Gần 255 tỷ đồng cho 783m đường cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất
Mỗi km đường thuộc những con đường cửa ngõ dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất được đầu tư, nâng cấp “ngốn” tới vài trăm tỷ đồng. Lý do bởi chi phí cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng quá lớn.
Các cửa ngõ dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất luôn bị ùn tắc, quá tải là vấn đề “đau đầu” các nhà quản lý của TP.HCM trong những năm qua. Vì vậy, việc đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm có vốn hàng nghìn tỷ đồng xung quanh khu vực sân bay là nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT), hiện có các dự án đang được triển khai ở khu vực này như: dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám – Cộng Hòa, dự án Cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ), dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa)… Các dự án trên nằm trên địa bàn 2 quận Tân Bình và Tân Phú.
Theo Sở GTVT TP.HCM, cái khó nhất khi triển khai thực hiện dự án là công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bởi số tiền chi cho công tác này khá lớn. Đơn cử như Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám – Cộng Hòa có chiều dài khoảng 783,15m, mặt cắt ngang 22m có tổng mức đầu tư là 254,745 tỷ đồng, trong đó công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã lên tới 170 tỷ đồng.
Dự án mở rộng, nâng cấp đường Hoàng Hoa Thám – Cộng Hòa có chiều dài 783,15m, đầu tư 254,745 tỷ đồng, trong đó công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã lên tới 170 tỷ đồng. Ảnh: PT.
Hiện dự án này đã duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán, đang chờ giải phóng mặt bằng. UBND quận Tân Bình đang đo vẽ, cập nhật chính xác diện tích thu hồi đất quốc phòng, đưa vào phương án bồi thường của dự án. Theo kế hoạch, quý 3.2019, UBND quận Tân Bình sẽ bàn giao mặt bằng và Sở GTVT tổ chức thi công, phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình trong quý 2.2020.
Hay dự án cải tạo đường Cộng Hòa (từ hẻm số 2 Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long) có chiều dài 133,99m, mặt đường rộng 14 – 19m, tổng mức đầu tư 141,867 tỷ đồng. Trong đó bồi thường, giải phóng mặt bằng 114 tỷ đồng. Hiện dự án cũng chưa được bàn giao mặt bằng thi công. Dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình trong quý 2.2020.
Hiện nay còn hai dự án chưa được ghi vốn chuẩn bị đầu tư năm 2019 là dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa) và dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ) với quy mô 970,84m, rộng 60m, tổng mức đầu tư dự án xây lắp 240 tỷ đồng.
Riêng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh được tách thành dự án độc lập, đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư và do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Bình, quận Tân Phú làm chủ đầu tư (phía quận Tân Bình khoảng 1.012 tỷ đồng, phía quận Tân Phú khoảng 759 tỷ đồng).
Tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng trở nên trầm trọng. Ảnh: PT.
Video đang HOT
Hiện nay, UBND quận Tân Bình, Tân Phú đang triển khai các công việc liên quan để hoàn thiện dự án, trình phê duyệt. Tuy nhiên, dự án không được ghi vốn chuẩn bị đầu tư năm 2019 nên chưa đủ cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Mới đây, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan về tiến độ các dự án giao thông trọng điểm xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.
Về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, ông Tuyến lưu ý, giá đền bù phải đồng bộ với các dự án cùng triển khai trong khu vực để tạo sự đồng thuận với người dân. Đây là những dự án thực hiện bằng ngân sách thành phố nên phải minh bạch, công khai để chọn nhà thầu thi công có năng lực, kinh nghiệm, giá cả hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường, áp dụng công nghệ mới trong thi công để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình.
Ông Tuyến cũng nhắc nhở việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải đồng bộ với mở rộng hệ thống đường giao thông xung quanh và kết nối sân bay. Các quận, sở, ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai, nếu có vướng mắc về thủ tục, cần báo cáo thành phố tháo gỡ ngay. Đối với các vấn đề thuộc Bộ Quốc phòng, thành phố sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.
Theo Danviet
Ai là tác giả đề án mở rộng sân Tân Sơn Nhất bị Bộ GTVT loại bỏ?
Đề án mở rộng sân Tân Sơn Nhất được nghiên cứu dựa trên cơ sở vật chất hiện hữu tại Tân Sơn Nhất do Vietstar hợp tác, liên doanh liên kết với Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) từ những năm 2008 - 2009 và đã đạt được kết quả thành công khi được 2 đời Bộ trưởng GTVT trước đó cùng với các bộ ngành và Thủ tướng thống nhất.
Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) quyết định xây dựng nhà ga trên diện tích đất 16 ha (thay vì 26 ha như tư vấn Pháp được Thủ tướng phê duyệt), qua đó ACV đã tự "xoá sổ" chính quyết định 3193/QĐ-BGTVT bằng việc loại bỏ nhà ga lưỡng dụng.
Dù trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản cho phép và yêu cầu hãng Hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) sớm triển khai xây dựng nhà ga lưỡng dụng đang gây ra nhiều tranh cãi.
Sân bay Tân Sơn dự kiến sẽ quá tải.
Khu đất 10ha để xây dựng nhà ga lưỡng dụng bị ACV gạt bỏ có vị trí phù hợp với việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, phía Bắc giáp khu sân đỗ quân sự và đường lăn; phía Đông giáp với khu Hangar e917. Tại phía Nam giáp đất quốc phòng Trung đoàn 918 và đường nội bộ; phía Tây giáp với đường vành đai sân bay (sơ đồ kèm theo).
Cần nhắc lại rằng, năm 2014, ông Lại Xuân Thanh lúc đó là Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (hiện là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV) từng khẳng định trong buổi Hội thảo về sân bay Long Thành: Sẽ biến Long Thành trở thành một thành phố sân bay hiện đại, không cần mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Mặc dù, đây chỉ là những tuyên bố của ông Thanh khi chưa về nắm quyền tại ACV nhưng khi làm Chủ tịch HĐQT ACV, doanh nghiệp này lại thay đổi trái ngược với những tuyên bố đó và tha thiết mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu mở rộng Tân Sơn Nhất theo đề án của tư vấn pháp đã được Thủ tướng phê duyệt thì sẽ chẳng có gì phải bàn cãi, nhưng ACV đã tự loại bỏ nhà ga lưỡng dụng thu nhỏ diện tích khiến cho các chuyên gia hàng không và dư luận đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.
Đề án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, khoảng 10 trước, khi những dự báo sân bay Tân Sơn Nhất đang dần quá tải, Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar) đã dày công chuẩn bị nguồn đất, nguồn vốn, lập quy hoạch, thiết kế chi tiết Nhà ga hàng không lưỡng dụng T3 nhằm giảm tải, tăng công suất thông qua cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Đây là thời điểm Cục hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), còn chưa đề cập đến mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất mà chỉ tập trung vào một việc xây dựng sân bay Long Thành.
Đề án nghiên cứu dựa trên cơ sở vật chất hiện hữu tại Tân Sơn Nhất được Vietstar hợp tác, liên doanh liên kết với Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) từ những năm 2008 - 2009 và đã đạt được kết quả thành công khi được 2 đời Bộ trưởng GTVT trước đó cùng với các bộ ngành và Thủ tướng thống nhất.
Kết quả thể hiện tại Quyết định số 882/QĐ-BQP ngày 24/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt phương án sử dụng đất quốc phòng thuộc Quân chủng PK-KQ tại sân bay Tân Sơn Nhất chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng vào đầu tư kinh doanh dịch vụ hàng không lưỡng dụng.
Tháng 3/2011, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ có văn bản số 610/QĐ - BTL phê duyệt Quy hoạch mặt bằng tổng thể cho Vietstar để đầu tư xây dựng khu hàng không lưỡng dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất, Phường 12, Quận Tân Bình, Tp. HCM.
Văn bản nêu rõ: "Diện tích khu đất được giao là 100.000m2, trong đó, có điều chỉnh khu nhà ga quân sự do f370 quản lý là 2.450m2; Trung đoàn 918 quản lý là 1.078 m2".
Đến 7 tháng sau, Bộ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ có văn bản số 3646/BTL - TM về việc phê duyệt "Dự án đầu tư Cảng hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt tại Tân Sơn Nhất". Sau 2 năm, Bộ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ tiếp tục có văn bản số 2112/QĐ - BTL về việc bàn giao 10ha đất quốc phòng sân bay Tân Sơn Nhất cho Vietstar.
Tại văn bản số 2143/BQP-TM ngày 20.7.2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi Bộ GTVT tham gia góp ý đối với điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Bộ Quốc phòng đã đề xuất đưa vào quy hoạch khu vực hàng không lưỡng dụng với quỹ đất khá lớn, bao gồm các công trình: sân đỗ máy bay lưỡng dụng, nhà ga hàng không lưỡng dụng, cơ sở bảo dưỡng máy bay (hangar), các công trình phụ trợ.
Tiếp thu các nội dung đề xuất của Bộ Quốc phòng, ngày 7.9.2015, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký ban hành Quyết định số 3193/QĐ-BGTVT "Về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030".
Theo đó, khu vực hàng không lưỡng dụng do Bộ Quốc phòng đề xuất chính thức được đưa vào quy hoạch phát triển sân bay Tân Sơn Nhất của Bộ GTVT, với đầy đủ các hạng mục nêu trên, kể cả nhà ga lưỡng dụng T3.
Theo Quyết định số 3193/QĐ-BGTVT, sân bay Tân Sơn Nhất được nâng cấp sân bay đạt chuẩn 4E (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp 1. Việc xây dựng nhà ga lưỡng dụng giai đoạn 1 nằm trên khu đất 10 đã được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Vietstar, tiếp giáp với sân đỗ máy bay lưỡng dụng 21ha. Sân bay được xác định là "dùng chung dân dụng và quân sự".
Sau 9 tháng, ngày 17.6.2016, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa có văn bản 6856/BGTVT-KHĐT gửi Bộ Quốc Phòng về vấn đề mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Tại văn bản này nêu: "Dự kiến, năm 2016 dự kiến lượng hành khác thông qua sân bay Tân Sơn Nhất là 31 triệu hành khách, trong khi tổng công suất thiết kế nhà ga T1 và T2 là 25 triệu hành khách. Vì thế, đề nghị Bộ Quốc phòng chuyển hoạt động bay quân sự ra khỏi TSN, ưu tiên hoạt động hàng không dân dụng".
Qua đó, Bộ GTVT đề nghị, đối với đất quân sự quản lý đã được Bộ Quốc phòng dự kiến xây dựng nhà ga lưỡng dụng với công suất 9-10 triệu khách/năm. Đề nghị Bộ Quốc phòng sớm chấp thuận chủ trương và yêu cầu Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga lưỡng dụng, phấn đấu khởi công trong năm 2016-2017",
Những nội dung trên cho thấy Bộ GTVT biết rõ về dự án nhà ga lưỡng dụng của Vietstar và biết rằng đây là phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nhanh nhất, tiết kiệm nhất, phù hợp hoàn toàn với quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất mới được Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành vào cuối năm 2015 tại Quyết định số 3193.
Theo đề án tái cơ cấu Vietstar được đề xuất vào giữa năm 2016 với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật và Thượng tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Võ Văn Tuấn có bao gồm cả phương án quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong đó, phương án mở rộng sân bay của Vietstar năm 2016 trùng khớp hoàn toàn với phương án của tư vấn Pháp ADPi đề xuất với Chính phủ đầu năm 2018. Trùng khớp đến từng vị trí nhà ga, công suất nhà ga, từng đường giao thông kết nối khu sân bay mới với thành phố.
Từ năm 2010 đến nay, Vietstar đã chi hơn 632 tỷ VND cho dự án nhà ga hàng không lưỡng dụng T3. Đáng chú ý, tổng dự toán xây dựng nhà ga lưỡng dụng với công suất 9,8 triệu hành khách/năm của Vietstar chỉ 2.126 tỷ VND (đã được Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng thẩm định).
Nếu được phê duyệt, Vietstar sẽ hoàn thành xây dựng và đưa nhà ga vào hoạt động trong cuối năm trong 2020 nhờ đã có đất sạch, bộ máy quản lý dự án, nguồn vốn, hồ sơ thiết kế.
Trong khi đó, theo báo cáo của ACV, tổng đầu tư các hạng mục do ACV chủ trì đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên tới 13.000 - 15.000 tỷ (riêng nhà ga là 7.600 tỷ đồng), thời gian thực hiện lên tới 4 năm.
Thậm chí có thể lâu hơn, vì khu đất 16ha mà ACV dự kiến xây dựng nhà ga hành khách T3 vẫn đang được các đơn vị quân đội sử dụng và nguồn vốn một phần từ ACV, một phần dự kiến kêu gọi đầu tư xã hội hóa..
Điều làm dư luận nghi vấn là ACV và cá nhân ông Lại Xuân Thanh, nguyên Cục trưởng Cục Hàng không nay là Chủ tịch HĐQT ACV từng bảo thủ trong vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nay lại đề xuất đóng vai trò chủ đạo đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3, liệu có "lợi ích nhóm"?
Theo Danviet
ẢNH: Tân Sơn Nhất 'nêm cứng' người, lập kỷ lục 900 chuyến bay/ngày Cao điểm Tết Kỷ Hợi 2019, sân bay Tân Sơn Nhất lập kỷ lục 900 lượt bay cùng hơn 130.000 lượt khách/ngày. Theo ghi nhận của PV VietNamNet, tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 2.2 (nhằm ngày 28 tháng Chạp) hàng nghìn người dân đổ về quầy vé của các hãng hàng không, xếp hàng rồng rắn làm thủ tục lên máy...