Gần 100 xe VinFast khởi động hành trình chinh phục địa đầu Tổ quốc
Hào hứng, phấn khích, xúc động và tự hào… là cảm nhận của hơn 300 thành viên tham gia Canavan “Cùng VinFast chinh phục địa đầu Tổ quốc Hà Giang” sáng 6/12/2019 tại Hà Nội.
Không chỉ là sự kiện offline lớn nhất từ trước đến nay của cộng đồng yêu xe, với quy mô lên đến gần 100 xe – canavan còn mang ý nghĩa đặc biệt: đi để quảng bá cho vẻ đẹp và niềm tự hào Việt.
Ngay sau khi phát động cách đây khoảng 2 tuần, Caravan “Cùng VinFast chinh phục địa đầu Tổ quốc Hà Giang” đã lập tức thu hút được sự tham gia của hàng trăm VinFaster (chủ xe VinFast), và rất nhiều gương mặt nổi tiếng trong làng giải trí Việt như Bảo Thanh, Mạnh Trường, Hồng Đăng, Soobin Hoàng Sơn, Helly Tống…
Hà Nội lúc 6 giờ sáng, trời rét đậm nhưng bầu không khí tại Đại đô thị Vinhomes Ocean Park (Hà Nội) lại vô cùng nóng bỏng và náo nhiệt bởi Lễ khởi hành Canavan quy mô lớn nhất của một cộng đồng người yêu xe từ trước tới nay.
Gần100 xe VinFast, gồm cả ba mẫu ô tô VinFast Lux SA 2.0, Lux A 2.0 và Fadil đã tề tựu từ tờ mờ sáng để sẵn sàng cho một hành trình chinh phục cực bắc của Tổ quốc.
Điều đặc biệt là tất cả các xe đều dán Quốc kỳ trên nóc xe, đúng như tinh thần “đi xe Việt để đi để quảng bá cho vẻ đẹp và niềm tự hào Việt”
Đó cũng là ý nghĩa được truyền tải trong bài hát “Vì một VinFast” được sáng tác dành riêng cho hành chinh phục Hà Giang lần này, do ca sỹ Soobin Hoàng Sơn trình bày. Thông điệp xúc động của bài hát đã khiến rất nhiều VinFaster phấn khích hát theo.
Bị thu hút bởi ý nghĩa đặc biệt của hành trình: đi để quảng bá cho vẻ đẹp và niềm tự hào Việt – Canavan “Cùng VinFast chinh phục địa đầu Tổ quốc Hà Giang” -nhiều ngôi sao nổi tiếngnhư Bảo Thanh, Mạnh Trường, Hồng Đăng, Soobin Hoàng Sơn, Helly Tống… tỏ ra rấthào hứng tham gia hành trình.
Video đang HOT
“Tự hào Việt Nam – tôi nghĩ là tên thích hợp nhất để đặt cho chuyến đi này. Đây là một trong những trải nghiệm độc nhất vô nhị trong cuộc đời tôi: một hành trình của nhũng điều kì diệu” – là đề xuất của diễn viên Mạnh Trường trước giờ xuất phát
Trong khi đó VinFaster Bảo Thanh – ngôi sao của “Về nhà đi con” – lại thổ lộ: “Ý nghĩ con gái yếu mềm như mình mà lái xe suốt chặng đường dài như cũng chùn chân. Nhưng vì là VinFast, thương hiệu mình tin tưởng và yêu thích từ những ngày đầu ra mắt nên sự chùn chân lại biến thành những háo hức và mong chờ”
Nữ fashionista Helly Tống cùng bạn thân Thiên Minh cũng đăng ký tham dự chương trình từ rất sớm. “Xe VinFast thực sự phù hợp với những người trẻ văn minh, năng động. Chúng tôi đang chờ những trải nghiệm đặc biệt với chuyến hành trình này”, Helly Tống nói.
Trong chuyến đi kéo dài 3 ngày, đoàn xe VinFast sẽ chinh phục Mã Pí Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo ngắm vẻ hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn, đắm chìm trong những cánh đồng hoa tam giác mạch ngút ngàn và đứng dưới lá cờ thiêng Tổ Quốc tại địa đầu biên ải – Cột cờ Lũng Cú.
Hành trình caravan chinh phục cực Bắc của Tổ quốc chính là dịp để cộng đồng trực tiếp trải nghiệm sức mạnh và độ tin cậy của những chiếc ô tô mang tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam, bằng bàn tay, khối óc của người Việt Nam.
Cộng đồng VinFaster hiện là một trong những cộng đồng xe lớn và có sự phát triển nhanh nhất hiện nay, khẳng định uy tín và vị thế ngày một lớn của thương hiệu xe đã làm nên niềm tự hào của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Theo Danviet
Nỗi lo 'ưu đãi nửa vời' ngành ôtô Việt
Các hãng muốn lắp ráp xe lo ngại vì ôtô nhập khẩu hưởng thuế 0%, nhưng ôtô lắp ráp lại không có ưu đãi tương tự.
Cuối tháng 11, VinFast chứng minh việc đang phải bù lỗ bằng cách đưa ra bảng tính giá chi tiết. Theo đó, mỗi chiếc Lux A lỗ 267 triệu, 153 triệu với Lux SA và 61 triệu với Fadil. Mức lỗ này còn chưa tính "ba không", gồm không chi phí khấu hao, không chi phí tài chính và không lãi. Điều này có nghĩa, để hãng có lãi trên mỗi đơn vị xe bán ra theo hoạt động kinh doanh thông thường, giá xe phải tăng thêm 300-400 triệu.
Xe VinFast trong phòng sơn. Ảnh: Minh Tuấn
Cùng lúc ấy, tại diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ 2019, đại diện Thaco và Trường Hải cùng bày tỏ những quan ngại về việc giá xe ở Việt Nam cao hơn các nước, vì giá nhập khẩu linh kiện còn khá cao. Cả hai ông lớn đều muốn Chính phủ hỗ trợ xe sản xuất, lắp ráp trong nước trong bối cảnh xe nhập khẩu được hưởng thuế 0% từ năm 2018.
Còn Thành Công thì sao? Một lãnh đạo cấp cao của Hyundai Thành Công trước đây (hiện đổi tên thành TC Motor) từng chia sẻ khi Nghị định 125 được ban hành cuối 2017, rằng nếu chỉ dừng lại ở một chính sách như thế này, thì đó chỉ là "ưu đãi nửa vời". Vị này cho rằng cần phải có thêm những hỗ trợ khác như miễn thuế TTĐB cho phần giá trị tạo ra trong nước, và tin rằng sẽ "sớm có những chính sách mới". Nhưng từ đó tới nay, đã sau hai năm, ngành ôtô Việt Nam vẫn chưa có thêm chính sách nào đặc biệt.
Chính sách chưa thỏa lòng nhà sản xuất
Nghị định 125/2017 quy định biểu thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa cho thấy, hãng sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước có thể được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% với linh kiện, nhưng phải đảm bảo sản lượng theo quy định. Với ràng buộc đó, chỉ những ông lớn đạt được. Các hãng có thị phần nhỏ hơn, nếu muốn sản xuất, cũng khó lòng được hưởng ưu đãi. Điều này càng làm các hãng nản lòng, và thực tế cho thấy, hầu hết các liên doanh đã chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu trong hai năm qua.
Cũng hai năm qua, xuất hiện ở những lễ khởi công, khánh thành nhà máy ôtô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nhấn mạnh, cần xây dựng một ngành công nghiệp ôtô với định hướng sản xuất, lắp ráp chứ không phải nhập khẩu. "Kiềng ba chân" trong chiến lược này, là VinFast, Trường Hải và Thành Công. Nhưng hiện tại, cả ba chân kiềng, cùng "kẻ ngoại đạo" Toyota - hãng liên doanh chiếm thị phần lớn nhất ở Việt Nam - đều kêu khó vì thiếu chính sách.
Vậy hiện nay các hãng sản xuất, lắp ráp đang được ưu đãi những gì? Chưa có gì rõ ràng, ngoài Nghị định 125 (với điều kiện về sản lượng). Trong khi xe lắp ráp chưa chắc đã được hưởng thuế ưu đãi 0% nhập khẩu linh kiện, nhưng xe nhập khẩu từ ASEAN thì đã chắc chắn hưởng thuế 0%. Nghị định 116 được ban hành song song với Nghị định 125 để hạn chế xe nhập khẩu, nhưng từ đầu 2019, hầu hết các hãng đều đã "vượt rào" thành công, xe lại cập cảng ào ạt. Lý lẽ của các hãng lắp ráp là, ưu đãi hiện nay mới chỉ được nửa mục tiêu, đủ để giúp xe lắp không bị lép vế so với xe nhập, còn vượt trội, thì chưa có. Tỷ số cuộc đấu, vẫn là 1-0 nghiêng về xe nhập.
Còn những ưu đãi khác thì sao? VinFast cho biết, nhà máy của hãng nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), nên sẽ được hưởng một số ưu đãi. Hãng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Nhưng hiện tại hãng chưa có lãi nên chưa được ưu đãi thuế. Riêng về thuế giá trị gia tăng (VAT), hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải không phải chịu thuế VAT. Ngoài ra, dự án cũng được một số ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Xe Kia ở nhà máy tại Chu Lai. Ảnh: Đức Huy
Không chỉ mình VinFast, Trường Hải cũng được hưởng những chính sách tương tự từ tỉnh Quảng Nam khi đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai. Nhà máy của Toyota ở Vĩnh Phúc hay TC Motor ở Ninh Bình cũng nhận ưu đãi từ địa phương bởi lợi ích rõ ràng mà hai bên mang lại cho nhau.
Nhưng, đây là những ưu đãi chung, dành cho tất cả các doanh nghiệp và do mỗi Khu công nghiệp, khu kinh tế ở từng địa phương chủ động điều chỉnh, không phân biệt sản phẩm sản xuất. Các hãng xe vẫn chờ đợi những ưu đãi riêng dành cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô.
Cuộc điều đình chính sách mới
Chính phủ hiểu mong muốn của doanh nghiệp, nhưng chưa thể "bung" chính sách tràn lan vì cần cân bằng giữa chính sách phát triển ngành và các mục tiêu kinh tế, xã hội khác. Trong Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ 2019, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết vì thị trường còn nhỏ nên chưa đủ điều kiện để phát triển giống các nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới. Đây cũng là lý do mà từ nhiều năm nay, cơ quan hữu trách và doanh nghiệp không tìm được tiếng nói chung, dẫn tới câu chuyện "con gà, quả trứng".
Các hãng cần bán được nhiều xe để thu hút nhà đầu tư vào mạng lưới công nghiệp hỗ trợ. Nhưng Chính phủ phải cân nhắc không để lượng xe hơi gia tăng quá nhanh tránh vỡ trận về hạ tầng giao thông, kinh tế xã hội. Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhiều năm trước từng thừa nhận "không hiểu chúng ta muốn gì ở ngành này". Ông cho rằng nếu muốn phát triển công nghiệp ôtô thì phải chú trọng vào hạ tầng từ 20 năm trước.
Quan điểm này được ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco chia sẻ rằng phải đạt sản lượng cao mới hy vọng phát triển ngành. Ông cho rằng một hãng sản xuất không chỉ để phục vụ thị trường nội địa, mà phải hướng tới xuất khẩu. Ngay cả Thái Lan, Indonesia, những thị trường có sức mua lớn trong khu vực, nhưng ngành 4 bánh các nước này xuất khẩu với tỷ trọng rất lớn, chứ không chỉ dành cho nội địa.
Cũng bởi những giằng co này mà tới nay, tỷ lệ nội địa hóa ôtô ở Việt Nam trung bình mới đạt 7-10%, trong khi Thái Lan đã tới 80%. Số lượng xe sản xuất nội địa ở Việt Nam chỉ bằng 72% doanh số, trong khi ở Thái Lan số xe sản xuất gấp đôi doanh số nội địa. Phần "thừa", dành cho xuất khẩu
Một lý do nữa được cơ quan hữu trách đưa ra là sự điều tiết nguồn linh kiện của các hãng. Các hãng liên doanh thường sử dụng mạng lưới cung ứng từ chính quốc gia của mình, được hình thành từ lâu trong lịch sử kinh doanh. Ví dụ, một hãng xe Nhật sang Việt Nam sẽ mang theo một số công ty linh kiện (OEM) cũng của Nhật, phần linh kiện còn lại được nhập khẩu cũng của các OEM này đóng nhà máy ở nước khác. Các hãng liên doanh không mặn mà việc mở rộng mạng lưới cung ứng trong nước, dù vẫn nói mục tiêu là tăng nội địa hóa. Bởi vậy, nhiều năm qua, lượng nhà cung ứng ở Việt Nam khá thấp, chỉ gần 280 công ty. Ở Thái Lan, con số này là hơn 2.000, theo số liệu của Marklines.
Vấn đề này có thể được giải quyết với các nhà sản xuất ôtô của Việt Nam, vốn chưa bị ràng buộc với bất cứ hệ thống cung ứng nào. Thaco hay TC Motor vẫn phụ thuộc ít nhiều vào Mazda, Kia hay Hyundai, bởi nhà máy tại Việt Nam ở dạng "lắp ráp" chứ không phải "sản xuất". Sức mạnh chi phối của một nhà máy lắp ráp là không đủ lớn so với nhà máy sản xuất. Nhưng VinFast thì có thể thay đổi, bởi xây dựng từ đầu.
Hãng xe của Vingroup sau khi xây dựng nhà máy đã bắt đầu phát triển mạng lưới cung ứng. Hãng này đã kéo được những tên tuổi như ZF, Lear, Lear, Faurecia, Antolin, Aapico, LG Chem, VinFast - An phát, Nexmo, Namyang xây dựng nhà máy ở khu tổ hợp của VinFast ở Hải Phòng. Mục tiêu của hãng là đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%.
Điều các hãng cần để thu hút thêm nhà đầu tư vào công nghiệp phụ trợ là tháo được nút thắt mang tên chính sách. Để công ty cung ứng đặt nhà máy, họ cần được cam kết về sản lượng từ hãng xe, đồng nghĩa việc hãng xe phải sản xuất được nhiều xe để cần nhiều linh kiện. Muốn sản xuất nhiều, hãng phải có thị trường, là nội địa và xuất khẩu. Điều kiện tiên quyết để tạo lợi thế trên thị trường, là giá phải giảm. Muốn giá giảm, phải tăng sản lượng và được hỗ trợ bớt những khoản thuế, phí từ Chính phủ.
Ưu đãi mà các hãng đang muốn Chính phủ ban hành nhất hiện nay là miễn thuế TTĐB cho phần giá trị sản xuất trong nước, thứ mà Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã làm nhiều năm nay, theo ông Tài của Thaco. Đề xuất này, vốn đã được Bộ Công thương đưa ra từ giữa 2017, nhưng chưa thành hiện thực, bởi những e ngại về việc không tuân thủ các cam kết quốc tế trong vệc đối xử công bằng.
Một đề xuất khác của các hãng là bỏ điều kiện về sản lượng trong Nghị định 125. Tức là, cứ nhập khẩu linh kiện (loại trong nước chưa thể sản xuất) sẽ được áp thuế 0%, mà không cần quan tâm tới việc phải sản xuất được bao nhiêu xe trong thời gian quy định. Bộ Tài chính cũng đồng tình với quan điểm này và cho biết sẽ trình chính phủ để có những sửa đổi phù hợp.
Nếu những ưu đãi này thành hiện thực, không còn "nửa vời" thì những VinFast, Thaco, Thành Công sẽ có cơ hội để đạt những mục tiêu to lớn đặt ra, mà đôi khi là "khó tin" trong điều kiện hiện tại.
Với khách hàng, "họ không có nghĩa vụ phải mua xe lắp ráp để ủng hộ ngành công nghiệp ôtô trong nước", một chuyên gia chiến lược ngành ôtô nhận định. Thứ họ cần là sau quá trình hòa trộn của linh, phụ kiện cùng chính sách, sẽ tạo ra chiếc ôtô lắp ráp trong nước có giá rẻ hơn so với xe nhập khẩu, tất nhiên vẫn phải đảm bảo chất lượng. Khi ấy, không cần kêu gọi, người Việt tự khắc đi xe Việt.
Theo Vnexpress
Bảng giá xe VinFast tháng 12/2019: Fadil giảm giá đấu Hyundai Grand i10 Bongdaplus.vn cập nhật bảng giá xe ô tô VinFast mới nhất trong tháng 12/2019. Trong đó, mẫu VinFast Fadil tiếp tục được nhận ưu đãi giảm giá để tăng sức cạnh tranh với Hyundai Grand i10, Kia Morning hay Toyota Wigo. Hiện tại VinFast đang bán 3 dòng xe tại thị trường Việt Nam bao gồm VinFast Fadil, VinFast Lux A2.0 và Lux...