Gần 50% số người nghiện ma túy là… nông dân
Trong số hơn 185.000 người nghiện ma túy 8 tháng đầu năm 2014, số người nghiện là nông dân chiếm tỉ lệ áp đảo đáng giật mình với 49,57%. Người nghiện ma túy thuộc nhóm công nhân chiếm 6,11%. Như vậy, phần lớn số người nghiện tập trung vào nhóm đối tượng người lao động.
Phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy do Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội tổ chức.
Số liệu trên được đưa ra tại phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy do Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội tổ chức sáng nay 27.9.
Theo Bộ Công an, tình trạng ma túy thẩm lậu vào Việt Nam ngày càng phức tạp theo mọi tuyến đường hàng không, đường bộ và đường thủy. Bắt đầu từ thuốc phiện, cao hơn là heroin, hiện nay ma túy tổng hợp, ma túy đá và các chất sử dụng gây nghiện tràn vào nước ta ngày càng nhiều, làm tăng số lượng người nghiện ma túy hàng năm.
Đặc biệt, theo Bộ Công an, số người nghiện ma túy không có công ăn việc làm chiếm đến 44%. Về thành phần nghiện hút, công nhân chiếm 6,11%, trong khi đó nông dân chiếm đến 49,57%, các thành phần khác chiếm 42%. Như vậy đối tượng nghiện ma túy tập trung chủ yếu tập trung vào người lao động.
Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho biết, đến cuối tháng 8.2014 cả nước có 185.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, số người nghiện đều tăng qua hàng năm. Một số địa phương tỷ lệ học viên sử dụng ma túy tổng hợp cao: Đà Nẵng, Tây Ninh, Trà Vinh. Tất cả các tỉnh, thành phố, gần 90% quận huyện và khoảng 60% số xã, phường, thị trấn đều đã có người nghiện ma túy.
Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đối tượng nghiện heroin chiếm 83%, ma túy tổng hợp chiếm hơn 10% và đối tượng nghiện ma túy tổng hợp đang dần nhích lên. Hình thức tiêm chích là chủ yếu với 52% và xu hướng hít tăng lên thay cho tiêm chích. Trong số hơn 11.0000 xã phường thì có đến 71% số xã phường có người nghiện ma túy.
Nhiều đại biểu quan tâm đến hiệu quả quản lý sau cai nghiện, quản lý các trung tâm cai nghiện va các giải pháp tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Đại biểu Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt vấn đề về hiệu quả mô hình cai nghiện tại cộng đồng, trung tâm, trong khi đó nhiều địa phương chưa đưa người được vào cai nghiện do nhiều thủ tục nhiêu khê. Đại biểu Nguyễn Thị Khá hỏi Bộ Công an về thực trạng quản lý người nghiện ma túy tại trại tạm giam, có hay không xảy ra hiện tượng thẩm lậu ma túy vào các trại này.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định, các thành phần ở trại tạm giam thường rất phức tạp, có những trại có trên 60% là tội phạm liên quan đến ma túy, tội phạm nguy hiểm, hình sự. Chính điều này dẫn đến việc ma túy và các vật cấm có thể thẩm lậu vào các trại tạm giam bằng nhiều hình thức tinh vi.
Video đang HOT
“Đơn cử như tiếp tế đồ ăn cũng rất khó quản lý, như là trong bánh chưng, để kiểm tra có ma túy trong bánh chưng hay không cũng không thể cắt nát bánh ra từng mảnh để tìm được. Hoặc có trường hợp giấu ma túy, nhét điện thoại vào vùng kín, điều này gây khó khăn rất nhiều trong việc phát hiện và quản lý ma túy thẩm lậu vào các trại tạm giam. Muốn thực hiện hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng ở địa phương” – Thứ trưởng Vương nói.
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, phần đông ý kiến đại biểu đã phản ảnh đúng thực tiễn. Mục tiêu lớn nhất vẫn là quản lý tốt cai nghiện và sau cai nghiện, coi người nghiện ma túy như người bệnh, sử dụng chủ yếu bằng thuốc cai nghiện methadol – sản phẩm trong nước sản xuất. “Hãy yên tâm là chúng ta có đủ methadol để điều trị, đây là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, trở ngại lớn vẫn là ý thức của xã hội với những người này. Chúng tôi rất muốn tới đây, sẽ có những biện pháp xử lý cụ thể với người nghiện như người bệnh, đồng thời có biện pháp xử lý riêng với những đối tượng vi phạm hình sự” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Dương Hà
Lao Động
Sát nhân nhiễm AIDS được hoãn ngồi tù lại gây án rùng rợn
Đang thụ án gần 20 năm tù với vô số tội danh, phạm nhân bất ngờ được cho tạm hoãn thi hành án vì bị căn bệnh AIDS giai đoạn cuối. Thế nhưng sau đó hai năm, đối tượng ngày càng khỏe mạnh, tiếp tục phạm tội giết người cướp tài sản.
Có giấy chứng nhân "bệnh AIDS giai đoạn cuối" đã 7 năm, nhưng bị cáo Sang vẫn rất khỏe mạnh bình thường, lại gây thêm án giết người.
Chỉ còn 15% sức khỏe mà vẫn liên tiếp gây án?
Đối tượng sinh ra trong một gia đình ở Quận 8, TP.HCM. Ngay từ nhỏ, Lại Thành Sang (SN 1981) đã là một ông "vua con" trong gia đình, không lo học hành, vướng vào con đường nghiện hút ma túy.
Khi hết tiền, Sang lang thang trộm cắp, cướp giật tài sản và bị TAND huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương xử 42 tháng tù giam. Sau đó mấy tháng, Sang tiếp tục bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt 9 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Chưa đầy 3 năm sau, Sang nhận thêm mức án 7 năm tù về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Khi đang thụ án 3 bản án đó tại một trại giảm ở tỉnh Bình Thuận thì vào ngày 29/6/2007, phạm nhân này bất ngờ được TAND tỉnh Bình Thuận ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án, với lý do "bị bệnh AIDS giai đoạn cuối, có mức tổn hại sức khỏe là 85%". Cơ quan chức năng địa phương cho rằng quyết định này thể hiện tinh thần nhân đạo của pháp luật đối với một người lầm lỗi ở giai đoạn "gần đất xa trời".
Tuy nhiên không hiểu sao chỉ còn 15% sức khỏe mà khi được tạm đình chỉ thi hành án, phạm nhân này lại bỗng dưng khỏe mạnh bình thường, vẫn tiếp tục rủ rê lôi kéo bạn bè hút chích ma túy. Nguy hiểm hơn, khi thiếu tiền, Sang tiếp tục gây án.
Ngày 20/11/2011, Sang đọc mục quảng cáo trên một tờ báo và biết một người đàn ông sinh năm 1960 ở Quận 6 chuyên mua vô tuyến cũ. Hết tiền hút chích, ngày 21/11 Sang điện thoại cho anh này đến nhà thu mua chiếc vô tuyến. Tuy nhiên khi người mua đến thì bố mẹ đang ở nhà, Sang không dám bán mà hẹn hôm sau tới.
Sáng 22/11, Sang điện thoại cho người mua đến nhà mình. Hai bên thỏa thuận chiếc vô tuyến cũ giá 600 ngàn, người mua đã đưa đủ tiền, nhưng Sang lật lọng nói mới đưa 400 ngàn, đòi đưa thêm 200 ngàn. Bực tức, người thu mua vô tuyến đòi trả lại tiền, nhưng Sang không chịu, mà tiếp tục đòi thêm tiền. Cùng lúc này người thu mua có một khách hàng khác điện thoại. Tưởng nạn nhân gọi điện báo công an đến giải quyết, Sang chạy vào bếp lấy cây búa chạy ra đe dọa, yêu cầu phải đưa thêm tiền.
Không được chấp nhận, Sang lao vào dùng búa đánh liên tiếp vào mặt nạn nhân. Nạn nhân chống đỡ, bỏ chạy, nhưng không thoát được những nhát búa như trời giáng. Sang chạy theo đánh liên tiếp nhiều nhát nữa vào vùng đầu, mặt cho tới lúc nạn nhân gục hẳn. Xong việc, hung thủ lấy khăn, lật ngửa nạn nhân lau vết máu trên mặt. Sát thủ còn chạy vào buồng lấy chăn lau sàn nhà rồi đi tắm, thay quần áo. Vừa hành động xong, phát hiện bố mẹ đi công chuyện về, Sang vội lôi xác nạn nhân qua một bên, lục lấy 5 triệu đồng và 1 chiếc nhẫn vàng rồi khóa cửa, trèo tường bắt xe ôm chạy trốn.
Sau gần hai năm lang thang trốn lệnh truy nã, đến tháng 6/2013, khi đang lang thang nghiện ngập, Sang bị bắt vào trường giáo dưỡng, rồi bị bắt theo lệnh truy nã.
Phiên tòa bất ngờ tử tù khai thêm đồng phạm
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Sang đã khai rõ ràng chi tiết từng hành vi cụ thể giết người, cướp tài sản vào năm 2011. Tại phiên tòa sơ thẩm cuối tháng 4/2014 vừa qua, bị cáo đã thừa nhận tất cả hành vi phạm tội của mình, thừa nhận tất cả lời khai tại cơ quan điều tra đều là tự nguyện, không có ai bức cung, nhục hình.
Bị cáo cũng tỏ ra ăn năn, thành khẩn xin lỗi gia đình nạn nhân vì đã gây ra cái chết cho nạn nhân và "bị cáo chỉ mong HĐXX xem xét cho bị cáo một con đường sống". Tuy nhiên, xét tính chất, mức độ phạm tội của Sang là quá tàn bạo, không còn khả năng giáo dục cải tạo nên HĐXX tòa sơ thẩm đã tuyên Sang mức án tử hình về tội giết người, 8 năm tù về tội cướp tài sản.
Bị cáo làm đơn kháng cáo để xin giảm nhẹ hình phạt, chứ không hề có một câu chữ nào về kêu oan. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 21/7 vừa qua, bị cáo đã khiến HĐXX "té ngửa ngạc nhiên", bởi không xin giảm nhẹ, mà chuyển qua kêu oan. Sang cho rằng mình không giết nạn nhân, mà do một người bạn tên Hậu ở phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương giết?
Quá bất ngờ, HĐXX liên tục chất vấn: "Bị cáo không giết người, vậy tại sao bị cáo lại khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội giết người của mình tại cơ quan điều tra lẫn tại tòa sơ thẩm, mà bị cáo không khai đồng phạm? Bị cáo khẳng định lại một lần nữa, có ai bức cung, nhục hình, ép bị cáo phải nhận tội một mình hay không? Bị cáo nói người bạn đó là tên Hậu, vậy đặc điểm người đó thế nào? Hay bị cáo muốn kéo dài sự sống của mình mà khai đại một người để cơ quan tiến hành tố tụng phải chạy theo những lời khai vu vơ đó của bị cáo...?".
Trả lời những câu hỏi này, bị cáo Sang cho rằng: "Những lời khai đó là hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc, bức cung, nhục hình bị cáo. Còn về người bạn tên Hậu thì người này là bạn nghiện chích xì ke với tôi. Hôm đó do thiếu tiền chích, nên bị cáo gọi điện thoại cho người này chạy từ Bình Dương xuống để đi mua thuốc cùng chích. Khi bị cáo đang cãi cọ về chuyện tiền bạc với nạn nhân thì Hậu xuống bếp lấy búa lên đánh chết người, chứ bị cáo không giết người...?".
Mặc dù thấy những lời khai của bị cáo là thiếu căn cứ, nhưng vì để đảm bảo tính khách quan của vụ án, hơn nữa, theo luật đây cũng là tình tiết mới nên HĐXX đã hội ý, sau đó đã quyết định hoãn phiên tòa để xem xét, điều tra cụ thể. Tuy nhiên, HĐXX, cũng như đại diện VKSTC đều lưu ý, bắt bị cáo Sang phải ngồi lại viết tường trình ngay về vụ việc diễn ra ngày hôm như thế nào? Đặc điểm người thanh niên tên Hậu đó cao hay thấp, gầy hay béo, quê ở miền Nam, Trung hay Bắc... để gửi ngay cơ quan điều tra xác minh, không để chậm trễ.
Chưa rõ liệu có một người tên Hậu ra tay giết nạn nhân như lời khai bất ngờ của bị cáo Sang hay không? Nhưng theo nhận xét của một số người thì có thể đây chỉ là một "chiêu bài" của đối tượng vốn đã có quá nhiều "kinh nghiệm" như Sang nhằm kéo dài thời gian sống.
Mới đây, VKSND TP. HCM cũng đã có văn bản gửi VKSND tỉnh Bình Thuận, VKSNDTC nhằm xem xét lại Quyết định Tạm đình chỉ thi hành án của TAND tỉnh Bình Thuận đối với Sang vào năm 2007. VKSND tỉnh Bình Thuận đã có công văn phúc đáp cho rằng quyết định này là đúng luật, vì họ căn cứ vào kết quả giám định pháp y của cơ quan chức năng, thể hiện Sang "bị AIDS giai đoạn cuối".
Dư luận có quyền nghi ngờ có dấu hiệu bất thường từ kết quả giám định pháp y nêu trên, bởi lẽ thông thường, nếu ở giai đoạn cuối, thì bệnh nhân AIDS khó có thể kéo dài sự sống đến hơn 7 năm trời. Điều đặc biệt là không thấy sức khỏe "bệnh nhân AIDS" này giảm đi, mà vẫn bình thường, thậm chí là có phần khỏe lên, liên tục gây án.
Liệu bị cáo Sang có bị căn bệnh AIDS hay không? Nếu bị thì đã ở giai đoạn cuối hay chưa? Hay hồ sơ bệnh lý của bị cáo này "có vấn đề". Hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc để xác minh. Nếu quả thực có tiêu cực trong việc xác nhận bừa, cộng với việc xác minh điều tra được người thanh niên tên Hậu gây án như Sang đã khai, thì đây quả là một "đại kỳ án" hiếm có trong lịch sử ngành tố tụng./.
Theo Hoàng Quý
Pháp luật Việt Nam
Vợ chồng chủ xưởng sản xuất vũ khí đất Cảng lãnh án Theo cáo trạng của VKSND thành phố Hải Phòng, chiều ngày 18/6/2013, Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH (CA TP Hải Phòng) đã bắt quả tang Dương Minh Nhất (SN 1975, tại tổ 29 phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân (Hải Phòng), đang tổ chức chế tạo súng bút bằng hệ thống máy khoan, máy mài, máy tiện... Khám xét khẩn cấp nhà...