Gần 30 năm trồng ô rô tạo dáng cổng nhà thành tác phẩm nghệ thuật
Thôn Yên Trường, xã Trường Yên (Chương Mỹ – Hà Nội) vốn nổi tiếng là một làng cổ của trấn Sơn Tây xưa. Nhưng nay, những nét xưa ấy đã phôi phai nhiều, hoặc chỉ còn đó những bến nước, giếng làng.
Bờ rào và cổng ô rô trở thành biểu tượng của làng Yên Trường.
Hoặc may mắn lắm, khách lạ sẽ thấy những con đường lát gạch nghiêng xưa và vài ba bờ rào bằng đá ong vàng óng. Cái hồn quê chân chất bây giờ thật là khó tìm, và người ta sẽ phải vui mừng khôn xiết khi thấy đâu đây hình bóng ngày xưa.
Là một người hoài cổ, sống bằng tâm tưởng bên trong nên lão nông Trịnh Nhân Kỳ quyết tạo cho mình một nét gì đó thật quê, thật xưa. Bởi suy nghĩ ấy nên suốt gần 30 năm qua, ông tỉ mẩn tạo dáng cho cổng nhà và tường rào bằng cây ô rô thành một tác phẩm nghệ thuật thiên nhiên kỳ thú hiện hữu giữa làng quê thanh bình.
1/3 đời người
Phải mất nhiều năm để ông Kỳ hoàn thành cổng xanh này.
30 năm là bao lâu? Có thể là một nửa cuộc đời một con người, hoặc cũng có thể khác.
Ông Trịnh Nhân Kỳ ở thôn Trường Yên, chủ nhân của cổng ô rô nổi tiếng kia đã ở tuổi gần 80 nên nhận 30 năm là quá 1/3 đời người. Ngần ấy thời gian, ngoài những công việc quan trọng cho đời sống một con người mưu sinh vì gia đình, ông Kỳ đã tỉ mẩn tỉa tót, uốn nắn cho hàng nghìn cây ô rô thành một cái cổng nhà liên kết với hàng rào bao quanh bằng một màu xanh thanh nhã tự nhiên.
Cái thú chơi cây cảnh của ông Kỳ có từ thời trẻ. Nhưng vì điều kiện khó khăn, bận bịu với cơm áo gạo tiền nên ông đành gác lại. Tuy nhiên, đi đâu gặp những tường rào bằng dâm bụt, ô rô hay cúc tần là ông cứ ngẩn ngơ mơ cho mình một tác phẩm như vậy.
“Tôi thấy tường rào bằng cây là đẹp nhất và rất văn minh. Nó thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên, và hòa hợp với hàng xóm láng giềng.
Video đang HOT
Cái sự kín cổng cao tường bằng gạch vữa xi măng tiềm ẩn trong đó nhiều vấn đề về tình cảm mà chúng ta không thể nói hết. Nhưng kín cổng cao tường bằng những hàng rào cây xanh thì lại rất đáng yêu, đáng quý và cả đáng sống nữa”, ông Kỳ nói.
Cũng theo ông Kỳ, truyền thống tường rào và cổng bằng cây xanh đã có từ ngày xưa. Các cụ đồ nho với tính cách lịch thiệp thanh nhã, sau mỗi buổi giảng bài cho học trò là cần mẫn tỉa tót bờ rào gọn ghẽ.
“Xưa, cái cổng cái bờ rào là khuôn mặt chủ nhân, là gia phong của một gia tộc, là nền nếp của một gia đình và thể hiện tính cách của một cá nhân. Nhưng rồi thời thế biến đổi, đa số kín cổng cao tường để khỏi soi mói nhau”, ông Kỳ giải thích.
Cũng bởi cái tâm tưởng ngày xưa ấy mà ông Kỳ quyết làm cho mình một cái cổng cùng bờ rào cây ô rô. Từ năm 1992, ông bắt tay vào việc mà ông cho là đại sự. Đầu tiên là ông giữ nếp nhà cũ của tổ tiên để lại. Ngôi nhà ngói mũi nam bằng gỗ ba gian với sân gạch, phía trước là cái ao lớn của làng có thể hợp với loài ô rô leo cổng.
Cặm cụi vì cây
“Tôi vừa mua, vừa xin cây ô rô về. Đây là loài cây khó sống nên phải chăm sóc rất khéo mới sống và lên đều nhánh. Tôi cứ phải trồng đi trồng lại, rồi dặm những cây chết.
Trải qua 8 năm trồng tỉa, cuối cùng tôi cũng có một hệ thống hàng rào tạm ưng ý. Và để thực hiện ý tưởng làm chiếc cổng mô phỏng cổng chùa, tôi tích cực nuôi, uốn cây và tác động tích cực bằng chất hữu cơ để chúng có thể mọc dài theo đúng ý”, ông Kỳ chia sẻ.
Cùng thời gian này, ông Kỳ cũng tậu nhiều cây cảnh, nhưng chỉ là những “cây phôi” hoặc cây vứt đi để về nuôi dưỡng tạo dáng.
Ông nói rằng, đã trồng cây thì phải biết lấy ngắn nuôi dài, hiểu được đặc tính của cây. Cho nên, để nuôi hàng rào ô rô, ông Kỳ phải nuôi nhiều giống cây khác vừa để có kinh nghiệm, lại có đồng ra đồng vào.
Mỗi buổi sáng sớm và mỗi buổi chiều khi ánh nắng vừa tắt, người làng Yên Trường lại thấy ông Kỳ cặm cụi hết cắt với tỉa, hết uốn lại buộc. Hàng rào từ đầu tới cuối dài 30m toàn thấy một loài ô rô mọc không hàng lối.
Thế rồi 8 năm, 10 năm, 12 năm bờ rào và cổng nhà dần thành hình thành dạng. Màu xanh ô rô đã phủ hết, các chi cành lá đã được cắt tỉa nhiều lần trở nên cứng cáp. Từ đằng xa nhìn lại đã thấy ấn tượng bờ rào xanh trước ngôi nhà ngói thuần Việt.
Cho đến nay, sau gần 30 năm dành tâm sức ý tứ cho bức cổng nhà, chính chủ nhân cũng không biết đã bỏ ra bao nhiêu ngày công, cắt mòn biết bao nhiêu cái kéo để thực hiện tác phẩm để đời.
Và hàng tuần, ông vẫn đều đặn cách nhau 5 ngày một lần cắt tỉa để cổng nhà và bờ rào kia không bị phá dáng, không bị mất đi cái nền nếp gò uốn suốt 1/3 đời người.
Từ ngày cái cổng của nhà ông Kỳ thành hình thành dạng, không biết bao nhiêu người yêu cây cảnh từ khắp các nơi đến tham quan. Chính ông Kỳ cũng không hình dung được tác phẩm của mình lại được người khác yêu thích đến thế.
Ngôi nhà cổ và rất nhiều cây cảnh của ông Kỳ.
Giá trị của làng
Ở xã Trường Yên này, nếu ai đó hỏi đường đến nhà ông Kỳ, người làng sẽ ít khi chỉ trỏ mà họ sẽ nói “đến chỗ nào thấy cổng nhà bằng cây đẹp nhất thì là nhà ông Kỳ”. Và khách lạ cũng sẽ không phải mất nhiều thời gian để tìm được cổng nhà bằng cây đẹp nhất ấy.
Thực ra, từ khi cái cổng và bờ rào kia nổi tiếng, nhiều người ở thôn Yên Trường cũng đã phá bỏ hàng rào tường gạch để trồng cây ô rô. Thế nhưng, không ai thành công vì họ không đủ kiên nhẫn để tạo uốn cho một loài cây thay thế gạch vữa.
“Trồng cây ô rô thì rõ ràng không khó. Nhưng chăm sóc, rồi cắt đi tỉa lại làm sao cho thân cây to ra, cứng ra đủ sức làm một cái bờ rào vững chãi thì rõ ràng phải mất công và mất thời gian. Tôi cũng đã hướng dẫn nhiều người nhưng họ không thể kiên nhẫn nên phá bỏ”, ông Kỳ cho hay.
Mấy năm nay khách về thăm đông đúc, ông Kỳ tự nhận thấy cần phải cắt tỉa cẩn thận hơn, bởi tác phẩm của ông đã trở thành tài sản chung của làng: “Giờ tôi mới hiểu hết giá trị của hàng rào và cổng cây đó. Nhiều vị khách nói với tôi rằng đây là giá trị văn hóa nông thôn, cố gắng gìn giữ”.
Giờ đây, bờ rào cây ô rô kia không chỉ là báu vật gia đình ông Kỳ, nó còn là giá trị của làng cổ Yên Trường. Chẳng vậy mà mỗi dịp trai gái trong làng chụp ảnh đám cưới, lại dắt díu nhau đứng cạnh bờ rào xanh.
Và ngay cả những cụ bô lão trong hội người cao tuổi, mỗi dịp chụp ảnh lưu niệm lại khẽ khàng đứng bên bờ rào ô rô cười tươi với hàm răng đen láy cái còn cái mất.
Để thực hiện ý tưởng làm chiếc cổng mô phỏng cổng chùa bằng cây ô rô, tôi tích cực nuôi, uốn cây và tác động tích cực bằng chất hữu cơ để chúng có thể mọc dài theo đúng ý. Vì ô rô là loại cây khó sống nên phải trồng đi trồng lại nhiều lần rồi tỉ mỉ chăm sóc thì cây mới sống và đẻ nhiều nhánh – Ông Trịnh Nhân Kỳ.
Phiên chợ quê làng cổ Phước Tích tổ chức lần ba
Phiên chợ "Hương xưa làng cổ" diễn ra vào 13h ngày 18/7, tại Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.
Chợ phiên được tổ chức lần ba, tái hiện không gian chợ quê Trung Bộ, với nhiều sản vật và nét văn hóa truyền thống đặc sắc, qua đó thúc đẩy du lịch Phong Điền nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung.
Tại đây, du khách có dịp thưởng thức ẩm thực dân dã như bánh bèo, bánh lọc, quai vạc, bún bò, bánh canh, bánh mì, bánh phu thê (còn gọi su sê)... do chính người dân làng Phước Tích chế biến.
Du khách cũng có thể mua về làm quà nhiều nông sản hữu cơ (thanh trà, chuối, mít, dừa...) và tìm hiểu loạt sản phẩm làng nghề nổi tiếng địa phương như gốm Phước Tích, mộc điêu khắc Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch... Nhiều trò chơi tuổi thơ cũng được tái hiện ở không gian chợ quê.
Nhiều món đặc trưng địa phương thu hút du khách ở chợ phiên "Hương xưa làng cổ" hôm 11/7. Ảnh: Trân Ơi.
Ban quản lý làng cổ Phước Tích sẽ tổ chức chợ phiên hai lần mỗi tháng, vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật. Trước đó, chợ quê "Hương xưa làng cổ" tổ chức lần đầu hôm 13/6 và lần hai hôm 11/7.
Phước Tích là làng cổ thứ hai được xếp hạng "di tích quốc gia" sau làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Nơi đây còn lưu giữ những di sản vật thể vô giá, với 27 ngôi nhà cổ, đa số là nhà rường ba gian hai chái và 10 nhà thờ họ cổ.
Hiện nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, với 9 loại dịch vụ gồm: tham quan nhà vườn, trải nghiệm làm bánh, làm gốm, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng, homestay...
Nét đặc trưng ở Phước Tích là cấu trúc nhà vườn được ngăn cách bởi những hàng chè tàu xanh, thẳng tắp. Ảnh: Trần Việt Anh.
Về quê tìm nồi lá xông hơi đúng chuẩn miệt vườn Tranh thủ những ngày về quê nghỉ lễ, tôi đi tìm cây cỏ quanh nhà để nấu cho mình một nồi xông hơi nhằm tăng cường sức đề kháng. Một nồi lá xông đầy đủ phải có từ 4 đến 5 loại trở lên mà phải là loài có nhiều tinh dầu - ẢNH: QUÁCH DUY THỊNH Cây cỏ quanh nhà luôn mang...