Gần 30 nước có nguy cơ mắc đại dịch
Gần 30 quốc gia trên thế giới như Somalia, Chad, Nigeria… có nguy cơ cao phải hứng chịu một nạn dịch kiểu như đại dịch Ebola đang hoành hành tại châu Phi, theo tổ chức từ thiện Cứu trợ Trẻ em.
Đại dịch Ebola đã khiến gần 10.000 người chết – Ảnh: Reuters
Nhằm tìm ra những quốc gia có nguy cơ cao phải chịu nạn dịch kiểu như đại dịch Ebola, tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã lập ra danh sách hệ thống y tế công của những nước nghèo nhất thế giới dựa trên số lượng nhân viên y tế, ngân sách chính phủ chi cho y tế và tỉ lệ tử vong, theo Reuters ngày 3.3.
Theo đó, Somalia là nước nằm cuối bảng với chỉ 1 nhân viên y tế cho mỗi 6.711 người, so với tỉ lệ ở Anh là 1/88. Tại Afghanistan, quốc gia đứng thứ tư (tính từ dưới lên) trong bảng xếp hạng, ngân sách công dành cho y tế là 10,71 USD/người/năm so với hơn 3.000 USD/người/năm tại Anh.
Video đang HOT
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng chính phủ các nước nên chi tối thiểu 86 USD trên mỗi đầu người trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, số tiền được chi ra tại Liberia là 19,5 USD, Sierra Leone 15,9 USD và Guinea 9 USD trên mỗi đầu người, theo tổ chức Cứu trợ Trẻ em.
Ngoài ra, tổ chức này cũng nói rằng để tăng cường hệ thống y tế của 3 quốc gia Tây Phi trên, cụ thể là cung cấp một gói các dịch vụ y tế tối thiểu theo khuyến cáo của WHO, thì cần phải tốn 1,58 tỉ USD.
Gần 30 nước có nguy cơ cao mắc phải đại dịch kiểu như Ebola – Ảnh: Reuters
Mỗi năm, trung bình trên thế giới xuất hiện 2 loại bệnh mới có khả năng lây lan giữa người và động vật. Cùng với đó, việc đi lại nhiều của người dân trên thế giới làm gia tăng khả năng bùng phát của các nạn dịch chết người. Những điều trên khiến cho vai trò của hệ thống y tế càng trở nên quan trọng hơn, Channel News Asia dẫn thông báo của tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết.
Thông báo của Cứu trợ Trẻ em được đưa ra giữa lúc lãnh đạo của các cơ quan chính trị và phát triển tụ họp tại thành phố Brussels (Bỉ) nhằm thảo luận về cơn khủng hoảng do vi rút Ebola gây ra khiến gần 10.000 người chết và gần 24.000 người bị nhiễm, theo dữ liệu gần nhất của WHO.
Ông Justin Forsyth, lãnh đạo của tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho rằng nếu có một hệ thống y tế mạnh thì đã có thể ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của vi rút Ebola từ Guinea, Sierra Leone và Liberia trong năm ngoái và cứu lấy sự sống của hàng ngàn trẻ em.
Ông Forsyth nói đây là thời điểm then chốt để củng cố hệ thống y tế của những nước nghèo khác để họ có thể đương đầu với những nạn dịch khác kiểu như nạn dịch Ebola, kiểm soát các dịch bệnh mới và cứu sống hơn 17.000 trẻ em mỗi ngày khỏi những căn bệnh có thể phòng ngừa được như viêm phổi và sốt rét.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Trung Quốc sẽ hứng chịu tổn thất về ngoại giao
Ngày 17-5, tờ "The Sydney Morning Herald" của Australia đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Động thái hàng hải của Bắc Kinh làm leo thang căng thẳng khu vực", trong đó nhận định Bắc Kinh biết rõ việc hạ đặt giàn khoan dầu Hải Dương - 981 là "hành động khiêu khích".
Giáo sư Carl Thayer
Theo tờ báo, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, đồng thời điều động máy bay cùng 80 tàu, trong đó có 7 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc, tới khu vực đặt giàn khoan trị giá 1 tỷ USD. Tờ báo chỉ trích các hành động của Trung Quốc "làm gia tăng căng thẳng một cách nguy hiểm trên Biển Đông", đồng thời cho biết các nhà hoạch định chiến lược tại Australia và khu vực đang tìm hiểu lý do Trung Quốc chọn thời điểm này để leo thang căng thẳng với Việt Nam.Cũng như việc Bắc Kinh tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, các nhà phân tích cho rằng các động thái gần đây của Trung Quốc phù hợp với ý đồ đẩy mạnh việc đánh giá phản ứng của các nước láng giềng trong cuộc đấu tranh lâu dài nhằm kiểm soát Biển Đông.
Trước đó, Giáo sư Carl Thayer cũng chỉ trích hành động của Trung Quốc là "khiêu khích, bất hợp pháp" và làm sống lại "mối đe dọa Trung Quốc". Giáo sư Thayer cho rằng hành động của Trung Quốc nhiều khả năng khiến các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền thêm lo lắng. Do vậy, các quốc gia này sẽ tìm cách tăng cường năng lực hàng hải của mình, đồng thời tìm kiếm sự tái cam kết ủng hộ từ Mỹ cũng như các cường quốc biển khác như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Theo Giáo sư Thayer, Trung Quốc có thể dọa dẫm Việt Nam song sẽ hứng chịu tổn hại về mặt ngoại giao.
Theo ANTD