Gập ghềnh đường đến thượng đỉnh Trump-Kim Jong-un
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis mới đây cảnh báo về một con đường gập ghềnh dẫn đến các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên đồng thời nhấn mạnh với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản rằng, họ phải duy trì lập trường phòng thủ mạnh mẽ để làm bàn đạp cho các nhà đàm phán.
Mỹ-Nhật-Hàn “kề vai sát cánh”
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera
Vào ngày cuối cùng của hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La hôm 3.6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã tổ chức một cuộc họp 3 bên trong đó, vấn đề Triều Tiên đã trở thành nội dung thảo luận chính.
Phát biểu sau cuộc họp, ông Mattis nhấn mạnh: “Chúng tôi có thể dự đoán về một con đường gập ghềnh dẫn đến các cuộc đàm phán (với Triều Tiên). Trong thời điểm này, chúng tôi kiên định cam kết tăng cường hợp nữa sự hợp tác quốc phòng của chúng tôi và xem đây là phương tiện tốt nhất để đảm bảo hòa bình”.
Nhằm xoa dịu các quan ngại rằng Mỹ có thể quá sốt sắng để đạt được thỏa thuận với Triều Tiên trước thềm cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 12.6 tới, ông Mattis tái khẳng định cam kết của Washington rằng, Bình Nhưỡng sẽ chỉ được nới lỏng các biện pháp trừng phạt khi nước này chứng minh được “các bước đáng tin cậy và không thể đảo ngược” để giải trừ vũ khí hạt nhân.
Khác với Seoul, Tokyo vẫn tỏ ra e ngại về cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Phía Tokyo quan ngại rằng, Washington có thể vội vàng ký thỏa thuận với Bình Nhưỡng để bảo vệ các thành phố Mỹ khỏi nguy cơ bị tấn công hạt nhân từ Triều Tiên mà không bận tâm đến an nguy của nước Nhật.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo nhấn mạnh rằng, đây là một bước ngoặt đáng kể khi Triều Tiên đã thực hiện những bước đầu tiên để giải trừ vũ khí hạt nhân.
“Tất nhiên, với quá khứ của Triều Tiên, chúng ta cần phải thận trọng khi đánh giá việc này”, ông Song nói thêm.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Onodera cho rằng, mặc dù ngoại giao là giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên song sự hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và các đồng minh châu Á cũng là chìa khóa để giải quyết vấn đề. “Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục nhất trí rằng việc áp đặt sức ép lên Triều Tiên là điều cần thiết”, ông Onodera tuyên bố.
Video đang HOT
Nga, Trung Quốc nhất trí “liên thủ”
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
Moscow và Bắc Kinh đã đạt được sự đồng thuận về việc tăng cường hợp tác trong vấn đề Triều Tiên khi Ngọai trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gặp nhau ở Pretoria, Nam Phi.
Trong một tuyên bố hôm nay (4.6), Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận thông tin nói trên.
“Hai bên đã trao đổi quan điểm về tình hình trên bán đảo Triều Tiên đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác và phối hợp để đảm bảo an ninh, ổn đỉnh bền vững trên bán đảo Triều Tiên”, tuyên bố nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Nga và Trung Quốc hiện đang ở Pretoria để tham dự cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi).
Trước đó, về phần mình, cả Nga và Trung Quốc đều đã bày tỏ thái độ ủng hộ cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng, Moscow và Bắc Kinh đều đang chạy đua để không bị gạt ra “bên lề” sự kiện này hoặc bị động trước những diễn biến mới.
Hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gặp nhau tại thành phố Đại Liên ở phía Bắc Trung Quốc trong khi cuối tháng đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đích thân tới Bình Nhưỡng để gặp người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho và cả nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo Danviet
Lãnh đạo Mỹ - Trung: Ai làm chủ cuộc chơi trong vấn đề Triều Tiên?
Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều có những tính toán riêng trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên khi mối quan hệ giữa các bên đều ẩn chứa những diễn biến phức tạp.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp tại Bắc Kinh vào tháng 11/2017 (Ảnh: AP)
"Chủ tịch Tập Cận Bình là người chơi bài đẳng cấp thế giới", Tổng thống Donald Trump đã nói những lời này hôm 22/5 khi ông đề cập tới việc nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã can thiệp vào kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Hai ngày sau đó ông chủ Nhà Trắng bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ trước với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Trong một bình luận khác trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump cũng không che giấu sự thất vọng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông viết: "Có thông tin rằng gần đây biên giới ngày càng lỏng lẻo và ngày càng nhiều thứ có thể lọt qua được". Nhà lãnh đạo Mỹ muốn ngụ ý tới đường biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Sự hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh nhằm ngăn chặn dòng chảy của hàng hóa cũng như việc đi lại của người dân qua đường biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã trở thành biểu tượng cho mối quan hệ nồng ấm giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Một niềm tin chung đã khiến hai nhà lãnh đạo quyết định rằng, nếu Mỹ tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên và một cuộc chiến thực sự nổ ra, hai cường quốc cũng sẽ không rơi vào tình thế đối đầu.
Tuy nhiên, theo Nikkei, sự khó chịu thể hiện trên dòng tweet của Tổng thống Trump gần đây cho thấy, nhận thức chung giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Triều đã đổ vỡ.
Trung Quốc đã lên tiếng phản pháo tuyên bố của Tổng thống Trump. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định Bắc Kinh "luôn tuân thủ nghiêm ngặt và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế". Tuy vậy, các phóng viên có mặt tại khu vực biên giới cho biết họ đã chứng kiến những người lao động Triều Tiên quay lại Trung Quốc và hoạt động giao thương giữa hai quốc gia láng giềng bắt đầu hồi sinh sau một thời gian im ắng.
Một bằng chứng khác chứng minh mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Trung Quốc và Triều Tiên là giá bất động sản tăng vọt ở thành phố Đan Đông (Trung Quốc) giáp bờ sông Áp Lục - nơi được xem là biên giới tự nhiên của hai nước. Xu hướng tương tự cũng đã diễn ra tại vùng tự trị Diên Biên Triều Tiên ở đầu nguồn sông Áp Lục khi các nhà đầu cơ Trung Quốc tìm cách thâu tóm bất động sản ở Triều Tiên. Giá nhà đất tại Đan Đông ước tính tăng gấp đôi sau cuộc hội đàm đầu tiên giữa ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình hồi tháng 3.
Bộ Ngoại giao Mỹ, Lầu Năm Góc và Cục Tình báo Trung ương (CIA) chắc chắn đã thông báo cho Tổng thống Trump về những diễn biến trên. Trong khi đó, dòng người di chuyển qua biên giới Trung - Triều đã tăng lên rõ rệt sau cuộc gặp thứ hai của ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình tại thành phố Đại Liên hồi đầu tháng.
Lựa chọn của mỗi bên
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Theo Nikkei, chính Trung Quốc là bên đề xuất với Mỹ về việc siết chặt biên giới với Triều Tiên. Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí rằng hai cường quốc trên thế giới cần bắt tay nhau để giải quyết vấn đề toàn cầu Triều Tiên. Và việc Trung Quốc và Mỹ bắt tay hợp tác cũng là nguyên nhân khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un chuyển hướng sang đối thoại với Mỹ.
Bắc Kinh đã chọn Đại sứ Mỹ Terry Branstad làm đối tác trong các cuộc đàm phán vì mối quan hệ gần gũi giữa ông Branstad và Tổng thống Trump. Tháng 11/2017, Trung Quốc mời Đại sứ Branstad tới vùng tự trị Diên Biên và đây là chuyến thị sát thứ hai của ông tới biên giới Trung - Triều. Ngoài ra, ông Branstad cũng có chuyến đi tới Đan Đông.
Những chuyến đi thường xuyên của Đại sứ Mỹ tất nhiên không tránh khỏi sự chú ý của các quan chức Triều Tiên. Tới tháng 2 năm nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết định "hành động". Nhân sự kiện Thế vận hội mùa Đông diễn ra tại Hàn Quốc, ông Kim Jong-un khởi động chiến dịch kết thân với Hàn Quốc và gửi lời mời gặp mặt Tổng thống Mỹ.
Tuy vậy, quá trình chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ - Triều đang diễn ra quá nhanh, vượt ra ngoài những gì mà Trung Quốc mong đợi. Chủ tịch Tập Cận Bình sợ rằng việc Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un quá gần gũi với nhau sẽ khiến Trung Quốc không còn tiếng nói về tương lai của bán đảo Triều Tiên.
Ông Tập Cận Bình nhận ra rằng một đoàn tàu đang di chuyển quá nhanh và đã đến lúc ông cần phanh lại. Vào cuối tháng 3, nhà lãnh đạo Trung Quốc mời ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh. Kế hoạch hợp tác với Mỹ dọc biên giới Trung - Triều bắt đầu đổ vỡ.
Đối với Tổng thống Trump, những động thái của Chủ tịch Tập Cận Bình là sự can thiệp mà Mỹ không mong đợi. Ông Trump đang chờ đợi để trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới có thể "khắc chế" được ông Kim Jong-un. Vậy nhưng sự xuất hiện của ông Tập Cận Bình đã khiến ông Trump không còn là "ngôi sao sáng" duy nhất.
Nhận thấy hành động như vậy là chưa đủ, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục mời nhà lãnh đạo Kim Jong-un quay trở lại Trung Quốc lần hai hồi đầu tháng 5. Lần này là tại thành phố cảng Đại Liên. Tại đây, ông Tập đã nói với lãnh đạo quốc gia láng giềng rằng, "tình hữu nghị truyền thống" giữa Triều Tiên và Trung Quốc là "báu vật" của cả hai đất nước và "là lựa chọn đúng đắn duy nhất" cho cả hai bên.
Một nguồn tin thân cận với quan hệ Trung - Triều nhận định đây là dấu hiệu cho thấy dòng người và hàng hóa di chuyển qua lại biên giới giữa hai nước sẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian tới, bất chấp sự lo ngại của Mỹ. Trong khi Mỹ muốn theo đuổi lộ trình phi hạt nhân hóa toàn bộ, vĩnh viễn và có thể kiểm chứng với Triều Tiên, Bình Nhưỡng chỉ ủng hộ cách tiếp cận phi hạt nhân theo từng giai đoạn. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng ủng hộ lập trường của Triều Tiên.
Thành Đạt
Theo Dantri
Kim Jong-un vội vã tới Bắc Kinh ngay sau khi bị Trump hủy họp? Một quan chức Triều Tiên cấp cao, nghi là nhà lãnh đạo Kim Jong-un được thông báo đã bí mật tới Bắc Kinh bằng đường hàng không rồi được đón bằng xe chính phủ Trung Quốc ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy họp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, theo hãng tin AP. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là đã...