Gắp bỏ cả ngàn con sán lá gan trong ống mật bệnh nhân
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vừa phẫu thuật gắp bỏ cả ngàn con sán lá gan lớn (dài 2-3cm, ngang 1cm) sống trong ống mật của một bệnh nhân.
Bác sĩ thăm khám tình trạng của anh T. sau khi được gắp bỏ cả ngàn con sán lá gan lớn trong ống mật – Ảnh: B.A.
Ngày 25-4, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết vừa phẫu thuật gắp bỏ cả ngàn con sán lá gan lớn trong ống mật cho anh T.N.T. (36 tuổi, quê Hải Dương, tạm trú tại TP Biên Hoà).
Trước đó, ngày 16-4 anh T. nhập viện với triệu chứng đau hạ sườn phải, sốt, vàng da. Các bác sĩ đã cho bệnh nhân siêu âm, chụp CT-Scanner, xét nghiệm máu, qua đó xác định anh T. bị viêm tắc ống mật, chỉ định mổ cấp cứu.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện toàn bộ đường mật trong và ngoài gan giãn lớn, tắc hoàn toàn do sán lá gan. Kíp mổ đã gắp, hút được cả ngàn con sán lá gan lớn trong ống mật của anh T. (trong đó có những con dài 2-3cm, ngang 1cm), đồng thời dùng thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân.
Một số con sán lá gan lớn được gắp từ ống mật của anh T. ra – Ảnh: B.A.
Theo lời kể của anh T., trước khi về Đồng Nai sinh sống, anh sống ở Hải Dương và có thói quen ăn gỏi cá với rau sống. Vài năm gần đây anh T. thường đau bụng, ngứa từ vùng bụng xuống chân, người mệt mỏi, khó chịu khi ăn các loại thức ăn nóng như ớt, riềng sống hay uống bia rượu.
Video đang HOT
Mỗi lần vậy, anh T. thường đi mua thuốc điều trị dạ dày để uống nhưng không thấy bớt, gần đây khi vào bệnh viện xét nghiệm thì mới phát hiện bệnh.
Bác sĩ Trần Quốc Vĩ, trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết sán lá gan có nhiều trong cá, ốc và các loại rau sống dưới nước như ngò ôm, cần nước, rau nhút…
Khi ăn sống những loại rau này hay gỏi cá sống thì ký sinh trùng sán lá gan sẽ đi vào trong ruột, rồi vào gan tạo áp- xe hoặc di chuyển xuống đường mật trú ngụ. Loài này có thể sống đến 10 năm.
“Trường hợp này nếu không được điều trị thì về lâu dài sẽ gây viêm đường mật mãn tính và biến chứng ung thư đường mật. Hiện bệnh nhân đã ổn định, hết sốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới”, bác sĩ Vĩ chia sẻ.
Để tránh bị nhiệm sán lá gan, bác sĩ Trần Quốc Vĩ khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, đặc biệt không ăn sống các loại rau sống dưới nước. Trường hợp người dân có thói quen ăn gỏi cá hay ăn sống các loại rau sống ở ao hồ mà có triệu chứng sốt, đau vùng gan thì nên đến bệnh viện xét nghiệm để được điều trị sớm.
A LỘC
Theo tuoitre.vn
Dấu hiệu trẻ bị biến chứng sau tiêm văcxin cần lưu ý
Sau tiêm, nếu cha mẹ thấy con kích thích vật vã, lờ đờ, bú kém... cần đưa đi bệnh viện ngay.
Ảnh minh họa
Tiêm văcxin tức là đưa một "chất lạ" vào trong cơ thể. Vì thế, bất kỳ loại văcxin nào dù tốt đến đâu cũng sẽ có một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Mỗi cá thể có phản ứng với văcxin ở các mức độ khác nhau. Hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi sau 24 giờ.
Phản ứng thông thường gần như xảy ra ở các loại văcxin. Tuy nhiên, một số ít cơ thể lại có phản ứng mạnh như sốt cao, co giật... thậm chí sốc phản vệ và tử vong. Đó là phản ứng do cơ địa của từng người với văcxin, không phải là do chất lượng văcxin.
Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, khuyến cáo cha mẹ cần theo dõi sát trẻ trước, trong và sau khi tiêm để nhận biết kịp thời những biểu hiện bất thường ở trẻ.
Cụ thể, trước khi đưa con đi tiêm chủng, người lớn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, phiếu tiêm chủng; theo dõi tình trạng sức khoẻ của trẻ. Thông báo cho cán bộ y tế về tiền sử bệnh tật, sử dụng thuốc của trẻ, phản ứng sau tiêm chủng của lần tiêm trước.
Sau tiêm, cần theo dõi trẻ 30 phút tại điểm tiêm, thông báo cho cán bộ y tế nếu có dấu hiệu bất thường như khóc, bứt rứt, khó chịu, nôn, trớ, vết tiêm có quầng đỏ lan rộng, nổi ban.
Sau đó, cha mẹ tiếp tục theo dõi con tại nhà 1-2 ngày, để ý về tinh thần, tình trạng ăn ngủ, nhiệt độ, phát ban, biểu hiện tại chỗ tiêm sưng, đỏ. Không nên cho trẻ bú, ăn khi nằm, bởi bé đang mệt khi bú nằm rất dễ bị sặc sữa.
Theo tiến sĩ Điển, cha mẹ cần đưa con đi viện ngay khi có các dấu hiệu sau:
- Sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ.
- Quấy khóc dai dẳng, kích thích vật vã, lờ đờ...
- Khó thở, rút lõm hõm ức, bụng, tím môi, thở ậm ạch.
- Da nổi vân tím, chi lạnh.
- Nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, bú kém, bỏ bú.
- Co giật.
- Phát ban.
- Trẻ có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe khiến cha mẹ lo lắng.
"Khi quan sát thấy con có dấu hiệu kích thích, lờ đờ, cha mẹ cần đưa đi viện ngay. Khi da bé nổi vân tím, chi lạnh mới đưa vào viện thì đã muộn", tiến sĩ Điển nói.
Bên cạnh đó, không tự ý sử dụng thuốc cho bé tại nhà, mà uống thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Khi trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, theo dõi sát, chườm nước ấm, nới rộng quần áo...
Phương Trang
Theo vnexpress.net
Vì sao nụ hôn của người lớn có thể khiến trẻ sơ sinh viêm màng não? Ngoài việc, lây viêm màng não, trẻ còn có nguy cơ mắc cúm và rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác từ người "trao trẻ nụ hôn". Mấy ngày gần đây, tài khoản Facebook có tên L.M.V đăng tải câu chuyện "Trẻ bị viêm màng não vì thói quen hôn hít từ người lớn". Thông tin này đã được chia sẻ với tốc độ...