Gạo độc ở Trung Quốc
Tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Xu Limin đang đi mua gạo ở cửa hàng thực phẩm hữu cơ, cô không muốn mua phải gạo trồng ở miền nam Trung Quốc.
Những thửa ruộng bậc thang ở Trung Quốc.
“Tôi không quá kén chọn về từng loại thực phẩm, nhưng riêng gạo lại là thứ quan trọng nhất, tôi muốn mua loại gạo sạch nhất” – Xu nói. Cô năm nay 28 tuổi, đang là nhân viên văn phòng tại Bắc Kinh.
“Ai cũng biết rằng gạo ở miền nam bị nhiễm độc, nên tôi muốn mua gạo ở miền bắc, hoặc thậm chí là nhập khẩu” – Xu nói.
Chỉ tính riêng trong phạm vi vấn đề an toàn thực phẩm, gạo bị nhiễm độc cũng có thể là vấn đề lớn nhất. Gạo là loại lương thực chủ lực, gắn liền với lịch sử, văn hóa và tất cả những gì thuộc về Trung Quốc.
Mặc dù việc trồng lúa tại Trung Quốc đang giảm do đất nước trở nên giàu có hơn và đô thị hóa, Trung Quốc vẫn sản xuất gần 1/3 sản lượng gạo thế giới. Họ cũng là quốc gia tiêu thụ gạo nhiều nhất.
Video đang HOT
Do vậy, khi các báo cáo hồi đầu năm đề cập tới việc hơn 10% lượng gạo sản xuất trong nước và tổng số 12 triệu tấn thóc lúa có thể bị nhiễm kim loại nặng do đất ô nhiễm, người tiêu dùng hết sức lo ngại.
Rất nhiều người như Xu nghe được tin đồn về các loại gạo bị nhiễm bệnh. Xu nói rằng cô không bị sốc khi đọc các báo cáo, nhưng các báo cáo này đã khẳng định các nghi ngờ của cô là đúng. Điều đó khiến cô tìm kiếm các loại gạo đắt hơn và đặc thù hơn.
Cũng giống như các loại thực phẩm khác tại Trung Quốc, rất khó có thể nói cho đích xác nguồn gốc của thực phẩm và liệu chúng có bị nhiễm độc hay không.
“Gạo ở miền bắc thường ngắn hơn, dày hạt hơn và chất hơn” – Xu chia sẻ kinh nghiệm chọn gạo.
Báo cáo về gạo nhiễm độc đã thu hút rất nhiều sự chú ý trong tháng Hai vừa qua, khi các phương tiện truyền thông của Trung Quốc nhấn mạnh vào các nghiên cứu khoa học cho thấy 10% gạo trong nước nhiễm chất catmi. Thứ kim loại nặng độc hại này được cho là đã bị lắng đọng trong các thửa ruộng màu mỡ ở miền nam đất nước và có nguồn gốc từ nước cống và rác thải công nghiệp.
Các tạp chí điều tra của Trung Quốc nhấn mạnh vào các trường hợp điển hình tại các ngôi làng, nơi mà toàn bộ dân cư đều bị ảnh hưởng từ các loại cây trồng kém chất lượng. Tại một ngôi làng ở tỉnh Quảng Tây, các nông dân đã mô tả kỹ lưỡng về một hiện tượng nhiễm độc chất catmi, gây nên bệnh đau xương và đau khớp trầm trọng. Ngoài ra, nó còn có thể gây tổn thương thận.
Phản ứng dữ dội của công chúng về loại gạo độc này cũng nhanh chóng được dập tắt sau khi chính quyền hứa hẹn sẽ có các giải pháp bền vững để giải quyết vấn đề này.
Năm 2008, các nhà khoa học tại Đại học Nông nghiệp Nam Kinh đã thực hiện một nghiên cứu mang tính bước ngoặt về gạo. Tuy nhiên, họ đang từ chối nói thêm về vấn đề này, và nói rằng các thông tin đã được đưa công khai và không có gì để nói thêm.
Các chuyên gia về an ninh thực phẩm cho biết gạo bị nhiễm độc mới chỉ là phần nổi của tảng băng và chỉ ra các vấn đề lớn hơn trong nguồn cung thực phẩm.
Guo Hongwei – một nhà nghiên cứu về thực phẩm và dinh dưỡng tại Đại học Phục Đán tại Thượng Hải – cho biết: gạo bị nhiễm độc là một đề tài hóc búa và khó giải quyết bởi mức độ ô nhiễm đang ở mức cao nhất tại các nguồn nước, trang trại và rất khó để có thể nói rằng những gì tác động lên hạt gạo có thể sẽ xảy ra với người tiêu dùng ở cuối chuỗi cung ứng.
Fan Zhihong – một luật sư nổi tiếng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm – bình luận: gạo nhiễm độc là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
“Bạn không thể nói chỉ bằng cách nhìn và thậm chí bạn không thể nếm chúng” – Fan nói. “Đó còn tùy thuộc vào các cơ quan an toàn thực phẩm quan tâm tới việc này tới đâu. Nhưng những thành phần như catmi không thường xuyên được kiểm tra trong suốt quá trình giám sát, điều này khiến cho sự việc nguy hiểm hơn vì không có ai giám sát”.
Vai trò của gạo với tư cách là thực phẩm chính cho gần 2/3 dân số Trung Quốc đồng nghĩa với việc người tiêu dùng không thể chuyển đổi dễ dàng sang một loại khác khi họ lo ngại về vấn đề này.
“Gạo rất khó để thay thế” – Fan nói. “Bạn có thể chuyển đổi sang một loại hoa quả hoặc cá khác nếu như một loại nào đó bị cho là nhiễm độc. Nhưng bạn không thể nhịn ăn cơm được lâu”.
Fan nói rằng giải pháp nằm ở chỗ thông tin tốt hơn cho người dân và bảo vệ môi trường. Nếu người tiêu dùng hiểu rõ mối liên hệ giữa ô nhiễm và vấn đề thực phẩm, họ sẽ bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề môi trường.
Theo VietNamNet
5 bệnh đáng sợ do rượu
Uống quá nhiều rượu sẽ sinh ra các bệnh liên quan đến gan, rối loạn tâm thần và hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày và bệnh tim. Đó là những bệnh có tỉ lệ tử vong cao.
Tác hại của rượu
Theo nhiều nghiên cứu, chất cồn khi vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù chỉ rất ít cũng sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khoẻ thể chất và tâm thần. Trước tiên, nó tác động trực tiếp đến tâm lý: làm giãn các mạch máu, đặc biệt là các mạch máu bên ngoài. Điều đó lí giải vì sao sau khi dùng đồ uống có cồn chúng ta lại có cảm giác ấm lên.
Sau khi uống rượu, việc điều chỉnh nhiệt lượng tự nhiên của cơ thể không còn hiệu lực nữa, do cồn còn có tác dụng gây mê nên cảm giác lạnh không còn cảm nhận được. Do đó uống rượu trong mùa đông có thể dẫn đến lạnh cóng mà chết.
Chất cồn tác động rất lớn đến bộ não. Cồn cũng ảnh hưởng đến tình dục và khả năng có con. Cồn làm giảm tính tự kiềm chế và vì thế tăng hưng phấn tình dục. Cồn thuộc vào các chất có tác dụng độc hại đến tinh hoàn và tinh trùng.
Nam giới uống rượu trước khi sinh hoạt tình dục chẳng những làm tăng khả năng sảy thai mà còn có thể ảnh hưởng đến việc phát triển của đứa con sinh ra. Người mẹ uống rượu trong thời gian mang thai dễ sinh ra các đứa trẻ có khuyết tật về trí tuệ.
Các bệnh do nghiện rượu
Viêm gan
Viêm gan do rượu là tình trạng viêm và hoại tử tế bào gan kéo dài 1 đến 2 tuần. Triệu chứng gồm: chán ăn, buồn nôn, ói, đau bụng, sốt, vàng da, thỉnh thoảng có rối loạn tâm thần. Bệnh có thể diễn tiến đến xơ gan do rượu qua nhiều năm. Xơ gan do tế bào gan bị tổn thương thường xuyên. Gan nhiễm mỡ là giai đoạn sớm của bệnh gan do rượu, nếu bệnh nhân ngừng uống rượu ở giai đoạn này, bệnh có thể tự khỏi.
Rượu có thể gây tổn thương gan dù uống ít nếu dùng chung với thuốc có chứa acetaminophen. Viêm gan do rượu thường xảy ra ở người nghiện rượu, nhưng nó cũng xảy ra ở người thỉnh thoảng uống rượu. Viêm gan do rượu có thể gây tử vong, đặc biệt nếu bệnh nhân có tổn thương gan trước đó.
Sảng run
Bệnh sảng run chỉ xảy ra ở người nghiện rượu. Đây là biến chứng trầm trọng và thường gặp nhất ở người nghiện rượu. Bệnh này cũng được gọi là "hội chứng cai rượu". Nguyên nhân gây ra sảng run là nhiễm độc hệ thần kinh và rối loạn chuyển hóa do rượu. Bệnh xuất hiện sau khi ngừng uống rượu từ khoảng 12 - 48 giờ với 2 nhóm triệu chứng nổi bật.
Một là rối loạn ý thức kiểu mê sảng: mất năng lực định hướng không gian và thời gian, nhận dạng người thân kém, mất ngủ hoàn toàn hay ngủ chập chờn vật vã với nhiều ác mộng; luôn ở trong tình trạng lo âu, sợ hãi, căng thẳng, nhìn nhưng không thấy; có các ảo giác, ảo thanh... nên hay có các phản ứng tự vệ nguy hiểm cho người xung quanh.
Hai là các rối loạn về thần kinh: toàn thân run lập cập, nói lắp bắp ngắc ngứ, đi loạng choạng nên rất dễ vấp ngã gây chấn thương sọ não, gãy xương, vỡ tạng... Nặng hơn, có bệnh nhân còn lên cả cơn co giật như động kinh. Tình trạng rối loạn ý thức thường tăng lên về chiều tối.
Ngoài ra, người bị sảng run còn có các rối loạn thần kinh thực vật trầm trọng như ra mồ hôi đầm đìa như tắm ngay cả khi nghỉ ngơi, khát nước, da tái, kém đàn hồi, đái ít, buồn nôn, nôn, đau bụng, đi lỏng, sốt, tim đập nhanh, huyết áp không ổn định... Một số rất ít trường hợp sảng run tự thuyên giảm sau vài ngày. Phần lớn trường hợp nếu không điều trị sẽ tiến triển xấu; các rối loạn ngày càng trầm trọng, khiến người bệnh có nguy cơ tử vong.
Bệnh gút
Lượng cồn nhiều là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh gút. Ban đầu, các chất cồn dư thừa, tích tụ lại sau nhiều lần quá chén sẽ gây ra những trục trặc cho quá trình trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng. Sự tích tụ chất này trong các ổ khớp sẽ dẫn đến bệnh gút, hay còn gọi là bệnh thống phong, phá huỷ mạn tính khớp, gây nên các cơn viêm khớp thống phong cấp với các biểu hiện sưng đỏ và đau nhức.
Uống liên tục rượu mạnh sẽ làm gia tăng lượng axít uric trong máu. Bệnh gút nếu để xảy ra biến chứng thì người bệnh khó tránh bị tổn thương thận, có thể gây sỏi thận.
Bệnh tim mạch
Tim cũng có cấu tạo là một loại cơ, mà các loại đồ uống có nồng độ cồn cao làm suy yếu các cơ nên đương nhiên sẽ làm suy yếu tim mạch. Tim sẽ không thể bơm máu đi một cách hiệu quả như bình thường. Nồng độ cồn càng cao, tác động lên tim càng lớn, chúng làm hẹp các mạch máu và tăng áp lực trong máu, buộc tim phải hoạt động mạnh hơn. Ngoài ra chúng còn gây ra chứng rối loạn nhịp tim.
Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng
Sau khi được đưa vào cơ thể, dạ dày là trạm dừng chân đầu tiên của cồn. Chỉ trong vòng 5 phút, 20% quân số sẽ lập tức xâm nhập vào máu bằng cách trượt đi giữa các tế bào biểu mô sản xuất chất nhày. Tại đây, cồn sẽ làm suy yếu các biểu mô bảo vệ dạ dày, do đó tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm, ợ nóng, viêm loét và chảy máu.
Chứng nghiện rượu ngoài ra còn ảnh hưởng đến toàn gia đình. Việc dùng vũ lực đối với người chung sống hay con cái có thể là áp lực rất lớn lên cuộc sống gia đình. Thường hay dẫn đến ly dị. Con cái của những người nghiện rượu sau này thường hay có những kiểu cách, hành vi nhất định và đặc biệt là có nhiều nguy cơ trở thành nghiện hay gắn bó với một người nghiện rượu.
Theo SK&ĐS
Cách xử trí nhiễm độc thức ăn Nhiễm khuẩn, nhiễm độc ăn uống là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường tiêu hóa, thường do vi khuẩn gây ra do thức ăn bị nhiễm bẩn trong quá trình cầm nắm, lưu trữ, bảo quản, chế biến. Đây là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể gây tình trạng bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến tử...