Gạo Việt không thể thua trên sân nhà
“Trong nước, thời gian tới, phải chú trọng vào thị trường tiêu thụ nội địa, tăng cường khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà, không để thua thiệt khi gạo ngoại tràn vào” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy khi chủ trì Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” được tổ chức tại An Giang vào ngày 15.3.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương trong vùng, các hiệp hội, hội, các nhà khoa học và đặc biệt là các doanh nghiệp, đại diện các hợp tác xã, hộ nông dân hưởng ứng và tham dự đông đủ. Thành phần này được Thủ tướng đánh giá có liên quan chặt chẽ với việc phát triển lúa gạo.
Gạo Việt đối diện gian nan
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2017 đạt 787.235 tấn, trị giá 328,183 triệu USD, giảm 18,5% về lượng và giảm 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến cuối tháng 2, hợp đồng xuất khẩu đăng ký đạt 1,850 triệu tấn (giảm 17.7%), hợp đồng còn lại chưa giao hàng là 1,170 triệu tấn. Tới đây, nhiều nước xuất khẩu gạo sẽ tăng cường giải quyết lượng gạo tồn kho nên nguồn cung sẽ rất lớn. Chẳng hạn, Thái Lan còn tồn kho 8,39 triệu tấn sẽ đẩy mạnh việc bán ra thông qua các đợt đấu thầu, làm tăng cạnh tranh giá.
Video đang HOT
Người dân huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang thu hoạch lúa. ảnh: Huỳnh Xây
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: “Dự báo năm 2017, ngành lúa gạo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài tăng cường năng lực sản xuất trong nước, hướng tới tự chủ về lương thực, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia đã thay đổi chính sách và phương thức nhập khẩu, xây dựng hàng rào kỹ thuật và tăng cường kiểm tra các điều kiện, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm”.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSCL có vai trò rất quan trọng, góp phần phát triển kinh tế của vùng và của cả nước, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định chính trị, xã hội, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân trong vùng. Riêng ĐBSCL đã đóng góp trên 90% lượng gạo xuất khẩu của toàn quốc.
Tuy nhiên, theo ông Cường, biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đối với ngành lúa gạo. Từ đầu mùa khô năm 2017, mặn xâm nhập sâu nhất từ 35-45km, tương đương trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2016 từ 20-25km. Trong tháng 3, mặn sẽ giảm nhưng tháng 4 sẽ tăng trở lại. Tuy ít khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân, nhưng cần đề phòng mặn xảy ra bất thường.
Về những khó khăn trong ngành lúa gạo trong thời gian hiện nay, bà Bùi Thị Thanh Tâm – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) cho biết, do sản xuất lúa của nước ta có quy mô manh mún nên rất khó kiểm soát về chất lượng khi xuất khẩu. Riêng về giống lúa, nhiều nước trên thế giới, chỉ có vài loại giống lúa nhưng nước ta quá nhiều. “Thái Lan có hơn 20 giống lúa nhưng chúng ta có hơn 200 giống” – bà Tâm nói.
Nhiều doanh nghiệp khác thì cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh với lúa gạo nước khác về giá trong thời gian tới. Nguyên nhân là do sử dụng nhiều lao động, nhiều tài nguyên đất, tài nguyên nước, phân bón, thuốc trừ sâu. Khi thu hoạch, vận chuyển sẽ thất thoát cao, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%…
Không thất thủ trước “làn gạo ngoại”
Giải pháp mới để đưa ngành lúa gạo ĐBSCL phát triển, giúp nâng cao thương hiệu gạo Việt Nam trên thế giới là tham gia sản xuất theo chứng nhận quốc tế SRP – thuộc Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP). Để đạt chứng nhận SRP, người dân ĐBSCL chỉ cần 6 tháng trong khi các nước khác cần 3 năm. Khi tham gia, giá thành sản xuất sẽ giảm khoảng 300 đồng/kg.
Ông Huỳnh VănThòn – Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời
Trước tình trạng trên, bà Tâm kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục chính sách mở rộng hạn điền để có vùng sản xuất lớn, đồng thời làm tốt công tác dự báo thị trường quốc tế mà không phải là dự báo trong nước như thời gian qua. Nguyên nhân là vì thị trường thế giới tác động mạnh đến giá cả. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt, triệt để chất hoá học trong sản phẩm gạo đã bị các nước khó tính kiểm soát. Bà Tâm cũng kiến nghị các ngành chức năng giám sát duy trì diện tích lúa, tránh trường hợp, nước xuất khẩu trở thành nhập khẩu.
Ngoài đề xuất trên, tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, tới đây phải đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Bởi nhiều năm qua, do chưa có thương hiệu nên việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong khi đó Campuchia là nước xuất khẩu gạo sau Việt Nam nhiều năm nhưng lại có thương hiệu gạo lớn.
Liên quan đến ý kiến của các đại biểu về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các ngành chức năng phải “tập trung xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng của đất nước vì đến nay vẫn chưa có”.
Theo Thủ tướng Chính phủ, để xây dựng thương hiệu trên, ngành nông nghiệp phải tìm cách hạ giá thành sản xuất, cải thiện chất lượng thông qua tăng cường cơ giới hoá, mở rộng hạn điền (có bồi thường thoả đáng cho người dân), ưu tiên doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tổ chức mô hình HTX kiểu mới và có những dự báo thị trương tốt. Ngoài tăng cường xuất khẩu, ngành nông nghiệp các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cần chú trọng vào thị trường tiêu thụ nội địa, tăng cường khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà, không để thua thiệt khi gạo ngoại tràn vào.
Để tạo điều kiện cho ngành lúa gạo phát triển và không bị cản trở bởi các chính sách, Thủ tướng đã chỉ đạo trực tiếp Bộ NNTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi nhiều nghị định chưa phù hợp trong tình hình mới.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đề nghị xem xét trình Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng từ 5% về 0%. Sau đó, Bộ Tài chính đã báo cáo với Thủ tướng. Tuy nhiên, vấn đề này phải do Quốc hội quyết nên không thực hiện được trong giai đoạn hiện nay. /.
Theo Danviet