Gặp Gen Z: Mua vàng từ cấp 2, bỏ việc lương nghìn đô để startup, chơi chứng khoán mất luôn 30 triệu sau một chuyến bay
Trong lúc bạn bè còn đang nghĩ ngợi mai ăn gì, Hà Trần đã bắt đầu nghĩ về việc đầu tư, làm giàu.
Năm 20 tuổi, bạn mong muốn gì nhất?
Hầu hết với mỗi người, đó là giai đoạn mà ai cũng mong muốn được tìm thấy, thể hiện chính bản thân mình và đạt được những thành công nhất định. Đây cũng là độ tuổi mà người ta bắt đầu nghĩ về tiền, nghĩ về cách kiếm tiền. Thế nhưng, với nhiều người, mọi việc chỉ dừng lại ở chữ “nghĩ” vì những yếu tố như đồng vốn chưa có, sợ hãi thua lỗ, không biết đầu tư từ đâu… đã giam họ lại, để họ tiếp tục sống một công việc “ổn định”, một đồng lương “đủ chi”.
“Đang có một công việc ổn định lương 1000 đô, vào đúng ngày sinh nhật 23 tuổi, mình nghỉ việc, đi startup. Hồi đó, ai cũng nói mình dở hơi”.
Chủ nhân câu nói trên là Hà Trần – một cô nàng 23 tuổi. Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh việc tham gia đầu tư chứng khoán, Hà còn là chủ 2 “chiếc” startup non trẻ. Không biết, để có được thành quả “ổn áp” như thế, Hà đã đầu tư, quản lý chi tiêu và tập tành kinh doanh như thế nào?
HÀ TRẦN
Sinh năm 1998, cựu sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân
Top 10 cuộc thi IMC Master 2019
Top 10 Cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai 2020
Năm 2020, trở thành 1 trong 20 giám khảo doanh nghiệp và là giám khảo trẻ nhất trong vòng sơ loại cuộc thi Marketing On Air
Đang đầu tư chứng khoán và có tổ chức một số buổi chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư chứng khoán
Có 1 startup agency cung cấp dịch vụ về marketing và trải nghiệm khách hàng, 1 brand nho nhỏ về pate tươi cho thú cưng ở HCM
Mua vàng từ đầu năm cấp 2, lớp 7 đã bắt đầu quan tâm tỷ giá hối đoái
Những suy nghĩ về đầu tư, quản lý và phân bổ chi tiêu đã nhen nhóm bên trong Hà từ rất sớm. Từ khi còn bé, bố mẹ đã cho cô nàng được tự quản tiền thưởng khi tham gia các cuộc thi và tiền lì xì. Cứ thế, đến đầu năm cấp 2, Hà gom góp, “đầu tư” mua chỉ vàng đầu tiên trong đời dưới sự tham mưu của bố mẹ.
Lên năm lớp 7, nhà Hà bắt đầu lắp truyền hình số. Trong khi chúng bạn mải mê với những bộ phim hoạt hình vui nhộn hay những thước phim tình cảm giờ vàng cùng phụ huynh, thứ cô nàng quan tâm là các bản tin tài chính – kinh tế. Trong đó, có cả việc tại sao tỷ giá hối đoái của đồng USD và VND không cao cho lắm mà nhiều người lại giàu nhanh nhờ việc đổi chác ngoại tệ. Những suy nghĩ của Hà được chính bố mẹ giải đáp đơn giản ai có nhiều tiền, sở hữu nhiều thì mới lời to. Đồng thời, bố mẹ cũng đưa ra lời cảnh báo về anh A anh B nào đó vì mê chứng khoán mà phải bán gia tài, sống trong nợ nần như một lời cảnh báo về các rủi ro trong việc đầu tư, kinh doanh.
Tất nhiên, những thứ ấy với Hà vào giai đoạn ấy chỉ để biết.
Ngày từ những năm đầu cấp 2, cô nàng đã “đầu tư” mua vàng nhờ số tiền tích lũy từ tiền lì xì, tiền thưởng nhờ tham gia các cuộc thi
“Bốc hơi” 20-30 triệu chỉ sau một chuyến bay vì chứng khoán, vay nợ để đầu tư cho những thứ thỏa đáng
Bỏ qua những lời cảnh báo của bố mẹ về các rủi ro của việc đầu tư, Hà vẫn không cưỡng lại sức hấp dẫn của việc đầu tư chứng khoán. Sau khoảng thời gian quan tâm, tìm hiểu đến mảnh đất tiềm năng này, đầu năm 2020, Hà quyết định “rút ví” đầu tư hơn chục triệu để “vào sàn”.
Dù rằng mọi người vẫn nói chứng khoán dễ ăn, thế nhưng với Hà, đây lại là một trong những kênh đầu tư rủi ro vô cùng. Bởi lẽ, chỉ trong vài phút ngắn ngủi, người chơi có thể lãi vài chục triệu nhưng cũng có thể thua lỗ trăm triệu là chuyện bình thường.
Ở thời điểm hiện tại, tài khoản của Hà đã thu về con số trăm triệu nhờ chứng khoán nhưng cô cũng không ít lần mất tiền cho đam mê này. Khi thì vì vướng họp, khi vì quá chủ quan, quá tham lam, có lần lại “bốc hơi” 20-30 triệu sau một chuyến bay vì thị trường bắt đầu điều chỉnh…
“Mình không dám nói là mình đầu tư ‘cho vui’, mà là vừa đầu tư vừa đúc kết kinh nghiệm cho đường dài. Thực ra mình đến với chứng khoán là để hình thành ’sense đầu tư’ cho định hướng đầu tư bất động sản sau này nên cũng phải tập đánh giá dữ lắm. Thế nên, chuyện thua lỗ trong chứng khoán với mình cũng như học phí thôi à.” – Hà tâm sự về việc đầu tư chứng khoán của mình.
Video đang HOT
Việc thua lỗ trong chứng khoán được Hà xem như học phí cho công cuộc đầu tư những thứ to lớn hơn sau này của cô
Ngoài chứng khoán, Hà cũng vô cùng đam mê đầu tư vào công nghệ, thậm chí, cô nàng còn vay nợ để rót tiền cho những sản phẩm công nghệ mà mình ưa thích. Theo Hà, “nợ nần” vốn không mang nghĩa tiêu cực, nó phụ thuộc vào mục đích vay mượn và cái kế hoạch được vạch ra để chi tiêu cũng như chi trả khoản vay. Thế nên chuyện vay nợ với cô chả có gì xa lạ, nhất là khi Hà luôn sẵn lòng đầu tư cho những thiết bị công nghệ phù hợp với nhu cầu sử dụng và có thể đồng hành dài hơi cùng cô.
“Nếu nợ nần để cờ bạc hay quá ham mê một thứ gì đó mù quáng như gồng lỗ chứng khoán, mua sắm những thứ không cần thiết thì mình không ủng hộ. Còn nếu vay để khởi nghiệp chính đáng, để mua nhà hay gom vốn đầu tư bất động sản một cách có kế hoạch thì đây cũng là chuyện bình thường và mình cũng sẵn sàng tâm lý nếu rơi vào hoàn cảnh đó. Có một câu nói mình thấy rất đúng, đấy là thấy thứ gì cần thiết mà sớm muộn cũng cần phải có, thì chi bằng bỏ tiền ra đầu tư luôn, mua luôn – không việc gì phải trì hoãn chuyện đó vì những lý do như thiếu tiền, hoàn cảnh chưa đủ đáp ứng cả.” – Hà chia sẻ.
Đam mê đồ công nghệ, nợ nần chẳng phải chuyện xa lạ với cô nàng
“Dở hơi” bỏ việc lương cao, gồng gánh 2 startup cùng lúc giữa mùa dịch
Gia đình có bố mẹ đều làm cán bộ nhà nước, ưa chuộng sự “an toàn” trong công việc và cả cuộc sống nên chẳng đời nào Hà nghĩ sẽ có ngày mình ra ngoài kinh doanh, startup.
Phải đến khi bắt đầu lăn lộn trong môi trường văn phòng ở năm 2 đại học, Hà mới bắt đầu có suy nghĩ về chuyện muốn tự thân làm chủ sau khi trải qua cảnh làm ngày làm đêm nhưng lương lậu chả được bao nhiêu.
Thế nhưng, tất cả mọi thứ lúc ấy chỉ dừng lại ở “muốn”.
Bước ngoặt cuộc đời của Hà bắt đầu khi cô nàng đi làm full-time ở một công ty global về nghiên cứu thị trường. Làm việc trong trường nước ngoài, dù rằng phải liên tục tăng ca vì khối lượng công việc đồ sộ nhưng bù lại, Hà lại có có cơ hội để mở mang tư duy và trăn trở nhiều hơn về bài toán kinh doanh.
Thời điểm này, cô nàng nhìn ra “trải nghiệm khách hàng” là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp lớn, bởi lẽ khách hàng chính là chìa khoá dẫn tới sự thành công của doanh nghiệp. Không phải các ông lớn trong ngành đều tập trung cải thiện sự hài lòng của khách hàng để tăng tính cạnh tranh đấy sao? 23 tuổi, Hà bỏ việc ở một công ty xịn xò, rời xa mức lương 1000 đô mà nhiều người mong mỏi để thành lập một agency hướng tới trải nghiệm khách hàng đa kênh.
23 tuổi, Hà bỏ việc lương 1000 đô để tập tành startup
Trước đó, Hà cũng đã từng góp sức thành lập một số startup khác thế nhưng đều là những hành trình ngắn ngủi. Chuyện đứng ra làm chủ của Hà chỉ vỏn vẹn với số vốn 10 triệu đồng và những kinh nghiệm, hiểu biết đã nhặt nhạnh được thời còn đi làm. Dù biết cứ 10 startup ra đời may lắm cũng chỉ trụ lại được 2-3 cái, song, cô nàng vẫn rất tin tưởng vào “đứa con đầu lòng” này.
Thế nhưng, đời không như là mơ, làm nhân viên cực 1, thì làm chủ cực 7, cực 8. Những ngày đầu Hà xoay vòng với chứng từ luật pháp, mày mò tìm hiểu về tài chính, thị trường, cân nhắc câu chuyện tối ưu nhân sự, môi trường, đãi ngộ làm sao để người ta thoải mái cống hiến mà vẫn tôn trọng cô nàng…
Sau một thời gian ngắn, may mắn startup đầu lòng của Hà cũng được người này người kia giới thiệu và thu được khoản lợi nhuận nhỏ. Cùng lúc ấy, Hà quyết định kinh doanh online thêm pate tươi cho thú cưng.
Sau khi startup đầu tiên thu được lợi nhuận, Hà bắt đầu kinh doanh online pate tươi cho thú cưng
Chưa kịp đi vào hoạt động ổn áp thì lại thêm một rắc rối to đùng đổ ập lên 2 “chiếc” startup non trẻ của Hà: Cô Vy. Trong những ngày dịch bệnh, hầu như các doanh nghiệp đều ít nhiều bị ảnh hưởng, startup của Hà cũng nằm trong số đó.
Hầu hết, các dự án đã ký kết của Hà đều phải tạm dừng để đợi đến khi cuộc sống bình thường trở lại. Team Hà vẫn đi pitching những dự án mới đều đều, plan vẫn phải gửi khách nhưng chẳng một bên nào dám ký kết hợp đồng hay “mở két” cho cô nàng bởi lẽ ai cũng lo lắng và đang cố tiết kiệm ngân sách. Vấn đề lương lậu của nhân viên lại đè nặng, hầu như để chi trả các kinh phí, cô nàng đều phải rút tiền túi ra.
May thay, mọi người trong team của cô nàng đều khá thông cảm và tin tưởng nên mọi thứ dần ổn thỏa. Đồng thời, việc kinh doanh pate mèo vẫn “ổn áp” với lượng khách quen không ngần ngại ủng hộ. Thế nên, dù những dự án còn gác lại, chiếc agency đầu tay vẫn không sinh ra lợi nhuận, Hà vẫn tạm đủ sức vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
“Làm startup tuy nhiều áp lực nhưng khá vui. Chưa kể, nó còn giúp mình lớn nhanh lắm, già dặn hơn lứa tuổi hiện tại rất nhiều. Quan trọng nhất, tự thân làm chủ giúp mình được làm những điều mình thích bằng nhiệt huyết và sự liều lĩnh của tuổi trẻ. Mình quan niệm thất bại không đáng sợ, nếu làm sai thì làm lại đến khi đúng thì thôi, startup cũng thế. Nếu startup này thất bại thì sau mình vẫn sẽ startup tiếp, vì mình còn nhiều ý tưởng lắm, chỉ thiếu vốn thôi.
Khát vọng của mình nhiều lắm, giống như những người khác thôi, nhưng thực sự hành trình để hiện thực hoá giấc mơ chẳng bao giờ dễ dàng cả. Mình nghĩ sự khác biệt của người thành công ấy là họ không bao giờ từ bỏ, mà để không từ bỏ thì hãy luôn nghĩ về lý do ‘tại sao mình lại muốn làm việc này?’, hãy nghĩ về cái đích mình muốn đến trước đã rồi mới nghĩ xem hiện tại cái đích ấy còn đủ để mình nhiệt huyết hay không.” – Hà vui vẻ chia sẻ những tâm tư sau hành trình startup của mình.
Ảnh: NVCC
design: dương trường
Cô vợ than thở 1 tháng chi tiêu gần 59 triệu đồng, lập tức bị dân mạng phê bình vì nhiều khoản vô lý rành rành
Dù không liệt kê các chi phí hiếu hỷ, bảng chi tiêu của gia đình này đã đủ khiến người ta "hết hồn". Chưa kể tháng sau con gái vào lớp 1, nhà định thuê giúp việc...
Quản lý chi tiêu hiệu quả luôn là bài toán khó với nhiều gia đình, nhất là với những cô vợ trẻ, chưa có kinh nghiệm làm "kế toán tại gia".
Mới đây, 1 chị vợ có tên là N.H đã lên mạng than thở về việc chi tiêu trong gia đình cô. N.H tâm sự: "Đây là 1 tháng của nhà em! Em ghi ra mà choáng váng các bác ạ! Đây chưa tính phát sinh ma chay cưới xin và ốm đau ạ!".
Bảng thống kê chi tiêu gia đình gây sốt mạng xã hội của cô vợ trẻ.
Nhìn bản thống kê của cô vợ trẻ, nhiều người cũng cảm thấy "choáng". Bởi nhà có 2 vợ chồng và 3 đứa con nhỏ mà tháng nào cũng chi gần 59 triệu đồng. Đó là chưa kể tháng sau con gái N.H vào lớp 1, chi phí tăng lên 7 triệu đồng. Vợ chồng cô định thuê giúp việc với mức lương 6 triệu đồng/tháng.
Theo đó, tháng vừa qua, chị này đã tiêu hết gần 59 triệu đồng cho gia đình 5 người (2 vợ chồng và 3 con nhỏ) như sau:
- Học phí của Bin: 7.700.000 đồng
- Học phụ đạo Toán: 1.600.000 đồng
- Học phụ đạo Anh: 2.800.000 đồng
- Gia sư: 2.400.000 đồng
- Tiền học của Bông: 3.800.000 đồng
- Học thêm của Bông: 1.200.000
- Sữa của Bin Bông: 1.000.000 đồng
- Sữa Ben 2 hộp 1.100.000 đồng
- Bỉm của Ben: 570.000 đồng
- Ăn hàng ngày: 30*250= 7.500.000 đồng
- Giấy vệ sinh 1 tháng: 260.000 đồng
- Tiền đóng bảo hiểm xã hội: 6.240.000 đồng
- Lương nhân viên: 7.000 đồng
- Tiền điện: 2.000 đồng
- Điện thoại 6 số (tiền cước cho 6 chiếc điện thoại): 1.000.000 đồng
- Phí dịch vụ chung cư: 1.840.000 đồng
- Thuê nhà xưởng: 6.700.000 đồng
- Tổ yến 1 tháng: 4.000.000 đồng
Tổng: 58.710.000 đồng (chưa kể sang tháng con số này còn tăng vì con gái vào lớp 1, học phí tăng lên 7.700.000 đồng. Thuê thêm giúp việc 6.000.000/tháng).
(Ảnh minh họa)
Bảng liệt kê này đã khiến không ít người bị sốc, vì cho rằng quá "khủng". Không rõ thu nhập của 2 vợ chồng là bao nhiêu mà 1 tháng có thể chi 1 khoản lớn như vậy.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây là chiêu câu like rẻ tiền. Bởi cô vợ muốn mọi người tư vấn chi tiêu cho gia đình nhưng nhiều khoản liệt kê lại không hợp lý. Ví dụ tiền lương nhân viên, tiền thuê nhà xưởng không nằm trong chi tiêu gia đình. Hai khoản đó cộng lại đã gần 14 triệu rồi. Đây là chi phí đầu tư kinh tế và có thể kiếm lại tiền lãi. Nhà đầu tư phải chấp nhận bỏ ra chi phí này để thu về số tiền lãi lớn hơn.
Mặt khác, các khoản chi tiêu còn lại cũng chưa chuẩn. 1 dân mạng chỉ ra rằng, đã tốn tiền học phụ đạo Toán, Anh, sao H.N còn mất tiền thuê gia sư cho con? Tiền mua tổ yến 4 triệu/tháng, tiền giấy vệ sinh 260.000 đồng/tháng cũng là hoang phí. Nhiều người còn lo lắng, cả nhà ăn nhiều tổ yến như vậy có khi còn thừa chất, không tốt cho sức khỏe. Trong bảng thống kê chi tiêu trên, không có tiền xăng xe đi lại trong 1 tháng. Chẳng nhẽ vợ chồng cô không đi đâu, hoặc tất cả đều đi bộ?
Bên cạnh đó, nhiều bình luận để lại lời khuyên: Nếu cảm thấy chi tiêu quá tốn kém có thể chọn lại trường học cho con để phù hợp với hoàn cảnh của gia đình.
5 cách tiết kiệm chi tiêu cho gia đình
Bên cạnh việc chỉ ra những cái sai, chưa hợp lý trong các khoản chi tiêu của cô vợ trẻ H.N, nhiều dân mạng đã kể ra 5 cách giúp gia đình có thể tiết kiệm tiền:
1. Thiết lập các khoản chi tiêu
Cần liệt kê và ước lượng con số cho các khoản chi tiêu hàng tháng của gia đình. Nó có thể là tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn, tiền học phí cho con,... Rồi dựa vào con số chi tiêu cố định đó và tổng thu nhập của gia đình, con số mong muốn tiết kiệm để điều chỉnh các khoản chi theo nhu cầu khác.
2. Lên danh sách trước khi mua sắm để tiết kiệm chi tiêu
- Trước khi đi chợ hay siêu thị, hãy lên danh sách tất cả các sản phẩm mà gia đình cần. Khi đi mua sắm, chỉ mua những thứ mà mình đã liệt kê ra. Tuyệt đối không "vung tay quá trán" mua những thứ không cần thiết chỉ vì đang giảm giá hay đang có khuyến mại...
3. Không để chi phí ăn uống vượt quá hạn mức cho phép
Nếu chi phí ăn uống hàng tháng của gia đình bạn đang vượt quá 20% thu nhập, cần xem xét lại và có sự điều chỉnh phù hợp.
4. Tạo thói quen tiết kiệm khi sử dụng điện, nước
Đây là cách tốt nhất giúp bạn giảm bớt áp lực lên hóa đơn điện, nước hàng tháng. Đồng thời, bảo vệ tài nguyên quốc gia.
Để làm được điều đó, bạn cần tắt đèn khi không sử dụng, không bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp (dưới 24 độ C), sử dụng các thiết bị tính năng tiết kiệm điện,... Đối với việc sử dụng nước, không để vòi chảy trong thời gian chờ, kiểm tra đường ống để tránh rò rỉ,...
5. Thanh lý đồ cũ
Kiểm tra lại toàn bộ những món đồ gia đình ít dùng đến mà vẫn còn giá trị sử dụng tốt để thanh lý giá rẻ. Cách này vừa giúp bạn dọn dẹp lại không gian nhà ở cho đỡ chật chội, mặt khác cũng kiếm thêm được 1 khoản tiền để phục vụ những khoản chi tiêu cần thiết khác.
Nghe mẹ chồng dặn con trai: "Để ý không vợ nó bòn hết cho nhà ngoại", nàng dâu đẩy cửa đi vào cùng hành động lạ khiến bà "im như thóc" "Thực sự em chưa từng ngại chăm lo cho mẹ chồng. Có điều tính bà hay để ý, đề phòng con dâu nên sống gần cũng mệt...", nàng dâu tâm sự. Đi làm dâu, cô gái nào cũng mong có thể sống hòa thuận, được mẹ chồng thương yêu. Tuy nhiên nhiều khi do khoảng cách thế hệ, suy nghĩ khác nhau nên...