Gần 300 khu đất công bị lãng phí
298 khu đất sở hữu nhà nước bị bỏ trống hoặc đơn vị thuê dùng sai mục đích, cho thuê hưởng tiền chênh lệch nhưng không đóng thuế.
“Việc các doanh nghiệp thuê đất của nhà nước nhưng sử dụng không đúng mục đích, thậm chí đem cho thuê lại hưởng chênh lệch nhưng không đóng thuế gây thất thu ngân sách”, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch HĐND TP HCM nêu thực trạng tại buổi giám sát về Công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn ngày 8/9.
Theo bà Thắng, nhiều khu đất chưa được quản lý bài bản và kế hoạch cụ thể nên 10 năm vẫn chưa tổ chức bán đấu giá. Vì vậy, bà đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM) cần xây dựng phương án xử lý cho từng nhóm khu đất.
Phó chủ tịch HĐND TP HCM Phan Thị Thắng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Trung Sơn.
Trước đó, ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP HCM cho biết từ năm 2015 đến tháng 6/2020, đơn vị được giao thu hồi 202 khu đất, trong đó tiếp nhận 159 khu đất và đấu giá thành công 8 khu đất thu về ngân sách 1.743 tỷ đồng. Các khu đất còn lại được giao cho các đơn vị khác quản lý theo chỉ đạo UBND TP HCM và đang thực hiện thủ tục thu hồi.
Hiện, cơ quan này quản lý và thuê bảo vệ đối với 123 khu đất thuộc nhóm xử lý sắp xếp theo Nghị định 167/2017, trong đó khai thác ngắn hạn 41 khu đất, thuê bảo vệ 39 khu đất, số còn lại tạm quản lý. “Việc cho thuê ngắn hạn nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, bù chi phí thuê bảo vệ khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm”, ông Lực nói và cho biết tổng nguồn thu từ cho thuê ngắn hạn khoảng 110 tỷ đồng nộp về ngân sách
Video đang HOT
Liên quan đến các địa chỉ nhà đất do tổng công ty và công ty có vốn nhà nước chiếm 50-100%, Trung tâm này đã khảo sát, ghi nhận hiện trạng 1.104 khu đất do 28 đơn vị quản lý. Trong số này có 188 khu đất sử dụng sai mục đích như hợp tác kinh doanh, cho thuê, bố trí nhà ở, 110 khu đất bỏ trống.
Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân bị thu hồi khiếu kiện, khiếu nại, lấn chiếm đất, không tự nguyện giao mặt bằng cho cơ quan quản lý như nhà đất số 387 Trần Hưng Đạo, 86 Trần Đình Xu (quận 1), 400 Nguyễn Duy ( quận 8)… Mặt khác, chi phí thuê bảo vệ chỉ được cấp 5 triệu đồng một tháng, quá thấp so với thực tế nên gặp khó khi thuê bảo vệ các khu đất lớn, địa bàn phức tạp.
Để tránh thất thoát, lãng phí, Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM Võ Trung Trực cho rằng cần tăng cường kiểm tra, giám sát sau khi giao, cho thuê để đảm bảo khu đất được sử dụng đúng mục đích. Trường hợp sử dụng đất sai mục đích sẽ bị xử phạt, nếu đủ điều kiện thì thu hồi lại bán đấu giá.
“Về lâu dài, cần có thêm hình thức đấu giá tiền thuê đất để đảm bảo thu đúng, thu đủ, không để lãng phí nguồn lực đất đai”, ông Trực nói.
Vụ ồ ạt "xâu xé" đất công : Chủ tịch Bình Định "truy" trách nhiệm!
Để xảy ra tình trạng "xâu xé" đất công, xây dựng trái phép ở Khu kinh tế Nhơn Hội, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định thừa nhận, chính quyền tỉnh này đã có quá nhiều bài học trong việc buông lỏng quản lý đất đai và khi công an điều tra, chắc chắn sẽ "lộ" ra nhiều câu chuyện phải xử lý.
Ngày 10/4, phóng viên Báo Dân Việt đã nhận được văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh ký thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng liên quan đến vụ việc báo chí phản ánh tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng công trình nhà ở trái phép ở Khu kinh tế Nhơn Hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Ban quản lý Khu kinh tế phối hợp cùng đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, xác minh nội dung báo chí phản ánh. Khẩn trương làm rõ trách nhiệm và xử lý các cá nhân, tập thể liên quan (nếu có), trả lời cho các cơ quan báo chí, báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định trước ngày 25/4.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cùng Phó Chủ tịch Nguyễn Phi Long trực tiếp đến hiện trường cưỡng chế tại Khu kinh tế Nhơn Hội năm 2019. Ảnh: Dũ Tuấn.
Thời gian qua, Báo Dân Việt đã nhiều lần phản ánh, hàng loạt đối tượng đã ngang nhiên đến Khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) phân lô, chiếm dụng đất công, xây dựng trái phép. Việc làm trái pháp luật diễn ra công khai và có biểu hiện lây lan diện rộng, người xâm chiếm "xẻ thịt" Khu kinh tế Nhơn Hội ngày một gia tăng, sự việc khiến tình hình trở nên hỗn loạn, phức tạp.
Tháng 3/2019, chính quyền tỉnh Bình Định chủ trì cưỡng chế 39 trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng trái phép tại Khu kinh tế Nhơn Hội, trong chuyến cưỡng chế lần này, có mặt Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Nguyễn Phi Long trực tiếp đến hiện trường thị sát và chỉ đạo xử lý rốt ráo, dẹp nạn "xâu xé" đất công.
Trong khi chính quyền cấp xã, huyện buông lỏng quản lý thì đây là quyết định mạnh mẽ được dư luận địa phương hoan nghênh, thể hiện động thái quyết liệt từ chính quyền cấp tỉnh. Thế nhưng, sau chuyến cưỡng chế này không lâu, mọi chuyện đâu lại vào đấy, theo kiểu "xử lý cứ xử, lấn chiếm cứ lấn".
Việc lấn chiếm đất công tại Khu kinh tế Nhơn Hội lại diễn ra theo kiểu "xử lý cứ xử, lấn chiếm cứ lấn", lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm. Ảnh: Dũ Tuấn.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản hàng loạt trường hợp vi phạm mới. Tại xã Nhơn Hội (TP.Quy Nhơn) có 4 trường hợp vi phạm, 1 trường hợp xây dựng nhà tole di động trên đất không được xây dựng nhà ở và 3 trường hợp xây dựng vượt giấy phép, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) có 2 trường hợp vi phạm.
Huyện Phù Cát được nhắc tên với vai trò "điểm nóng", tại xã Cát Chánh có 16 trường hợp lấn chiếm đất đai xây dựng trái phép, ngoài ra 29 trường hợp đã phát hiện trước đây cũng được chính quyền ban hành quyết định cưỡng chế, tại xã Cát Hải từ năm 2007 đến nay, lực lượng chức năng đã xác lập hồ sơ vi phạm đối với 208 trường hợp sửa chữa xây nhà, 12 trường trường hợp xây lều quán trái phép, tại xã Cát Tiến có 24 trường hợp vi phạm.
Buộc tháo dỡ đối với hành vi lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: Dũ Tuấn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long thừa nhận, chính quyền tỉnh này đã có quá nhiều bài học trong việc buông lỏng quản lý đất đai và khi công an điều tra thì chắc chắn sẽ "lộ" ra nhiều câu chuyện phải xử lý. Ông Nguyễn Phi Long yêu cầu phải xử lý nghiêm, cương quyết, theo đúng quy định đối với tất cả các trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng trái phép trên đất công do nhà nước quản lý tại Khu kinh tế Nhơn Hội.
"Đất mang tiếng người dân lấn chiếm nhưng đằng sau là cán bộ mua, dùng ảnh hưởng của mình để xây dựng nhà trái phép. Việc này, khi có hiện tượng chứng cứ thì công an tỉnh cần lập chuyên án, đủ kiện thì điều tra truy tố, xử lý dứt điểm. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã báo Thường vụ Tỉnh ủy, kiên quyết xử lý các trường hợp là cán bộ, đảng viên tham gia vào hành vi lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép", ông Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.
Dũ Tuấn
Bình Định: Nạn "xâu xé" đất công lộng hành, cán bộ đứng sau dùng ảnh hưởng làm "bậy" Trước việc ồ ạt, ngang nhiên "xâu xé" chiếm dụng đất công ở Khu kinh tế Nhơn Hội làm của riêng, lãnh đạo chính quyền tỉnh Bình Định thừa nhận sự thật "đất người dân lấn chiếm nhưng đằng sau là cán bộ mua, dùng ảnh hưởng để xây dựng nhà trái phép", điều này khiến dư luận địa phương rất bất bình....