“Gắn kết và chủ động thích ứng” là chủ đề của Năm ASEAN 2020
Tối 4-11, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Grand Diamond ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, đã diễn ra lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 và chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 cho Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha tại lễ tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020. Ảnh: TTXVN
Lễ chuyển giao diễn ra ngay sau lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan. Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, quốc gia Chủ tịch ASEAN 2019, đã trao chiếc búa Chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sự kiện này chính thức xác lập vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Gắn kết chặt chẽ
Phát biểu tại lễ chuyển giao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam lựa chọn “Gắn kết và chủ động thích ứng” là chủ đề của Năm ASEAN 2020. Thủ tướng cho biết, năm 2020 đánh dấu 50 năm hình thành Cộng đồng ASEAN. Trên nền móng vững chắc của hơn 5 thập kỷ phát triển của ASEAN, các quốc gia thành viên, tuy đa dạng về kinh tế, lịch sử, văn hóa, tiếp tục gắn kết chặt chẽ với nhau bởi những giá trị, tình cảm cộng đồng và trách nhiệm, lợi ích dưới một mái nhà chung.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh các nỗ lực liên kết khu vực, xây dựng cộng đồng đang được đẩy mạnh, trước những biến động mau lẹ, phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, khả năng gắn kết vững bền, hơn lúc nào hết, càng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN.
Cũng chính thông qua sự gắn kết bền vững đó mà Cộng đồng ASEAN có thể nâng cao năng lực thích ứng chủ động và hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, biến động của môi trường chiến lược, kinh tế toàn cầu và khu vực cùng với những thách thức xuyên quốc gia… đang hằng ngày tác động đến sự phát triển ổn định và bền vững của các quốc gia và cuộc sống của người dân.
Video đang HOT
Sau phát biểu của Thủ tướng, logo Năm ASEAN 2020 và video ngắn giới thiệu về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã được trình chiếu tại buổi lễ. Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 và cũng là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Trước đó, sáng 4-11, trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN – Mỹ lần thứ 7. Thừa ủy quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien cho biết, để góp phần hỗ trợ các nước tham gia sâu rộng hơn vào tiến trình hội nhập khu vực, Mỹ đề xuất sáng kiến “Mạng lưới các điểm xanh” (Blue Dot Network). Theo đó, các nước dẫn dắt sẽ đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn để các nước khác dựa vào đó tham gia các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Mỹ cũng đồng thời cam kết sẽ tham gia sâu hơn, phối hợp chặt chẽ hơn với ASEAN trong các cơ chế do ASEAN thành lập, dẫn dắt.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, Cố vấn An ninh Robert O’brien khẳng định lại lập trường của Mỹ, phản đối các hành vi ngăn cản hoạt động kinh tế hợp pháp trên biển, không tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước và luật pháp quốc tế trên biển Đông. Mỹ luôn mong muốn các nước ASEAN đề cao đoàn kết nhất trí, các bên kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng Tuyên bố Về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Phát biểu nhân tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ lần thứ 7, ông Robert O’Brien nêu rõ Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản các quốc gia ASEAN khai thác tài nguyên trên biển và tiếp cận nguồn dự trữ dầu khí ở biển Đông trị giá 2.500 tỷ USD. Tại hội nghị, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ cũng chuyển lời Tổng thống Donald Trump mời các nhà lãnh đạo ASEAN tới tham dự hội nghị cấp cao đặc biệt tại Mỹ vào quý 1 – 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Mỹ là một trong những đối tác lâu đời nhất của ASEAN. Thủ tướng hoan nghênh những cam kết của Mỹ với ASEAN, mong muốn Mỹ thể hiện trách nhiệm, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy để quan hệ ASEAN – Mỹ tiếp tục phát triển vì hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.
Trước đó cùng ngày, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 14, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nước đẩy mạnh đối thoại, xây dựng lòng tin, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, thực hiện nghiêm túc DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế vì biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng
Lùi thời hạn ký kết RCEP
Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan tại Thái Lan, ngày 4-11, lãnh đạo 16 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, đã ra tuyên bố chung lùi thời hạn ký kết thỏa thuận tự do thương mại khu vực từ cuối năm 2019 sang năm 2020.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị khu vực tại Thái Lan, lãnh đạo các quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã cam kết sẽ ký kết hiệp định thương mại lớn nhất thế giới vào năm 2020, qua đó cho thấy các quốc gia tiếp tục tiến trình đàm phán. Thông báo nêu rõ 15 quốc gia tham gia đàm phán RCEP, không bao gồm Ấn Độ, đã hoàn tất giai đoạn đàm phán dựa trên văn bản của 20 chương trong hiệp định và hầu như toàn bộ các vấn đề tiếp cận thị trường và hướng tới mục tiêu ký kết hiệp định vào năm 2020. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn còn một số vấn đề quan tâm chưa được tháo gỡ và quyết định của Ấn Độ phụ thuộc vào biện pháp giải quyết những vấn đề này một cách thỏa đáng. Nhiều thông tin cho biết Ấn Độ và 15 quốc gia còn lại chưa thống nhất về một số vấn đề quan trọng như thuế quan.
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN – Nhật Bản lần thứ 22, Hội nghị Cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ 11.
Tiếp tục các cuộc gặp song phương, cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
HẠNH CHI tổng hợp
Theo SGGP
Thủ tướng lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị liên quan
Tối 1/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã rời Hà Nội, dẫn đầu Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan từ ngày 2 - 4/11 tại Bangkok, Thái Lan theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-o-cha.
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân Trần Nguyệt Thu có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Quốc Dũng; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc và Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Bùi Huy Hùng.
Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác trong khu vực, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước cũng như cả khu vực.
Chuyến thăm cũng nhằm nâng cao hình ảnh một đất nước Việt Nam tiếp tục đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các nội dung hợp tác khu vực, từ đó bảo vệ hiệu quả các lợi ích của Việt Nam.
Đáng chú ý, tại Lễ bế mạc Hội nghị sẽ diễn ra Lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam.
Theo luân phiên, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 và cũng là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Trước đó, từ tháng 8/2018, Việt Nam đã tiếp nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tháng 6/2019 vừa tổ chức thành công Diễn đàn ASEAN-Nhật Bản, Ngày ASEAN-Nhật Bản tại Hà Nội.
Hiện nay, Việt Nam đang tích cực trao đổi nội bộ cũng như tham vấn các nước ASEAN và các Đối tác để xây dựng chủ đề, các ưu tiên và sáng kiến cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Theo đó, chủ đề và các ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ bảo đảm nhất quán với các ưu tiên ASEAN trong giai đoạn hiện nay, đồng thời tiếp nối ưu tiên của các năm Chủ tịch trước đây, tập trung vào thúc đẩy gắn kết nội khối và khả năng thích ứng của ASEAN trước những biến động của thời cuộc.
Theo TTXVN/Báo Tin tức
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên toàn thể Cấp cao ASEAN Chiều 22/6, tại Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã tham dự Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 do Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, Chủ tịch ASEAN 2019, chủ trì. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34, chiều...