Gắn du lịch với bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa
Một xu hướng dịch chuyển nổi bật của thị trường du lịch những năm gần đây là nhu cầu tìm về với tự nhiên, hòa mình vào thiên nhiên để khám phá, trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Đây là cơ sở cho các địa phương giàu tài nguyên, tăng cường đầu tư xây dựng các điểm đến, các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch sinh thái – cộng đồng để thu hút du khách. Tuy nhiên, do là sản phẩm gắn chặt với thiên nhiên, cho nên, không cách nào khác, du lịch phải trở thành một giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên.
Bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào Thái phục vụ phát triển du lịch.
Mục đích của du khách, nhất là khách nước ngoài khi lựa chọn sản phẩm du lịch sinh thái hay sinh thái cộng đồng, là muốn khám phá thiên nhiên và tìm hiểu đời sống cư dân bản địa. Cho nên, họ sẽ không mấy hào hứng với lối sinh hoạt có phần hiện đại. Do vậy, làm du lịch cộng đồng trước hết phải bắt đầu từ văn hóa bản địa. Đó là giữ được những phong tục, tập quán đẹp, ví như nếp nhà sàn truyền thống sạch sẽ; lối giao tiếp ứng xử thân thiện, chân thành; các món ăn đậm đà phong vị dân tộc… Tiếp đó là cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ; môi trường tự nhiên trong lành, xanh – sạch – đẹp… Nói cách khác, để có thể làm du lịch lâu dài thì mỗi người dân, mỗi thôn bản phải có ý thức giữ gìn môi trường sống và bảo vệ môi trường tự nhiên. Có như vậy mới thu hút và giữ chân du khách lâu dài.
Dựa vào các điều kiện tự nhiên nguyên sinh độc đáo, sẵn có và các giá trị văn hóa truyền thống đặc thù để làm du lịch sinh thái cộng đồng, trên lý thuyết có vẻ không quá khó khăn. Song thực tế, nhìn từ phía cộng đồng làm du lịch, để đạt được mục đích là nâng cao thu nhập và xa hơn là bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; góp phần quảng bá và bảo vệ các giá trị văn hóa tộc người… thì du lịch sinh thái hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu. Với tiềm năng lớn từ các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia, việc phát triển du lịch sinh thái là một trong những hướng đa dạng hóa hoạt động kinh tế nông thôn ở tỉnh ta. Đó là chưa kể, khi kinh tế được nâng cao, các hoạt động giải trí, tinh thần được cải thiện cũng sẽ góp phần giúp đồng bào các dân tộc gìn giữ được bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, du lịch sinh thái nếu không được tổ chức tốt và người làm du lịch không được trang bị các kiến thức, kỹ năng thì rất có thể sẽ làm ảnh hưởng, thậm chí là hủy hoại môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa.
Có một thực tế là, tự nhiên rất dễ bị tổn thương trước mọi tác động của con người. Trong đó, phát triển du lịch sinh thái, về bản chất là dựa vào vẻ đẹp tự nhiên và môi trường văn hóa của cư dân bản địa, để xây dựng nên các sản phẩm du lịch và chào bán cho du khách. Điều này dẫn đến một nghịch lý là, du lịch sinh thái hay sinh thái cộng đồng càng phát triển nhanh chóng thì càng đe dọa tính bền vững của cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường văn hóa. Do vậy, vấn đề trọng tâm đang và luôn được đặt ra trong việc phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững, đó là phải kiểm soát hay “tiết chế” lượng khách phù hợp. Nghĩa là, sản phẩm du lịch này – về lâu dài – không thể thiên về lượng mà cần hướng về chất. Nghĩa là chú trọng đến chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ để tăng giá trị, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, như nhiều chuyên gia đã chỉ ra, một nguyên tắc cơ bản của du lịch sinh thái phải phù hợp với các quy định về môi trường; tăng cường và khuyến khích cả về ý thức trách nhiệm và đạo đức của các bên liên quan đối với môi trường tự nhiên.
Nhiều nghiên cứu đã đưa ra những căn cứ cụ thể để ước lượng sức chứa tối đa của một khu, điểm du lịch. Theo đó, một điểm đến có thể đáp ứng một lượng khách tối đa là bao nhiêu, thì phải dựa trên các thông số cụ thể như điều kiện về hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, năng lực quản lý điều hành… và nhất là các hệ số giới hạn về môi trường như mức độ ô nhiễm, tiếng ồn, nguồn nước, an toàn cho du khách, giới hạn ảnh hưởng đến hệ sinh thái… Căn cứ trên những tính toán và những con số cụ thể, ngành chức năng và chính quyền các địa phương khi xây dựng quy hoạch phát triển du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch, cần tính đến yếu tố sức chứa của điểm đến. Đây cũng chính là căn cứ để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào loại hình du lịch này sao cho phù hợp. Đồng thời, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thể quản lý được hoạt động du lịch và công tác bảo vệ môi trường tại điểm đến một cách hiệu quả. Ngoài ra, việc thu hút một lượng khách “vừa đủ” cũng giúp cho điểm đến không bị quá tải, đời sống cư dân bản địa không chịu quá nhiều xáo trộn và môi trường tự nhiên có thời gian phục hồi cần thiết.
Suy cho cùng thì, một sản phẩm du lịch sinh thái hay sinh thái cộng đồng, là tổng hòa của nhiều yếu tố và có sự tham gia của nhiều bên liên quan. Do đó, hiểu đơn giản, những người được hưởng lợi từ du lịch, thì phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa. Cộng đồng trách nhiệm ấy bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, cư dân bản địa và khách du lịch.
TANZANIA - NÓC NHÀ CHÂU PHI
Là đất nước nằm ở bờ biển phía đông châu Phi, nơi có ngọn núi Kilimanjaro cao nhất lục địa đen (5.895 m), Tanzania hấp dẫn bất cứ du khách nào bởi cảnh sắc thiên nhiên hoang dã và những nét văn hóa độc đáo.
Trong một chuyến công tác Tanzania vào tháng 10/2019, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn diễn ra bình thường, phóng viên Zing có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp và những nét văn hóa độc đáo của đất nước này.
Dạo chơi trên miệng núi lửa, ngắm động vật hoang dã
Tanzania là quốc gia ở vùng Đông Phi, phía Bắc giáp Kenya, hồ Victoria và Uganda, phía tây giáp Rwanda, Burundi, Congo, phía nam giáp Zambia, Malawi và Mozambique, phía đông là biển Ấn Độ Dương. Thủ đô là Dodoma, Dar es Salaam là thành phố lớn nhất.
Núi Kilimanjaro là đỉnh núi cao nhất châu Phi (5.895 m) và cao thứ 4 trong số 7 đỉnh cao nhất theo từng châu lục trên thế giới. Vì thế, Tanzania cũng được mệnh danh là nóc nhà châu Phi.
Đất nước có diện tích gần 1 triệu km2 với khoảng 60 triệu người. Swahili là ngôn ngữ chính, trẻ em từ cấp 2 học bằng tiếng Anh. 62% dân số của Tanzania theo Kitô giáo, 35% là người Hồi giáo và 3% là thành viên của các nhóm tôn giáo khác.
Địa hình phía tây bắc chủ yếu là núi cao, giữa là cao nguyên và thấp dẫn ra biển, Tanzania được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp mà không phải quốc gia nào châu Phi nào cũng có.
Một trong số đó phải kể đến Ngorongoro (thuộc vùng Arusha) - khu bảo tồn thiên nhiên và di sản thế giới, tên gọi bắt nguồn từ âm thanh của loài bò (ngoro ngoro). Khu bảo tồn nằm gọn trong miệng núi lửa đã ngừng hoạt động khoảng 3 triệu năm.
Với diện tích 800.000 ha, là nơi cư trú của 25.000 loài động vật như tê giác đen, linh dương đầu bò đen, hà mã, sư tử... đây có thể coi là một trong những khu bảo tồn động vật hoang dã ít biến đổi nhất thế giới.
Nhóm của tôi gồm 4 người ngồi trong một chiếc xe của công viên để đi ngắm cảnh. Chiếc xe khá rộng, có thể chứa 10 người. Xe có mui trần có thể nhoài người ra ngoài. Chúng tôi cũng được cung cấp thêm ống nhòm.
Bạn sẽ mất từ 4-5 tiếng để tham quan khu bảo tồn. Trong khu vực này không có quán ăn nên chúng tôi chuẩn bị một ít đồ ăn cho bữa trưa.
Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là nơi cao nhất có thể quan sát toàn bộ miệng núi lửa đã dừng hoạt động.
Khoảng 15 phút đầu, xe đi qua một khu rừng, chỉ toàn là cây cối, chúng tôi khá sốt ruột khi vẫn chưa được nhìn thấy những loài động vật hoang dã. Đột nhiên, một con khỉ nhảy từ bụi rậm ra đường nhưng lái xe khá bình tĩnh xử lý tình huống:
Video đang HOT
- Các vị cứ yên tâm, sẽ còn nhiều loài động vật khác sẽ xuất hiện bất ngờ như thế này.
Quả thực, chỉ vài phút sau, một đàn bò tót chậm rãi đi ngang qua đoàn xe. Tất cả xe đều dừng lại chờ đến con cuối cùng. Một vài vị khách thích thú nhoài người khỏi xe, dùng ống nhòm nhìn cho kỹ. Bỗng nhiên, một người bạn của tôi lo lắng hỏi:
- Nếu sư tử cũng ở gần xe như thế này thì nó có tấn công không?
- Yên tâm, nếu có, nó chỉ ở đây một lúc thôi. Không phải ai cũng may mắn được sư tử lại gần như vậy. Bình thường chúng ở xa các đoàn xe cả cây số. Chúng ghét ồn ào.
Lái xe trả lời rồi tiếp tục hành trình tham quan khu bảo tồn. Đoạn đường có lúc lên, lúc xuống để vừa khiến du khách nhìn được toàn cảnh, vừa cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa tạo hóa.
Gần trưa, chúng tôi dừng chân tại một hồ nước trong lành để dùng bữa. Những con chim dường như quá quen thuộc với hình ảnh này, sà xuống bên cạnh cùng thưởng thức.
Trên đường đi, thỉnh thoảng tôi gặp vài người bản địa trong trang phục có màu sắc rực rỡ.
Họ là những người Maasai với lối sống gắn liền thiên nhiên, chỉ tiêu thụ gia súc do chính mình nuôi và có một loại thuốc bôi lên da có thể tránh được thú dữ. Đó là lý do Chính phủ cho phép họ sinh sống tại đây. Phần lớn người Maasai chăn thả gia súc để làm thực phẩm cho mình. Một số tràn ra ven đường có xe du lịch đi qua để bán đồ lưu niệm hoặc chụp ảnh cùng khách.
Nhảy múa cùng người Maasai
Rời Ngorongoro, chúng tôi tiếp tục gặp những người Maasai sống rải rác ven đường quốc lộ. Họ là dân tộc thuộc chủng tộc Nilotic bán du mục sinh sống ở Kenya và phía bắc Tanzania, có nguồn gốc từ hạ lưu sông Nill, đến thế kỷ thứ 17 bắt đầu di cư đến các vùng đất khác.
Họ từng là một trong những bộ lạc mạnh nhất Đông Phi với phong tục, cách ăn mặc và nơi sống riêng biệt. Dù có những chính sách nhằm nâng cao đời sống người Maasai của Chính phủ, họ vẫn duy trì những phong tục truyền thống riêng.
Bước xuống xe, chúng tôi nhận được sự tiếp đón vô cùng nồng hậu của người Maasai. Mỗi vị khách được chủ nhà khoác tấm áo choàng lên vai thay cho lời chào.
Những người dân trong làng mặc bộ cánh đẹp nhất, mới nhất, đeo trên cổ chiếc vòng được trang trí cầu kỳ và nhảy điệu múa truyền thống. Một vài người trong đoàn chúng tôi cũng hòa chung điệu nhảy và hô vang những âm thanh bằng ngôn ngữ của họ.
Làng Maasai thường là một đại gia đình, trong đó đứng đầu là tù trưởng và vợ con của ông. Họ tự cung tự cấp lương thực thực phẩm.
Người đàn ông thường nhận nhiệm vụ chăn thả gia súc, phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái. Những đứa trẻ được học trong chính ngôi làng của mình.
Chỉ có trưởng làng và một số người được cho là đại diện của làng có thể nói tiếng Anh. Khi trò chuyện với những người khác, tôi chỉ có thể dùng ngôn ngữ cơ thể.
Những ngôi nhà được xây bằng đất chỉ cao khoảng 1,5 m, rộng chừng 3-4 m, là nơi ở của cả chục người. Tôi phải khom người khi bước vào bên trong, không có cửa sổ nên xung quanh tối om. Mỗi nhà được trang bị giường ngủ làm từ thân cây với miếng lót là tấm da bò, có củi lửa để nấu nướng và giữ ấm vào mùa đông.
Sữa và thịt là nguồn lương thực chính của người Maasai, họ ít khi ăn rau hay tinh bột.
Nguồn thu nhập đến từ việc bán các mặt hàng thủ công do chính những người dân trong làng làm ra. Những chiếc vòng tay được người phụ nữ tỉ mẩn chăm chút sau khi hoàn thành việc nhà và những đứa trẻ đang ở lớp học.
Ở Tanzania, để tránh phiền phức, mỗi khi muốn chụp ảnh ai đó, bạn cần nhận được sự đồng ý của họ. Tuy nhiên, với người Maasai ở ngôi làng chúng tôi ghé thăm, chỉ cần mỗi lần tôi giơ máy ảnh lên, người dân đều vui vẻ mỉm cười tạo dáng chụp hình.
Ngắm rùa khổng lồ trên đảo Zanzibar
Điểm cuối hành trình của tôi là đảo Zanzibar. Đây là một hòn đảo bán tự trị thuộc Tanzania, có tổng thống, nghị viện, các ban bộ ngành riêng. Trái với vẻ hoang dã của Ngorongoro, sự nguyên thuỷ của bộ lạc người Maasai, Zanbibar mang đến cho tôi những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.
Với lịch sử lâu đời, hòn đảo này mang kiến trúc Âu châu kết hợp với những nét văn hoá bản địa tạo nên một màu sắc riêng.
Rời phố cổ, chúng tôi thuê xe tự lái đến The Rock bên bờ biển Michanvi Ringwe, là một biểu tượng của Zanzibar. Nhà hàng được xây dựng trên một khối đá khổng lồ. Mỗi khi thuỷ triều lên, du khách phải đi bằng thuyền mới đến được.
Nhà hàng chỉ có 12 bàn, phục vụ khoảng 50 khách nên nếu muốn dùng bữa tại đây, bạn cần phải đặt bàn trước. Tuy nhiên, chỉ cần được check-in với địa điểm có một không hai này đã là một trải nghiệm thú vị với nhiều du khách.
Từ bến cảng trung tâm thành phố, chúng tôi đi tàu ghé thăm đảo Changuu (hay còn gọi là đảo nhà tù), nơi có hàng trăm con rùa Aldabra khổng lồ sinh sống, chúng có tuổi đời hơn một trăm năm.
Năm 1919, 4 cá thể rùa được đưa đến đây, chúng là quà tặng của Chính phủ Seychelles tới người dân Anh quốc tại Zanzibar. Thập kỷ đầu của quần thể rùa này phát triển rất khó khăn, số lượng tăng không nhiều. Một phần chúng cần thời gian để thích nghi với môi trường mới, một phần nhiều cá thể đã bị bắt trộm.
Ngày nay, Hiệp hội bảo vệ rùa đã áp dụng các biện pháp an toàn cần thiết để loài rùa Aldabra không còn bị bắt trộm nữa. Nơi này cũng trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn cho những ai yêu thích loài động vật này.
Những con rùa nặng cả trăm kg khiến tôi khá bất ngờ khi lần đầu nhìn thấy. Trải qua mấy phút làm quen, tôi mới dám tiến gần để chụp ảnh cùng chúng. Tôi cũng thử cho rùa ăn cải bắp.
Nhắc đến châu Phi, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh một nơi chỉ toàn sa mạc, nơi cây cối và các loài động vật khó có thể sinh sôi, nảy nở. Nhưng ở lục địa đen ấy, nhiều quốc gia lại có khí hậu mát mẻ quanh năm, là nơi sinh trưởng lý tưởng nhiều loài sinh vật. Một lần được đặt chân đến châu lục này sẽ là một hành trình đáng nhớ đối với bất cứ ai.
Khám phá nét đẹp bản Vàng Pheo Nằm cách trung tâm Tp. Lai Châu khoảng 30km, bản Vàng Pheo thuộc xã Mường So, huyện Phong Thổ được biết đến với tên gọi "Thung lũng mỹ nhân". Vàng Pheo là một trong những bản cổ của người Thái trắng, nơi không chỉ đẹp về cảnh sắc thiên nhiên mà còn mang nhiều nét văn hóa đặc sắc. Múa mời rượu Thiếu...