Gần 1,5 triệu đoàn viên, người lao động không về quê đón Tết
Hưởng ứng lời kêu gọi của Công đoàn, đã có gần 1,5 triệu đoàn viên, người lao động không về quê đón Tết.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã cho biết như vậy tại chương trình “Tết không xa nhà” diễn ra tại Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương vao 15h ngày 30 Tết (ngày 11/2).
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề trên toàn thế giới và nước ta cũng không ngoại lệ. Người lao động là đối tượng chịu nhiều tác động nhất. Trong 2 đợt bùng phát dịch năm 2020, ước tính cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập, gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% bị mất việc làm.
Trước những thách thức, khó khăn từ dịch COVID-19 đè nặng lên vai người lao động, tổ chức Công đoàn đã phát huy vai trò trong công tác tham gia phòng, chống dịch bệnh; đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai gói hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống với tổng số tiền hơn 600 tỉ đồng từ nguồn tài chính Công đoàn và nguồn vận động, xã hội hóa; thăm hỏi, tặng quà, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch; đồng thời, chỉ đạo Công đoàn các cấp tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động ứng phó với dịch bệnh, đặt sức khoẻ, tính mạng của người lao động lên hàng đầu.
Video đang HOT
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại chương trình
Cũng trong bối cảnh dịch bệnh, các cấp Công đoàn đã đồng loạt vào cuộc, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, đổi mới hoạt động để thích ứng với tình hình, chăm lo thiết thực khi đoàn viên, người lao động. Công đoàn cơ sở tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, người lao động trong tham gia phòng chống dịch bệnh; phối hợp với chủ doanh nghiệp sắp xếp lại sản xuất, lao động, duy trì việc làm, thu nhập, giải quyết chính sách cho người lao động bị giãn việc, nghỉ việc.
Công đoàn cấp trên cơ sở tích cực, sáng tạo các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ đoàn viên, người lao động. Những cây ATM gạo nghĩa tình được triển khai trên khắp mọi miền đất nước; những siêu thị 0 đồng được tổ chức, những bữa cơm 0 đồng được trao tận tay NLĐ đúng lúc và kịp thời đã góp phần hỗ trợ đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Đợt bùng phát dịch thứ 3 cuối tháng 1/2021 đã khiến cho nhiều công nhân, nhất là công nhân tại Hải Dương bị nhiễm bệnh. Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 05 về phòng, chống dịch, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Công văn chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, Tổng LĐ đã chỉ đạo LĐLĐ tỉnh Hải Dương thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trong công nhân lao động; chăm lo, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần kịp thời cho công nhân bị nhiễm bệnh, phải cách ly tập trung.
Ngày 01/02, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã họp khẩn và quyết định cử đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam do Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu làm Trưởng đoàn để chỉ đạo, nắm bắt tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19, trao 550 triệu đồng, 1.000 khẩu trang y tế và nhiều hiện vật hỗ trợ các cán bộ tuyến đầu chống dịch và công nhân lao động phải cách ly tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương vào ngày 02/02.
Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành và đang chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai Quyết định 1921/QĐ-TLĐ tiếp tục chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng của COVID-19 và thiên tai, bão lũ trong dịp Tết Tân Sửu ở mức 1-2 triệu đồng/người với tổng số tiền dự kiến khoảng 500 tỉ đồng; kêu gọi đoàn viên, người lao động trên khắp mọi miền Tổ quốc cân nhắc lựa chọn ở lại đón Tết tại địa phương nơi làm việc, không về quê hoặc di chuyển để góp phần phòng, chống dịch bệnh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Công đoàn, đã có gần 1,5 triệu đoàn viên, người lao động không về quê đón Tết.
Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo các cấp Công đoàn chuyển hướng các hoạt động chăm lo Tết Tân Sửu cho đoàn viên, người lao động phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Cụ thể như hủy các hoạt động bề nổi, tập trung đông người trong các chương trình “Tết sum vầy”, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên đoàn viên, người lao động tại doanh nghiệp và khu nhà trọ; hạn chế, hủy các chuyến xe đưa người lao động về quê, dùng kinh phí đó để tổ chức Tết cho những người lao động ở lại; tổ chức nhiều hoạt động phong phú như tặng vé du xuân, đi chợ hoa tết, tặng cành đào, tặng bánh trưng, tặng những giỏ quà tết, tổ chức đón Tết tại khu nhà trọ… để những người lao động ở lại nơi làm việc vẫn được đón “Tết không xa nhà” đầm ấm, sum vầy.
Anh Nguyễn Xuân Hùng, nhân viên Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại xúc động khi bất ngờ thấy hình ảnh của vợ đang cách ly tại nhà ở TP Chí Linh
Lắng nghe những lời chia sẻ, động viên, chúc Tết của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, người lao động tham dự tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại cảm thấy vô cùng xúc động. Chị Nguyễn Thị Phương Huệ, nhân viên vận hành cho biết, dù gặp nhiều khó khăn do bị cách ly nhưng những người công nhân như chị không cảm thấy lo lắng, chán nản bởi luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành và tổ chức công đoàn. “Ở nhà máy nhưng chúng tôi có đầy đủ cành đào, bánh chưng, giò, gà như ở gia đình… “, chị Huệ cho biết.
Khán giả theo dõi chương trình không khỏi rưng rưng chứng kiến khoảnh khắc “đoàn tụ trực tuyến” của anh Nguyễn Xuân Hùng, nhân viên Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại với vợ là chị Hoàng Quỳnh Giang đang cách ly tại nhà ở TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Dù không thiếu những thiết bị thông minh để kết nối nhưng những hình ảnh, những lời yêu thương bất ngờ được thổ lộ khiến không chỉ những người trong cuộc mà những người xung quanh đều cảm thấy xúc động khi Xuân mới đã cận kề.
Điện lực Việt Nam - 66 năm thắp sáng niềm tin
Thực hiện những lời căn dặn giản dị mà sâu sắc của Bác Hồ, trong 66 năm qua, tập thể CBCNV ngành điện đã tận tâm tận lực, gắn bó với nhân dân, đồng hành cùng đất nước cả trong chiến tranh, cũng như trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.
Có thể khẳng định, những đóng góp của ngành điện có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của đất nước.
Trong 66 năm qua, tập thể CBCNV ngành điện đã tận tâm tận lực, gắn bó với nhân dân, đồng hành cùng đất nước cả trong chiến tranh, cũng như trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội
Những trang sử hào hùng
Lịch sử ngành điện gắn liền với các phong trào giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Từ trước Cách mạng tháng Tám, với tinh thần đoàn kết, ý thức kỷ luật cao, những người thợ điện đã tham gia các cuộc đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ.
Ngày 21/12/1954, sau khi tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ kính yêu đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ. Tại đây, Người đã căn dặn: "Nhà máy bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải giữ gìn nhà máy, làm cho nó phát triển hơn nữa...". Ngày 21/12 hằng năm đã trở thành ngày Truyền thống của ngành điện lực Việt Nam.
Kỷ niệm Ngày truyền thống là dịp để CBCNV ngành điện ôn lại lời căn dặn của Bác, điểm lại những mốc son trong lịch sử phát triển của ngành, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn và tri ân những thế hệ đi trước, tới những người đã cống hiến tâm huyết, sức lực và cả máu xương cho sự lớn mạnh của ngành điện hôm nay.
Truyền thống chiến đấu anh dũng, lao động sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo và công nhân lao động ngành điện đã hun đúc nên bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất.
Lớn mạnh không ngừng và vươn lên những tầm cao mới
Những năm qua, hệ thống nguồn và lưới điện liên tục được mở rộng theo quy hoạch phát triển điện lực các giai đoạn. Theo đó, hàng loạt công trình thuỷ điện, nhiệt điện, đường dây truyền tải đã được xây dựng và đưa vào vận hành.
Từ chỗ chỉ có 5 nhà máy nhiệt điện công suất nhỏ, với tổng công suất nguồn 31,5 MW (năm 1954), tính đến cuối năm 2020, tổng công suất đặt nguồn toàn hệ thống đã đạt gần 61.000 MW, đứng thứ 23 trên thế giới về quy mô hệ thống điện.
Không chỉ đưa điện lưới quốc gia đến các vùng sâu vùng xa... ngành điện còn quản lý và cung cấp điện cho 11/12 huyện đảo; đã đưa điện tới 100% số xã, phường với tỉ lệ số hộ dân có điện trong cả nước đạt 99,54%.
Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt cung cấp điện mà còn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Chính phủ về bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân cũng như góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị về quốc phòng-an ninh.
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: Đó là một kỳ tích của ngành điện Việt Nam. Sự nỗ lực của tập thể CBCNV ngành điện đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đi những khoảng tối, nghèo nàn, lạc hậu; thắp sáng niềm tin và hiện thực hóa giấc mơ của người dân nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa. Với những thành tích xuất sắc góp phần thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
66 năm qua là chặng đường đầy gian nan, nhiều khó khăn thách thức nhưng cũng rất đỗi tự hào của Điện lực Việt Nam. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn thử thách do nhu cầu sử dụng điện không ngừng tăng, trong khi thời tiết bất lợi với khô hạn kéo dài dẫn đến thiếu nước tại các hồ thủy điện, thiên tai, bão lũ bất thường, thiếu than, thiếu khí đốt, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao, thu xếp vốn khó khăn... song tập thể CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, vươn đến những đỉnh cao mới. Điển hình như năm 2020, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, EVN cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép: Vừa bảo đảm cung cấp điện trong mọi tình huống để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.
Với quá trình hình thành và phát triển 66 năm qua, hiện nay ngành điện Việt Nam đã kịp thời tiếp cận với trình độ tiên tiến thế giới cả về khoa học công nghệ và khoa học quản lý.
Điển hình như việc tiếp nhận công nghệ turbine khí là công nghệ phát điện tiên tiến, xây dựng đường dây và các trạm 500 kV, làm tiền đề áp dụng khoa học công nghệ mới vào hệ thống điện Việt Nam, xây dựng nhà máy nhiệt điện than công nghệ cao, đồng thời đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Với quy mô hệ thống điện ngày càng lớn mạnh, công tác điều độ hệ thống điện cũng được hiện đại hóa, trang bị hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu.
Đến nay đã có hơn 700 trạm biến áp ở lưới điện cấp điện áp 220 kV và 110 kV đã được tự động hoá, điều khiển và thao tác từ xa. Kết quả giảm tổn thất điện năng ở Việt Nam cũng là điểm sáng hết sức đáng chú ý. Với một quốc gia có địa hình dài và hẹp, tỉ lệ tổn thất điện năng là 6,5% như hiện nay có thể khách quan nhận định đã đạt mức tiên tiến của thế giới, thậm chí còn tốt hơn nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn. Điều này thể hiện sự nỗ lực liên tục lâu dài với mục tiêu đem lại hiệu quả ngày càng càng cao trong sản xuất cung ứng điện của EVN và các đơn vị thành viên.
Những năm gần đây, EVN đã được Tổ chức Hướng tới minh bạch đánh giá là 1 trong các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu về minh bạch thông tin.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đà tăng điểm, đứng ở vị trí 27 trên tổng số 190 quốc gia/nền kinh tế. Việt Nam hiện đứng thứ 4 khu vực ASEAN, trong đó số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành điện Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN.
Về công tác dịch vụ khách hàng, những năm gần đây, EVN đã liên tục đổi mới với mục tiêu ngày càng thân thiện và hiện đại. Năm 2015, EVN đã áp dụng hoá đơn điện tử cho toàn bộ khách hàng, từ ngày 21/12/2018, EVN đã cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến ở cấp độ 4 và triển khai ký kết Hợp đồng điện tử đối với Hợp đồng mua bán điện và các dịch vụ điện năng từ 12/12/2019. Trong tháng 12/2019, EVN đã cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Vào tháng 3/2020, EVN tiếp tục công bố mẫu hóa đơn tiền điện mới, dễ theo dõi và thân thiện hơn cho khách hàng. Gần đây nhất, vào đầu tháng 12/2020 EVN đã công bố triển khai "Hóa đơn tiền điện và các hồ sơ dịch vụ điện ứng dụng QR code". Điều này khẳng định EVN là một trong những doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong việc cải cách để đưa các dịch vụ, hồ sơ nghiệp vụ theo hướng áp dụng các giao dịch điện tử với mức độ bảo mật cao hơn, đảm bảo an toàn về thông tin cho mọi khách hàng.
Kế thừa truyền thống của các thế hệ cha anh, lãnh đạo và cán bộ nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam đặt mục tiêu quyết tâm xây dựng EVN thành một tập đoàn kinh tế mạnh, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và chuyên nghiệp, thân thiện với khách hàng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, giữ trọn niềm tin với Đảng, Chính phủ và nhân dân./.
Hỗ trợ đoàn viên - lao động miền Trung khắc phục thiên tai Sáng 4-11, đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam do ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã đến thăm, trao 1 tỉ đồng hỗ trợ nhân dân tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng bão lụt. Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi lời thăm hỏi, chia sẻ tới lãnh đạo tỉnh Quảng Nam...