaiĐào Nation - nơi anh sẽ tiếp tục vai trò là một nhà sản xuất âm nhạc, nghe anh chia sẻ về chặng đường đã qua và những chiêm nghiệm trong âm nhạc, chúng tôi có cái nhìn rõ hơn cá tính nghệ thuật của chàng trai trẻ tài năng này.
Sau khi dừng hợp tác với M-TP Entertainment, onionn. đã tự mình lập ra một công ty là MaiĐào Nation, vì sao lại là MaiĐào? Tại đây, onionn. muốn thực hiện vai trò gì?
Ban đầu khi mới nghỉ ở M-TP, tôi chỉ đơn giản muốn mở một công ty riêng, để có tư cách pháp nhân, ký hợp đồng với khách hàng. Dự định của tôi trong năm đầu tiên sau khi nghỉ là tự làm những thứ tôi thích, tôi muốn mà không bị định hướng bởi bất kỳ ai. Tôi thích thể loại nhạc gì, muốn làm với nghệ sĩ nào thì tôi hợp tác và làm với người ấy. Việc mở công ty riêng cũng tạo cho tôi sự thuận lợi khi làm việc với các agency khác, hay các công việc tôi chưa bao giờ làm như giám đốc âm nhạc chẳng hạn.
Về MaiĐào, tôi muốn chọn ra một cái tên dễ phát âm đối với cả người nước ngoài nhưng vẫn mang tính Việt Nam mà không cần phải nói là Việt Nam như thế nào. Lúc đấy tôi nghĩ đến hai loài hoa trong dịp tết Việt Nam mọi người đều chơi là hoa mai và hoa đào. Hai loài hoa này chỉ nở trong dịp Tết thôi và quãng nở của nó ngắn, tôi nghĩ nó có điểm tương đồng với người làm nghệ thuật. Đó là lý do vì sao tôi chọn cái tên này.
Tại sao anh cảm thấy hoa mai, hoa đào có quãng nở ngắn lại giống với người làm nghệ thuật?
Hoa mai, hoa đào chỉ nở vào một dịp, sau khi hết Tết thì người ta lại dành một năm để chăm bẵm cho tết năm sau hoa nở trở lại. Điều này khá giống với người làm nghệ thuật, mọi người chuẩn bị tất cả những thứ mà khán giả nhìn thấy, ví dụ như nghệ sĩ làm ra một album chỉ dài 40 phút nhưng đó là kết quả của 4 tuần, 4 tháng hay thậm chí là 4 năm.
Sự khác biệt giữa vai trò của một nhà sản xuất âm nhạc tại Việt Nam và các thị trường khác trên thế giới? Liệu một hãng thu âm có nên có riêng một nghệ sĩ độc quyền?
Định nghĩa music producer (nhà sản xuất âm nhạc) rộng hơn là nhạc sĩ phối khí (arranger). Tại Việt Nam và nước ngoài, mọi người vẫn hiểu nó bằng nhiều cách khác nhau. Với tôi, một nhà sản xuất âm nhạc có thể là một nhạc sĩ/ một nhạc sĩ phối khí hoặc cũng có thể là một người không làm những việc này nhưng có tầm nhìn bao quát về một sản phẩm âm nhạc khi ra thị trường sẽ được tiêu thụ như thế nào, định hướng màu sắc cho sản phẩm âm nhạc ra sao. Như ở các thị trường khác có những người là giám đốc sáng tạo nhưng họ vẫn là excutive producer (giám đốc sản xuất) của album đó, điển hình như đợt vừa rồi Min Hee Jin là giám đốc sản xuất cho album của NewJeans.
Về nghệ sĩ độc quyền, tôi nghĩ bất kỳ công ty giải trí hay hãng thu âm nào khi phát triển đến mức độ nào đó cũng cần nghệ sĩ độc quyền, không phải một mà là nhiều. Chuyện này ở những công ty giải trí ở nước ngoài không lạ. Tôi không biết thời gian tới chặng đường âm nhạc của mình sẽ đi đến đâu, nhưng việc này là việc bất kỳ ai có công ty cũng nghĩ đến và phải làm.
Anh có tiêu chí gì đặc biệt khi lựa chọn nghệ sĩ hợp tác cùng hay không? Có giới hạn nào về tên tuổi, thể loại, hay dòng nhạc phù hợp?
Trước tiên nghệ sĩ ấy phải có năng lượng mới mẻ mà tôi chưa tìm thấy được ở nghệ sĩ khác. Bây giờ trong âm nhạc, tôi muốn làm những cái chưa có ai làm, khi làm việc cùng nghệ sĩ có cùng tư tưởng ấy thì tôi mới cảm thấy trơn tru, không áp lực. Ví dụ như khi tôi làm với một nghệ sĩ trẻ tuổi hơn, họ có khát khao làm điều gì đó mới mẻ ở thị trường này chưa có và tôi cũng có suy nghĩ đấy, chúng tôi gặp nhau thì rất dễ để thăng hoa trong âm nhạc.
Bản thân tôi bây giờ bước ra ngoài, không làm ở công ty giải trí lớn như trước kia nữa, tôi muốn làm những cái mới, sau đó tôi gặp những tên tuổi lớn hơn, họ tìm đến tôi để làm sản phẩm nhưng bản thân họ cũng không muốn bước ra khỏi vùng an toàn thì tôi nghĩ rất khó để làm việc. Đó không phải thứ tôi tìm kiếm.
Về cách làm nhạc, anh thấy cách làm của Việt Nam hiện tại đã có thể nghiệm đột phá mới hay vẫn còn đang an toàn? onionn. có công thức cố định nào trong các sản phẩm của mình không? Như thế nào là nhạc thị trường theo quan điểm của anh?
Thị trường âm nhạc Việt Nam nếu so sánh với 10 năm trước thì hiện tại đã đa dạng hơn rất nhiều về mặt thể loại, những bài hát xuất hiện trên các BXH không chỉ đơn thuần là ballad hay là những ca khúc có ca từ quá uỷ mị nữa. Về thể loại có cả rap, EDM, hiphop hay kể cả có những sản phẩm mang yếu tố rock, đây là một tín hiệu đáng mừng.
Tôi không có công thức nhất định gì khi làm một sản phẩm âm nhạc, nó có thể được bắt đầu bằng bất kì thứ gì. Đôi khi là một nhịp, vòng hợp âm hay hoặc giai điệu gì đó trong khoảnh khắc đó mình nghĩ ra.
Nhạc nhiều người nghe trong thời điểm ấy là nhạc thị trường.
Anh có muốn làm nhạc thị trường không?
Tôi vừa làm nhạc thị trường xong đấy. Như mọi người biết thì tôi vừa sản xuất album cho một nghệ sĩ Gen Z là MONO, trong album ấy thì có 2 bài hát đang ở trên YouTube trending và hot TikTok mấy tuần vừa qua. Với tôi đó chính là nhạc thị trường.
Tại châu Á hiện tại, khó có thị trường âm nhạc nào phát triển mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng bằng Kpop, nhìn vào những nhóm nhạc hàng đầu như BLACKPINK, BTS hay các ông lớn giải trí Hàn Quốc như SM, YG, JYP,... anh nghĩ công thức thành công của họ là gì?
Để một cá nhân như tôi đưa ra công thức thành công của cả nền công nghiệp âm nhạc như Kpop thật sự hơi quá tầm. Nhưng với bản thân tôi, tôi thấy việc Kpop trở thành nền công nghiệp rất truyền cảm hứng. Như những gì tôi đã tìm hiểu, xuất phát điểm của Kpop, người tạo ra làn sóng ấy là Seo Taiji&Boys, thứ âm nhạc họ mang đến, câu chuyện đằng sau âm nhạc của họ rất nhân văn. Nó không giống như những gì chúng ta đang nhìn thấy trong âm nhạc đại chúng bây giờ. Còn chuyện đó như thế nào, mỗi người sẽ tự có cách tìm hiểu, còn từ khoá của tôi cho câu hỏi này là Seo Taiji&Boys, từ đây mọi người có cho mình một bức tranh toàn cảnh về nền công nghiệp âm nhạc Kpop.
Nói một chút về thù lao, anh cảm thấy số tiền được chi trả đã xứng đáng với công sức, chất xám mình bỏ vào trong những sản phẩm chưa?
Với dự án tôi vừa làm với MONO thì tôi cảm thấy mức thù lao tôi được trả là xứng đáng.
Còn những dự án khác? Hay về thị trường chung thì anh cảm thấy music producer đã được chi trả xứng đáng chưa?
Thật sự rất khó để trả lời cho hợp tình hợp lý. Chuyện thù lao mình được trả có xứng đáng không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác ví dụ như mức sống của mình. Người ta hay nói "bao nhiêu là đủ", với tôi bây giờ tôi chỉ cần có thể vận hành được nơi tôi đang ngồi làm việc, tiếp tục duy trì công việc và giúp tôi chờ đợi đến thời điểm có một nghệ sĩ tiếp theo tìm đến tôi để làm những điều mới mẻ trong âm nhạc.
Vì chúng ta biết mà, ở Việt Nam, khi mọi người làm sản phẩm mọi người thường nghĩ nhiều quá. Lúc tôi làm album với MONO, tôi và bạn ấy chẳng nghĩ gì cả. Ban đầu MONO tìm đến tôi sản xuất 1, 2 bài hát, sau đó tôi nói bây giờ làm album, nếu không phải album thì tôi không làm và thế là chúng tôi bắt tay vào sản xuất.
Anh nghĩ điều mà mọi người nhớ đến khi mà nhắc tới âm nhạc của onionn. là gì? Những nét đặc trưng, độc đáo mà anh muốn đưa đến trong âm nhạc?
Tôi đã dành 11 năm theo đuổi con đường này, trong 5 năm đầu tiên khi bắt đầu làm nhạc, tôi đã loay hoay trong việc tìm ra một âm thanh hay thứ gì đấy khi người ta nghe bài hát do tôi sản xuất người ta sẽ biết đó là âm nhạc của onionn.
Cho đến khi tôi vào Sài Gòn, làm việc trong công ty giải trí lớn, lúc ấy tôi mới thật sự hiểu và có đủ trải nghiệm làm một sản phẩm âm nhạc mà độ phủ sóng, lan toả của nó lớn đến như thế nào. Tôi nhận ra mình đã nghĩ nhiều quá, tôi dừng lại việc tìm ra thứ gọi là đặc trưng của mình, theo cách mà mình nghĩ. Suy cho cùng thì người ta nghe nhạc mà, mình không bắt họ nghĩ nhiều về việc âm thanh đó là của ai. Bây giờ trước mỗi bài hát, tôi làm một thao tác là đặt cái tag của tôi vào, như một chữ ký và thế là đủ rồi.
Good boy? Tại sao lại là good boy?
Yeah, tại vì lúc đấy tôi chẳng nghĩ ra được gì khác cả. Trước khi tôi nghĩ đến việc đặt tag vào bài nhạc, khi chưa làm với M-TP mà làm với nghệ sĩ khác như Tóc Tiên, Mr.A, Justatee, BigDaddy,... thì trong nhạc rap hay hiphop, trước một bài hát họ sẽ để một chữ ký vào beat của họ. Chuyện này với hiphop là một chuyện rất bình thường, tôi nghĩ nhà sản xuất nào được truyền cảm hứng từ dòng nhạc này cũng đều có tư duy sẽ phải có một chữ ký riêng. Hay như những bài hát ngày xưa của BEAST, nhạc Kpop gen 2 ấy, trong beat nhạc của họ cũng sẽ có chữ ký của nhà sản xuất, rất rất nhiều.
Ngoài là một producer, anh có muốn thử nghiệm vai trò nào khác không? Khi mà gần đây nhiều clip anh rap được nhiều khán giả chia sẻ trên MXH cho thấy một khía cạnh rất mới của anh, và khán giả đánh giá onionn. có đủ tố chất để trở thành một rapper.
Thực ra chuyện tôi rap đến rất là tình cờ thôi. Hôm đấy tôi nhận lời tham gia một talkshow và thực hiện thử thách 10 phút làm một beat nhạc. Tôi cảm thấy làm xong beat ngồi nghe cũng chẳng có gì nên quyết định rap tự do trên con beat đó. Bản thân tôi không có trải nghiệm nhiều trong việc viết rap hay làm rapper nhưng tôi nghĩ đứng ở trên góc độ một nghệ sĩ khi muốn làm những điều mới, tìm đến nhà sản xuất thì họ sẽ muốn nhà sản xuất đó thực sự hiểu, có kiến thức về thể loại mà nghệ sĩ kia muốn làm. Tôi nghĩ là mọi người sẽ an tâm hơn, nên là các nghệ sĩ trẻ ơi, nếu các bạn đã xem được clip ấy thì mọi người biết nên làm việc với ai rồi đấy. (cười)
Những nghệ sĩ Gen Z mà anh đánh giá cao hiện tại? Sự khác biệt giữa lứa nghệ sĩ trẻ hiện tại với các thế hệ đi trước là gì?
Nghệ sĩ Gen Z bây giờ ngoài những nghệ sĩ đã có độ nhận diện trong công chúng, mọi người nhìn thấy và tôi đã liệt kê rất nhiều lần rồi thì còn rất nhiều người giỏi, chỉ là họ chưa được phát hiện ra thôi.
Nhìn từ chính tôi là thế hệ 9x, những người sinh vào khoảng từ năm 90 đến 95 thì tôi nghĩ một trong những khác biệt lớn nhất giữa thế hệ nghệ sĩ trước và bây giờ là việc chúng tôi lớn lên giữa sự chuyển giao của hai thế hệ. Bản thân tôi đã nhìn thấy từ lúc trẻ con còn chơi lia ảnh, bắn bi cho đến năm 2000 ở Hà Nội mọi thứ thay đổi một cách chóng mặt khi bắt đầu hội nhập, các tập đoàn lớn nước ngoài vào Việt Nam và mang theo dòng chảy văn hoá thịnh hành ở thời điểm đó, nhất là về công nghệ thông tin.
Khi tôi 5, 6 tuổi nghe nhạc bằng CD, xem phim trên băng, còn bây giờ mỗi đứa trẻ con đều có thể tìm được mọi thứ trên một chiếc điện thoại. Việc công nghệ phát triển quá nhanh khiến cho lứa nghệ sĩ trẻ hơn được tiếp cận với dòng chảy văn hoá giữa các nước một cách dễ dàng. Giỏi là một chuyện, nhưng việc được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn mà "thế giới phẳng" đã khiến cho âm nhạc các bạn làm ra ngày càng "quái".
Đối với anh, như thế nào là làm nghệ thuật chuyên nghiệp? Anh có hướng đến hình ảnh một nghệ sĩ giải trí trong tương lai? Anh sẽ quản lý hình ảnh cá nhân như thế nào?
Tại sao từ nghệ thuật lại gắn liền với chuyên nghiệp? Vậy thế nào là chuyên nghiệp và thế nào là không chuyên? Từ trải nghiệm cá nhân, tôi đã làm việc với rất nhiều nghệ sĩ indie rồi sau đấy tôi đã làm ở M-TP, cho đến bây giờ khi đã nghỉ thì tôi nghĩ thay vì mình đưa ra một điều kiện nghệ thuật chuyên nghiệp, tôi chỉ gọi chung chung là nghệ sĩ có công ty quản lý hay không có công ty quản lý.
Tôi có rất nhiều bạn bè học qua trường lớp, được đào tạo bài bản thậm chí có học hàm rất cao nhưng cuối cùng, công việc họ làm không phải nghệ thuật. Nhưng cũng có những người không học bài bản, không theo trường lớp nghệ thuật nào hay đi họ rồi bỏ dở giữa chừng và giờ họ là một trong những nghệ sĩ thành công nhất. Nên đối với "nghệ thuật chuyên nghiệp", tôi không có định nghĩa rõ ràng cho thế nào là chuyên nghiệp và thế nào là không chuyên.
Nghệ sĩ hoạt động độc lập hay nghệ sĩ có công ty đều có những lợi thế và bất lợi riêng. Nghệ sĩ hoạt động khi có công ty đứng sau, về xuất phát điểm của họ thoạt nhìn qua sẽ thấy có lợi hơn, vì có ban bệ đứng sau, có người quản lý hình ảnh, hoạch định chiến lược, có ekip để lo lắng cho việc sản xuất bài hát thế nào, hoạt động ra sao, tìm kiếm đội ngũ MV, truyền thông... Nhưng cũng sẽ có những nghệ sĩ đầu quân vào công ty không thành công, tại vì khi đã ký hợp đồng, thì người quyết định con đường của nghệ sĩ ấy là công ty. Trong trường hợp không thành công thì chúng ta đổ lỗi cho ai bây giờ? Cho nghệ sĩ, cho công ty quản lý yếu kém, cả hai hay là không ai có lỗi?
Còn nếu như người nghệ sĩ ấy có thực tài và đủ may mắn, họ hoàn toàn thành công theo cách họ mong muốn. Nhiều nghệ sĩ hoạt động độc lập vẫn có show, có các dự án với nhãn hàng giúp họ có cuộc sống thoải mái nằm trong nhu cầu của họ. Thì đấy, đây là một câu hỏi thực sự khó để đưa ra một câu trả lời xác đáng.
Quay trở lại câu hỏi về định hướng hình ảnh cá nhân, đến giai đoạn này khi tôi đã làm việc ở công ty cũ và đã có thời gian làm việc cùng các nghệ sĩ underground thì chỉ đơn giản là tôi muốn làm mọi thứ liên quan đến âm nhạc, không theo đuổi hình mẫu nào trong âm nhạc. Tôi thích thì tôi làm, tôi đã nghĩ như thế ít nhất là trong một năm trở lại đây.
Tôi sẽ chia sẻ một câu chuyện rất cá nhân, một năm trước khi tôi vừa nghỉ ở M-TP, tôi ra ngoài và không biết mình phải làm gì. Lúc đấy tôi chỉ muốn nghỉ ngơi, gác hết mọi thứ, về Hà Nội và không làm gì hết. Xung quanh tôi, từ anh em bạn bè cho đến những người lớn tuổi, người nhỏ tuổi, mọi người đặt cho tôi rất nhiều câu hỏi như "muốn trở thành ai, muốn làm cái gì", "có kế hoạch thế nào cho tương lai" và tôi cảm thấy chính những nguồn năng lượng ấy mới khiến tôi không biết phải làm gì tiếp theo.
Cuối cùng tôi đặt ra câu hỏi trước giờ tôi làm nhạc vì mục đích gì, tôi dành thời gian suy nghĩ và hiểu hơn bản thân mình. Tôi nhận ra tôi làm nhạc là vì chính mình, tôi không làm cho người khác. Việc tôi làm hay mong muốn của tôi trong âm nhạc sẽ như thế nào, từ một nhà sản xuất âm nhạc chỉ chăm chú làm sao để công chúng nghe họ biết đó là onionn. cho đến một người "bây giờ tôi chỉ làm nhạc thị trường", đó là một chặng đường dài. Bây giờ tôi làm nhạc cho tôi, làm những gì tôi muốn. Nên về chiến lược hay bất cứ thứ gì, tôi không có.
Anh có thể bật mí một chút về những dự án sắp tới của anh? Anh từng tiết lộ anh đang làm album cho một nghệ sĩ nữ sinh năm 2000 tên M, có phải là Marzuz?
Tôi chưa thể tiết lộ được ngay, và cũng có rất nhiều nghệ sĩ nữ sinh năm 2000 tên M mà. Đây cũng là một trong những dự án tôi dụng công làm nhưng âm nhạc mà, nó luôn có sự thay đổi bất ngờ. Có thể kế hoạch bây giờ là như thế, nhưng đến thời điểm ấy lại thay đổi thì sao, tôi cũng chưa biết.
Sản phẩm đầu tiên ngay sau khi onionn. thực hiện ngay sau khi rời MTP Ent. lại là album ra mắt của MONO - em trai Sơn Tùng. Liệu sự hợp tác này là trùng hợp hay có chủ đích nào?
Tôi đã làm ở công ty cũ trong 4 năm, Chủ tịch cũ của tôi là một nghệ sĩ rất tài năng, rất rất giỏi. Nhưng trong 4 năm tôi ở đấy, một người giỏi như Chủ tịch cũ của tôi còn không làm một full album. Vậy thì bạn thử nghĩ xem, một nghệ sĩ khác ở trong công ty liệu có được ra một full album hay không? Câu này tôi để mọi người tự trả lời.
Ai cũng biết Chủ tịch cũ của tôi là một nghệ sĩ rất giỏi. Cho đến bây giờ, tôi luôn nói với mọi người rằng anh ta đã đạt được đến mức độ là một "pho tượng" rồi, đã trở thành một phần của nền văn hoá đại chúng Việt Nam chứ không phải chỉ trong âm nhạc nữa. 10 năm sau hay 20 năm sau khi người ta nhắc về nền âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn này chắc chắn sẽ phải nhắc đến Sơn Tùng M-TP. Nhưng, câu chuyện ở đây là trong suốt sự nghiệp âm nhạc của mình Sơn Tùng chưa hề có một full album. Album của Sơn Tùng chỉ là danh sách tổng hợp những sản phẩm đã từng được làm trong quá khứ chứ không phải là một album hoàn chỉnh mới hoàn toàn.
Quay trở lại câu chuyện làm với MONO, mục đích của tôi là làm một full album cho một nghệ sĩ. Tôi muốn mọi người biết rằng "Đây, tôi cũng có thể tạo ra một full album này". Ở Việt Nam có nhiều nghệ sĩ trẻ rất giỏi và làm được full album.
Sau album này, tôi nghĩ đây là chuyện giữa những người làm nghệ thuật với nhau, nghệ sĩ với nghệ sĩ bản thân họ luôn tồn tại "sự ganh đua". Về bản chất sự ganh đua tốt cho thị trường, ganh đua khác với ghen tị. Nếu các nghệ sĩ nhìn vào các sản phẩm âm nhạc của nhau và có sự cạnh tranh nhau thì công chúng sẽ là người được hưởng lợi, sẽ có nhiều sản phẩm âm nhạc, và cái mới. Chúng ta làm âm nhạc mà, thay vì chúng ta quá tập trung vào những thứ bên ngoài tại sao bây giờ không nhìn vào sản phẩm và ganh đua với nhau qua âm nhạc?
Anh đánh giá thế nào về cá tính của MONO thông qua sản phẩm này?
Tôi nghĩ là ở trong thời điểm khi album hoàn thiện thì MONO đã làm tốt nhất những gì bạn ấy có thể. Bản thân tôi cảm thấy một nghệ sĩ còn quá trẻ như thế, họ tự làm album, tự viết 8 bài hát trong thời gian ngắn, sau đó tự hát, tự biểu diễn đã rất "khủng".
Đến bản thân những nghệ sĩ trẻ bây giờ như tlinh, MCK,... đều rất giỏi nhưng ngày xưa đi casting Rap Việt họ vẫn quên lời, điều đó là một điều rất bình thường và nghệ sĩ trẻ khi vừa ra mắt có nhiều vấn đề liên quan đến kỹ năng trình diễn cũng rất dễ hiểu thôi. MONO còn là nhạc sĩ, bạn ấy đã làm rất tốt. Trong thời gian 1, 2 năm tới bạn ấy sẽ còn phát triển hơn, vì có phải chỉ làm xong một album là thôi đâu.
Vậy công chúng có đang quá khắt khe với MONO?
Chuyện công chúng khắt khe với một nghệ sĩ ở lứa tuổi trẻ như thế là một điều dễ hiểu. Khắt khe cũng tốt, nhưng khắt khe khác với toxic (độc hại). Khắt khe đưa ra những đánh giá gay gắt khác với việc nhìn vào nghệ sĩ và đả kích người ấy với những từ ngữ vô văn hoá chỉ vì lý do là "em người này, em người kia".
Các bạn ơi, những người đã từng đả kích MONO hay bất kì một nghệ sĩ nào khác trong những năm tới có nền tảng như thế ra mắt, mình nghĩ các bạn đang hơi "độc hại". Người ta không thể lựa chọn được việc sẽ là anh em của ai, không ai lựa chọn được gia đình nên họ chỉ đang làm việc tốt nhất nên làm thôi.
Trong phần credit của 22, có thể thấy rõ vai trò của anh trong rất nhiều khâu, không chỉ là producer mà còn ở phần sáng tác và biểu diễn.
Việc tôi xuất hiện nhiều trong credit của album 22 hay với những sản phẩm khác là nên như thế vì đây là thực tế. Tôi lên Spotify hay YouTube xem rất nhiều album, có những album ghi rõ người phối khí, mixing, master hay người viết giai điệu, người viết lời. Một sản phẩm âm nhạc có thể có rất nhiều người cùng đóng góp công sức vào đó nhưng một số credit đôi khi không thể hiện rõ điều đấy, chuyện này tôi thấy như đang "tiến hoá lùi".
Nhiều album hàng đầu thế giới bây giờ phần credit có đến 9, 10 người đó là chuyện bình thường. Ở Việt Nam, không hiểu vì lý do gì mà nhiều dự án mọi người có vẻ tiết kiệm con chữ, tôi hi vọng sau album của MONO và tôi, mọi người nhìn vào và hiểu rằng một sản phẩm âm nhạc có rất nhiều người góp công và ai cũng nên được ghi nhận một cách xứng đáng trong sản phẩm.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng album 22 hoàn toàn mang dấu ấn của onionn. và rõ ràng vai trò của anh cũng đã được thể hiện rõ trong phần credit, anh nghĩ gì về những ý kiến đánh giá này?
Hôm trước có một người bạn của tôi cho tôi xem một dòng trạng thái trên MXH, họ chia sẻ bây giờ đang có hai kiểu nghe nhạc, kiểu 1 nghe EDM, pop, rap,... và kiểu hai là lyrics trong Waiting For You. Vậy ai là người viết ra lời đấy? Chính là MONO. Dòng trạng thái ấy cho chúng ta biết là bài hát này đang thịnh hành, và câu hát viral đó do MONO viết thì công sức thuộc về MONO.
Có thể hiểu một cách nôm na rằng tôi là giám đốc âm nhạc cho album đấy, tôi chịu trách nhiệm đưa ra toàn bộ góc nhìn về sản phẩm như thế nào, nội dung các thứ ra làm sao, về không gian âm nhạc. Nhưng không có nghĩa như thế thì tôi là người có công nhiều hơn, tại bản thân người nghệ sĩ khi làm việc cùng tôi họ phải hiểu được bức tranh tôi vẽ ra và đồng ý. Giả sử trong trường hợp MONO không đồng ý, bảo "cái này khó quá, không hợp lý" hay "thế này làm sao người Việt Nam nghe được", thì cuối cùng vẫn sẽ không có gì.
Nên đây là mối quan hệ hai chiều, tôi cũng mong muốn sau chia sẻ của tôi thì mọi người sẽ có góc nhìn tích cực hơn, MONO thực sự giỏi và có năng lực.
Trong buổi họp báo ra mắt, MONO từng chia sẻ những câu chuyện tình yêu được mang đến trong 22 có lấy cảm hứng từ chính nhà sản xuất onionn. và anh cũng có tham gia viết lời trong một số ca khúc, vậy có câu chuyện thật nào để anh lấy cảm hứng sáng tác không?
Tôi nhớ có một câu nói rất nổi tiếng của một nhạc sĩ, vì không nhớ chính xác nên tôi sẽ không trích dẫn cụ thể nhưng đại ý của nó là "tôi viết 500 bài hát không có nghĩa là tôi đã buồn 500 lần". Một nhạc sĩ nên như vậy, nếu để nói có trải nghiệm cá nhân hay không thì tôi nghĩ 80 năm cuộc đời, dù sống đủ thọ cũng không thể giúp cho một người trải nghiệm tất cả mọi thứ. Sự khác biệt của người bình thường với một nhạc sĩ là gì? Nhạc sĩ có thể rung cảm với câu chuyện của người khác và biến cảm xúc ấy thành con chữ, nốt nhạc, lan toả đến khán giả. MONO cũng thế, trong album 22 chắc chắn cũng có câu chuyện của tôi rồi, nhưng mà chuyện nào thì không nói đâu (cười).
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Charli XCX phát hành album cuối cùng dưới trướng Atlantic Records "Crash" cũng đánh dấu một cột mốc đặc biệt bởi đây là album phòng thu cuối cùng trong bản hợp đồng kéo dài hơn một thập kỷ của Charli XCX với hãng thu âm Atlantic Records. Tiếp nối những thành công của đĩa nhạc "How I'm Feeling Now" ra mắt năm 2020, Charli XCX vừa trình làng công chúng album phòng thu thứ...