Gạo Thái Lan nỗ lực tìm lại vị thế
Thái Lan đã khai trương một trung tâm xét nghiệm di truyền để cải thiện giống lúa sau khi loại gạo Hom Mali (hoa nhài) nổi tiếng của nước này bị một giống của Campuchia soán ngôi tại Hội nghị Lúa gạo Thế giới.
Gạo được bày bán tại cửa hàng ở Narathiwat, miền nam Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Giám đốc Cục Ngoại thương (DFT) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Ronnarong Phoolpipat, trung tâm xét nghiệm DNA tại Trung tâm Nghiên cứu Lúa gạo Ubon Ratchathani sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Thái Lan theo kế hoạch lúa gạo giai đoạn 2020 – 2024.
Dịch vụ xét nghiệm DNA sẽ giúp nông dân trồng lúa, các nhà máy xay xát và nhà kinh doanh gạo đảm bảo tính xác thực của sản phẩm thông qua các xét nghiệm di truyền nhanh chóng với chi phí thấp. Ông Ronnarong cho biết thêm rằng dịch vụ này nhằm củng cố danh tiếng quốc tế của gạo Thái Lan và tạo lợi thế trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
Tại Hội nghị Gạo Thế giới vào tháng trước, các giám khảo cho rằng gạo Thai Hom Mali đã đánh mất hương thơm nổi tiếng của nó và tôn vinh giống gạo hương nhài Phka Rumduol của Campuchia là ngon nhất thế giới.
Gạo thơm Hom Mali là giống gạo ngon nổi tiếng của Thái Lan. Trong giai đoạn từ tháng 1 – 10/2022, lượng gạo Hom Mali xuất khẩu đạt 1,28 triệu tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
DFT cho biết Thái Lan có thể sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo trong năm nay và thậm chí có thể vượt mục tiêu lên 8,58 triệu tấn.
Ông Ronnarong cho biết việc Iraq nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo trong 10 tháng đầu năm nay đã giúp xuất khẩu gạo của Thái Lan tăng 500% so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, xuất khẩu gạo sang 2 thị trường trọng điểm là Mỹ và Philippines đều tăng lần lượt là 25% và 44%. Ông Ronnarong kỳ vọng xuất khẩu gạo sẽ tăng hơn nữa trong năm 2023 nhờ tỷ giá hối đoái và việc nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID-19. Hiện Indonesia và Bangladesh đã bày tỏ sự quan tâm đến việc nhập khẩu gạo từ Thái Lan vì sản lượng thu hoạch của 2 quốc gia đông dân này không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Video đang HOT
Ông Ronnarong cho biết DFT sẽ gặp các nhà xuất khẩu gạo chủ chốt vào tháng tới để đặt mục tiêu xuất khẩu cho năm 2023. Bên cạnh đó, Cục cũng có kế hoạch tổ chức Hội nghị gạo Thái Lan vào năm tới, cũng như tham gia các hội chợ quốc tế như BioFach của Đức, Gulfood 2023 của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Foodex 2023 tại Nhật Bản, China – Asean Expo 2023 và Fine Food 2023 tại Australia để quảng bá gạo Thái Lan.
Thời tiết cực đoan đe dọa các vựa lúa của châu Á
Thời tiết khắc nghiệt có thể gây ra mối đe dọa đối với hơn 2 tỷ người ở châu Á phụ thuộc vào lúa gạo như loại lương thực chính.
Hơn 90% lượng gạo trên thế giới được sản xuất và tiêu thụ ở châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters
Tháng 6, Mahendra Pratap bắt đầu gieo hạt trên cánh đồng của nhà tại Kannauj, bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) với hy vọng sẽ có một mùa vụ bội thu.
Năm trước, những trận mưa lớn đã phá hủy mùa màng và ông không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ chính phủ. Đến năm nay, cũng trong đợt gió mùa, ông lại phải đối mặt với vấn đề trái ngược: mưa quá ít. Tính đến tháng 8, gần 90% cây trồng của ông đã héo khô.
"Năm nay đất đai cằn cỗi và chúng tôi chưa nhận được sự hỗ trợ nào", người nông dân Pratap chia sẻ với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), đồng thời cho biết thêm những người khác cũng gặp vấn đề tương tự.
Các chuyên gia nhận định thời tiết khắc nghiệt ở các quốc gia sản xuất gạo lớn trên thế giới bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan đang đe dọa sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm nay, từ đó ảnh hưởng đến hơn 2 tỷ người ở châu Á phụ thuộc vào lúa gạo như một loại lương thực chính.
Trong bối cảnh giá lương thực tăng vọt trong năm nay, gạo phần lớn vẫn duy trì giá cả phải chăng do 4 năm thu hoạch dồi dào trước đó.
Nhưng sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm chi phí phân bón cao sau xung đột ở Ukraine, đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán ở Trung Quốc, lượng mưa thấp ở Ấn Độ và lũ lụt ở Pakistan đang đe dọa sản lượng gạo và đẩy giá lên cao.
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), hơn 90% lượng gạo trên thế giới được sản xuất và tiêu thụ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc là nhà sản xuất và nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nước này vẫn chủ trương tự cung tự cấp và duy trì lượng gạo tồn kho hơn 100 triệu tấn.
"Do đợt hạn hán vừa qua, các cánh đồng lúa tại Trung Quốc bị ảnh hưởng và từ đó có thể ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu", Guillherme Campos - quản lý cố vấn kinh doanh quốc tế tại công ty dịch vụ đa lĩnh vực Dezan Shira & Associates ở Hong Kong (Trung Quốc) - cho hay.
Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu gạo sang Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản, song không phải là nước xuất khẩu gạo lớn trên toàn cầu.
Quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới là Ấn Độ, cung cấp lương thực cho người dân tại ít nhất 150 quốc gia. Các mối đe dọa đối với hoạt động sản xuất đã làm dấy lên lo ngại rằng Ấn Độ sẽ chặn đường xuất khẩu. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra lời hứa đảm bảo rất khó xảy ra lệnh cấm toàn diện. Hồi tháng 5, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu lúa mì sau đợt nắng nóng kỷ lục bóp nghẹt sản lượng của quốc gia.
Tuần trước, phương tiện truyền thông Ấn Độ đưa tin chính phủ nước này đang xem xét một lệnh hạn chế xuất khẩu gạo tấm 100%, chiếm phần lớn lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc từ Ấn Độ và được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 12/8, nguồn cung gạo toàn cầu dự kiến giảm 4,1 triệu tấn xuống 697,3 triệu tấn trong năm 2022-2023, chủ yếu do sản lượng giảm ở Bangladesh và Ấn Độ,.
Hạn hán của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến 1,2 triệu ha đất ở nhiều tỉnh dọc theo lưu vực sông Dương Tử, một khu vực sản xuất gạo chủ lực của nước này. Nhà phân tích Campos giải thích: "Mặc dù vụ đầu tiên trong ba vụ lúa của Trung Quốc được thu hoạch trong điều kiện bình thường, vụ thứ hai đang bước vào giai đoạn trổ bông và đây là thời kỳ nhạy cảm nhất với nhiệt độ và nước. Những cánh đồng không có nước tưới sẽ phải chịu tác động của nhiệt độ cao kỷ lục".
Theo hải quan Trung Quốc, ngay cả trước khi xảy ra nạn hạn hán, xuất khẩu gạo của nước này đã giảm trong 7 tháng đầu năm 2022, giảm 18,42% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng gạo xuất khẩu sang Hàn Quốc và Philippines sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đợt hạn hán lần này.
Các nhà phân tích cho biết, do Trung Quốc không phải là nước xuất khẩu gạo lớn, các bên nhập khẩu có thể chuyển sang các nước sản xuất gạo khác. Tuy nhiên, tác động từ mối đe dọa đối với vụ thu hoạch của Trung Quốc cũng đang được các nước láng giềng xem xét kỹ.
Tại Philippines, một nhà lập pháp đã lên tiếng cảnh báo nguồn cung gạo có thể bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở lưu vực sông Dương Tử và hối thúc chính phủ đảm bảo các hợp đồng mua gạo với Việt Nam và Thái Lan, các nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới. Philippines nhập khẩu một lượng lớn gạo từ các nước và đang phải vật lộn với giá lương thực liên tục tăng và đồng peso mất giá.
Ấn Độ, chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu, ghi nhận lượng mưa thâm hụt đáng kể ở các bang sản xuất gạo quan trọng như Uttar Pradesh, Bihar, Jharkhand và Tây Bengal trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8.
Vinod Kaul, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ (AIREA), cho biết bất kỳ thách thức nào cũng không có khả năng gây thiệt hại cho xuất khẩu gạo nói chung, đồng thời nhấn mạnh đến sự đảm bảo của chính phủ.
Tính đến ngày 1/7, dự trữ gạo của Ấn Độ ở mức 47 triệu tấn, cao hơn nhiều so với lượng bắt buộc là 13,5 triệu tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, cho đến nay, sản lượng gạo cho giai đoạn 2021-2022 đang ở mức 130 triệu tấn, cao hơn 6 triệu tấn so với năm trước.
Tuy nhiên, tổng diện tích trồng lúa ở Ấn Độ đã giảm từ gần 39,1 triệu ha xuống 36,7 triệu ha từ đầu năm tính đến tháng 8. Với tình trạng hạn hán, sản lượng trong vụ thu hoạch vào tháng 10 có thể không mạnh như trước.
Nguồn cung gạo thế giới đối mặt rủi ro vì tình hình thiếu mưa ở Ấn Độ Gạo có thể trở thành thách thức tiếp theo đối với nguồn cung lương thực toàn cầu khi tình trạng thiếu mưa ở Ấn Độ - nước xuất khẩu lớn gạo nhất thế giới - khiến diện tích trồng trọt bị thu hẹp nhiều nhất trong ba năm. Các thương nhân lo ngại rằng sản lượng gạo giảm sẽ làm phức tạp thêm...