Gạo Việt sau Thái Lan 100 năm: Đừng hỏi vì sao…
Hai Tổng Công ty lương thực chuyên đi thu gom lúa gạo về trộn, có gì bán nấy, thử hỏi làm sao gạo Việt Nam không có thương hiệu?!
TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL chia sẻ những suy nghĩ tâm huyết xung quanh thực trạng gạo Việt Nam đang tụt hậu so với Thái Lan và một số nước khác trong khu vực.
Đừng hỏi vì sao gạo Việt chưa có thương hiệu
Khẳng định trong thời kỳ hội nhập, kinh tế thị trường, bất kỳ mặt hàng nào của Việt Nam có thương hiệu đều rất quý và cần thiết, nhất là khi Việt Nam đang đứng thứ ba trên thế giới về xuất khẩu gạo, TS Lê Văn Bảnh cho rằng, dường như đang có sự nhầm lẫn khi người ta cứ nói Nhà nước phải ra được thương hiệu gạo quốc gia.
Thực tế không phải như vậy, có được thương hiệu hay không là do doanh nghiệp và thương hiệu gạo không phải chỉ là chiếc logo gắn trên bao bì sản phẩm.
Bởi khâu tổ chức sản xuất của Việt Nam kém, chưa có vùng nguyên liệu tiêu chuẩn, do đó chớ nên nóng ruột mà đòi gạo thương hiệu
“Nhiều người cứ ào ào kêu đòi phải có gạo thương hiệu, nhưng thương hiệu ở đâu mà có? Quan trọng nhất là phải có vùng nguyên liệu với giống lúa có đặc tính chung về chiều dài hạt gạo, độ thơm, độ dẻo, hàm lượng dinh dưỡng…, tuân thủ tiêu chuẩn bắt buộc như VietGAP, GlobalGAP.
Khi đó, sản xuất vụ đông xuân hay hè thu, năm này qua năm khác đều phải đáp ứng được tiêu chuẩn đó. Thương hiệu không phải ngày một ngày hai mà có, nó phải ăn sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng và người ta quen dần.
Việt Nam có kiểu làm vụ này gạo ngon nhưng sang vụ sau độ thơm giảm, hạt ngắn hơn, chất lượng gạo không được vụ trước, do đó lại mất thương hiệu bởi thương hiệu đó không bảo đảm.
Ở nước ngoài, một dòng xe bị lỗi, lập tức hãng xe thu hồi để đảm bảo uy tín thương hiệu. Còn Việt Nam cứ nói thương hiệu nhưng không tổ chức sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo, cứ “tay không bắt giặc” thì làm sao có được thương hiệu!
Lại hỏi tại sao gạo Thái Lan có 250 thương hiệu, còn Việt Nam chỉ mấy phần trăm? Là vì Thái Lan tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn đã cả trăm năm, còn Việt Nam mới “lớ ngớ” làm theo kiểu thủ công, bao cấp.
Tổng Công ty lương thực miền Bắc và miền Nam (Vinafood 1, Vinafood 2) đi thu gom lúa gạo về, có gì bán nấy. Đã là thu gom thì trong dân có gì mua nấy rồi trộn đại với nhau, có khi cả chục giống lúa gạo với nhau khong theo bất cứ một tiêu chuẩn nào.
Video đang HOT
Trong khi đó, ngày nay máy phân tích có thể phát hiện rất nhanh lô gạo này hạt cứng hay mềm, phần trăm tấm bao nhiêu… Bởi khâu tổ chức sản xuất của Việt Nam kém, chưa có vùng nguyên liệu tiêu chuẩn, do đó chớ nên nóng ruột mà đòi gạo thương hiệu”, ông Bảnh chỉ rõ.
Cách làm của các doanh nghiệp này là tìm hiểu xem nhu cầu của thị trường thích loại gạo gì, tiêu chuẩn ra sao rồi về tổ chức vùng nguyên liệu tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn đó. Khách hàng sang tận nơi kiểm tra tại ruộng, thấy đáp ứng đủ các chỉ tiêu thì đồng ý nhập.
“Như Công ty Viễn Phú để trồng lúa hữu cơ họ chọn vùng đất U Minh (Cà Mau), quy trình canh tác cực kỳ nghiêm ngặt, phải tuân thủ yêu cầu không được sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hay chất kích thích tăng trưởng.
Lúa hữu cơ chỉ được dùng các chế phẩm sinh học để chăm sóc. Bởi thế, gạo của họ bán được cho Mỹ với giá 3.500 USD/tấn.
Nếu làm gạo theo chuỗi khép kín từ khâu quy hoạch giống, tổ chức sản xuất, kiểm soát quá trình sản xuất, đảm bảo việc thu mua chế biến và tìm khách hàng để tiêu thụ thì bất kể thị trường có khó tính đến đâu, Việt Nam vẫn chinh phục được. Thế nhưng, số doanh nghiệp làm được như trên vẫn còn rất ít”, TS Lê Văn Bảnh tiếc nuối.
Không thay đổi 20 năm nữa vẫn vậy
Điều khiến ông Lê Văn Bảnh trăn trở là đã rất nhiều năm, kể từ khi đổi mới đến nay, đã có 20 năm xuất khẩu gạo nhưng Việt Nam vẫn không hề đổi mới phương thức sản xuất, cách tổ chức để có sản phẩm chủ lực xuất khẩu.
“Không phải Việt Nam không có ai làm được. Đã có những doanh nghiệp xuất khẩu gạo qua Nhật, Mỹ, Âu châu…, khách hàng dù khó tính nhưng họ vẫn làm được. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, những doanh nghiệp như thế không nhiều.
Mặc dù đã có Quyết định 62 của Thủ tướng về Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, trong đó ghi rõ Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu thương mại, chế biến hoặc xuất khẩu của doanh nghiệp. Thế nhưng sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cho thấy, diện tích lúa tham gia cánh đồng lớn chỉ đạt 3,3% diện tích sản xuất.
Việt Nam phải có chiến lược sản xuất và tiêu thụ nông sản. Chúng ta có đất đai, nông dân giỏi…, bây giờ phải làm sao bán được gạo. Chúng ta phải sản xuất theo yêu cầu của thị trường, khách hàng cần gì, đặt hàng như thế nào thì doanh nghiệp về tổ chức sản xuất sao cho phù hợp với yêu cầu. Còn nông dân cũng không thể mạnh ai nấy làm mà phải tuân thủ theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Với cây trái, cá tôm… cũng vậy. Bây giờ đã hội nhập nên Việt Nam buộc phải thay đổi, nếu không 20 năm nữa chắc Việt Nam vẫn cứ như vậy, thậm chí bị tụt hậu so với các nước khác”, ông Bảnh nhận xét.
Theo_Báo Đất Việt
Thiếu minh bạch trong bảo trì, bảo tồn biệt thự cổ ở Hà Nội
Việc thiêu minh bạch trong trách nhiêm bảo trì, duy tu, bảo tôn những ngôi nhà cổ ở Hà Nội là môt thực tê hiên nay.
Sau vụ việc biệt thự hơn 100 năm tuổi ở số 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội bất ngờ đổ sập ngày 22/9 vừa qua, những người dân đang sinh sống tại các biệt thự cổ có tuổi thọ tương tự như căn biệt thự 107 luôn sống trong tâm trạng bất an, nơm nớp lo sợ. Trong khi đó, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc kiểm định toàn bộ các công trình biệt thự cổ trên địa bàn là không thể do kinh phí quá lớn.
Các hộ dân tự... kiểm tra, sửa chữa
Ngõ 90 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện có khoảng chục hộ dân đang sinh sống tại 3 ngôi biệt thự cổ. Sau khi biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo bất ngờ đổ sập, những người dân sống tại đây đang rất hoang mang, lo lắng.
Anh Thu - một người dân sống tại biệt thự 90B2 cho biết, 3 thế hệ trong gia đình anh đã sống ở đây từ năm 1954 đến nay. Khoảng 30-40 năm trở lại đây, không có bất cứ cơ quan, đơn vị nào đến kiểm tra, sửa chữa hay cải tạo, mọi sự can thiệp vào ngôi nhà này đều do các hộ tự thực hiện.
Ngôi biệt thự cổ số 90B1 Trần Hưng Đạo (Hà Nội)
"Tuổi thọ ngôi nhà này tôi nghĩ chắc cũng khoảng trên dưới 100 năm, có thể là bằng tuổi với ngôi nhà 107 vừa rồi. Khi làm sổ đỏ thì ở đây được đánh giá là biệt thự hạng 2, cũng theo phân nhóm của nhà 107. Về mặt tâm lý, ai cũng lo về sự mất an toàn, nhưng để thẩm định, đánh giá tình trạng cụ thể của biệt thự phải có các cơ quan chức năng, vì người dân không có đủ chuyên môn cũng như phương tiện kỹ thuật" - anh Thu nói.
Cạnh đó là ngôi biệt thự 90B1 có 3 hộ đang sinh sống. Theo quan sát của PV, nhiều bức tường bên trong biệt thự xuất hiện vết nứt, bong tróc, thấm nước. Bà Bùi Thị Lan sống tại tầng 2 cho biết, chủ nhà ở tầng 1 của ngôi biệt thự đã tự ý đập phá một số trụ, tường để có diện tích làm cửa hàng. Bởi vậy, từ trước khi vụ sập biệt thự 107 Trần Hưng Đạo xảy ra, bà đã rất bất an.
Còn bà Nguyễn Thị Lội cho biết, đã nhiều năm nay, gia đình bà phải chuyển đến nơi khác ở, căn nhà tại ngôi biệt thự này chỉ dùng để đồ vì thấy rõ hiện tượng rung:
"Rạn nứt với rung nên chúng tôi rất sợ hãi. Trước đây tôi ở chỗ này, nhưng cứ mỗi lần xe chạy là thấy nhà cứ rung rung, cho nên 5-6 năm nay rồi tôi không dám ở, phải chuyển đi, ở đó chỉ để đồ. Rất mong các cơ quan nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho chúng tôi làm lại cho yên tâm".
Hậu quả của "một nhà nhiều ông chủ"
Vụ sập biệt thự 107 Trần Hưng Đạo rõ ràng đã trở thành nỗi ám ảnh đối với những người dân đang sống tại các biệt thự cổ. Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.565 ngôi biệt thự cổ, trong đó có 225 biệt thự thuộc nhóm 1 (đa phần là 1 hộ hoặc 1 cơ quan sở hữu); 382 biệt thự nhóm 2; 646 biệt thự nhóm 3; còn lại 312 biệt thự không có giá trị bảo tồn, đã xuống cấp hoặc đã được cải tạo, xây dựng thành nhà mới.
Theo các chuyên gia, việc người dân tự ý cơi nới và cải tạo ở các biệt thự cổ là một trong những nguyên nhân làm thay đổi kết cấu công trình, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sập đổ. Bên cạnh đó, sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng trong một thời gian dài đã dẫn đến việc mạnh ai nấy sửa, không có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể.
Ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, bất cập lớn trong quản lý biệt thự cổ hiện nay là vấn đề sở hữu.
Theo ông Lê Văn Thịnh: "Trước đây, biệt thự từ thời Pháp thuộc là chỉ có một ông chủ, nhưng bây giờ thì có quá nhiều ông chủ ở trong các biệt thự này. Một biệt thự sau khi sụp đổ thì hiện chính quyền Hà Nội đang phải lo di chuyển họ tới 40 căn hộ để tạm cư. Tôi nghĩ, không bao giờ một biệt thự bị nhồi từng ấy người vào. Cho nên thực chất là tất cả các hộ ở biệt thự đã không thực hiện công tác bảo trì công trình, mà ngược lại họ thi nhau phá vỡ toàn bộ công năng, kiến trúc và kết cấu của biệt thự. Tất cả việc làm này của nhiều ông chủ đe dọa đến sự an toàn của từng biệt thự. Đây là bất cập cực kỳ lớn".
Thiếu minh bạch trong bảo trì, bảo tồn
Đáng lưu ý là đối với những biệt thự thuộc danh mục phải bảo tồn, trong đó có biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, cách quản lý hiện đang có nhiều vấn đề phải bàn. Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với những biệt thự này, đơn vị trực tiếp sử dụng, có thể theo dõi, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thì không được phép cải tạo, sửa chữa, bị ràng buộc bởi những thủ tục phức tạp của bảo tồn, còn cơ quan quản lý, thực hiện bảo tồn biệt thự cổ không can thiệp trực tiếp nhưng lại luôn muốn bảo vệ, giữ gìn công trình đó. Thiếu minh bạch trong trách nhiệm bảo trì, duy tu, bảo tồn là một thực tế hiện nay.
Điều này càng thể hiện rõ khi đại diện Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, năm 2009, đơn vị này đã xin phép UBND thành phố Hà Nội cho di dời dân cư ở khu vực nhà biệt thự 107 Trần Hưng Đạo để xây dựng trụ sở, vì toàn bộ dân cư ở đây đều là tạm cư, khó khăn về điều kiện sống, tòa nhà lại cũ, công năng không phù hợp. Tuy nhiên, do ngôi biệt thự này nằm trong quy hoạch quản lý nhà biệt thự cổ nên thành phố Hà Nội không giải quyết được.
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nói: "Tòa nhà này là tiếp quản của thời cũ nên quyền sử dụng tòa biệt thự này giấy tờ không đầy đủ, Tổng Công ty Đường sắt chưa được cấp sổ đỏ khu đất này. Thứ 2 nữa là lại nằm trong danh mục biệt thự bảo tồn, phải thực hiện theo quy định của Chính phủ. Cơ chế đó thì cũng giống như các tòa công sở và biệt thự khác ở Hà Nội. Rõ ràng giữa hai cái là muốn bảo tồn và khai thác, sử dụng công năng cũng như an toàn thì cần ngồi lại với nhau để xem lại sao cho phù hợp".
Ông Hoàng Tú
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Hoàng Tú, Trưởng Ban 61/CP, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dù đã được quan tâm từ lâu, nhưng phải đến năm 2009, Hà Nội mới chính thức thiết lập cơ chế quản lý biệt thự cổ. Do đây là công việc mới nên vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, nguồn lực để bảo tồn quỹ nhà này hiện rất khó khăn.
100% các công trình xây dựng từ trước năm 1954 đều đã xuống cấp theo thời gian, nhưng việc thực hiện kiểm tra, kiểm định toàn bộ các công trình này là không thể do kinh phí quá lớn. Chẳng hạn như nếu kiểm định công trình biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, kinh phí lên tới khoảng 500 triệu đồng. Do đó, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng biệt thự cổ là rất quan trọng trong việc thông báo với chính quyền sở tại, cơ quan chức năng những dấu hiệu mất an toàn của công trình.
Ông Hoàng Tú khẳng định, cơ quan chức năng chỉ kiểm định đối với những công trình nhà cổ mà bằng trực quan của các chuyên gia nhận thấy mất an toàn, kết cấu có vấn đề: "Việc báo phải kèm theo kết quả kiểm định của cơ quan có tư cách pháp nhân chứng minh nhà đó là nhà nguy hiểm, thì UBND thành phố sẽ tạo điều kiện cho họ sửa hoặc chống xuống cấp. Tôi nghĩ, Bộ Xây dựng cũng như UBND thành phố Hà Nội chắc sẽ có chỉ đạo rà soát, trước tiên giao cho chủ sử dụng, chủ sở hữu kê tự khai trước. Đối với trường hợp đặc biệt thì Nhà nước sẽ hỗ trợ để cùng thực hiện, những công trình cộng đồng quan tâm thì Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí kiểm định để khắc phục những nguy hiểm có thể xảy ra".
Rõ ràng, để xảy ra vụ sập biệt thự cổ như vừa qua, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng. Tuy nhiên, nếu không minh bạch trong trách nhiệm duy tu, bảo trì, bảo tồn và giải quyết được những lỗ hổng trong việc quản lý hiện nay, thì không thể chắc chắn rằng, một vụ sập biệt thự cổ khác sẽ không xảy ra./.
Lưu Huyền
Theo_VOV
Sập nhà cổ ở Hà Nội: Cần phải phá dỡ nhiều công trình lâu năm? "Cơ quan chức năng của TP. Hà Nội cần phải kiểm kê lại toàn bộ các ngôi nhà cổ để có phương án bảo tồn. Nếu cần thiết thì nên phá bỏ để đảm bảo an toàn cho người dân sống tại đó", TS Phạm Sỹ Liêm nói. Hiện dư luận đang rất quan tâm tới vụ việc ngôi nhà cổ của Pháp...