Gần 1.000 phụ nữ bán dâm chữa bệnh tập trung sẽ được tự do
Gần 1.000 phụ nữ bán dâm đang chữa trị tại các trung tâm trên toàn quốc sẽ được trả tự do khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực. Tuy nhiên, theo cơ quan công an, hiện tệ nạn mại dâm chưa bị đẩy lùi mà thêm diễn biến phức tạp.
Theo thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, từ 1/7/2013, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực (đã được Quốc hội thông qua) sẽ có gần 1.000 phụ nữ bán dâm đang được chữa trị tại các trung tâm chữa bệnh – giáo dục – lao động xã hội trên toàn quốc sẽ được trả tự do.
Đây là một sự thay đổi lớn về mặt quan điểm trong việc xử lý vấn đề mại dâm của ở nước ta. Từ cách thức áp chế, bắt buộc sẽ chuyển theo hướng thúc đẩy triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong cộng đồng và nhóm người bán dâm đồng thời giúp họ có điều kiện được tiếp cận dễ dàng và tự nguyện các chế độ, chính sách và dịch vụ như: chăm sóc sức khỏe, giảm tổn thương thể chất và tinh thần, pháp lý và dạy nghề, cho vay vốn thông qua các mô hình thí điểm tại cộng đồng…
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện Trung tâm Giáo dục lao động xã hội vẫn còn quản lý 79 gái mại dâm. Những người này đã bị phạt hành chính nhiều lần và đang được dạy nghề tại trung tâm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, toàn bộ số gái bán dâm này sẽ được thả ra bên ngoài khi Luật Xử lí vi phạm hành chính bắt đầu có hiệu lực.
Tệ nạn mại dâm ngày càng diễn biến phức tạp. (Ảnh CTV)
Trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Hà, quyền Cục trưởng Cục PCTNXH nhận định, Luật Xử lí vi phạm hành chính sắp có hiệu lực đã tăng cường các biện pháp nhân đạo. Tuy nhiên bà Hà còn lo ngại về những chính sách, chế độ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm còn thiếu và đang thấp, không có dịch vụ hỗ trợ đặc thù. Hơn nữa, quan niệm của cộng đồng về người bán dâm vẫn còn kỳ thị, không chấp nhận… sẽ là những khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, quản lý nhóm người này.
Trong khi đó, theo báo cáo đánh giá 6 tháng đầu năm 2012 từ Cục PCTNXH, tình hình tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp. Hầu như tỉnh thành nào cũng có tệ nạn mại dâm, nhưng tập trung đông nhất vẫn là ở TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Vũng Tàu…
Theo nhận định từ cơ quan công an, hiện tệ nạn mại dâm chưa có dấu hiệu bị đẩy lùi, ngược lại còn diễn ra với cấp độ tinh vi, phức tạp hơn tại các tụ điểm công cộng và các cơ sở kinh doanh dịch vụ trá hình. Thời gian gần đây, đối tượng hành nghề mại dâm đang ngày càng trẻ hóa. Thậm chí ngay cả những người có việc làm, có thu nhập ổn định như ca sĩ, người mẫu… cũng tham gia bán dâm
Video đang HOT
Đáng chú ý, những người này hoạt động rất tinh vi, tập trung ở cả các tụ điểm mại dâm công cộng và trá hình trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hoạt động mại dâm có tổ chức với quy mô lớn, thu nhập cao ngày càng gia tăng, đặc biệt đối tượng liên quan đến người mẫu, diễn viên, hoa hậu thông qua môi giới điều hành, sử dụng internet, phương tiện liên lạc để tiếp thị, mại dâm theo tour du lịch. Độ tuổi của người bán dâm trẻ hóa, có sự tham gia của cả học sinh, sinh viên. Mại dâm và quan hệ tình dục không an toàn đang trở thành một trong những nguyên nhân chính lây truyền HIV/AIDS.
Khảo sát tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM cho thấy thu nhập trung bình của người hành nghề mại dâm tại các thành phố lớn này đạt trên 10 triệu đồng/tháng.
Theo Dantri
Ám ảnh khủng khiếp của người tắm xác chết
Căn phòng rộng 15m2 ảm đạm, âm khí nặng nề. Những chiếc ván tắm cho người chết ngổn ngang, bàn thờ đặt giữa nhà xác, không khí tang thương. Đây chính là 'phòng làm việc' của ông Thanh suốt nhiều năm trời.
"Nửa đêm, có tin bệnh nhân mới chết, tôi lại đến bệnh viện, với sự hỗ trợ của các anh em, thay quần áo, tắm rửa cho xác chết để khâm liệm đúng giờ. Bệnh nhân chết vì AIDS nên cơ thể lở loét, bốc mùi khó chịu, làm xong thì trời vừa sáng" - ông Nguyễn Văn Thanh, người trông nhà đại thể Bệnh viện 09 cho biết.
Xác chết trợn mắt trừng trừng
Theo chân ông Nguyễn Văn Thanh vào nhà xác Bệnh viện 09 (Thanh Trì - Hà Nội), chúng tôi không khỏi kinh hãi khi cánh cửa nhà xác mở ra.
Căn phòng rộng 15m2 ảm đạm, âm khí nặng nề. Những chiếc ván tắm cho người chết ngổn ngang, bàn thờ đặt giữa nhà xác, không khí tang thương. Đây chính là "phòng làm việc" của ông Thanh suốt nhiều năm trời. Không chịu được mùi khó chịu, chúng tôi vội vã bước ra ngoài.
Hàng trăm tử thi đã nằm đây đợi xử lý
Theo lời ông Thanh, không hiểu vì sao các bệnh nhân đều chết lúc nửa đêm. Mỗi lần như thế, ông lại phải trốn vợ con ở nhà, tới "vật lộn" với xác chết. "Hầu hết bệnh nhân đều không có người nhà, nên chúng tôi phải tự tay thay quần áo, đưa vào nhà xác, bó xác chờ khâm liệm. Đa số các bệnh nhân đều bị nhiễm AIDS, nên khi đưa vào nhà xác, người đã lở loét, bốc mùi rất khó chịu", ông Thanh nói.
Một trường hợp khi khâm liệm cho bệnh nhân AIDS tử vong được đưa xuống nhà xác, ông lấy tay vuốt mắt, mãi mà mắt tử thi không nhắm lại được. Ông Thanh vừa thay quần áo cho tử thi, vừa bị ám ảnh bởi đôi mắt trợn trừng, khi khâm liệm bằng quả trứng, bát cơm, vài lời khấn thì mới vuốt được mắt cho cái xác này.
"Lúc đó tôi bủn rủn hết cả chân tay, về nhà nằm ngủ mà vẫn bị đôi mắt đó ám ảnh, đến giờ thi thoảng nghĩ lại vẫn cảm thấy kinh hãi" - ông Thanh cho biết.
Ông Thanh kể cho chúng tôi những câu chuyện khi xử lý tử thi
Trong cuốn sổ đã ngả màu năm tháng, danh sách những tử thi AIDS trong tay ông lại dài hơn. Con số đó đã lên tới hàng nghìn người. Mỗi một lần khâm liệm xác là một lần những câu chuyện hãi hùng cứ nhiều dần lên trong đầu óc ông. "Những hình ảnh đó ám ảnh tôi mỗi đêm hay khi ăn uống, nhưng muốn xóa đi mà nó lại cứ nhiều thêm" - ông Thanh thở dài.
Nửa đêm trốn vợ
"Nếu làm sai một số nguyên tắc phòng hộ thì rất dễ bị lây nhiễm. Khi xử lý những tử thi của người bị nhiễm AIDS, chúng tôi được cơ quan vệ sinh phòng dịch cấp thuốc sát trùng tử thi trước khi tiến hành khâm liệm và người chết cũng được bỏ vào bao ni lông để tránh toả hơi độc. Nhiều lúc đối mặt với tử thi cũng sợ lắm chứ, nhưng làm mãi thành quen" - ông Thanh cho biết.
Công việc tiếp xúc với người chết, nhất là chết vì bị nhiễm AIDS không khiến ông cảm thấy buồn, trái lại ông cảm thấy mình đang làm những việc rất có ý nghĩa. "Cuộc sống luôn sắp xếp mỗi người một công việc, những tử thi kia họ cũng là con người, dù bị nhiễm AIDS hay không. Nhiều lúc nghĩ đến họ cũng cảm thấy thương tâm lắm. Lúc sống không có người chăm sóc, khi chết đi cũng chẳng có người đưa tang. Dù khi sống họ đã sai lầm, nhưng khi chết đi họ đã phải trả giá cho những sai lầm đó, cần mang lại điều gì ý nghĩa để họ đỡ tủi thân khi về nơi chín suối".
PV phải mặc áo ấm để vào nhà xác cùng ông Thanh
Xử lý tử thi không làm ông sợ, thế nhưng ông lại sợ con mình biết nghề của bố, rồi sợ bạn bè con dị nghị việc bố đang làm. Đó là nỗi khổ tâm lớn nhất của người đàn ông tuổi lục tuần: "Từ khi làm việc ở đây năm 2004, chỉ có vợ tôi biết, ngoài ra không dám cho con cháu biết mình làm nghề gì, có chăng chỉ biết bố làm trong bệnh viện. Cũng bởi sự kỳ thị với bệnh AIDS quá lớn, nên những người làm nghề xử lý tử thi AIDS cũng phải giấu mình" - ông Thanh cho biết.
"Tiếp xúc nhiều với tử thi, nhiều lúc trong lòng tôi cũng trống trải như "bãi tha ma" bởi những nỗi niềm. Nhiều khi, nửa đêm đang yên giấc, chuông điện thoại reo, biết là có tử thi vừa đưa vào nhà xác, tôi lại lén lút trốn vợ con đến viện để cùng đồng nghiệp "đánh vật" với xác chết đến khi trời sáng", ông Thanh chia sẻ.
"Hiện tại BV 09 đang điều trị nội trú cho trên 60 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, chưa kể mỗi tháng có thêm khoảng 70 - 100 người đến khám, lấy thuốc điều trị. Bệnh nhân đến đây điều trị đều nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, không những thế, họ còn mắc thêm những bệnh hiểm nghèo khác, như lao, gan, hạch... Các gia đình đưa người bệnh vào đây điều trị, hầu hết không quay trở lại thăm nom mà phó thác cho bệnh viện, khi bệnh nhân qua đời, bệnh viện cũng phải tự làm các thủ tục, tổ chức mai táng cho bệnh nhân", ThS.BS Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Bệnh Viện 09 cho biết.
Hầu hết, các bệnh nhân đều một thời lầm lỗi. Họ đã từng làm tan nát hạnh phúc gia đình, đã từng khiến bao nhiêu người lâm cảnh bất hạnh. Khi điều trị trong viện, họ mới nhận ra những điều ý nghĩa của cuộc sống. Bệnh nhân nào trước khi chết cũng đều ngỏ ý được người thân đưa về...
"Trường hợp như bệnh nhân Hải, trước khi chết, bệnh nhân đã gửi gắm nguyện vọng là được an táng ở quê hương, bên phần mộ tổ tiên nhưng cuối cùng người thân của bệnh nhân này không đến nhận. Bệnh viện lại làm thủ tục an táng như những bệnh nhân khác. Không chỉ riêng bệnh nhân Hải, mà đa số các bệnh nhân ở đây trước khi nhắm mắt xuôi tay đều có tâm niệm như vậy. Nhưng một năm trong số hàng trăm bệnh nhân, cũng chỉ có một, hai trường hợp được người nhà tới nhận mà thôi".
"Có trường hợp, chúng tôi đang tổ chức khâm liệm, làm thủ tục đưa bệnh nhân đã chết đi hoả táng, người nhà bệnh nhân có đến nhưng đứng ở cổng viện. Một lúc sau, họ ra về mà không nhìn mặt con mình một lần. Dù mắc bệnh gì đi nữa, lỗi lầm gì đi nữa, thì khi chết đi, bệnh nhân vẫn là con người, sao lại vô cảm như thế" - ông Nguyễn Văn Thanh buồn rầu.
Theo VNN
Xuất hiện bệnh lạ giống HIV/AIDS ở Việt Nam: Tin vịt! Chiều 27/8, nhiều người dân ở TP.Hồ Chí Minh hoang mang đồn đoán về căn bệnh lạ giống HIV/AIDS xuất hiện tại thành phố sau khi một trang điện tử có bài viết khẳng định: "Bệnh lạ giống HIV/AIDS xuất hiện ở Việt Nam". Liệu Việt Nam đã xuất hiện bệnh này? Bài viết trên đã khẳng định nhiều BV như: Chợ Rẫy,...