Gang xỉ Formosa về Thái Nguyên : Vượt ngưỡng nguy hại hay an toàn?
Sở TN&MT Thái Nguyên khẳng định hơn 20.000 tấn gang xỉ của Formosa được vận chuyển về tỉnh làm nguyên liệu tái chế vượt ngưỡng nguy hại.
Trong công văn ngày 16/4 gửi Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường và Sở TN&MT Hà Tĩnh, Sở TN&MT Thái Nguyên cho biết, nồng độ pH trong chất thải xỉ từ công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) được bán cho các đơn vị thuộc tỉnh Thái Nguyên làm vật liệu tái chế có nồng độ pH vượt ngưỡng nguy hại theo quy chuẩn QCVN07:2009/BTNMT.
Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Ảnh: Hoàng Long
Chiều nay, Phó giám đốc Sở TN&MT Thái Nguyên Nguyễn Thế Giang cho biết, văn bản này nằm trong nội dung trao đổi thông tin theo đề nghị của Sở TN&MT Hà Tĩnh về việc xác minh việc thu mua thải xỉ của FHS để tái chế, tái sử dụng vật liệu gang xỉ có nguồn gốc từ FHS.
Cụ thể, FHS chuyển giao nguồn gang xỉ cho công ty TNHH đầu tư và phát triển MHD Việt Nam (MHD). Đơn vị này tiếp tục bán cho 6 cơ sở ở Thái Nguyên: Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái, công ty TNHH SXTM Trường Huy, 2 hộ gia đình, công ty TNHH Minh Bạch và công ty CP Cơ khí Gang thép.
Sở đã rà soát hồ sơ, kiểm tra đối với 6 đơn vị; lấy mẫu gang xỉ tại công ty Trường Huy, mẫu bùn thải tại công ty Bắc Thái để phân định chất thải nguy hại.
Kết quả phân tích mẫu cho thấy, nồng độ pH đều vượt ngưỡng nguy hại theo QCVN07:2009/BTNMT.
Chất thải rắn phát sinh từ FHS
Hợp đồng mua gang xỉ có nguồn gốc từ Formosa được đưa về Thái Nguyên lên đến hàng chục nghìn tấn. Công ty Bắc Thái và công ty Trường Huy có hợp đồng thu mua gang xỉ từ MHD để chế biến với tổng khối lượng hơn 20.000 tấn.
Bốn đơn vị còn lại có hợp đồng mua gang xỉ nhưng chưa nhận chuyển giao.
Video đang HOT
3/6 cơ sở không có chức năng nghiền tuyển gang xỉ trong đề án bảo vệ môi trường là: Công ty Bắc Thái, công ty Minh Bạch và công ty Cơ khí Gang thép.
Sở TN&MT Thái Nguyên đã lấy mẫu gang xỉ tại bãi nguyên liệu đầu vào của các cơ sở mang đi phân tích. Kết quả cho thấy chỉ số pH đều vượt ngưỡng nguy hại.
“Việc lấy mẫu giám định theo quy trình. Các đơn vị thu mua mang về Thái Nguyên tái chế nếu không đủ điều kiện thì sẽ bị xử lý. Với những đơn vi tiêu thụ chất thải có nguy hại, nguồn pH vượt ngưỡng, trong văn bản đã nói rõ sẽ xử phạt đơn vị nào không đủ điều kiện; hồ sơ xử phạt vi phạm sẽ được thực hiện theo đúng quy trình” – ông Giang nói.
Bộ khẳng định an toàn
Bộ TN&MT trong thông cáo phát ra tối qua cho biết, công tác quản lý, giám sát FHS thời gian qua luôn được Bộ thực hiện nghiêm túc. Kết quả giám sát từ tháng 7/2016 đến nay cho thấy, FHS đã quản lý được các loại chất thải rắn phát sinh từ khi vận hành lò cao số 1 theo đúng quy định.
Cụ thể: Nhóm chất thải đã được hợp chuẩn/hợp quy là sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, được bán ra bên ngoài hoặc tự tái sử dụng tại FHS theo các mục đích đã hợp chuẩn/hợp quy, gồm: Xỉ hạt lò cao; tro bay nhà máy điện; thạch cao nhà máy điện; tro đáy nhà máy điện được sử dụng làm nguyên liệu phụ gia khoáng cho xi măng, bê tông, vữa xây dựng.
Một số loại xỉ thép (gồm: xỉ lò chuyển, xỉ đúc, xỉ khử lưu huỳnh) phát sinh sau khi hợp chuẩn được dùng làm phụ gia xi măng, vật liệu cấp phối cho đường giao thông và vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng, giao thông.
Tổng khối lượng đã phát sinh hơn 1 triệu tấn đã sử dụng trong công trình đường giao thông và vành đai cây xanh trong nội bộ nhà máy là 238.000 tấn, chuyển giao cho các nhà máy xi măng và sản xuất vật liệu xây dựng là 21.600 tấn, hiện đang tồn hơn 880 ngàn tấn được lưu giữ tại 3 bãi chứa xỉ thép trên bờ.
Nhóm chất thải có hàm lượng sắt cao có thể tự tái chế, tái sử dụng nội bộ hoặc chuyển giao cho các cở sở để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất chủ yếu là bụi thu hồi từ các xưởng sản xuất, bùn lò chuyển, gang xỉ, thép xỉ, bột từ.
Riêng đối với 1.334 tấn bùn cán nóng (thành phần chủ yếu là vảy cán) và 28.737 tấn bùn bụi phối trộn do có hàm lượng tổng dầu cao chưa được phép tái sử dụng, FHS đang lưu giữ trong thời gian chờ hoàn thành lắp đặt bổ sung thiết bị xử lý khí thải SO2, NOx và Dioxin/Furan tại 2 máy thiêu kết…
Bộ TN&MT cho biết chưa nhận được văn bản của Công an tỉnh Hà Tĩnh, song sẽ giao Tổng cục Môi trường nghiêm túc nghiên cứu để tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động bảo vệ môi trường đối với FHS nói riêng và các doanh nghiệp trên cả nước nói chung.
Thái Bình
Theo VNN
Formosa Hà Tĩnh xây dựng không phép bức tường thành vững chắc cao hơn 4m bằng thép
Mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vẫn sử dụng xỉ thép làm vành đai đường công vụ.
Nguồn tin riêng của VietNamNet, trong năm 2018, Formosa Hà Tĩnh đã sử dụng sản phẩm xỉ thép tái chế làm các "núi nhân tạo" dọc đường công vụ trong nhà máy.
Công trình này là một hạng mục được bổ sung làm mới nằm trong khuôn viên dự án khu liên hợp gang thép của công ty Formosa.
Công trình làm bằng xỉ thép cạnh đường công vụ trong nhà máy Formosa
Công trình được xây dựng tại khu vực phía nam xưởng luyện cốc và nhà máy nhiệt điện, bên ngoài hồ xả lũ TC2 và TC3.
Dãy "núi" này có tổng chiều dài 2.035m; mặt cắt ngang hình thang có chiều cao công trình từ 4,5m đến 10m; bề rộng chân từ 12m đến 30m; phía trên bề mặt là mặt đường có chiều rộng 1m; lõi công trình sử dụng xỉ thép đầm chặt và bao phủ xung quanh bề mặt một lớp đất trồng cây có chiều dày khoảng 50cm.
Tại nhà máy Formosa Hà Tĩnh, đang tồn đọng một lượng xỉ thép khổng lồ. Công ty này vừa đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cho công ty dùng gần 1 triệu tấn xỉ thép san nền - Ảnh: H.N.
Sau khi kiểm tra công trình trên tại Formosa, ngày 23/7/2018, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo việc Formosa sử dụng sản phẩm xỉ thép tái chế.
Theo đó, Sở Xây dựng cho biết, công trình mà công ty Formosa gọi là đường công vụ sử dụng xỉ thép, theo quy hoạch của dự án thì hạng mục công trình này không có trong quy hoạch được phê duyệt.
Hạng mục công trình này được bổ sung xây dựng mới nhưng không thực hiện các hồ sơ thủ tục về đầu tư xây dựng theo quy định. Hạng mục trên đã thi công dược 31% khối lượng nhưng không có giấy phép xây dựng.
Công trình này cũng không được Formosa đề cập trong báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2015 và được triển khai thi công khi chưa thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tại nhà máy Formosa Hà Tĩnh, đang tồn đọng một lượng xỉ thép khổng lồ. Công ty này vừa đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cho công ty dùng gần 1 triệu tấn xỉ thép san nền - Ảnh: H.N.
Công ty Formosa chưa làm rõ sự phù hợp của chất lượng vật liệu xỉ thép làm vật liệu san lấp và đường giao thông theo các quy định của quyết định số 430/QĐ-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng.
"Việc xây dựng hạng mục công trình này của Formosa đã vi phạm quy định về quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và quản lý môi trường, vì vậy yêu cầu phải dừng thi công để xem xét, xử lý các vi phạm theo quy định", Sở Xây dựng Hà Tĩnh kết luận.
Ngày 14/3, vừa qua, Sở xây dựng Hà Tĩnh tiếp tục có văn bản số 467 hướng dẫn Fomosa sử dụng sản phẩm xỉ thép làm nguyên vật liệu xây dựng trong công trình vành đai cây xanh dọc tuyến đường công vụ.
Theo đó, Sở yêu cầu Formosa tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung công trình vành đại cây xanh dọc tuyến đường công vu vào quy hoạch xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương đã được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác đông môi trường của công trình trên. Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, thiết kế xây dựng công trình khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương đã được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, trong đó có thể hiện hạng mục điều chỉnh, bổ sung công trình vành đai cây xanh dọc tuyến đường công vụ.
Sản phẩm xỉ thép sử dụng vào thi công công trình phải được chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn viện dẫn tại hướng dẫn kỹ thuật về "Xỉ gang và xỉ thép sử dụng làm vật liệu xây dựng" được Bộ Xây dựng ban hành tại quyết định số 430/QĐ-BXD ngày 16/5/2017.
Khi chưa thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục nêu trên thì không đủ điều kiện để khởi công xây dựng công trình vành đai cây xanh dọc tuyến đường công vụ.
Về quy trình xử lý công trình "núi nhân tạo" của Formosa, trao đổi với chúng tôi, một cựu lãnh đạo Thanh tra môi trường, Sở TN-MT TP.HCM phân tích: "Khi phát hiện công trình xây dựng không phép, đầu tiên phải xử lý vi phạm về lĩnh vực xây dựng như lập biên bản yêu cầu dừng thi công, sau đó xử phạt kèm biện pháp khắc phục hậu quả như yêu cầu tháo dỡ, hoàn trả hiện trạng ban đầu. Đối với lĩnh vực môi trường, cơ quan quản lý cần phải lấy mẫu chất thải làm vật liệu xây dựng công trình không phép đưa đi phân tích xem đó là những chất gì, có nguy hại hay không để xử phạt theo quy định. Việc lập ĐTM chỉ áp dụng với công trình đầu tư mới, có nghĩa là phải có dự án cụ thể trình các cấp liên quan phê duyệt cho phép đầu tư rồi mới lập ĐTM".
Theo Vietnamnet
Formosa Hà Tĩnh trao tài trợ công ích với số tiền 2,2 tỷ đồng Tại chương trình chào Xuân 2019 tổ chức trưa 12/1, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã trao các phần tài trợ công ích cho thị xã Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh với tổng số tiền 2,2 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải cùng dự....