Gần 2 năm mang án oan, được đề nghị bồi thường gần nửa tỷ
Gần 2 năm bị bắt oan vì tội giết người, ông Phạm Văn Lé (42 tuổi, ngụ P.Vĩnh Phước, TX.Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cùng em ruột là Phạm Văn Lến được Viện KSND tỉnh Sóc Trăng thương lượng bồi thường oan sai sau 3 tháng được đình chỉ điều tra, với số tiền gần nửa tỷ đồng.
Sáng 5.3, đại diện Viện KSND tỉnh Sóc Trăng gặp gỡ ông Phạm Văn Lé, bà Thạch Thị Xem (vợ ông Lé, trước đó bị buộc tội “Không tố giác tội phạm”) và ông Phạm Văn Lến (em trai ông Lé) để thương lượng bồi thường oan sai.
Ông Lé (bên phải) cùng vợ và em trai.
Ông Lé cho biết: Sau khi được đình chỉ điều tra vụ án, gia đình ông có đơn yêu cầu Viện KSND tỉnh Sóc Trăng bồi thường, do nơi đây phê duyệt quyết định khởi tố của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đối với ông và em trai về tội Giết người.
“Chúng tôi yêu cầu được bồi thường mỗi người trên 271 triệu đồng, vợ tôi trên 50 triệu đồng. Tuy nhiên, sáng nay (5.3 – PV) đại diện Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đưa ra mức bồi thường cho tôi với Lến mỗi người gần 210 triệu, vợ tôi trên 27 triệu” – ông Lé cho biết.
Cũng theo ông Lé, với mức bồi thường này, bản thân ông, vợ cùng em trai đều đồng ý, nếu không ai khiếu nại thì 15 ngày sau sẽ được bồi thường.
Video đang HOT
Liên quan đến vụ oan sai này, 2 năm trước ông Lé và ông Lến bị bắt; bà Xem bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Đến tháng 7.2013, ông Lến được chuyển đổi tội danh từ “Giết người” sang “Không tố giác tội phạm”.
Theo hồ sơ vụ án: Sáng 3.8.2012, Lâm Tài Mấu (SN 1975, ngụ TX.Vĩnh Châu) cùng người bạn tên Minh đi nhậu về ngang qua nhà ông Lé, giữa Mấu và ông Lé có xảy ra cự cãi. Sau đó, Mấu bị ông Lé tát vào mặt.
Dù được bạn kéo đi nơi khác, nhưng một lúc sau Mấu tiếp tục quay lại nhà ông Lé để mắng chửi. Tại đây, ông Lé được cho là đã dùng cây gài cửa đánh Mấu bất tỉnh. Đến 2h45 cùng ngày, Mấu được phát hiện nằm chết cách nhà ông Lé hơn 1.400m.
Gần 2 tháng sau đó anh em ông Lé bị bắt, bà Xem bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Sau nhiều phiên tòa xét xử bất thành, nửa năm trước hai ông Lé, Lến được thả.
Đến tháng 12.2014, Công an tỉnh Sóc Trăng đình chỉ điều tra đối với vợ chồng ông Lé và em ông Lé, sau khi xác định ông Lé không giết Mấu.
Theo Hoàng Hạnh (Danviet.vn)
Những cái Tết trong trại giam của 3 người trong một gia đình bị bắt oan sai
2 năm bị giam oan sai và cũng là 2 năm đón cái Tết trong trại giam của 3 người trong cùng một gia đình, với những người này, đó là khoảnh khắc đau buồn nhất mà họ không bao giờ quên được.
Những ngày giáp Tết năm Ất Mùi 2015, PV đã tìm về nhà ông Phạm Văn Lé (SN 1963) sau khi ông được chứng minh bị bắt oan sai và trở về từ trại tạm giam của Công an tỉnh Sóc Trăng.
Gặp chúng tôi, ông Phạm Văn Lé bùi ngùi: "Tính ra, tôi cùng vợ và em trai đón 2 cái Tết ở trong trại tạm giam Công an Sóc Trăng. Với tôi, những ngày đó thật khó quên".
Tết này cả nhà đoàn viên.
Theo lời kể của ông: "Cái Tết đầu tiên trong trại tạm giam, tôi không thấy buồn, không thấy nhớ, cũng không khóc vì lúc đó, thần kinh tôi như có vấn đề. Tôi không nhớ, không biết gì cả. Có thể là do trước đó tôi bị đánh đập, ép cung nên đã ảnh hưởng tới trí nhớ. Còn Tết sau, tôi thấy nhớ nhà, khóc nhiều lắm, khóc suốt".
Rồi ông Lé kể tiếp: "Ở trong trại giam, đồ ăn trong những ngày Tết rất phong phú và nhiều nhưng tôi không ăn nổi vì nhớ nhà quá. Bình thường, chiều 30 tết, cả nhà xúm xít bên nhau ăn bữa cơm tất niên đón ông bà, tối 30 Tết thì đi chơi, đi xem bắn pháo bông rồi về nhà đón giao thừa. Các ngày khác thì đi chơi, đi chúc Tết mọi người. Còn những ngày trong trại giam thì tôi phải ngồi trong buồng giam, không được ra ngoài, không được gặp ai, buồn quá. Suốt mấy ngày Tết, nước mắt cứ chảy dài. Đã 2 cái Tết chúng tôi không được đốt một cây nhang nào cho ông bà, tổ tiên.".
Những ngày Tết ở trại giam, những người bị giam phải ở trong phòng giam, mỗi phòng có 3 người, không được ra ngoài. Để đón Tết, ngoài phần ăn do trại cung cấp, những người bị giam còn tổ chức chương trình văn nghệ "cây nhà lá vườn". Họ hát cho nhau nghe, hát cho quên đi nỗi buồn trong lòng. Khi có người hát xong, tất cả cùng vỗ tay khuyến khích. Nếu không ở cùng phòng nhau thì nhiều người chỉ nghe tiếng hát chứ không thấy mặt người hát nhưng không khí rất hào hứng. Họ hát cho quên đi nỗi buồn xa nhà, xa người thân thích.
Bà Thạch Thị Xem (vợ ông Lé) cũng là người bị bắt giam oan cho biết: "2 cái Tết trong trại giam đối với tôi buồn không thể nào tả nổi. Những ngày đó, nhớ con, nhớ mẹ quá, tôi khóc suốt đêm. Dù được cho ăn khá tươm tất, đầy đủ nhưng tôi không thể nào ăn được. Vợ chồng tôi có 2 đứa con, đứa con gái lớn đi làm công nhân ở TPHCM, đứa con trai còn nhỏ phải ở nhà một mình trong những ngày thường đã thấy tội nghiệp, những ngày Tết càng thấy xót xa hơn. Nằm trên bệ xi-măng lạnh lưng không buồn, chỉ buồn khi nghĩ về con cô đơn trong ngày Tết. Bây giờ nhớ lại, khủng khiếp quá. Những ngày Tết là ngày gia đình đoàn tụ, còn vợ chồng tôi, những ngày Tết đều cùng ở trong trại giam, không được gặp nhau, thấy tủi thân vô cùng. Vợ chồng, anh em cùng ở trong một khu vực nhưng cũng không được gặp nhau".
Nhớ lại những giây phút con cái xa nhà trong những ngày Tết ấy, cụ bà Đào Thị Quới (mẹ ruột ông Lé, ông Lến) không khỏi bùi ngùi: "Ngày Tết, gia đình người ta sum họp, còn gia đình tôi, 2 con trai và 1 con dâu ngồi trong trại giam, buồn lắm. Nhà thằng Lé có 2 đứa con nhưng cha mẹ bị bắt giam nên 2 đứa con nó cũng không có tâm trạng nào mà nghĩ tới Tết. Còn tôi ở với thằng Lến, vốn nó đã bị bệnh về thần kinh, khi bị bắt, tôi thương nó lắm. Một mình trong căn nhà trống trước hở sau suốt một thời gian dài, tôi tưởng chừng như mình không thể nào chịu nổi. Nhưng Tết năm nay vui rồi vì con cái đã được minh oan, về ăn Tết với gia đình cùng bà con hàng xóm".
Vợ chồng ông Lé đốt nhang cho ông bà sau 2 năm bị bắt oan.
Với vợ chồng ông Lé, Tết này có lẽ là một trong những cái Tết đáng nhớ nhất khi họ đã được trả tự do sau 2 năm bị bắt giam oan. Ông Lé phấn khởi ra mặt và cho biết: "Nhờ hồng phúc của ông bà, tổ tiên mà chúng tôi mới được minh oan, mới được trở về nhà sau 2 năm bị bắt giam oan sai. Tết này, vợ chồng tôi sẽ dành thời gian đi thăm bà con trong xóm, thăm những người đã hiểu, cảm thông, chia sẻ và giúp chúng tôi trong thời gian vừa qua. Vợ chồng tôi và chú Lến như được sinh ra lần thứ hai.".
Anh Huỳnh Văn Nam- Bí thư chi bộ, Trưởng ban Nhân dân khóm Biển Dưới cho biết: "Ngày vợ chồng ông Lé và Lến bị bắt, bà con chúng tôi biết họ bị oan nên không quản ngại khó khăn, cùng nhau đi kêu oan cho họ. Hai cái Tết không có họ ở nhà, cả xóm cũng thấy Tết vắng đi một phần. Còn năm nay, họ về rồi, bà con chúng tôi lại vui như dạo trước"
Như báo Dân trí đã thông tin, ngày 16/12/2014, Cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng đã ký quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với 3 người trong một gia đình là ông Phạm Văn Lé (SN 1963), bà Thạch Thị Xem (SN 1965, vợ ông Lé) và Phạm Văn Lến (SN 1975, em ruột ông Lé). Nội dung quyết định nêu rõ: Ông Phạm Văn Lé "Không có hành vi giết anh Lâm Tài Mấu", còn bà Thạch Thị Xem và ông Phạm Văn Lến "Không thực hiện hành vi không tố giác tội phạm". Trước đó, vào tháng 8/2014, ông Lé, bà Xem và ông Lến được được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng và Viện KSND tỉnh Sóc Trăng phê chuẩn các quyết định "Tạm đình chỉ điều tra vụ án", "Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn", "Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự", "Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam" sau khi họ bị bắt giam vừa tròn 2 năm. Theo hồ sơ, ngày 3/8/2012, tại khóm Biển Dưới, phường Vĩnh Phước, TX Vĩnh Châu xảy ra một vụ án mạng khiến nạn nhân Lâm Tài Mấu tử vong. Qua điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã bắt giam và truy tố Phạm Văn Lé về tội "Giết người", còn bà Thạch Thị Xem và Phạm Văn Lến bị truy tố tội "Không tố giác tội phạm". Qua 2 phiên tòa xét xử ngày 17/2/2014 và ngày 1/7/2014, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và theo đề nghị của các luật sư bào chữa cho các bị can, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho CQĐT vì chưa đủ cơ sở kết tội các bị cáo. Đến đầu tháng 8/2014, các bị cáo được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng và Viện KSND tỉnh này phê chuẩn các quyết định "Tạm đình chỉ điều tra vụ án", "Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn", "Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự", "Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam". Ngày 29/12/2014, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đã làm việc với 3 người này để thỏa thuận việc bồi thường do oan sai.
PV
Theo Dantri
Mòn mỏi chờ tiền bồi thường Ông Phạm Văn Lé (đại diện gia đình 3 người trong vụ oan sai ở thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết, đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng gia đình ông vẫn chưa được Viện KSND Sóc Trăng trả tiền bồi thường. Xung quanh vụ án mạng xảy ra vào đầu tháng 8/2012 tại phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu...