Gắn mác 16+ cho phim Việt – phân loại khán giả hay câu khách
Mác 16 là công cụ để phân loại khán giả. Nhưng nó cũng có thể trở thành “chiêu” hút khách nếu luật quy định thiếu cụ thể và việc quản lý chưa chuyên nghiệp.
Tính từ Tết Nguyên đán đến nay, điện ảnh Việt Nam đã cho ra mắt 7 bộ phim “16 ” (không dành cho khán giả dưới 16 tuổi), gồm Cô dâu đại chiến 2, Mất xác, Đoạt hồn, Hiệp sĩ mù, Bước khẽ đến hạnh phúc, Lạc giới và mới đây nhất là Hương Ga. Những tác phẩm này đều có những cảnh hoặc khêu gợi giới tính, hoặc bạo lực – kinh dị.
Trước đây, phim Việt gần như không phân loại độ tuổi. Những tác phẩm bị liệt vào danh sách “có yếu tố bạo lực – sex, vi phạm thuần phong mỹ tục” sẽ không thể ra rạp. Nhưng từ khi gia nhập WTO, luật điện ảnh sửa đổi đã cung cấp thêm công cụ cho việc kiểm duyệt, tạo cơ hội cho nhiều bộ phim “nhạy cảm” đến được với công chúng. Các tác phẩm điện ảnh bắt đầu được phân loại khán giả.
Năm 2007, phim kinh dị Mười do Việt Nam hợp tác với Hàn Quốc trở thành tác phẩm trong nước đầu tiên được gắn mác “16 ” vì có yếu tố kinh dị, máu me. Tiếp theo sau, các phim như Trung úy, Bi đừng sợ, Giữa hai thế giới… cũng đều phải giới hạn độ tuổi khán giả trước khi ra rạp.
“Lạc giới”, “Hiệp sĩ mù” và “Hương Ga” – ba phim Việt ra rạp gần đây đều cấm khán giả dưới 16 tuổi.
Với mác “16 “, các nhà làm phim Việt có cơ hội mở rộng đề tài và cách thể hiện. Việc phân loại này cũng khiến cho quy trình kiểm duyệt phim trở nên cởi mở hơn trước. Đạo diễn Lưu Huỳnh chia sẻ: “Sự xuất hiện nhiều phim Việt Nam được dán nhãn 16 phần nào cho thấy sự cởi mở của Hội đồng thẩm định Trung ương trong vấn đề duyệt phim. Thay vì cấm, việc phân loại độ tuổi giúp cho khán giả tìm đến bộ phim phù hợp với mình hơn”.
Với những bộ phim không dành cho khán giả dưới 16 tuổi, người xem được thông báo ngay từ quầy bán vé. Trước khi vào phòng chiếu, họ cũng được kiểm tra chứng minh thư để xác nhận có đủ tuổi thưởng thức bộ phim hay không.
Thu Phương, một khán giả 31 tuổi ở Hà Nội, cho biết: “Tôi nghĩ việc phân loại các phim là một cái lợi cho cả các nhà làm phim lẫn khán giả. Các đạo diễn có thể mạnh tay hơn ở những phim thuộc thể loại tâm lý ly kỳ, hành động, kinh dị để phục vụ cho mục đích sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, khán giả ở độ tuổi trưởng thành mong muốn được thưởng thức một bộ phim phù hợp cũng sẽ có những lựa chọn cho riêng mình. Một số lượng lớn phim kinh dị rùng rợn hay tâm lý tham gia các liên hoan phim lớn như Cannes hay Venice là phim được xếp loại chứ không dành cho khán giả đại chúng”.
“Hương Ga” có cảnh nóng giữa Trương Ngọc Ánh và Kim Lý.
Tuy nhiên, việc gắn mác “16 ” với các phim Việt vẫn còn nhiều bất cập. Việc đánh đồng tất cả những phim có yếu tố nhạy cảm như sex, bạo lực, kinh dị vào chung một “rọ” có thể tạo nên những phản ứng trái chiều.
Đạo diễn Lưu Huỳnh tỏ ra phân vân về cách dán mác “16 ” mà theo anh là chưa chặt chẽ như hiện nay. “Phim Hiệp sĩ mù của tôi được làm theo thể loại giả tưởng, cảnh đánh đấm trong phim tuy nhiều nhưng rất tiết chế ở các chi tiết máu me và không có những cảnh quá sốc. Vì thế, việc bị dán nhãn &’16 ‘ chung với các phim khác có đề tài giới tính nhạy cảm (như Lạc giới) là chưa thỏa đáng lắm”, Lưu Huỳnh chia sẻ.
Video đang HOT
Theo anh, việc dán nhãn “16 ” hoặc “18 ” cho một bộ phim trong nước sẽ dẫn đến hai khả năng: “Có thể khán giả tò mò tìm đến bộ phim để xem vì sao bị dán mác, nhờ vậy mà phim thu hút được lượng lớn khán giả. Nhưng ngược lại, đây cũng là con dao hai lưỡi vì phim có thể mất đi một lượng khán giả nhất định”.
Theo khảo sát tại các cụm rạp của CGV – hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất trong nước hiện nay, tỷ lệ khán giả đi xem phim ngoài rạp trong độ tuổi từ 18 đến 29 chiếm 71%. Thống kê ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) cũng cho thấy khán giả dưới 16 tuổi chiếm gần 40% và chủ yếu đi xem phim vào ban ngày, lượng khán giả trên 16 vẫn vượt trội với hơn 60%.
“Bước khẽ đến hạnh phúc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh được “quảng cáo” là có cảnh khỏa thân của Ngân Khánh và Quách Ngọc Ngoan.
Chính vì tỷ lệ phần trăm khá chênh lệch, lượng khán giả trên 16 vẫn chiếm phần đông nên việc dán nhãn cho một bộ phim thường kích thích, lôi kéo lượng người xem tới rạp hơn. Anh Thành, một khán giả 24 tuổi ở TP HCM, nhận định: “Tâm lý người Việt thường rất tò mò. Có thể một phim Việt ra rạp mà nhìn poster hay trailer không mấy hấp dẫn thì khó kéo được người xem ra rạp. Nhưng giả dụ nó được gắn thêm mác &’16 ‘ thì sẽ có rất nhiều người hiếu kỳ, chờ đón các cảnh nóng hay cảnh bạo lực”.
Ngoài ra, dựa vào mác 16 , nhiều nhà sản xuất sẽ có thể khai thác sâu vào các yếu tố câu khách, giật gân để phục vụ cho mục đích thương mại. Trào lưu này được đánh giá là dễ nhận thấy khi các phim giới hạn độ tuổi của Việt Nam gần đây đều ít gây được ấn tượng tốt về chất lượng nghệ thuật.
Trên thế giới, việc phân loại phim ở mỗi nền điện ảnh là khác nhau nhưng hệ thống phân loại phim của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ được coi là phổ biến nhất. Hệ thống này chia các phim làm 5 mác, gồm “G” (Dành cho mọi đối tượng), “PG” (Một số hình ảnh có thể không thích hợp cho trẻ em), “PG-13″ (Trẻ em dưới 13 tuổi cần có cha mẹ hay người giám hộ xem kèm), “R” (Không dành cho người dưới 16 tuổi mà không có cha mẹ xem kèm) và “NC-17″ (Không dành cho khán giả dưới 17 tuổi).
Trong một cuộc họp hồi đầu năm nay, Cục Điện ảnh từng tuyên bố dự kiến vào tháng 2/2015 sẽ có hệ thống phân loại phim chi tiết hơn, thay vì chỉ có hai loại là phim cho tất cả khán giả và phim “16 ” như hiện nay.
Theo VNE
Cuộc đua ngoạn mục cuối năm của làng phim Việt
Bộ phim kinh dị "Đoạt hồn" đã nổ phát pháo ngoạn mục cho một loạt những tác phẩm mới của điện ảnh Việt ra rạp từ nay đến cuối năm 2014.
Cảnh phim Đoạt hồn.
Khởi chiếu từ ngày 18/7, theo nhà sản xuất BHD, tác phẩm thứ 2 của đạo diễn Việt kiều Hàm Trần thực hiện tại Việt Nam đã thu hút gần 160.000 lượt khán giả, đạt doanh thu khoảng 12 tỷ đồng sau 4 ngày trụ rạp. Với sự tham gia của Trần Bảo Sơn, NSƯT Ngọc Hiệp, Minh Trang, Thương Tín, Hồng Ân, Suboi... bộ phim Đoạt hồn kể về bé gái 8 tuổi được tìm thấy xác tại một bờ sông sau một tuần bị mất tích. Sự việc trở nên bí ẩn khi cô bé bỗng bật dậy và có nhiều biểu hiện khác thường...
Cảnh phim Scandal - Hào quang trở lại.
Bộ phim Scandal- Hào quang trở lại (Early Risers Media Group và Galaxy sản xuất) thu hút sự sự quan tâm của công chúng ngay khi chưa bấm máy. Thành công của đạo diễn Victor Vũ qua loạt phim Cô dâu đại chiến, Thiên mệnh anh hùng, Scandal - Bí mật thảm đỏ và đặc biệt là Quả tim máu đã giúp anh trở thành một thương hiệu đủ sức hấp dẫn khán giả đến rạp, không cần đến ngôi sao. Với nội dung lấy ý tưởng từ vụ án bác sĩ Cát Tường chấn động dư luận, lại liên quan đến hậu trường showbiz cùng sự góp mặt của Trang Nhung, Chi Bảo, Thân Thúy Hà, Chiều Xuân... bộ phim Scandal - Hào quang trở lại có nhiều yếu tố hấp dẫn khiến khán giả không thể bỏ qua khi ra rạp vào 29/8.
Cảnh phim Hiệp sĩ mù.
Mặc dù ít kèn trống nhưng bộ phim hài - hành động Hiệp sĩ mù do ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đầu tư sản xuất cũng tạo nhiều sự tò mò. Tác phẩm do Lưu Huỳnh đạo diễn cùng dàn diễn viên mạnh với Đinh Y Nhung, Bình Minh, Quốc Cường, Quách Ngọc Ngoan và đặc biệt là "gà cưng" của Mr. Đàm - Ngọc Thanh Tâm. Chuyện phim xoay quanh Cường - một gã giang hồ hạng bét sau một đêm bỗng trở thành kẻ thống lĩnh toàn bộ thế giới ngầm và Linh - cũng sau một đêm đã mất đi đôi mắt và gia đình êm ấm. 2 con người là 2 thái cực hoàn toàn trái ngược trong cuộc sống, khi danh vọng của kẻ này lại là nỗi đau của người kia nhưng lại song hành cùng nhau. Hiệp sĩ mù sẽ ra rạp vào ngày 26/9.
Poster phim Sài Gòn tây du ký.
Trước khi Hiệp sĩ mù công chiếu, khán giả sẽ đón 4 thầy trò Đường Tăng trong truyện Tây du ký sang Việt Nam khi họ bị "mắc kẹt" tại Sài Gòn với nhiều chuyện dở khóc dở cười trong bộ phim Sài Gòn tây du ký. Phim có mặt nhiều gương mặt quen thuộc như ca sĩ Phương Thanh, Khởi My, Huy Khánh, Trương Thế Vinh... phát hành vào ngày 19/9.
Poster phim Lạc giới.
Sang tháng 10 là bộ phim Lạc giới (đạo diễn Phi Tiến Sơn, Tincom Media, HK Film, Pixel Garden sản xuất). Chuyện phim đề cập đến một đề tài khá nóng hiện nay - tình yêu song tính, xoay quanh mối tình tay ba giữa 2 người đàn ông và một người phụ nữ. Tác phẩm này quy tụ dàn diễn viên vừa mới vừa cũ như: Mai Thu Huyền, Trung Dũng, NSƯT Thành Lộc, Trung Dân, NSƯT Mỹ Uyên, Kim Khánh, Vũ Tuấn Việt, Mai Hồ, Tuyền Mập...
Nhiều ca sĩ trẻ góp mặt trong phim Chàng trai năm ấy.
Dự kiến công chiếu vào ngày 14/11, Chàng trai năm ấy (We Pro sản xuất) là tác phẩm điện ảnh thứ 2 của nhạc sĩ - đạo diễn Nguyễn Quang Huy - từng đạt được 6 giải Cánh diều Vàng với bộ phim đầu tiên Thần tượng. Được lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật, phim ấy hướng đến một góc nhìn đa chiều và hài hước về cuộc sống của một nhóm bạn trong showbiz. Phim có dàn diễn viên - ca sĩ trẻ khá hot gồm Sơn Tùng M-TP, Ngô Kiến Huy, Phạm Quỳnh Anh, Hứa Vĩ Văn, Hari Won...
Thái Hòa và Diễm My 9x trong phim Để Hội tính.
Tập trung cho mùa phim Giáng sinh và đón năm mới 2015 có khá nhiều anh tài, nhưng đáng chú ý nhất chính là Để Hội tính (Chánh Phương, Early Risers và Galaxy sản xuất), phần 2 của Để Mai tính (2010), do Thái Hòa viết kịch bản kiêm vai chính, Charlie Nguyễn đạo diễn, khai thác thêm về vật Hội vốn rất nhiều khán giả yêu thích. Vì có "ông hoàng phòng vé Việt" tung chiêu cùng Diễm My 9x, "Cù nèo vàng" Thu Trang... nên tác phẩm được dự đoán sẽ tạo nên cơn sốt mới, là đối thủ đáng gờm của nhiều bộ phim đang hoặc sẽ thực hiện dự kiến ra rạp thời điểm này như Ma hotgirl, Ngủ với hồn ma, Lời nguyền 7.27...
Cảnh phim Hương ga.
Còn một bộ phim được chờ đợi là Hương ga của đạo diễn Việt kiều Cường Ngô, thuộc thể loại tâm lý - hành động với câu chuyện hư cấu từ cuộc đời bà trùm giang hồ đất cảng Dung Hà. Mặc dù gần như đã hoàn thành, song nhà sản xuất của tác phẩm này vẫn chưa ấn định lịch chiếu. Đề tài hấp dẫn cùng với sự góp mặt của Trương Ngọc Ánh, Chi Bảo, Phương Thanh, Trang Trần cùng các gương mặt trẻ Huỳnh Anh, Ngọc Hiếu, Chi Pu... đủ để người xem hy vọng vào sự bùng nổ của Hương ga.
Dustin Nguyễn và đạo diễn Lê Văn Kiệt trên phim trường Dịu dàng.
Ngoài ra, mùa phim cuối năm còn có Dịu dàng (Coco Paris sản xuất) của Lê Văn Kiệt - đạo diễn Ngôi nhà trong hẻm - chuyển thể từ truyện ngắn A Gentle Creature của nhà văn Nga Fyodor Dostoyevsky, kể lại chuyện tình giữa người đàn ông trung niên và một cô gái trẻ trên nền bối cảnh đồng bằng sông Cửu Long. Vai nam chính được giao cho Dustin Nguyễn, còn vai nữ chính thuộc về một gương mặt mới toanh - Nguyễn Thanh Tú. Đúng như tên gọi, bộ phim này được thực hiện khá lặng lẽ, hầu như rất ít thông tin nên cũng khó đoán "chân cẳng" ra sao.
So với những năm trước, số đầu phim Việt năm nay nhiều hơn và nhìn tổng thể, chất lượng tốt hơn, đặc biệt là quy tụ nhiều đạo diễn Việt kiều "đua tài khoe phim". Ngoài các phim đã kể, khán giả còn có thể được xem Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Người truyền giống của đạo diễn Bùi Kim Quy, Cha con và... của đạo diễn Phan Đăng Di cùng một số dự án phim được nhận tài trợ của Nhà nước như Nhà tiên tri (Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam), Mỹ nhân (Công ty TNHH MTV Hãng phim Giải phóng), Thầu Chín ở Xiêm (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam),Những đứa con của làng (Công ty TNHH MTV Nam Phương)...
Theo zing
Cảnh nóng phim Việt: Con dao mấy lưỡi? Có lẽ do số lượng phim làm ra hằng năm vẫn còn khiêm tốn nên cảnh nóng phim Việt theo tỉ lệ hóa ra lại hơi nhiều. Khó mà phủ nhận rằng bức ảnh "nhìn thấy hết" từ phía sau cặp diễn viên chính của Bước khẽ đến hạnh phúc, khi được đưa lên mạng đã tác động đáng kể để dư luận...