Gặp anh nông dân có “rương tiền” để… trong rừng
Sau 10 năm trồng và chăm sóc, 50 ha rừng mét của anh Nguyễn Bá Phương, xóm 10, xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ, Nghệ An) đã cho khai thác đại trà. Dự tính, năm nay anh thu về khoảng 600 triệu đồng.
Những khóm mét khá đều cây trong rừng mét của anh Nguyễn Bá Phương.
Theo con đường mới mở còn nguyên màu đất mới, chúng tôi đến rừng mét bạt ngàn của gia đình anh Nguyễn Bá Phương, xóm 10, xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ).
Anh Phương hồ hởi: 50 ha rừng mét chính là cái “rương tiền” của gia đình trong bao nhiêu năm cất công tích trữ. Để mở “rương tiền” tôi đầu tư hơn 40 triệu đồng, thuê máy múc làm liên tục 5 ngày liền để mở con đường vào tận cùng của rừng mét, đủ cho loại xe ô tô trọng tải lớn vào bốc xếp hàng.
Con đường mới mở vào “rương tiền”.
Video đang HOT
Toàn bộ rừng mét là khu vực Hố Trù của xóm 10, xã Nghĩa Bình, những năm 1990 về trước là rừng rú rậm rạp, nhưng bị con người chặt phá bừa bãi, dẫn đến rừng nghèo kiệt. Năm 2003, anh làm đơn xin Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và chính quyền địa phương nhận thầu để trồng rừng.
Mỗi năm đầu tư trồng một ít, sau 6 năm, rừng mét đã khép kín. Anh Phương cho biết: Cây mét trồng 7 năm mới được thu hoạch, do vậy những năm trước đây, anh thu hoạch tỉa ở những bụi trồng trước, phục vụ nhu cầu sử dụng cho người dân trong vùng. Từ năm nay, anh khai thác đại trà, với số lượng lớn, nên phải tính đến khâu khai thác chuyên nghiệp và tiêu thụ ổn định. Bởi vậy, toàn bộ hơn 20 nhân công đang dựng lán trại tại chỗ để khai thác mét cho mình là người Thanh Hóa. Họ nhận khai thác, kết hợp liên hệ đầu ra, tiêu thụ sản phẩm.
Những cây mét vừa khai thác, được lao từ trên triền núi xuống.
Hàng nghìn khóm mét trên triền núi, khóm nào cũng có từ 15 cây trở lên, cây nào cũng thẳng đều, đường kính từ 7 – 12 cm. Nhân công khai thác mét, chọn những cây 2 năm tuổi trở lên để chặt, yêu cầu là phải chặt sát gốc, bảo đảm cây kế bên không bị ảnh hưởng, đặc biệt là bảo vệ những cây măng mới mọc. Mỗi ngày nhóm thợ khai thác có thể thu hoạch 1 nghìn cây mét.
Gần 15 nghìn khóm mét, trong đợt này có thể khai thác được trên 40 nghìn cây, đủ số lượng hàng cho 40 chuyến xe ô tô, loại “3 chân” vào vận chuyển. Đếm cây nhận tiền tại bãi, với giá bình quân 15.000 đồng/cây, vậy là năm nay anh Phương thu về khoảng 600 triệu đồng từ “rương tiền” này.
Anh Nguyễn Bá Phương cho biết, những cây to có giá 20 nghìn đồng, cây nhỏ nhất 10 nghìn đồng.
Anh Phương cho biết: Trồng mét để thu hoạch cây, tuyệt đối không được khai thác măng, đặc biệt chú ý cào cào cắn lá, nếu phát hiện có ổ là phun thuốc diệt ngay. Do vậy, vào mùa măng mọc phải bảo vệ nghiêm ngặt, không cho người dân vào khai thác măng. Đặc điểm phát triển của cây mét là hàng năm sinh măng, do vậy, trồng một lần, có thể khai thác trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, mình cần bổ sung phân bón, vun gốc, để đất không bị bạc màu, rừng mét lâu thoái hóa, tăng năng suất sinh khối của rừng mét.
Huyện Tân Kỳ hiện có khoảng trên 12 nghìn ha rừng trồng nguyên liệu, trong đó có 1 nghìn ha rừng mét, phân bố trên địa bàn các xã: Nghĩa Bình, Đồng Văn, Tiên Kỳ, Nghĩa Hợp… Những diện tích mét này, chủ yếu được người dân trồng theo Dự án 661 từ những năm trước đây. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện, phần lớn diện tích rừng mét trên địa bàn huyện đang sinh trưởng và phát triển tốt. Hàng năm người trồng rừng đã ý thức được tầm quan trọng của cây mét nên khai thác đúng mức độ, mật độ rừng mét phù hợp với mục đích kinh doanh mét thuần loài (200 – 250 bụi/ha).
Theo Danviet
Chi hội trưởng "hai giỏi"
Đến với bản Lả Sẳng thuộc phường Chiềng An, thành phố Sơn La, hỏi chị Lù Thị Hải, nhiều người cho biết: "Đó là người phụ nữ hai giỏi của bản chúng tôi". Lời khẳng định đầy vẻ tự hào ấy càng làm tôi nhanh muốn gặp gỡ người phụ nữ này.
Giỏi việc Nước
Là Chi hội trưởng Nông dân bản Lả Sẳng, công việc thường ngày của chị Hải cũng thêm tất bật. Bản có mấy chục hộ dân, đều là đồng bào dân tộc Thái, trình độ dân trí, nhất là kỹ thuật canh nông còn nhiều hạn chế. "Nhưng tất cả các hộ ở đây đều làm nông nghiệp theo mô hình kinh tế trang trại gắn với sản xuất hàng hóa, bởi thế nhu cầu tìm hiểu của bà con về những tiến bộ xã hội trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và kinh tế thị trường rất lớn.
Có những câu hỏi rất đơn giản: Khi nào thì bón thúc cho cây trồng? Khi nào thì sử dụng phân lân, phân đạm, kali... ? Nhưng cũng có những câu hỏi mang tính tiên đoán hoặc cần hạch toán kinh tế cao, làm tôi lúng túng như: Năm nay quả mận hậu, mận tam hoa có được giá hơn năm trước không? Nên bán cà phê quả tươi hay bán cà phê nhân thì lợi hơn? Nuôi bò và nuôi lợn thịt cái nào lãi hơn?... Với những câu hỏi khó ấy, tôi lại phải đi tìm cán bộ khuyến nông, cán bộ hội cấp trên để tìm câu trả lời thỏa đáng cho hội viên" - chị Hải tâm sự.
Mô hình tưới ẩm tự tạo theo công nghệ Israel được chị Hải vận dụng vào trồng cỏ, ngô làm thức ăn chăn nuôi gia súc thành công ở bản Lả Sẳng. Ảnh: Kiều Thiện
Ở vào cái tuổi 50, chị Hải vẫn không quản ngại khó khăn khi một hội viên, nông dân trong bản cần sự giúp đỡ của chị. "Ngoài nhiệm vụ của Chi hội trưởng Nông dân, chị Hải còn là khuyến nông viên của bản dù không được hưởng phụ cấp khuyến nông viên. Chị ấy luôn chân thành trong mọi việc nên được mọi người tin yêu. Chi hội Nông dân của chị ấy đã huy động 100% số hộ tham gia tổ chức hội với mức bình quân mỗi hộ là 2 hội viên. Tuy bản ở xa trung tâm nhưng đến nay cả bản chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo do hoàn cảnh bệnh tật, còn lại đều từ mức sống trung bình trở lên, trong đó đã có 14 hộ khá, giàu rồi đấy" - Trưởng bản Lả Sẳng - ông Lù Văn Đạt bảo vậy.
Đảm việc nhà
Nhìn vào gia cảnh của chị Hải mới thấy tấm lòng nhiệt huyết với công việc chung của chị thật lớn. "Chồng tôi bị đau yếu sau vụ tai nạn gãy chân nên không giúp được việc nhà nhiều, nương vườn thì lại càng khó hơn. Nhiều lúc tôi vừa chăm con, cháu; vừa lao động quần quật mới đáp ứng được yêu cầu tiến độ của mùa vụ. Bây giờ con cái đã lớn, cũng đỡ đần được nhiều nên tôi có thêm thời gian công tác xã hội" - chị Hải kể.
Anh Lường Như Huỳnh, chồng chị Hải, bảo: Tôi được người vợ vừa giỏi giang, vừa tần tảo, đã giúp đỡ tôi nhiều lắm. Hơn 1ha đất nương, vườn này, mỗi năm cho thu hoạch cả trăm triệu đồng từ bán mơ, mận hậu, cà phê cũng là nhờ phần lớn vào công sức của vợ tôi. Vừa qua, cô ấy còn nhất trí đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ tưới ẩm vào trồng cỏ và nuôi bò nhốt chuồng do Hội Nông dân tỉnh vận động. Thấy vợ vất vả, tôi đã gàn nhưng cô ấy bảo: Mình không làm gương thì người dân khó tin và làm theo. Tôi cũng đành để cho vợ làm mô hình, nhưng thấy cô ấy đảm đương thêm hơn chục con bò nuôi nhốt mà thương...
Anh Lò Văn Hải - Phó Chi hội Nông dân bản Lả Sẳng bảo rằng: Người như chị Hải khó kiếm lắm. Làm cán bộ bản thì chỉ có vất vả thêm ra trong khi hoàn cảnh gia đình đã vất lắm rồi. Nhưng bà con tin yêu, cấp trên tin tưởng nên có muốn nghỉ cũng chẳng dễ đâu. Cán bộ như chị ấy thì đúng là bạc, là vàng của dân bản.
Theo Danviet