Gắn camera giám sát chống bạo hành trẻ em
Sau vụ trẻ em có HIV bị đánh đập, ngược đãi tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, UBND TPHCM đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH lắp đặt thiết bị giám sát tại các cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em để ngăn chặn tình trạng tương tự.
Ngày 15/4, Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận đã có văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chấn chỉnh hoạt động của Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân.
Những trẻ em bất hạnh mang trong mình căn bệnh thế kỷ bị bạo hành tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (ảnh Vân Sơn)
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở LĐ-TB&XH phải làm rõ trách nhiệm quản lý của Giám đốc, Ban Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân; xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em tại Trung tâm theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời tổ chức tốt công tác chăm sóc, động viên tinh thần các em.
Song song đó, rà soát, kiểm tra các Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em (công lập và ngoài công lập) trực thuộc Sở; tăng cường trách nhiệm của giám đốc cơ sở bảo trợ xã hội trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng; tăng cường các biện pháp quản lý hữu hiệu, kiên quyết không để xảy ra tình trạng ngược đãi, hành hạ, xâm hại trẻ em trong các Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em. Nghiên cứu lắp đặt các thiết bị theo dõi, giám sát các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại các khoa, phòng của cơ sở phù hợp.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; lựa chọn, sắp xếp nhân viên có phẩm chất đạo đức, yêu trẻ, được đào tạo kỹ năng công tác xã hội làm nhân viên bảo mẫu.
Như Dân trí đã thông tin, các bảo mẫu tại khoa Măng non, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân bị phát hiện đã hành hạ, đánh đập các trẻ em có HIV trong một thời gian dài. Các trẻ chậm ăn, vừa ăn vừa khóc, hay đùa nghịch… bị bảo mẫu dùng tay đánh mạnh vào mặt, vào đầu, đạp vào người, dùng dép đánh thẳng tay, chân… Dù các cháu khóc lóc, van xin nhưng các bảo mẫu vẫn không nương tay.
Ngay sau báo chí phản ánh sự việc trên, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân – bà Nguyễn Thị Kim Tiên – đã bị đình chỉ công tác. Hiện Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đang thanh tra toàn diện hoạt động của trung tâm này.
Quốc Anh
Video đang HOT
Theo Dantri
Tiết lộ rùng mình của trẻ nhiễm HIV đã trốn khỏi Trung tâm
Ngoài việc bị bạo hành, trẻ ở trung tâm còn phải chịu những quy định "lạ" như phạt 100 nghìn/đôi dép nếu không để lên kệ, 100 nghìn đồng/quyển truyện bỏ quên trên giường...
Những quy định "lạ"
Bên cạnh những trẻ bị các bảo mẫu đánh trong bữa ăn dư luận lên án vừa qua thì ở Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, quận Thủ Đức (T.p HCM) còn có nhiều em khác cũng từng bị bạo hành nay đã về nhà hoặc phải trốn ra ngoài thuê nhà trọ.
Lần theo những thông tin trên, chúng tôi tìm gặp em N.P.D. (SN 1996) người từng bị bạo hành và nay đã trốn khỏi Trung tâm ra ngoài thuê phòng ở.
Qua lời kể nghẹn ngào của em, nhiều câu chuyện đáng thương xung quanh cuộc sống của những đứa trẻ nhiễm HIV đang được nuôi, dạy tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân từng bước được hé mở.
Theo lời D. thì em là trẻ nhiễm HIV mẹ mất sớm nên cha gửi em vào Trung tâm sống và học tập từ năm 2006. Do bức xúc với cách đối xử của các bảo mẫu trong Trung tâm nên em đã trốn khỏi nơi đây được hơn một tháng.
Trung tâm bảo trợ trẻ em Linh Xuân, nơi xảy ra việc các bảo mẫu hành hạ trẻ nhiễm HIV trong bữa ăn gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Khoảng thời gian sống trong Trung tâm, D. đã không nhớ nổi biết bao lần bản thân em bị đánh và nhìn thấy các bạn khác bị bạo hành vì những lý do không chính đáng.
"Tại trung tâm, ngoài việc phải chấp hành những quy định chung thì tụi em còn phải chịu hình phạt khác do giáo viên tự đặt ra như bàn là dùng đã cũ bị cô tính gần 2 triệu. Sau đó trừ theo đầu người, đứa lớn 100 nghìn đồng, đứa nhỏ 50 nghìn đồng.
Hay như dép để dưới nền nhà bị phạt 100 nghìn đồng/đôi, quần áo mặc xong không giặt trong ngày bị phạt 100 nghìn đồng/bộ, truyện đọc xong để trên giường bị phạt 100 nghìn đồng/quyển.
Có người bị phạt tiền nhiều không còn tiền gửi xe khi đi học. Không còn cách nào các em gọi về gia đình xin chu cấp nhưng xin nhiều lần người thân cũng không cho", D. kể.
Những quy định "lạ" do giáo viên, bảo mẫu đặt ra đã được các em phản ánh lại với bà Nguyễn Thị Kim Tiên - Giám đốc Trung tâm nhưng không được xử lý
Không chịu nổi đành bỏ trốn khỏi Trung tâm
Bức xúc với cách hành xử của giáo viên, các em đã báo sự việc lên Giám đốc Trung tâm nhưng không được xử lý. Cuối năm 2014, một nhóm gồm 16 trẻ đã âm thầm viết đơn kêu cứu gửi lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM.
Từ lá đơn kêu cứu này đầu năm 2015, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành điều tra và xử lý vụ việc.
Ngày 6/4, bà Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân trong buổi làm việc với báo chí cũng đã xác nhận là có sự việc trên.
Bà Tiên cho biết: "Căn cứ vào quyết định xử phạt của Sở, Trung tâm đã cách chức Trưởng khoa và Phó khoa Tuổi Xanh đồng thời kỷ luật đối với bảo mẫu Lưu Thị Hà".
Trong buổi làm việc với báo chí chiều ngày 6/4, bà Tiên khẳng định rằng trong quá trình kiểm tra không phát hiện các em bị bầm tím. Chỉ đến khi PV mời xem clip thì bà mới nhận có sai sót trong quá trình kiểm tra.
Cũng theo D. thì sau khi âm thầm gửi đơn kêu cứu lên Sở, cuộc sống hàng ngày của các em luôn bị các cô trong Trung tâm theo dõi, tra khảo, hỏi ai là người viết đơn.
"Em thấy ngột ngạt và không thể sống nổi trong này nên đã kêu cha lên làm bảo lãnh cho em hồi gia. Nhưng chờ mãi không thấy cha lên nên em đã trốn ra ngoài thuê phòng trọ ở và đi làm thêm", D. nghẹn ngào.
Theo chị N.T.H.T. từng công tác tại Trung tâm nay đã nghỉ việc thì những trường hợp được cha mẹ lên bảo lãnh hồi gia thì có mã số về địa phương lĩnh thuốc về uống.
Do bức xúc với những quy định "lạ", cách đối xử của giáo viên, bảo mẫu nên có trẻ đã bỏ trốn ra ngoài.
Còn trường hợp trốn thì không có mã nên các em phải tự kiếm tiền mua. Số tiền mua thuốc uống mỗi em khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.
"Trong 3 trường hợp bỏ trốn ra ngoài thì có em H. D. là có hoàn cảnh đặc biệt nhất, H. D. bị cha mẹ bỏ ở cổng của Trung tâm khi mới sinh. Lớn lên trong Trung tâm sau đó H. D. trốn ra ngoài và có vài lần quay lại thăm các em nhưng bị đuổi", chị T. cho biết thêm.
Theo Đại Lộ
Bàng hoàng lời kể của một trẻ nhiễm HIV từng bị bạo hành Không chỉ dùng đòn roi với con trẻ nhiễm HIV, cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân còn đặt ra "luật" riêng, xử phạt các lỗi vi phạm của học sinh bằng... tiền; bắt trẻ lớn dùng đòn roi "dạy dỗ" trẻ nhỏ (?!). Cùng với video quay cảnh bảo mẫu hành hung trẻ HIV đang được cơ...